I. KINH BẮC QUA QUẾ ĐƯỜNG THI TẬP

Kinh Bắc thời Lê Quý Đôn (1726-1784) là một trấn có diện tích tự nhiên chừng 6.500km2, ngày nay vẫn còn hai tỉnh cốt lõi là Bắc Ninh (823km2) và Bắc Giang (3.827km2), thuộc dạng địa phương đất hẹp người đông – chỉ tương với 3 trong Tứ trấn (Sơn Nam, Sơn Tây và Hải Đông) và An Quảng, Cao Bằng nhưng lại nhỏ hơn Lạng Sơn (7.500km2), Thái Nguyên (8.400km2), bằng một nửa Thanh Hóa (12.600km2), Tuyên Quang (13.000-14.000km2), một phần ba Nghệ An (22.500km2) và cũng như tất cả các trấn, không thể so sánh với Hưng Hóa (50.000km2).

[Con số về diện tích tự nhiên trên đây, tác giả chỉ ước tính, vì thế độ chính xác chỉ là tương đối]

Bao quanh Kinh Bắc, ngoài Đông Đô là Hải Đông (Hải Dương), An Quảng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Sơn Tây và Sơn Nam. Doanh trấn Kinh Bắc đóng ở Thị Cầu, cai quản 4 phủ, 20 huyện và 1.138 xã, phường như Phan Huy Chú ghi lại trong Lịch triều hiến dương. Dư địa chí sau đây:

“Kinh Bắc phía nam giáp trấn Sơn Nam, trấn Hải Dương; phía bắc giáp trấn Thái Nguyên, phía tây liền với Sơn Tây, phía đông tiếp giáp Lạng Sơn. [Kinh Bắc] có mạch núi cao vót, nhiều sông quanh vùng, là mạn trên của nước ta. Phong cảnh thì phủ Bắc Hà, phủ Lạng Giang đẹp hơn. Văn học thì phủ Từ Sơn, phủ Thuận An nhiều hơn. Mạch đất tốt tụ vào đấy, nên càng nhiều chỗ có dấu tích đẹp; tinh hoa họp vào đấy, nên sinh ra nhiều danh thần. Vì là khí hồn trọng ở phương Bắc phát ra nên khác với mọi nơi”.

Đối với các phủ, Phan Huy Chú trong sách trên cho biết:

  1. Phủ Từ Sơn: “Ở giữa Kinh Bắc, địa thế bề ngang kéo dài. Làng Cổ Pháp thuộc huyện Tiên Du [đúng ra là huyện Đông Ngàn] là ấp thang mộc của đời Lý, khí thiêng của đất chung đúc, lăng của tám vị vua nhà Lý um tùm thành rừng. Về cảnh núi sông thì có núi Tiêu Sơn, núi Phật Tích, núi Phả Lại, núi Lãm Sơn, núi Trâu Sơn, sông Nguyệt Đức, sông Thiên Đức.

Về khoa học thì phủ này đứng đầu cả nước (283 người đỗ). Năm huyện đều có người đỗ nhưng huyện Đông Ngàn nhiều hơn (huyện Võ Giàng có 30 người, huyện Quế Dương có 29 người, huyện Tiên Du có 42 người, huyện Yên Phong có 40 người, huyện Đông Ngàn có 130 người). Về những dòng họ nối đời hiển đạt như các họ ở làng Kim Đôi, Vĩnh Kiều, Vân Điềm, Vọng Nguyệt đều hơn cả một xứ. Phong tục phần nhiều chuộng văn hóa, ít quê kệch. Phong cảnh và nhân vật ở hai huyện Đông Ngàn và Tiên Du hơn các huyện một chút”.

  1. Phủ Bắc Hà: “Ở phía bắc trấn Kinh Bắc. Huyện Tiên Phúc đất liền miền thượng du. Huyện Kim Hoa tiếp giáp Sơn Tây. Huyện Yên Việt, Hiệp Hòa tiếp giáp địa giới Lạng Giang. Cổ tích có núi Vệ Linh là chỗ Đổng Thiên Vương bay lên trời. Về khoa mục thì huyện Kim Hoa nhiều hơn, rồi đến huyện Hiệp Hòa, huyện Tiên Phúc, huyện Yên Việt (huyện Kim Hoa có 17 người, huyện Hiệp Hòa có 10 người, huyện Tiên Phúc có 8 người, huyện Yên Việt có 6 người).
  2. Phủ Lạng Giang: “Ở miền thượng du trấn Kinh Bắc, sáu huyện đều nhiều núi; những huyện Phượng Nhỡn, Bảo Lộc, Yên Thế, Hữu Lũng rừng núi liên tiếp nhau, giáp giới huyện Chí Linh thuộc trấn Hải Dương. Dòng Xương Giang từ sông Lục Đầu trở lên quanh vòng ở khoảng sáu huyện. Thời Trần, Hưng Đạo Vương thường coi quân ở phủ Lạng Giang, mở dinh thự ở trại Vạn Kiếp, đánh phá quân Nguyên ở đấy. Sau khi [ông] mất, táng tại vườn trong chỗ ở. Nay có đền thờ ở đấy, có tiếng linh dị.

Về khoa mục, chỉ có 4 huyện Yên Thế, Phượng Nhỡn, Bảo Lộc, Yên Dũng là có người đỗ mà huyện Yên Dũng nhiều hơn (huyện Yên Thế có 4 người, huyện Phượng Nhỡn có 5 người, huyện Bảo Lộc có 3 người, duy huyện yên Dũng có 23 người). Phong cảnh, nhân vật trong phủ thì huyện Hữu Lũng hơn các huyện khác một chút, còn đều là rừng rú thung lũng, đất sỏi khác hẳn các đạo ở miền dưới. Khi trong nước có biến loạn thì chỗ này là tổ trộm cướp. Khoảng đời Quang Thiệu [1516-1527] nhà Lê, Trần Tung [Thung – còn gọi là Cảo] nổi loạn, chiếm giữ một giải đất này, đến năm, sáu năm rồi truyền cho con là Thăng. Sau quan quân mới dẹp yên được”.

  1. Phủ Thuận An: “Ở phía tây nam trấn Kinh Bắc, cõi đất xa rộng. Sông Thiên Đức vòng quanh năm huyện. Núi Đông Cứu là nơi có tiếng hơn cả trong một phủ. Cổ tích có chùa Pháp Vân, chùa Đại Bi, đền Lệ Mật.

Về khoa mục, huyện Gia Lâm đứng đầu rồi đến huyện Lương Tài, huyện Văn Giang, huyện Gia Đình, huyện Siêu Loại (huyện Gia Lâm có 60 người, huyện Lương Tài có 55 người, huyện Văn Giang có 43 người, huyện Gia Định có 43 người, huyện Siêu Loại có 36 người).

