Cổ ngữ có câu: “Lấy vợ phải coi trọng hiền đức”. Bậc thánh nhân và những người có phẩm hạnh đạo đức cao thượng đều coi trọng đạo đức, hành thiện, kính trời, biết mệnh, không chấp trước vào danh lợi mà nghiêm túc tuân thủ lễ pháp kết hôn, coi trọng đạo vợ chồng. Họ cho rằng, chỉ người phụ nữ có phẩm hạnh đạo đức, hiền thục, trí tuệ mới có thể tề gia, dạy bảo con trở thành người tốt.

vợ chồng
(Hình minh họa: Qua baike.com)

Trong Đạo gia từng có câu: “Dung nhan đoan trang, mộc mạc mới thể hiện ra giá trị của khí chất. Phục sức nếu quá xa hoa thì sẽ lộ ra sự dung tục.” Có ý là đề cao chuẩn mực đạo đức của người phụ nữ, khích lệ sự cần kiệm, chăm lo việc nhà, chú trọng tu dưỡng nội tâm, làm phong phú trí tuệ của bản thân, không nên tiêu phí quá nhiều thời gian, tiền bạc vào trang sức, quần áo và trang điểm cho vẻ bề ngoài mà. Người phụ nữ như vậy mới có thể trở thành người phụ nữ thực sự hiền đức.

Họ cũng cho rằng, chỉ có người phụ nữ thực sự có giáo dưỡng, có trí tuệ mới có thể phụ giúp chồng làm thành việc lớn và dạy dỗ con cái thành người hiền tài. “Giúp chồng, dạy con” vừa là trách nhiệm và cũng là lời khen ngợi đối với phụ nữ thời xưa.

Tuy rằng thời đại ngày nay đã khác xưa, quan niệm, nhận thức cũng có chỗ khác biệt, nếu như đem tiêu chuẩn của người phụ nữ hiền đức xưa như “tam tòng tứ đức”, “giúp chồng dạy con” để giáo huấn nữ giới thời nay thi e rằng sẽ có nhiều người cho là lạc hậu. Nhưng những câu chuyện cổ xưa về đức hạnh, trách nhiệm của người phụ nữ vẫn khiến người hiện đại chúng ta phải suy ngẫm sâu xa.

Thời xưa, các bậc Quân Vương, hiền thần khi lựa chọn vợ đều đề cao phẩm hạnh đạo đức, tu dưỡng trí tuệ hơn là vẻ đẹp bên ngoài rất nhiều. Những người phụ nữ ấy cũng vì có đức hạnh mà tự nhiên cũng được gả cho những người chồng tốt. Dưới đây là 4 người phụ nữ như thế.

Mô Mẫu vợ của Hoàng Đế thời viễn cổ

vợ chồng
Hình ảnh: Qua pushme.news)

Thời cổ đại, người phụ nữ nổi tiếng là xấu xí nhất phải nói đến Mô Mẫu. Tương truyền rằng, Mô Mẫu là người có hình dáng như quỷ dạ xoa, xấu xí vô cùng. Vương Tử Uyên đời Hán trong “Tứ tử giảng đức luận”, viết rằng: “Mô mẫu oa khôi, thiện dự giả bất năng yểm kì xú”, tức là Mô Mẫu có vóc người to lùn, người mà giỏi khen cũng không thể giấu được chỗ xấu của bà.

Nhưng Mô mẫu lại là người phụ nữ hiền đức. Thủy tổ của dân tộc Trung Hoa là Hoàng Đế đã cưới bà làm vợ. Truyền thuyết kể rằng, Hoàng Đế đánh bại được Viêm Đế, giết chết Xi Vưu đều là nhờ có công giúp đỡ của Mô Mẫu.

Mô Mẫu có đức hạnh và phẩm chất tốt, hơn nữa còn có trí tuệ hơn người nên được hậu nhân đánh giá là tấm gương của người phụ nữ thời đó. Bởi vì thời ấy, nam nhân chọn vợ đều đặt đức hạnh lên hàng đầu.

Chung Ly Xuân vợ Vua Tề Tuyên Vương thời Chiến Quốc

Người đời thường dùng câu “mạo tự Vô Diêm” (tướng mạo giống Vô Diêm) để hình dung người phụ nữ xấu xí. “Vô Diêm” ở đây chỉ xú nữ Chung Ly Xuân, người huyện Vô Diêm nước Tề thời Chiến Quốc (nay là phía đông huyện Đông Bình  tỉnh Sơn Đông).

