Theo các chuyên gia về tâm lý thì trẻ em biết nói dối từ khá sớm, bởi vậy nếu các bậc phụ huynh không chú ý uốn nắn con trong vấn đề này, thì trẻ sẽ nuôi dưỡng nó trở thành tính xấu mà rất ảnh hưởng tới tương lai của trẻ sau này.

Muốn trẻ không nói dối, bản thân cha mẹ cũng không được nói dối, dù chỉ là để đùa cợt. (Nguồn: Ohay)

Thông thường trẻ có thể nói dối cha mẹ vì những nguyên nhân như:

• Bé sợ phải chịu phạt khi làm sai hoặc chúng muốn mình được chú ý.
• Bé không muốn cha mẹ phải buồn, la rầy, trách mắng chúng.
• Trẻ bắt chước người lớn nói dối
• Hình phạt cha mẹ áp dụng quá nghiêm khắc, khiến con rất sợ khi phải nói sự thật….

Dưới đây là những cách để cha mẹ hạn chế việc trẻ nói dối

(Ảnh minh họa. Qua: BrightSide)

Tìm hiểu tâm lý của con: Cha/mẹ hãy trở thành người bạn thường xuyên chia sẻ với con, giúp con không còn e dè khi tâm sự. Bởi chỉ khi phụ huynh thực sự trở thành một người bạn thì con mới không cảm thấy sợ hãi hay ngượng ngùng để nói ra suy nghĩ của mình.

Không bực tức với trẻ: Khi phát hiện ra con nói dối, hoặc khi nghe con bày tỏ suy nghĩ cảm xúc của chúng thì cha mẹ không nên đánh mắng hay bực tức với trẻ vì nếu không sau này trẻ sẽ không còn muốn chia sẻ điều gì với cha mẹ nữa bởi chúng không muốn cha mẹ phải phiền lòng.

Hình phạt phù hợp với độ tuổi và tâm lý của trẻ: Đôi khi cha mẹ áp dụng những hình phạt nhằm mục đích răn đe trẻ, nhưng lại quá nghiêm khắc khiến nó trở thành nỗi sợ hãi, ám ảnh với trẻ và làm cho bé sa lầy vào việc nói dối hết lần này tới lần khác. Bởi vậy, cha mẹ cần tùy thuộc vào mỗi lứa tuổi và tâm lý của trẻ mà áp dụng các hình phạt khác nhau, điều quan trọng là phụ huynh hãy dạy cho con về tính kỷ luật và trách nhiệm với việc chúng đã làm, để con tự giác thành thật và đồng thời tự thay đổi. Khi con cảm thấy việc thành thật sẽ khiến chúng cảm thấy tự do và trách nhiệm hơn, thì chúng sẽ không còn chọn nói dối nữa.

Không tỏ thái độ rất ghét việc gì đó: Các bậc phụ huynh cũng không nên tỏ thái độ thái quá về một vấn đề nào đó, chẳng hạn như bạn tỏ ra với con rằng, mình rất ghét khi thấy con chơi điện tử, hoặc rất ghét khi con tranh giành đồ chơi với bạn v.v… những phản ứng như vậy ở cha mẹ sẽ dẫn đến con trẻ không cởi mở khi chia sẻ với cha mẹ vào những lần sau nữa.

Không tạo điều kiện để con phải nói dối: Có lẽ nhiều phụ huynh không nhận ra rằng đôi khi mình đang ép con vào tình huống phải nói dối. Chẳng hạn như khi bé không nhớ chính xác một sự việc nào đó, nhưng bạn cứ ép con phải nói ra thì bé sẽ tìm cách nói dối để không bị tiếp tục tra hỏi nữa.

Cha mẹ không nói dối trước mặt con: Đôi khi những lời nói dối mà người lớn cho rằng vô hại như nói dối với mục đích nhờ vả, nói dối để lấy lòng người khác v.v… lại trở thành tiền đề hình thành nên tính nói dối ở trẻ, bởi trẻ con học hỏi rất nhanh từ những gì chúng quan sát và tiếp xúc được, do đó trong gia đình cha mẹ hãy luôn là tấm gương tốt trong giao tiếp với con mỗi ngày.

Thanh Long (T/H)