Văn học thì tương đương phủ Từ Sơn. Thói quen đều chuộng ưa văn nhã. Ruộng cấy lúa mùa rất tốt; việc làm ruộng, việc trồng dâu đều phồn thịnh. Phong tục, nhân vật hơn cả một xứ”.

Rõ ràng, trấn Kinh Bắc thời Lê Quý Đôn đến nhận chức Đốc đồng (1764) vốn là một vùng đất giàu đẹp và tài hoa nhưng cũng vừa trải qua những cơn bão tố khốc liệt.

Vào đầu thế kỷ XVIII, nhà nước phong kiến của tập đoàn vua Lê chúa Trịnh bước vào thời kỳ khủng hoảng nặng nề khiến xã hội rối loạn, người nông dân không biết lấy gì để sống(1). Tình cảnh thảm đạm ấy vẫn không hề được giai cấp thống trị ngó ngàng tới. Năm 1714, Trịnh Cương vẫn bắt dân các huyện Gia Bình, Lang Tài, Quế Dương đóng góp nhân tài vật lực để sửa chữa chùa Phúc Long trên núi Thiên Thai. Suốt 6 năm liên tục nhân dân phải lao dịch khổ sở, đâu đâu cũng nổi lên lời ca thán phỉ báng chính sự đương thời, dị nghị các nhà chức trách(2).

Tập hợp tác phẩm của Nhà bác học Lê Quý Đôn.

Lúc bấy giờ Hoàng Công Phụ(3) chuyên lộng, khí thế hét ra lửa, phe cánh y đều cầm trọng binh, chúng cắt đặt phế truất gì không ai dám trái. Trộm cướp đầy rẫy, lòng người nhao nhao… phú dịch phiền phức nặng nề, không biết kêu vào đâu được. Dân đều than thở, oán giận, mong loạn(4).

Khắp một vùng Kinh Bắc khi ấy, nơi nào cũng lâm vào cảnh lụt lội đói kém, đến nỗi nhà nước phải tổ chức phát chẩn cho những người thất nghiệp, lưu tán. Năm 1729 đê sông Hồng bị vỡ, nhân dân phải khơi đào kênh Nghĩa Trụ để tháo nước. Năm sau đê này lại vỡ và cứ liên miên như vậy cho đến năm 1741 thì nạn đói lớn nhất thế kỷ bùng ra, khiến cho dân lưu vong bồng bế bắt díu nhau đi kiếm ăn đầy đường. Giá gạo cao vọt. Một trăm đồng không đổi được bữa ăn. Dân phần nhiều phải sống bằng rau cỏ đến nỗi phải ăn cả chuột rắn. Người chết đói ngổn ngang, người sống sót không còn một phần mười. Làng nào có tiếng là trù phú cũng chỉ còn độ 5-3 hộ mà thôi. Hậu quả ghê gớm đó, mấy chục năm sau, khi Lê Quý Đôn đến nhận chức mà vẫn thấy được ghi lại một cách hiện thực cảnh lầm than của dân chúng trong vùng do hậu quả nặng nề của đại hạn, những vùng ông đã đi qua, những con người mà ông đã được tiếp xúc. Bài thơ của ông được viết theo lối trường thiên gồm 24 câu thất ngôn, xin trích một đoạn như dưới đây:

“Bắc Giang sĩ nữ diện lê hoắcCát cao hưu nhật vô hưu tức

Cận địa trì thủy tam bách tiền

Viễn điền bán thược diệc nan đắc

Quyến mẫu bất vong như bạch sa

Uông lưu vị thành huống sáp hòa

Tiểu dân ngao ngao đái canh thụ

Sầu mi bất thủ tương hu ta.

Ngã hành Quế Dương hựu Gia Định

Thượng lịch Yên Phong, Hiệp Hòa cảnh

Hữu xứ đạo ương tài như châm

Hữu xứ hoàng trùng thực can tịnh…”

(Trai gái Bắc Giang mặt đen xạm!Cái gàu suốt ngày không nghỉ tạm.

Ao gần, ruộng đáng ba trăm tiền,

Ruộng xa, nửa gáo nước chẳng đến!

Xa trông đồng đất trắng phau phau

Mạ ủ chưa lên nói cấy đâu

Dân mọn nhao nhao chờ nước xuống

Lông my không ngước thở than sầu.

Ta đi Quế Dương lại Gia Định

Yên Phong, Hiệp Hòa nhìn quang cảnh

Có chỗ mạ nhú như cái kim

Có chỗ hoàng trùng ra cắn sạch…)

(Trấn doanh kỳ vũ)

Khi qua sông Đuống, thấy cảnh long đông lo cơm từng bữa của dân lành, ông không khỏi bùi ngùi:

“Phầu nạn mưu đạo lươngSinh dân vị y thực

Tân khổ vị tứ dân

Ngật ngật bất hoàng tức”

(Chim chóc tìm kẽ lúaNgười ta tìm áo cơm

Dân nghèo cay đắng thật

Long đong ngày sớm hôm)

(Độ Thiên Đức giang)

Ngay khi mới đặt chân đến Kinh Bắc, Lê Quý Đôn đã nhận thấy đây là mảnh đất có nhiều nhà quyền quý nhưng họ ít thương đồng loại, trái lại nhiều khi còn ra tay vơ vét. Ngoài việc cấm các hào phú tìm đủ cách trên thì lễ lạt, dưới thì bòn rút dân lành, ông còn đi khắp làng quê Kinh Bắc để xẻ chia nỗi chật vật, lam lũ mà người dân quanh năm đối mặt. Một trận mưa rào giữa trời khô hạn cũng làm ông mừng rỡ, bày tỏ ước mong:

“Quy sách kham kinh thổ khí cangNhư kim tứ dã tịnh nông dương

Phân khai nhật ảnh ngưu canh thảo

Đạp phá vân quang nữ sáp ương

Tỉnh khước cần lao tranh cổ vũ

Hưởng tư phong túc cộng bình khương

Trì kim sùng tích nhân nhân khánh

Ưng thí thần công thánh thạch tường”

(Khô cằn nứt nẻ ruộng bờ căngĐồng nội mưa tuôn xiết nỗi mừng

Tối đất đi bừa khen chú nghé

Dẫm mây cấy lúa khéo tay nâng

Bớt phần khó nhọc bao niềm nở

Hưởng thú phong đăng khắp rộn ràng

Lương thực rồi đậy nhiều chất núi

Công ơn thần thánh đáng phô trương)

(Bắc trấn hỷ vũ)

Đến một bến sông, phố chợ trên sông Cầu, Lê Quý Đôn cũng bùi ngùi vì nỗi gian truân, vất vả của những người buôn thúng, bán bưng, những người ngày đêm trên sông nước mang hàng hóa, chum vại để đổi lại một chút lúa ngô. Trong Lịch triều hiến chương. Dư địa chí của Phan Huy Chú và Đại Nam nhất thống chí đều ghi lại bài vịnh của ông: “Chợ Vạn Phúc ở vạn Yên Ninh bên sông Nguyệt Đức, đối ngạn với chợ Thổ Hà huyện Yên Việt là nơi thuyền buôn tụ tập. Thơ Lê Quý Đôn có câu: – Lộ đạt hải nhi ngư giá tiện/ Địa lân đào dạ ủng viên thâm/ Quan tân thượng hạ chân như chức/ Phiến đắc giang đầu kỷ khổ tân (Đường thông bãi biển tôm cua rẻ/ Đất có lò nung chĩnh vại nhiều/ Lên xuống bến đò như mắc cửi/ Mưu tìm lợi nhỏ khổ bao nhiêu)”.

Lê Quý Đôn cũng dành nhiều thời gian đi vãn cảnh, thăm viếng các danh thắng nổi tiếng của Kinh Bắc. Theo Phan Huy Chú, trong Lịch triều hiến chương. Dư địa chí thì “núi Phả Lại ở xã Phả Lại, huyện Quế Dương. Đá núi rất cao, chân núi đến sông Lục Đầu, phong cảnh rộng thoáng. Trên có chùa Chúc Thánh là nơi thày tu Dương Không Lộ tu hành. Vua quan đời Trần thường đến đấy để vịnh. Người đời Trần có câu: “Giang bàn lão tướng luân kinh địa/ Vân ủng Tiên Hoàng trác tích sơn (Sông vòng chỗ đất của vị tướng già ngồi bàn việc binh/ Mây phủ nơi Tiên Hoàng cầm cây gậy Tích đến đây tu hành). Lê Quế Đường có thơ rằng:

“Vãn thuyết Phả Lại sơnHảo cảnh kham thắng thưởng.

Kim nhật ngẫu đăng lâm,

Thủy giác thanh hứng sảng.

Sơn trục trĩ giang biên

Kỳ điên bình như chưởng

Cách ngạn thị Phao Sơn

Đông tây hỗ tương ưởng

Tam giang tấu hợp lưu

Ba đào viễn đăng dạng

Cáp tự tẩu vạn tượng

Bắc vọng Cảnh Sâm nham

Đông diểu Huyền Đinh lĩnh

Liên thiên bài thủy chướng

Tuy vô kỳ dữ tú

Nhàn khoáng hữu nhai huống”

(Nghe nói núi Phả LạiCảnh đẹp đáng chơi xem

Nay ngẫu nhiên lại tới

Thỏa niềm ước ao riêng

Ven sông một trái núi

Mà đỉnh phẳng im lìm

Phao Sơn bờ bên ấy

Đông tây bóng núi lồng

Ba dòng sông hợp lại

Nhấp nhô ngọn sóng dồn

Cảnh Sâm nằm phía bắc

Tựa muôn voi chạy lồng

Huyền Đinh từ đông lại

Một màu xanh điệp trùng

Tuy chưa đẹp, chưa lạ

Nhưng cảnh sắc dễ trông)

[…] Lãm Sơn ở huyện Quế Dương, 16 xã chia ở quanh núi, có rất nhiều chùa cổ, cảnh trí sông núi rất âm u tịch mịch, trên núi là chỗ tu của Dương Không Lộ, dấu cũ nay hãy còn. Quế Đường có vịnh thơ rằng:

“Long Hạm đương sơ tác thượng phương,Cao phong khai đạo thượng lưu phương.

Toàn vân lục tính tam thiên thụ,

Bản lĩnh thanh hoàn thập lục hương”.

(Long Hạm từ xưa vốn chốn tiên,Núi cao mở lối tiếng còn thơm

Ba ngàn cổ thụ gần mây biếc,

Mười sáu làng thôn, bóng núi viền)

[…] Núi Đông Cứu ở huyện Gia Bình. Các ngọn núi cao sừng sững lên, chân giáp với dòng sông. Trên núi có chùa Thiên Thai, phong cảnh cũng đẹp. Dụ tổ [Trịnh Giang] thường đến chơi ở đấy. Lê Quý Đường có vịnh thơ:

“Nhất sơn trác lập chúng sơn tùy,Kim đới vu hồi thủy diểu di

Thạch sắc tuyền thanh vô khách đáo,

Trúc tình hoa ý hứa tăng tri.

Bạch vân quá tháp minh hồng thụ,

Phương thảo hoành khê ám ngọc chi.

Tằng thị tiên triểu du dự địa,

Phong quang y cựu tự tiền thì”.

(Một ngọn nhô cao, các ngọn vâyĐai vàng sông lượn, nước cuộn đầy

Suối reo, đá dựng, không người tới

Trúc gọi, hoa chào, chỉ sư hay

Bên tháp, cây hồng mây trắng tỏ

Cạnh khe nhành ngọc cỏ lấp đầy

Chốn cũ chúa về vui chơi mãi

Phong quang từ đó, đến tận nay)

[…] Chùa Đại Bi ở làng Vạn Tư, huyện Gia Bình, gần hang núi và liền với sông, trong thờ tượng ba vị tổ là Điều Ngư, Pháp Loa, Huyền Quang. Tương truyền rằng tổ Huyền Quang lập ra chùa này. Quế Đường có vịnh thơ:

“Liên đài đồi tệ thảo mông lungPháp tượng vô ngôn chứng sắc không

Hương trú chiếu tàn tùng diệp nguyệt,

Thiền quang xuy bắc địch hoa phong.

Trúc Lâm sư đệ lưu thần ngoại,

Tức Mặc giang sơn mộng tỉnh trung

Lục bách niên lai lưu thủy quá

Lợi danh hà sự khổ thông thông”

(Đài sen nghiêng đổ, cỏ um tùmTượng phật không lời chứng sắc không

Hương lụi, trăng tàn, thông lá tỏ

Cửa chùa gió thổi, lác phơi bông

Trúc lâm sư đệ tinh thần đó

Tức Mặc mơ màng sông núi chung

Hơn sáu trăm năm như nước chảy

Lợi danh cùng tất bật khôn cùng)”

Ngoài núi non, chùa tháp, Lê Quý Đôn còn say đắm những dòng sông chảy qua vùng Kinh Bắc. Ngoài vẻ ngoạn mục, đôi bờ sầm uất xóm làng và những cánh đồng mượt mà ngô lúa, ông còn bâng khuâng bởi những chiến công hiển hách của tiền nhân.