Trong sử sách nói bà “tứ thập vị giá” (tức là 40 tuổi mà vẫn chưa có ai lấy), “cực xú vô song” (nghĩa là cực xấu không có ai bằng). Mắt bà lõm sâu, bụng to có ngấn, cổ lộ cục yết hầu, nước da đen. Nhưng bà lại rất quan tâm việc đại sự của quốc gia, từng tự mình đi yết kiến Tề Tuyên Vương, chỉ trích thẳng Tuyên Vương xa xỉ dâm dật và hủ bại.

Bà còn cảnh báo Tề Tuyên Vương nên nhận ra việc xấu của mình, “dừng cương trước bờ vực”, nếu không sẽ mất nước. Tề Tuyên Vương vô cùng cảm động, xem bà như bảo vật, lập bà làm Hậu. Người thời nhà Nguyên còn đem sự tích của bà viết thành tạp kịch, tán dương tinh thần xem việc trong thiên hạ là nhiệm vụ của mình của bà.

Mạnh Quang vợ của Lương Hồng thời Đông Hán

nam tôn nữ ti
(Hình minh họa: Qua kkenws.cc)

Thành ngữ “cử án tề mi” chính là nói về câu chuyện giữa hiền sĩ Lương Hồng với người vợ là Mạnh Quang thời Đông Hán.

Tương truyền khi Mạnh Quang theo Lương Hồng đến đất Ngô làm mướn, mỗi khi Lương Hồng về nhà, Mạnh Quang đã chuẩn bị sẵn thức ăn, nâng chiếc án (mâm) lên ngang tầm chân mày, thể hiện lòng kính trọng đối với người chồng.

Nhưng vị hiền phụ này lại “thô kệch không ai bằng”, “mập xấu lại đen”. Truyền thuyết có kể, Lương Hồng trước khi cưới vợ, danh tiếng đã vang xa, nhiều nhà muốn gả con gái cho nhưng Lương Hồng không chịu.

Mạnh Quang khi chưa lấy chồng, có người đến làm mai, nhưng Mạnh Quang không đồng ý, nói rằng: “Nếu lấy chồng thì lấy người như Lương Hồng”.  Sau khi thành hôn, sang ngày thứ hai, Mạnh Quang thay y phục lụa là gấm vóc, mặc vào loại vải thô, chăm lo việc gia đình. Sau khi theo Lương Hồng đến ẩn cư trong núi Bá Lăng, chồng cày vợ dệt, cùng ngâm thơ đàn hát, vợ chồng xướng hoạ, sống một cuộc sống tuy nghèo nhưng hạnh phúc.

Nguyễn Thị vợ danh sĩ Hứa Doãn thời Đông Tấn

nam tôn nữ ti
(Hình minh họa: Qua pinterest)

Hứa Doãn thời Đông Tấn cưới con gái của Nguyễn Đức Uý làm vợ. Đêm động phòng hoa chúc, Hứa Doãn phát hiện cô gái nhà họ Nguyễn này dung mạo xấu xí liền vội bỏ chạy ra khỏi phòng, từ đó không chịu vào.

Về sau người bạn của Hứa Doãn là Hoàn Phạm đến thăm, nói với Hứa Doãn rằng: “Nhà họ Nguyễn đã gả cô con gái xấu xí cho anh tất có nguyên nhân, anh nên tìm hiểu thử xem.”

Hứa Doãn nghe theo lời Hoàn Phạm vào phòng. Hứa Doãn vừa nhìn thấy dung mạo xấu xí của vợ định bước ra. Người vợ níu lại. Hứa Doãn vừa vùng vẫy vừa hỏi người vợ rằng: “Đàn bà có ‘tứ đức’, nàng được mấy đức?” (‘Tứ đức’ của phụ nữ là đức, ngôn, dung, công).

Người vợ đáp rằng: “Thiếp chỉ thiếu mỹ dung. Còn những người đọc sách có “bách hạnh”, chàng được mấy điều?”

Hứa Doãn đáp rằng: “Ta có đủ bách hạnh.”

Người vợ nói: “Bách hạnh lấy đức làm đầu, chàng háo sắc mà không háo đức, sao lại cho là có đủ?”

Hứa Doãn không trả lời câu nào được, chỉ thấy Nguyễn Nữ có kiến thức sâu rộng và phẩm chất mà người phụ nữ bình thường không có được. Từ đó hai vợ chồng họ tương thân tương ái, tình cảm ngày càng sâu đậm.

An Hòa (dịch và t/h)