Đi vào bất cứ vùng quê nào, điều cần quan tâm trước hết là tập tục, phép tắc ở nơi đó. Hiểu biết, tôn trọng luật tục, thói quen của từng nơi, từng chốn là một yêu cầu ứng xử văn hóa của mỗi người trong quan hệ xã hội. Người Việt Nam ta nhắc nhở nhau “đất có lề, quê có thói” cũng vì lẽ đó.
Ở câu tục ngữ này, theo nguyên tắc kết hợp để tạo tính cân đối trong thành ngữ, tục ngữ thì đất tương ứng với quê, lề tương ứng với thói. Lề chính là lề lối, thói phép, quy tắc, thông lệ. Chúng ta thường gặp trong các tổ hợp từ như lề lối, lề luật. Nó cũng hòa nhập với nghĩa của từ lệ trong các tổ hợp như lệ thường, luật lệ, thường lệ. Thói là cách thức quen thuộc, là tục lệ, tập quán, phong tục.
Từ sắc thái trung hòa trong thói phép, thói tục… dần dà nó đẫm sắc thái tiêu tực để chỉ tính nết, lối sống như thói đời, quen thói, thói hư tật xấu… “Thúc Sinh quen thói bốc giời/Trăm nghìn đổ một trận cười như không”. Dẫu vậy ý nghĩa của câu tục ngữ “Đất có lề, quê có thói” vẫn mang ý nghĩa về một vẻ đẹp của đạo lý dân tộc. Câu tục ngữ dạy chúng ta biết tôn trọng quy tắc ứng xử của làng xã Việt Nam, giúp chúng ta biết được sức mạnh của lề luật bởi “phép vua còn thua lệ làng”.
Câu tục ngữ cũng không chỉ giúp chúng ta biết học hỏi các phép ứng xử phù hợp mà còn biết hướng về nguồn cội. Bởi tạo ra lề, thói chính là quần thể dân cư nơi ấy. Đất nước ta trải qua hàng nghìn năm văn hiến tạo dựng nên bản sắc văn hóa dân tộc. Nhưng với điều kiện sống vùng miền và phương thức sản xuất sinh hoạt ngày xưa nên trong tương đồng vẫn có những dị biệt. Thế nên, dẫu đi đâu về đâu, cũng đừng bao giờ quên mảnh đất chôn rau cắt rốn, đừng quên những phong tục, thói quen, lề lối đã nuôi ta lớn lên về cả tâm hồn và thể xác. Dẫu có địa vị cao sang, dẫu có xa cách bao nhiêu năm thì khi về đến cổng làng vẫn phải giữ được giọng nói và lề thói quê hương.
Bởi cáo chết ba năm còn quay đầu về núi huống chi là con người. Như người Việt ta có một phong tục đẹp “Hàng năm ăn đâu làm đâu/Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ tổ” (Đất nước – Nguyễn Khoa Điềm). Dĩ nhiên tôn trọng lề thói quê mình thì cũng phải biết quý trọng tục lệ quê người, bởi dù chưa hợp với mình nhưng là bản sắc vùng miền của họ. Ví như phong tục ăn giỗ, cúng giỗ của người dân ba miền Bắc – Trung – Nam cũng có sự khác nhau nhất định hay là những lề thói như ma chay, cưới hỏi… đều mỗi nơi có những cách thức khác nhau. Chính vì thế mà thế hệ đi trước luôn dặn dò và trao truyền cho thế hệ sau biết giữ gìn những nét bản sắc văn hóa quê hương như nhà thơ người dân tộc Tày là Y Phương từng nói với con:
“Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục
Con ơi! Tuy thô sơ da thịt
Lên đường không bao giờ được nhỏ bé
Nghe con !”
Các câu tương tự: Nhập gia tùy tục, Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá…