Cổ nhân có câu: “Không nhịn được việc nhỏ, sẽ làm hỏng việc lớn”. Người nhẫn nhịn thường sống kín đáo, sở hữu một trí tuệ rộng lớn, biết nhìn xa trông rộng. Chỉ người có tâm Đại Nhẫn mới làm thành được việc to lớn, những ai sống chỉ vì tranh vì đấu, suốt đời sống trong ủy mị, dằn vặt và đau khổ, họ không thể làm được việc gì lớn lao cả.
Khổng Tử cũng từng nói: “Việc nhỏ không nhẫn, tất loạn việc lớn”, hay: “Bậc quân tử không có tranh giành”. Tất cả đều giảng về Đạo “Nhẫn”. Trong lịch sử còn lưu lại nhiều câu chuyện nhờ có chữ Nhẫn mà làm được việc lớn.
Quán quân võ thuật bị đánh không đánh lại
Hơn 10 năm trước, tại một huyện ở miền Bắc Trung Quốc, xảy ra một trận ẩu đả. Trên phố, một nhóm côn đồ địa phương thay phiên nhau đánh đấm một người đàn ông trung niên cao to và khỏe mạnh. Sau khi im lặng chịu đựng trận đòn man rợ, mũi và miệng người đàn ông trung niên đã rớm máu.
Tuy nhiên, điều lạ là ông không đánh lại, cũng không tránh những cú đấm và cú đá. Người xem đều cho rằng người đàn ông này thật khờ dại.
Một cụ già không thể đứng xem cảnh này lâu hơn được nữa. Sau khi đám du côn rời đi, cụ già tới lau vết máu trên mặt người đàn ông trung niên. Cụ ngạc nhiên khi nhìn kỹ và nhận ra rằng đây là một huấn luyện viên trường võ thuật chuyên nghiệp ở một huyện gần đó. Thêm nữa, người đàn ông này đã đoạt giải quán quân trong một cuộc thi võ thuật danh tiếng!
Quá kinh ngạc, cụ già hỏi ông: “Với công phu của mình, ông thừa sức khuất phục mấy tên lưu manh đó. Tại sao ông không đánh lại khi bị đánh như vậy?”
Người đàn ông trung niên điềm tĩnh đáp: “Những người luyện võ giảng về ‘võ đức’. Bị họ đánh vài lần không thể gây ra vết thương lớn nào đối với tôi. Còn nếu động thủ tôi có thể làm chết người ấy chứ. Ngoài ra, đánh nhau với đám du côn không biết võ đó có thể làm bẩn tay tôi”.
Nỗi nhục chui háng
Tô Thức thời Bắc Tống đã từng nói: “Thất phu bị nhục, rút kiếm đứng dậy, vươn mình chiến đấu”. Đây không phải là dũng cảm thực sự. Người dũng cảm thực sự là khi đột nhiên đối diện với sự xâm phạm cũng không tranh đấu với đối phương, dùng thái độ nhẫn nhường để hóa giải mâu thuẫn, để đối phương có đường lùi. Cho dù gặp phải sự hạ nhục vô cớ thì cũng có thể bình thản xử trí, thong dong đối đãi.
Cái tâm đại nhẫn của Hàn Tín, khai quốc công thần nhà Tây Hán, khiến mọi người càng kính phục. Thời trẻ Hàn Tín thích đeo trường kiếm.
Một hôm, khi ông đang đi trên phố chợ thì một người trẻ tuổi hạ nhục ông trước đám đông rằng: “Ngươi thân thể cao lớn, thích mang đao đeo kiếm, thực ra trong nội tâm lại rất nhát gan”. “Nếu ngươi thực sự không sợ chết thì hãy lấy kiếm ra đâm ta đi, nếu ngươi sợ chết thì hãy chui qua háng ta”.
Sau khi quan sát kỹ người thanh niên đó, Hàn Tín bèn cúi người chui qua háng anh ta. Mọi người trên phố đều cười giễu Hàn Tín, cho rằng ông nhát gan.
Sau này, Hàn Tín trở thành đại tướng quân của Lưu Bang, ông cho triệu người thanh niên đã hạ nhục mình năm xưa đến, đồng thời nói với mọi người rằng: “Đây là một tráng sĩ. Năm xưa khi hạ nhục ta, ta đã có thể giết chết anh ta, nhưng giết chết anh ta mà không có danh nghĩa gì, thế nên ta đã nhẫn nại, thế nên mới có thành tựu ngày hôm nay”.
Người thanh niên đó xin được tha thứ, Hàn Tín đã tha tội cho anh ta, còn phong cho anh ta làm một chức quan nhỏ.
Nhẫn nhường không phải là yếu nhược cúi đầu thần phục người khác, nhẫn nhường là tránh những phiền nhiễu không cần thiết, chính vì vậy những người có tâm Đại Nhẫn thường làm được những việc to lớn, khác thường.
Nội hàm của chữ Nhẫn
Thực ra Nhẫn là một loại hàm dưỡng, có ý nghĩa vô cùng rộng lớn. Bình thường người ta cho rằng Nhẫn là nhẫn chịu. Đây chỉ là một phương diện, Nhẫn còn có rất nhiều hàm nghĩa như nhẫn nại, chịu khổ, chịu thiệt, nhận thức, tiếp nhận, kiên trì tiết thủ, trách nhiệm, thành tựu, cao quý mà không kiêu căng, công lớn mà không tự phụ, hiền tài mà khiêm hạ, cương trực mà nhẫn nại, trong nhẫn có xả, cương nhu tương tế, nghĩ vì người khác v.v.
Người ta thường nói: “phía trên chữ Nhẫn (忍) có một lưỡi dao (刀)”, cũng không phải như cách hiểu thông thường là trong tâm cắm một lưỡi dao mà cũng không làm gì, mà là mà dùng cái tâm ở dưới lưỡi dao để hóa giải mâu thuẫn, tức “nhẫn hóa”, xử sự lâm nguy mà không sợ, quyết đoán nắm bắt thời cơ, tránh nhuệ khí đối phương, dùng trí tuệ hóa giải, tránh xung đột trực diện, giảm thiểu những tổn hao và tổn thất không cần thiết, dùng biện pháp lợi ích cho người khác mà thiện hóa để giải quyết mâu thuẫn.
Nhẫn không phải là ấm ức trong lòng, che giấu tức giận, bởi vì ấm ức trong lòng thì khí không lưu thông, u uất hóa kết, tổn thương gan và thận. Tổn thương gan thì dễ cáu giận, tổn thương thận thì trí tuệ tối tăm. Trí tuệ tối tăm thì dễ lỡ lời, kệch cỡm. Thế nên, nhẫn cần phải chủ động, tích cực gánh chịu, hóa giải thì mới giải quyết được vấn đề thực chất.
Chỉ người có tâm Đại Nhẫn mới làm thành được việc to lớn, những ai sống chỉ vì tranh vì đấu, suốt đời sống trong ủy mị, dằn vặt và đau khổ, họ không thể làm được việc gì lớn lao cả.
Huy Hiếu (T/h)