Trương Hống, Trương Hát – những nhân vật tiêu biểu cho lòng yêu nước của nhân dân Kinh Bắc hồi thế kỷ thứ VI, thuộc tướng của Việt Vương Triệu Quang Phục, đã từng nhiều lần hiển linh giúp Lê Hoàn ở cuối thế kỷ X và Lý Thường Kiệt ở cuối thế kỷ XI đánh tan quân Tống trên chiến tuyến Như Nguyệt. Nhớ tới công lao của hai ông, Lê Quý Đôn khi “ Quá Như Nguyệt giang cảmnTrương Tướng quân trung nghĩa sự kính ghi” ( Qua sông Cầu, cảm nghĩ về việcntrung nghĩa của Trương tướng quân kính ghi) như sau :

“Nhất môn huynh đệ lưỡng anh hùng,       (Anh em hai vị thảy anh hùng

Báo quốc lăng lăng thỉ chí trung.             Báo quốc thề tròn một chữ trung.

Dĩ phận Việt Vương tri tố khổn,              Định phận Việt Vương trong trắng dạ

Cánh giao Nam Đế nhiếp dư phong         Khiến cho Nam Đế những ghê lòng

Thần oai đáo xứ dân thiếp                        Oai thần soi đến dân yên ổn

Thi cú ngâm dư lỗ kỵ không                     Thơ thánh ngâm xong giặc hãi hùng

Viêm kiếu sơn hà thiên cổ tại,                   Đất Việt ngàn năm sông núi vững,

Hoàng hoàng tự điển khởi nguyên công”    Công đầu rạng rỡ lửa hương chung)

Sông Cầu, nơi chảy qua một vùng cư dân của huyện Yên Phong đã từng chiến đấu quả cảm với quân xâm lược Tống, được nhà nước phong tặng là Dũng Liệt, khiến cho một đoạn sông dài cũng được mang danh, đã tạo thi hứng để ông sáng tác nên thi phẩm Dũng Liệt giang thương:

“Quan đạo tùy giang chuyển phục oanhKhinh phong phất lãng bích vãn sinh

Dao dao Tam Đảo ngang thiên tập

Phủ thị quần sơn tự thống nghinh”

(Đường quan khuất khúc theo sôngGió đưa sóng biếc khiến lòng chơi vơi

Xa xa Tam Đảo ngất trời

Cúi nhìn khắp cả núi đồi tiễn đưa)

Ngay một dòng tiểu giang Lương Phúc nằm ở huyện Tiên Phúc (sau đổi là Đa Phúc, nay nằm trong huyện Sóc Sơn – Hà Nội) chảy vào ngã ba Phương La – nơi Lý Thường Kiệt đọc bài thơ thần Nam quốc sơn hà cũng để lại cho ông một nỗi niềm khó tả khi cầm bút viết về Độ Lương Phúc tiểu giang:

“Tiểu giang hoành nhập Nguyệt giang lưuNhất loát mao am cổ độ đầu

Thiên khoát vân bình thu sắc động

Đường đường Tam Đảo nhãn tiền thâu”

(Sông Nguyệt đón dòng sông nhỏ đếnBến xưa am cũ mái tranh này

Trời quang, mây tạnh, màu thu động

Tam Đảo đưa về trước mắt đây)

Đặc biệt với Xương Giang – sông Thương, nơi mà vào mùa thu và mùa đông năm 1427, bằng tầm vóc vĩ đại của một chiến dịch lớn nghĩa quân Lam Sơn hạ thành diệt viện lớn lao đến mức làm ngỡ ngàng đối với tất cả con người của mọi thời đại. Mỗi khi giới sử gia cầm đến bút ghi chép về nó vẫn còn chưa hết xúc động. Có lẽ, chỉ có Nguyễn Trãi, người nếm mật nằm gai, ra sinh vào tử, từng vui buồn với từng trận đánh của nghĩa quân Lam Sơn, khi viết Bình Ngô đại cáo thì mới nhìn ra thật đúng ánh hào quang được tạo ra ở Xương Giang vào mùa đông năm Đinh Mùi lịch sử ấy đã khiến cho gió mây vì thế mà biến sắc, trời trăng ảm đạm đến lu mờ. Còn đối với Lý Tử Tấn, người cùng thời, cảm thụ được một cách đầy đủ sức rung động của chiến trận vùng Xương Giang vẫn thấy những vũ công ở phương Bắc nổi tiếng trong sử sách ngày xưa cũng trở thành bé nhỏ trước chiến thắng của dân tộc vừa lập nên: kìa trận Hợp Phù oanh liệt ngày trước, trận Xích Bích toàn thắng ngày xưa, sao bằng đây Xương Giang vẻ vang. Và, Lê Quý Đôn, con người sinh ra sau những vũ công lừng lẫy ở Xương Giang khoảng 3 thế kỷ vẫn còn giữ được những giây phút nao lòng trước tầm cỡ kỳ vĩ của trận quyết chiến điểm chiến lược Xương Giang: có lẽ, từ triều Trần bắt được Tích Lệ Cơ, Ô Mã Nhi cho đến lúc ấy, nước Nam thắng giặc phương Bắc, chưa có trận nào lớn như vậy (Đại Việt thông sử). Và trong thi phẩm Độ Xương giang của ông, mọi vẻ đẹp của một thời hào hùng, oanh liệt vẫn ngồn ngộn hiện về:

“Thiên cổ quan hà hệ yếu xungHành xuân bằng diểu tiếu đông phong

Yên tình lục dã tân dư trưởng

Sương lãnh hoang viên cựu lũy không

Đới lệ viễn tồn khai quốc lập

Kỳ thường cận kỷ tĩnh phân công

Thần kinh chỉ xích tần hồi vọng

Vạn lý tường vân nhất đóa hồng”

(Ải sông hiểm trở tự xưa nayNgắm cảnh, trông trời hỏi gió mây

Lúa mới, đồng xanh làn khói tạnh

Lũy xưa, vườn vắng, hạt sương bay

Non sông mở rộng lâu dài nữa

Giặc giã trừ tan, chiến thắng đây

Ngoảnh lại Kinh thành gang tấc ngắn

Mây hồng một áng báo điềm hay)

Phải nói rằng, ít nơi nào như Kinh Bắc được Quế Đường giành nhiều tình cảm và nỗi niềm yêu mến, trân trọng trong thi phẩm của mình như thế.

II. KINH BẮC TRONG VÂN ĐÀI VÀ KIẾN VĂN

Vân đài loại ngữ được coi là bộ bách khoa thư tập hợp và ghi chép khá cặn kỹ những tri thức từ nhiều nguồn và nhiều đời truyền lại. Đó là một hiện thực vì như Trần Danh Ninh – người đồng thời đại với ông đã từng phải thốt lên: “Lê Quế Đường tiên sinh không sách gì không đọc, không vật gì không suy xét tới cùng, ngày thường ngẫm nghĩ tới điều gì đều viết ngay thành sách. Sách chất đầy bàn đầy tủ, kể ra khôn xiết”.

