Robin Berman là bác sĩ y khoa, chuyên gia tâm thần học và trưởng nhóm nghiên cứu về Reflective Parenting (một lĩnh vực khoa học được phát triển dựa trên “reflective fuctioning” – khả năng hình dung các trạng thái tinh thần của bản thân và của người khác nhằm tìm hiểu sâu hơn về nguồn gốc của các hành vi. Tuy nhiên, Reflective Parenting chỉ tập trung vào việc khám phá “reflective fuctioning” trong mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái). Trong quá trình làm việc với cương vị là một nhà tâm thần học về trẻ em (child psychiatry), bà đã nhận rằng cách tốt nhất để giúp đỡ trẻ chính là phải thay đổi nhận thức của các bậc làm cha mẹ. Do đó, bà đã quyết định cống hiến cả cuộc đời mình cho lĩnh vực Parental Education (giáo dục phụ huynh).

Hiện tại, Robin Berman là phó giáo sư về tâm thần học tại trường y David Geffen ở UCLA và bà cũng điều hành một phòng khám riêng. Mối quan tâm lớn nhất của bà là thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của trẻ thông qua việc thắt chặt mối quan hệ gắn bó, sâu sắc giữa bố mẹ và con cái.

Trong rất nhiều nghiên cứu, Berman đã chỉ rõ những sai lầm của bố mẹ trong việc đặt ra những kỳ vọng thái quá về con cái và nuôi dạy con trở thành đứa trẻ luôn hạnh phúc, từ đó, bà đề xuất một số giải pháp và rất nhiều lời khuyên hữu ích để thay đổi nhận thức của họ. Dưới đây là những bí quyết đã được bà chia sẻ trên trang Goop về cách giáo dục giới tính cho con mà các bậc phụ huynh có thể tham khảo.

Đa phần chắc hẳn ai cũng nhớ khoảng thời gian khi chúng ta có “những cuộc trò chuyện” với bố mẹ của mình. Và giờ đây, khi đã làm cha, làm mẹ, chúng ta mới dễ dàng đồng cảm được với những khó khăn, ngượng nghịu mà trước đây, mỗi lần đề cập đến vấn đề gì đó nhạy cảm là bố mẹ lại thường nói rất nhanh hoặc rất mơ hồ.

Giới tính là một chủ đề vô cùng khó khăn nếu muốn chia sẻ với con nhưng nó quan trọng tới mức mà không thể nào bỏ qua được.

1. Có những cách nào để cảm thấy bớt lúng túng hơn nếu muốn nói với con về giới tính? Liệu có bất cứ bí quyết nào giúp các bậc cha mẹ vượt qua được những trở ngại về cảm xúc và tinh thần hay không?

Trong bất kỳ một cuộc thảo luận nào với con tiềm ẩn những vấn đề khó nói thì bước đầu tiên mà các bố mẹ cần làm đó là hãy thật bình tĩnh. Chấp nhận rằng chủ đề giới tính có thể khiến cuộc trò chuyện trở nên không thoải mái, một phần bởi vì con sẽ hiểu rằng tình dục là khởi đầu của việc mất đi sự trong trắng và con sẽ rời khỏi vòng tay che chở của bố mẹ – tất cả những điều này đều là một sự phát triển hết sức bình thường và lành mạnh. Trẻ cảm nhận được nguồn năng lượng và làm theo những yêu cầu mà chúng ta đã đưa ra, do đó, điều quan trọng là giải thích sự lo lắng trước khi bắt đầu thảo luận, duy trì sự thoải mái tốt nhất có thể và cung cấp thông tin cho con một cách thẳng thắn và thực tế nhất.

Duy trì sự bình tĩnh bằng cách nào là tốt nhất? Đó chính là việc tự nhắc nhở mình rằng không một ai có thể nói với con những điều này tốt hơn bạn – những người bố, người mẹ có trách nhiệm luôn yêu thương con cái. Và hiển nhiên, bạn cũng không hề muốn người nói với con của mình về giới tính là bạn bè hay một chuyên gia nào đó trên Internet.

