Người làm cha, làm mẹ ai cũng yêu thương con cái của mình và luôn chăm sóc cho chúng hết mực. Tuy nhiên ngày nay nhiều người có xu hướng bảo vệ con một cách thái quá, mỗi khi con gặp phải chuyện không vui ngoài xã hội, bất kể đúng sai.

Nhưng vào thời xưa, các bậc cha mẹ thường nuôi dạy con cái rất đúng mực. Thậm chí đến mức nếu không có cha mẹ bên cạnh, con cái vẫn sẽ luôn làm theo những gì cha mẹ dạy. Câu chuyện của cậu bé Phi Hồng dưới đây là một ví dụ.


(Ảnh minh họa, Qua: Zhihuige.cn)

Xưa có một cậu bé tên là Phi Hồng, nổi tiếng nghịch ngợm và hiếu thắng. Một lần Phi Hồng chơi đánh cờ với bạn. Phi Hồng đi nhầm một nước và muốn đi lại nhưng người bạn nhất quyết không đồng ý. Cuối cùng họ cãi nhau nảy lửa đến mức Phi Hồng tát vào mặt bạn mình, khiến cậu bạn vô cùng tức giận và bỏ chạy về nhà.

Cha của Phi Hồng lúc đó đang làm việc ở một nơi xa. Sau khi nghe một người bạn kể lại về vụ việc, ông đã viết cho Phi Hồng một lá thư và gửi kèm một mái chèo. Ông yêu cầu Phi Hồng tới xin lỗi cậu bạn và cầm mái chèo tới chịu phạt với cậu bạn.

Lúc Phi Hồng tới, người bạn vẫn còn đang rất tức giận nên không muốn gặp mặt. Vì vậy, Phi Hồng đã cầm mái chèo tự đánh vào người mình. Những tiếng “bốp bốp, chát chát” vang lên không ngừng, khắp người Phi Hồng dần xuất hiện những vết thâm tím.

Sau một hồi kiên nhẫn quan sát, người bạn cảm thấy không đành lòng, liền chạy ra ôm lấy Phi Hồng và khóc lớn. Phi Hồng cảm thấy vô cùng ngạc nhiên và bối rối.

“Đây hoàn toàn là lỗi của mình. Tại sao cậu lại khóc?” “Mình chỉ muốn được giống như bạn, có một người cha nghiêm khắc yêu thương, dạy dỗ. Cha mình thì đã qua đời, mình không có ai bên cạnh kèm cặp cả. Mình thấy thương cho bản thân, thấy tủi thân quá nên mới khóc,” Cậu bạn nức nở.

Phi Hồng nghe xong cũng khóc lớn và ôm chầm lấy bạn. Kể từ đó, hai cậu bé giải hòa với nhau và thân thiết như anh em trong một nhà.

(Ảnh minh họa, Qua: Zing.vn)

Nhiều năm sau, Phi Hồng lên kinh thành dự thi và đỗ Trạng Nguyên. Trong thời nhà Minh, ông được bổ nhiệm nhiều chức vụ quan trọng như Thị lang bộ Lễ, Tể Tướng. Và tất cả những điều này đều đến từ sự dạy dỗ tuyệt vời của cha ông khi ông còn nhỏ.

Đây là câu chuyện cho thấy cách giáo dục con cái của người xưa: nghiêm khắc và không bao che lỗi lầm của con, giúp đứa trẻ biết nhận lỗi và tự chịu trách nhiện trước hành vi của mình. Đó là một phương cách giáo dục mà các bậc cha mẹ thời nay phải tham chiếu.

Theo Visiontime

Mộc Trà biên dịch