Nhờ sự uyên bác mà thâm hậu ấy ở ông, nhiều trang sử hầu như không để lại hành tích gì của vùng Kinh Bắc đã được thu thập lại. Chẳng hạn như về vị trí và địa điểm thành Long Biên xưa, ông đã cho biết rằng, sách Thủy kinh chép: “Cân giang phát nguyên từ phía đông bắc huyện Long Biên, đất Giao Chỉ. Cân Giang đi đến huyện Lĩnh Phương, đất Uất Lâm, thì chạy sang đông, rót vào sông Uất, sông Dung”. Nay xem ở phía tả đô thành nước ta như sông Thiên Đức, sông Xương Giang, sông Chú Hựu (tức sông Lục Nam) đều chảy xuống trấn Hải Dương rồi ra biển, không có đường nào vào Uất Châu, Dung Châu ở phía bắc cả; duy có con sông Lạng Sơn, ở phía bắc thành chuyển quanh Nhiêu Châu, rồi theo dòng chảy sang cõi Bắc hợp với sông Minh Giang; ý hẳn đó là sông Cân Giang ngày xưa? Đời Hán, diện tích một huyện to lắm, vậy huyện Long Biên nói đây có lẽ phải gồm cả trấn Kinh Bắc ngày nay”. Để làm rõ hơn, ông lại lục tìm rồi ghi chép một giả định khác từ sách Sơ học ký chua rằng: Giao châu ký của Lưu Trừng Chi chép: “Huyện Long Biên có núi cao, sông Kinh phát nguyên ở đó”; sách Thông giám, Tấn kỷ chép: “Lưu Tuần buổi sáng sớm đến bến Nam Tân (bến sông phía nam) Long Biên”. Đoạn sách có chua, huyện Long Biên thuộc quận Giao Chỉ, trị sở các châu, quận đều ở đấy; sách Thủy Kinh chú chép: “Năm Kiến An thứ 23 (tức năm 218 dương lịch) lúc mới bắt đầu dựng châu thành, có loài giao long cứ lần lượt quanh quẩn ở hai bên bến nam và bắc sông, cho nên đổi tên Long Uyên là Long Biên” vì theo Nhị Hán chí (Địa chí hai bộ Hán thư), chữ Uyên là tên húy vua Đường cho nên Sư Cổ, Chương Hoài đổi làm Long Biên. Ông lại ghi thêm, sách Thành trai tạp ký chép, quan Công tào huyện Long Biên là Tả Phi từng hóa hổ, mấy tháng sau lại trở về làm việc.

Qua những thư tịch cổ, Lê Quý Đôn phải thốt lên, xét ra thủ đô nước ta là nơi chung đúc khí thiêng của non sông, cho nên thường có điềm thần long hiện. Năm Thuận Thiên thứ nhất đời Lý, khi thiên đô sang đó, vua tạm đậu thuyền ở dưới thành, thì có con rồng vàng hiện ở thuyền ngự, nhân đó đổi tên Đại La là Thăng Long. Đầu năm Thiên Thành (1028) rồng hiện ở điện Càn Nguyên. Đến giữa năm Đại Bảo 91049 – 1054) rồng lại hiện ở gác Thụy Minh.

Đối với diễn biến cuộc kháng chiến chống xâm lược Tống trên chiến tuyến sông Cầu năm 1077, ông dẫn Tống sử cương mục, cho biết ở trên thì chép: “Quách Quì đánh bại Giao Chỉ ở sông Phú Lương (tức là Nhị Hà), Lý Kiền Đức xin hàng (Kiền Đức là tên Lý Nhân Tông)”, ở dưới lại chua: “Giết ngay Thái tử là Hồng Chân, Triệu Tiết đẵn cây làm chiến cụ, phá hủy được hết thuyền của người Man. Kiền Đức sợ bèn phải hàng phục và nộp cống (nạp khoản)”.

Nhưng, nay xét sách Nhị Trình di thư trong đó có một đoạn nói về việc An Nam, thì trận ấy Tống triều bị thua to lắm. Trình tử nói: “Ngay lúc đầu, ở ngoài biên không tiện cho quân lính kế tiếp tập hợp kiểm điểm, để lúc hoãn cấp cứu viện lẫn nhau. Lúc đó, tùy tướng súy vội cho quân lính xông pha nhiệt khí và lam chướng, triều đình dù có lòng lo cho quân lính như lo cho con đỏ, cũng có điều không thương gì được chúng. Lúc đó không cứu ứng gì, thả cho chúng phóng túng đi đánh, đến nỗi chết mất mấy vạn. Khi đã làm thế rồi, lại không đợi đến mùa thu mát mẻ, sang đông hãy đánh, mà lại xông thẳng sang bên đất địch. Lúc đó cũng có thể đem số lương ăn ở Lĩnh Bắc, chứa nó lại, đem sang Lĩnh Nam mà ăn, thì không làm; lại giữa tháng 7 cho quân vượt sang qua núi, đến mỗi quân lính chết về nước độc cũng mặc. Đến khi vào qua biên giới đất giặc, lương không đủ ăn. Quân kéo vào đất giặc sâu quá, dùng bè chở 500 quân sang sông, vừa đẵn tre, vừa đốt phá trại rào bằng tre, mà mấy lần không được, lại chở bè không về, đem viện binh sang, thì lại bị giặc hợp binh bắt giết. Quân ta không có quân cứu, hoặc chết hoặc trốn, nên không thành công. Chỉ tranh nhau có 50 dặm đất mà sau lại muốn đem quân sang đánh; nhưng thuyền không có mà qua sông, lương cũng không đủ để đóng giữ. Tính toán sai lầm chưa hề thấy có. May được bên giặc nói nhũn, bèn vin vào đó mà giảng hòa. Nếu không, giá đối phương mà bướng bỉnh, thì không biết xử lý ra làm sao? Về trận này, quân tải lương chết mất 8 vạn, quân chiến đấu ngã nước chết mất 11 vạn. Còn sống sót trở về được là 28.000 người, nhưng phần nhiều đều bị ốm đau cả. Lại còn, trước kia bị giặc giết mất mấy vạn. Tính ra, tất cả không kém 30 vạn người. Sao mà ngu dốt không mưu đến như thế!” Hoàng Đình Kiên cũng có bài hát Nam Chinh, cực lực nói lên những thiệt hại về việc dụng binh đánh Giao Châu. (Bài ca này chép ở trong sách Uyên giám).