Khi đề cập đến việc nuôi dạy con, càng ít áp lực đối với bố mẹ thì càng ít áp lực đối với con cái. Ngoài ra, cũng đừng thể hiện nỗi sợ hãi hay xấu hổ mà có lẽ, chúng ta đã từng trải qua khi còn là những đứa trẻ và lần đầu tiên được bố mẹ giáo dục về giới tính.

2. Chính xác thì ở độ tuổi nào, các bậc cha mẹ nên dạy con về giới tính?

Không hề có một độ tuổi cố định nào cả. Việc này sẽ thay đổi tùy thuộc vào sự phát triển của mỗi đứa trẻ nhưng hiện nay, khi Internet ngày càng phát triển thì tốt hơn là bạn nên chia sẻ với con của mình thật sớm. Trước đây, tuổi thơ của trẻ luôn được bảo vệ bởi một “tấm khiên” đó là không Internet, không tivi, không báo chí…. Giờ đây, cuộc sống đã thay đổi.

Đáng buồn thay, đến năm 2016, theo tính toán thì độ tuổi trung bình xuất hiện những hành vi đăng ảnh khiêu dâm trên mạng xã hội là 11 tuổi và con số này càng cho thấy bạn phải chia sẻ cho con những vấn đề liên quan đến giới tính thật sớm (Ở một số đất nước khác như Anh và Canada, ảnh khiêu dâm phải được mua nếu muốn xem, trong khi đó ở Mỹ thì các nội dung này đều được truy cập miễn phí 24/7 khiến cho trách nhiệm giáo dục giới tính sớm cho con của các bậc phụ huynh càng lớn).

Ngoài ra, các bố mẹ cũng cần chú ý tới việc trả lời các câu hỏi mà con thắc mắc. Không giống như ở thế hệ chúng ta khi giáo dục giới tính bắt đầu và kết thúc chỉ với một buổi nói chuyện thì hiện nay, chủ đề này luôn tiếp diễn và không dừng lại. Hãy thể hiện các hành động để con hiểu rằng bạn luôn sẵn sàng cho con những câu trả lời tốt nhất và luôn nhấn mạnh các câu hỏi của con với những lời khẳng định như: “Bố mẹ rất vui khi con thắc mắc điều này”. Thêm nữa, các câu trả lời cũng cần được linh hoạt sao cho phù hợp với sự phát triển độ tuổi của con – không cần quá nhiều thông tin khi con còn quá bé – đơn giản là trả lời đúng trọng tâm của vấn đề con chưa hiểu rõ.

3. Bà có thấy rằng con cái cũng gặp khó khăn hoặc không thoải mái khi bắt đầu nói về vấn đề này giống như bố mẹ? Trẻ có sẵn sàng lắng nghe những cuộc trò chuyện “sâu” hơn chúng ta nghĩ không?

Phần lớn các bậc cha mẹ sẽ rất ngạc nhiên khi con cái của mình tỏ ra thoải mái, bình thường khi được bố mẹ chia sẻ về vấn đề giới tính. Trẻ rất tò mò và chúng muốn thông tin. Do vậy, tạo ra một môi trường khiến trẻ cảm thấy an toàn để đặt ra những câu hỏi là phần rất quan trọng trong quá trình nuôi dạy con cái, không chỉ về giới tính mà còn là những vấn đề khác nữa.

4. Trẻ sẽ nhận được những lợi ích gì khi nói chuyện với bố mẹ về gới tính?

Tất nhiên. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng giáo dục phụ huynh (Parental education) theo phong cách cởi mở, khuyến khích và nhiệt tình sẽ giúp cho con cái khi lớn lên ít có những hành vi tình dục (sexual behavior) nguy hiểm. Chẳng hạn, một nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ mà được bố mẹ thảo luận về cách sử dụng bao cao su từ sớm thì khi lớn lên, khả năng biết sử dụng bao cao su sẽ lớn gấp 3 lần so với những đứa trẻ mà không được dạy về điều này. Thêm nữa, các nhà khoa học cũng khẳng định trẻ có sự kết nối mật thiết với bố mẹ ít có khả năng dùng các loại thuốc kích thích và hiếm khi khởi phát các hành vi tình dục sớm hoặc nguy hiểm.