Sau lần đại bại trên chiến tuyến sông Cầu, Lê Quý Đôn cho biết người Tống học được nhiều bài học từ Đại Việt, trong đó có vấn đề binh bị. Theo ông thì, Tống sử đã phải thừa nhận “Thái Duyên Khánh, là Tri châu ở đất Hoạt, thường học được phép tổ chức quân đội của An Nam, xin bắt chước qui chế chia ra từng bộ phận. Chia chính binh, cung tiễn phủ, nhân mã đoàn làm 9 phủ. Hợp trăm đội, chia ra làm tả hữu, tiền, hậu, bốn bộ. Mỗi đội có trú chiến, (đóng quân để đánh), tháo chiến (đi đánh), khác nhau. Tường nào cũng có lịnh bộ, quân kỹ, khí giới; chỉ lấy nhân, mã phiên binh mà phân biệt. Tất cả đều tùy chỗ đóng mà chia. Số chư tướng không bằng nửa số chính binh. Còn về sự kiềm chế, thì cho quân già yếu ở thành trại, tùy xa gần mà chia giữ; không cho binh Phiên và binh Hán ở lẫn với nhau, cho khỏi sinh biến.Vua Thần tông (nhà Tống) khen phải. Ấy, binh pháp của nhà Lý được triều Tống bắt chước như thế.

Nước ta, về triều Lý, phía bắc phá Ung Châu, Liêm Châu; phía nam đánh nước Chiêm, nước Lào; đánh đâu được đấy là vì thế ấy”.

Cũng trong Vân đài loại ngữ, trong phần Phẩm vật, Lê Quý Đôn đã ghi chép khá tỷ mỷ về những sản vật nổi tiếng của trấn Kinh Bắc. Chẳng hạn, chè sản xuất ở các làng sau này đều là thứ chè ngon: làng Đồng Lạc thuộc huyện Kim Hoa, làng Lương Quy ở huyện Đông Ngàn. Trong rừng Lăng Cổ Pháp của triều Lý ở huyện Đông Ngàn có một giống thự dự (củ mài), củ nhỏ bằng ngón tay cái, da mỏng, vị ngon. Tục truyền, khi nhà Lý xây dựng đất nước, lấy củ ấy từ phương Bắc đem về trồng ở đấy. Nay làng ấy, từ tháng hai đến tháng 4, đi lấy về để tiến vua. Nơi khác cũng có loại củ mài ấy, nhưng củ to xốp, nhiều nhựa, phong vị kém xa.

Ông cũng cho biết thêm về phép nấu củ mài: cạo vỏ bỏ đi, lấy vải to lau sạch, đừng nhúng vào nước, đem hong gió, ngày phơi nắng, tự nhiên nó trắng, sao lên dùng làm thuốc được. Có thứ củ mài do thuyền buôn Trung Quốc đem lại, là thứ củ mài ở Nghĩa Sơn, đất Tương Dương, không ngon bằng củ mài của ta ở Rừng Báng.

Trong sách Thượng Kinh phong vật chí vốn một thời được coi là của Lê Quý Đôn lại có đoạn viết rằng: “Củ mài ở rừng Báng có công hiệu chữa bệnh hơn cả sâm ở Trung Quốc. Rau lộc vừng ở trong rừng ăn với nem thực là ngon tuyệt. Củ mài ở Loa Thành là đầu các thứ cống hiến, khí vị hơn cả củ mài rừng Báng”. Thực ra, Thượng Kinh phong vật chí viết ra khá muộn, sau Vận đài loại ngữ hàng dăm bẩy chục năm và là của một tác giả vô danh nào đó.

Về rừng Báng, theo Đại Nam nhất thống chí thì, lăng Lý Bát Đế ở xã Đình Bảng, huyện Đông Ngàn, khu đất rộng chừng trăm mẫu, cổ thụ um tùm, là cấm địa và thang mộc ấp của nhà Lý. Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì vào thời Hồ, “Hán Thương hạ lệnh cho các nơi đầu nguồn ở các trấn nộp gỗ làm cọc. Châu Vũ Ninh thì cho lấy gỗ mun (ô mễ) ở lăng Cổ Pháp tải đến cho các quân đóng cọc ở cửa biển và nơi quân yếu trên các sông Các để phòng giặc phương Bắc”.

Sách Quốc sử di biên, tập thượng của Phan Thúc Trực, cho biết vào cuối tháng giêng năm Giáp tý, Gia Long 3 (2-1804), triều đình căn cứ vào tờ tấu của Quận công Nguyễn Văn Thành xin chặt phá rừng Báng để lấy gỗ làm dinh trấn, sung đất làm ruộng công, đã chấp thuận. Theo sách này, sơn lăng của 8 vị triều Lý ở khu rừng Đình Bảng, cây cối rậm rạp, xanh tốt nên bọn phỉ phần nhiều ẩn náu tại chằm rừng này. Nơi đây vương vãi rất nhiều xương trâu, bò, lợn.

Xem thế, rừng Báng đến đầu thế kỷ XIX vẫn còn rộng lớn, ken đầy cây cối, bao gồm đất đai của cả hai phường Tân Hồng, Đình Bảng của thị xã Từ Sơn ngày nay. Cuối thế kỷ XIX, theo lời kể của người dân Tân Hồng, trước sức ép về nạn tăng dân số và nạn thiếu đất, cụ Nguyễn Phát Hoành, người làng Dương Lôi vốn có uy tín ở địa phương đã đứng ra vận động phá bỏ rừng cấm sơn lăng, lập nên Cánh Đồng Miễu rộng chừng 18 mẫu. Cũng vào khoảng thời gian ấy, cụ Nguyễn Tiến Giang bên Đình Bảng, nhân viên Tòa Công sứ Bắc Ninh cũng đứng ra xin cho dân làng khai phá được 1.600 mẫu rừng Báng thành 1.600 mẫu thượng đẳng điền. Cũng theo truyền ngôn, xưa Đình Bảng rộng tới 2.000 mẫu mà rừng chiếm tới trên 80% diện tích.

Nói về các phong vật khác, Lê Quý Đôn cho rằng, các làng Phù Lưu, Tiên Lễ, châu Bố Chánh, trấn Nghệ An (nay là huyện Bố Trạch, Quảng Bình) có sản xuất nhân sâm, cứ đến tháng 4, tháng 5, sâm nở hoa tía, cắt rễ, rửa qua, đem đồ, cạo qua, ngày phơi, đêm sấy, cũng có vằn ngang, không khác gì sâm Bắc, vị nó thanh ngọt, dùng để chữa bệnh nguy cấp, sinh tân dịch, bổ khí, cũng có công hiệu. Ở huyện Phượng Nhỡn, trấn Kinh Bắc cũng có sâm.

Ở địa phương không thấy nói đến sâm ở Phượng Nhỡn, chỉ nói đến sâm núi Dành sản ở Chung Sơn thuộc tổng Tuy Lộc Sơn, huyện Yên Thế. Đại Nam nhất thống chí ghi nhận: “Cát sâm, cũng gọi là Nam sâm, sản ở đỉnh núi Chung Sơn huyện Yên Thế, da vàng, thịt chắc, khí vị đều tốt, không như sâm sản ở xứ khác da trắng và nhiều nhớt”. Tương truyền sâm núi Dành được chọn để tiến vua, đã từng chữa khỏi bệnh mắt mờ, chân chậm cho Từ Dũ (1810-1912), mẫu hậu của Tự Đức.