5. Làm thế nào để nói với con về cách tự bảo vệ mình trước những kẻ xấu trên Internet và trong đời thực?

Trong những cuộc trò chuyện với con về sự an toàn khi sử dụng Internet, hãy thiết lập những ranh giới rõ ràng. “Các cuộc trò chuyện” với những người lạ trên mạng nên bị cấm và tất cả các cài đặt trên mạng xã hội nên được chuyển sang chế độ riêng tư. Ngoài ra, các bố mẹ cũng nên quản lý các hoạt động online của con càng nhiều càng tốt, đặc biệt là trẻ dưới 18 tuổi.

Trong cuộc sống thực, điều vô cùng quan trọng mà các cha mẹ cần nói với con đó là cơ thể con là của con, con sở hữu nó, con phải bảo vệ nó và con có quyền nói “không” với bất cứ ai người nào khác. Không ai được phép chạm vào người con nếu con không muốn và không một ai có quyền ép con phải chạm vào người họ. Các bố mẹ cũng cần giải thích cho con nghe về tầm quan trọng của việc lắng nghe giọng nói bên trong đầu mình (inner voice) và tin vào linh cảm. Nếu cảm thấy bất an thì chứng tỏ, người đối diện con chưa hẳn là người tốt. Các con cần được trao quyền tự đứng dậy, từ chối, tìm cách rời khỏi đó và kể mọi chuyện cho một người lớn mà các con cảm thấy tin tưởng.

6. Làm thế nào để con hiểu được ý nghĩa của việc nói “không” và tôn trọng các giới hạn?

Một trong những “viên đá đặt nền móng” cho hành trình nuôi dạy con thành công đó là việc dạy con biết tôn trọng và sự tử tế. Đây cũng chính là cơ sở để ứng dụng vào việc giáo dục giới tính cho con cái. Bạn cần liên tục giải thích cho “các chàng trai tương lai” rằng một mối quan hệ thật sự cần có sự xuất phát từ ý muốn của hai người và sự chấp thuận của đối phương là điều vô cùng quan trọng. Đừng bao giờ coi tình dục như là chi phí của một tình yêu bất thành hay là thứ mà người con có tình cảm phải buộc phải trả cho con.

Thật đáng tiếc, trẻ em hiện nay đang bị “đe dọa” bởi vô vàn những hình ảnh đáng sợ và độc hại về giới tính trước khi chúng bắt đầu có những tình cảm đầu tiên với một người khác giới. Điều này dẫn tới con cái chúng ta sớm hình thành những tư tưởng, suy nghĩ sai lầm và rất dễ bị tác động bởi một luồng ý kiến khác ủng hộ cho nỗi sợ của chúng. Hãy trò chuyện với con bằng tình yêu thương, sự tôn trọng và những kinh nghiệm mà bạn đã tích lũy được.

Bạn càng cung cấp cho con nhiều kiến thức thì càng nhiều khả năng chúng đưa ra những lựa chọn đúng đắn. Tương tự, việc trò chuyện một cách cởi mở, thẳng thắn với con về giới tính cũng đóng vai trò như là một “lời mời” chúng đặt ra nhiều câu hỏi sâu hơn cho bạn về những vấn đề mà con chưa hiểu. Điều quan trọng nhất ở đây là bạn phải là một nguồn cung cấp thông tin an toàn, đáng tin cậy và phải trở thành người đầu tiên mà con muốn tham khảo ý kiến mỗi khi chúng thắc mắc điều gì đó.

Cuối cùng, đừng ngại ngùng, xấu hổ hay cố tình che giấu những vấn đề giới tính với con cái. Nhiệm vụ của chúng ta – các bậc làm cha, làm mẹ đó là hướng dẫn con tự xây dựng nền tảng để đạt tới một cuộc sống hạnh phúc, lành mạnh mà con muốn.