Ngoài ra, Vân đài loại ngữ còn xếp khoai ở bến Đông Dư, huyện Gia Lâm thuộc loại củ quý hiếm; đồng thời dẫn sách Minh nhất thống chí do Lý Hiền soạn cho biết về các giống mít quý như sau: “Nước An Nam có ba la mật (mít), quả to như quả đông qua (quả bí), da có gai, chín về tháng 5, tháng 6, rất thơm, ngọt; hạt mít nấu ăn bổ lắm”. Mít ngon nhất là mít ở Gia Lâm. Nay hỏi, thì người vùng ấy bảo không ngon, mít ở Đông Ngàn và ở Cổ Loa, ngon hơn.

Về giống hồng, sau khi dẫn sách Quy điền lục nói về một số loại ngon ông cũng cho hay: “Ở nước Nam ta, về vùng hai trấn Tây, Bắc (Sơn Tây, Kinh Bắc), có nhiều hồng, người vùng ấy trẩy quả, bỏ vào thùng tre, lấy lá xoan phủ kín, để ủ độ mấy ngày, thì hồng chín đỏ, gọi là hồng giấm; xếp hồng vào vại nước, ngâm, để cho hết vị chát đi, vài ba ngày, thì hồng chín vàng, gọi là hồng ngâm. Các phép ấy đều đúng cả. Xét trong sách Bản thảo, có thấy chua rằng: “Để hồng vào trong một cái đồ đựng gì, tự nó chín đỏ, gọi là hồng thị (hồng giấm); phơi ra ngoài nắng cho khô, gọi là bạch thị (hồng trắng); để hồng lên lửa, sấy, gọi là ô thị (hồng đen); ngâm nước cho chín, gọi là lâm thị” (hồng ngâm). Từ xưa tới nay, đều là giống nhau như thế cả, không có gì khác”.

Nhờ Vân đài loại ngữ, người đời sau mới có thêm những hiểu biết mới về những trang lịch sử xa xưa, những sản vật quý hiếm đã bị mai một, khó tìm lại nguồn gốc và bóng hình. May mắn thay, sự cần mẫn và thông tỏ sâu sắc của ông đã giúp ta hiểu biết thêm về quá khứ vốn mịt mờ và xa lắc.

Kiến văn tiểu lục cũng là một tác phẩm có giá trị của Lê Quý Đôn, nhưng những gì mà Kinh Bắc được góp mặt lại là những danh sĩ của thời Lê. Điều này cũng dễ hiểu vì phần lớn nội dung của sách tập trung nói về Châm cảnh, Thể lệ, Thiên chương, Phong vực, Thiền dật, Linh tích, Tài phẩm và Tùng đàm. Tuy chỉ một vài câu chữ về một con người cụ thể, những gì cần nói đều hiển hiện một cách rõ rệt, tính cách chân thực, rõ ràng. Vậy, ta hãy xem ông viết về những danh tài Kinh Bắc:

“Tôi thường bàn luận, triều đại Tiền Lê, phong độ sĩ phu đại khái có 3 lần biến đổi:

– Hồi Lê sơ, vì sau khi loạn lạc, nho sĩ thưa thớt. Người đem thân chầu chực trong triều đường như Nguyễn Thiên Tích(5), Bùi Cầm Hổ, phần nhiều bộc lộ chí khí sáng suốt, có những lời nói quả cảm, còn những người ngao du nơi sông núi như Lý Tử Cấu, Nguyễn Thì Trung, giữ tiết tháo trong trắng, không mơ tưởng đến giàu sang. Đấy là một thời kỳ thay đổi.

– Khoảng giữa niên hiệu Hồng Đức, mở rộng khoa cử, tuyển nhiều nhân tài, sĩ tử tập lối văn bóng bảy, đục gọt từng câu, mong sao được đỗ để ra làm quan. Nay muốn tìm lấy hạng người khí tiết khảng khái trong thời nay xem ra có phần thưa thớt. Nhưng con đường bổng lộc đã mở ra, thì phương pháp thi cử cũng nghiêm ngặt, người điềm tĩnh được tiến lên, người cầu may bị sàng sảy, cho nên người tại chức ít thói cầu cạnh mà trong nước biết quý danh nghĩa. Đấy là một thời kỳ thay đổi.

– Từ năm Đoan Khánh trở về sau, lời bàn luận sáng suốt bẵng đi, thói cầu cạnh mỗi ngày một thịnh, người có chức vị ít giữ được phong độ thanh liêm nhún nhường, trong triều đình không nghe có lời can gián, gặp có việc thì rụt rè cẩu thả, thấy lúc nguy thì bán nước để toàn thân, dầu người gọi là bậc danh nho, cũng đều yên tâm nhận sủng vinh phi nghĩa, rồi nào thơ nào ca trao đổi, khoe khoang tán tụng lẫn nhau, tập tục sĩ phu thối nát đến thế là cùng, tệ hại biến đổi lần này không thể nào nói cho xiết được.

Mở Quốc sử trong khoảng trên dưới một trăm năm mà tìm lấy những người gọi là cao sĩ, chỉ thấy được bọn Lý Tử Cấu mấy người. Cao phong khí tiết lèo tèo ít ỏi như thế, đáng cảm khái biết là chừng nào! Nay chép những sĩ phu cao thượng sau đây:

Viên Tế tửu cũ là Vũ Mộng Nguyên(6) gặp lúc loạn về nhà ẩn cư, Tử Cấu gửi cho bài thơ cổ phong rất có tình tứ. Bản triều bình định được cả nước, tìm hỏi những hiền tài còn sót lại. Nguyễn Mộng Tuân có ý muốn tiến cử, ông cũng dùng thơ văn cố sức từ chối (bài thơ có chép trong tập Việt âm).

Hồi đầu quốc triều, sau khi cùng nhà Minh bỏ hiềm thù, giảng hòa hiếu, văn thư trao đổi, lễ phẩm chúc mừng, có lẽ không mấy lúc vắng. Người được tuyển cử để sung vào công việc “hoàng hoa” long trọng, thường dùng bậc lão thành am hiểu thông thạo: Đào Công Soạn và Hà Lật đều ba lần phụng mệnh đi sứ. Hà Phủ và Nguyễn Đình Mỹ(7) đều năm lần phụng mệnh đi sứ, trong khi đi sứ lời lẽ lễ nghi cẩn thận rõ ràng, tiết tháo giữ gìn đoan trang nghiêm chỉnh. Sách Luận ngữ nói: “bất nhục quân mệnh” (không làm nhục mệnh lệnh của vua giao phó), các ông này xứng đáng với câu nói ấy.

Lý Tử Tấn giữ chức Hàn lâm học sĩ, Trình Thuấn Du giữ chức Trung thư thị lang, đều là người danh vọng, đức độ, kỳ cựu, túc học, lúc ấy người ta gọi là “Lý Trình”. Thân Nhân Trung(8)Đỗ Nhuận(9) đều làm quan trong viện Hàn lâm chầu chực ở Đông các kiêm Thượng thư bộ Lễ, hai ông này vì văn học mà được vua tin dùng đãi ngộ ngang nhau, lúc ấy người ta gọi là “Thân, Đỗ”. Đấy là những bậc nho thần kiệt xuất về tiền triều. Tử Tấn tên hiệu là Chuyết Am, về phần trứ tác có văn tập, nhưng phần nhiều thất lạc, bài nào còn sót lại, đều là điển hình trang nhã có phép tắc, bài chiếu, bài cáo giống thể văn đời Hán, thơ giống thể thơ đời Tống. Thuấn Du sở trường về văn bia, văn khắc và biểu chương. Ông Thân, ông Đỗ thì nổi tiếng về văn chầu chực thù phụng và quốc thư.

Quốc lão Nguyễn Thực(10), đỗ Tiến sĩ, làm quan đến Thượng thư bộ Hộ, Thái phó, giữ công việc viện Hàn lâm kiêm Đông các, tước Lan quận công, trí sĩ, hưởng thọ 83 tuổi; con là Nguyễn Nghi cũng thi đỗ, cha con cùng làm quan một triều. Nguyễn Nghi(11) làm quan đến Thượng thư bộ Lại, giữ công việc ở Kinh diên kiêm Đông các, Tế tửu Quốc Tử giám, Thiếu phó, tước Dương quận công, hưởng thọ 70 tuổi; cháu là Nguyễn Quai, Nguyễn Sĩ, Nguyễn ThẩmNguyễn Thưởng đều thi đỗ; ngoài ra rất nhiều người do tiến triều được dự vào triều ban, do vũ thần được quản lĩnh quân ngũ và phong tước công, tước hầu, là một họ lớn ở Bắc Giang.

Nay suy xét nguyên nhân, nhà Quốc lão Nguyễn Thực sở dĩ được nhiều người hiển đạt như thế, là vì từ đời ông tổ của Quốc lão là mỗ (sau được truy tặng Thái bảo Diên Thọ hầu), trước vốn nghèo khổ. Người đồng ấp có quan tư lễ giám, rước thầy địa lý phương Bắc về lấy đất, người địa lý này đã điểm một huyệt ở xứ đồng Sen địa phận bản xã, nhưng viên tư lễ giám ngại chỗ ấy là đất nhà chùa không muốn đụng chạm đến, mà đi tìm chỗ khác. Lúc ấy ông tổ của quốc lão chăn trâu ngoài nội, trông thấy thầy địa lý chỉ chỗ để và vẽ phương hướng, cố ghi nhớ trong bụng từng ly từng tí, rồi ngầm lấy cỏ cắm vào đấy làm tiêu chí, lại bí mật ghi lấy phương hướng, đợi khi quan tư lễ đi cắm đất ở chỗ khác, mới ngầm đem hài cốt tiên tổ táng vào huyệt này. Xem như thế, có thể biết được rằng, nguồn gốc phát phúc là ở tự nhiên, không thể dùng trí xảo hoặc thế lực mà cầu cạnh được”.

Còn khá nhiều điều thú vị khác nữa, nhất là dưới một góc nhìn theo lối bản kỷ và liệt truyệt mà Quế Đường thể hiện một cách tự tin, tinh tế trong Đại Việt thông sử về một nghịch thần Trần Cảo hồi đầu thế kỷ XVI có nhiều duyên nợ với Kinh Bắc, hoặc về Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc trong thời gian mang quân chinh chiến Đàng Trong mà ông được cử làm Hiệp trấn Tham tán quân cơ tại Thuận Hóa đã ghi lại nhiều điều trong Phủ biên tạp lục, kể cả việc so sánh nghề chiếu buồm – chiếu đệm của vùng Quảng Lãm ( Quế Dương – Kinh Bắc) với Phù Trạch ( Hương Trà – Thuận Hóa), nhưng do khuôn khổ hạn hẹp của bài tham luận, tác giả xin hẹn vào một dịp thuận tiện để tỏ bầy.

Xin khép lại đôi điều mà Lê Quý Đôn đã giành cho Kinh Bắc tại đây, dù còn nhiều điều muốn nói.

Chú thích:

(1), (2), (4) Đại Việt sử ký toàn thư (Bản kỷ tục biên)

(3) Hoàng Công Phụ này là viện hoạn quan, quê ở Quế Trạo (Hiệp Hòa)

(5) Nguyễn Thiên Tích: tên tự là Huyền Khuê, người xã Nội Duệ, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, thi đỗ năm Thuận Thiên thứ 4 (1431). Thời đại Thái Tông hai lần phụng mệnh đi sứ sang nhà Minh; thời đại Thánh Tông giữ chức Thượng thư bộ Binh, kiêm Tế tửu, gặp việc dám nói một cách quả cảm. Về phần trứ tác có tập Tiên Sơn.

(6) Vũ Mộng Nguyên: hiệu là Vị Khê, lại có một tên hiệu là Lạn Kha Ông, người xã Đông Đơn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh bây giờ, thi đỗ năm Thánh Nguyên thứ 2 (1401) đời Hồ Quý Ly, đến đầu triều nhà Lê làm quan Tế tửu trong Quốc Tử giám.

(7) Nguyễn Đình Mỹ: tự là Triều Phủ, người xã Chi Long, huyện Kim Hoa, nay là huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc. Dưới triều Lê Thái Tông, Đình Mỹ làm khởi cư xá nhân, dưới triều Thánh Tông làm Thượng thư bộ Binh.

(8) Thân Nhân Trung: tự là Hậu Phủ người xã An Ninh, huyện Yên Dũng thuộc tỉnh Bắc Giang, đỗ Tiến sĩ năm Quang Thuận thứ 10 (1469) làm quan Đông Các đại học sĩ, Lễ bộ Thượng thư, cùng với Đỗ Nhuận đều được vua Thánh Tông cho hiệu Tao Đàn phó nguyên soái.

(9) Đỗ Nhuận: người xã Kim Hoa, huyện Kim Hoa, nay thuộc huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc, đỗ Tiến sĩ năm Quang Thuận thứ 7 (1466) làm quan Đông Các đại học sĩ, tấn phong Thượng thư.

(10) Nguyễn Thực: tên tự là Phác Phủ, hiệu Tiết Trai, người xã Vân Điềm, huyện Đông Ngàn, đỗ Tiến sĩ khoa Ất Mùi (1595) niên hiệu Quang Hưng đời Lê Thế Tông.

(11) Nguyễn Nghi: đỗ Tiến sĩ khoa Kỷ Mùi (1619) niên hiệu Hoằng Định đời Lê Kính Tông.