Nhạc Sĩ Hoàng Phương là một nhạc sĩ nhạc vàng nổi tiếng trước và sau năm 1975. Hoàng Phương là tác giả của bài hát nổi tiếng Hoa sứ nhà nàng, là bài hát nhạc vàng duy nhất được chính quyền mới cho phép lưu hành sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Những sáng tác của ông chủ yếu viết về tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương tha thiết.,. Ngoài ra ông cũng là chủ của Băng nhạc Gò Công nổi tiếng thập niên 1980-1990.

Di ảnh nhạc sĩ Hoàng Phương tại tư gia của ông.

Nhạc sĩ Hoàng Phương tên thật là Nguyễn Kim Hoàng, sinh năm 1943, nguyên quán tại xã Tân Thành, tỉnh Gò Công (nay thuộc tỉnh Tiền Giang).

Nhạc sĩ Hoàng Phương thời trẻ (bên phải)

Thuở nhỏ, ông học trường tiểu học sơ cấp Tân Thành, sau đó học ở trường Nam Tiểu học Gò Công. Thi rớt vào bậc đệ thất trường công lập, ông theo học đệ thất trường Bán công Gò Công. Một năm sau, Hoàng Phương bắt đầu học nhạc buổi tối với nhạc sĩ Lê Dinh. Những năm vào trung học, ông đam mê âm nhạc, tự học đàn violon và organ. Sau khi học xong chương trình lớp đệ nhị, thi trượt tú tài 1, ông thôi học và từ đây bắt đầu theo nghiệp sáng tác. Ngoài ra, trong thời gian này ông cũng học thêm nghề sửa đồng hồ và nghề thợ bạc rồi trở nên có tiếng trong nghề.

(Một số thông tin nói rằng : Từ nhỏ do Hoàng Phương bị một cái mụn mạch lươn ở mắt cá nên bị rút gân, chân đi khập khiễng, nên không bị bắt đi lính. Nhưng thật sự không phải như vậy, một người bạn thân của nhạc sĩ đã nói rằng : Hoàng Phương có đi lính và dùng s.úng b.ắn vào gót chân của mình để có thể được cho giải ngũ. Ông hành động như vậy trong một lần say rượu.)

Năm 1968, khi 25 tuổi, Hoàng Phương lên Sài Gòn để phát triển sự nghiệp sáng tác của mình. Trong năm này, ông viết bản nhạc đầu tay, đó là bài Hoa sứ nhà nàng (tên ban đầu là Hoa sứ nhà em). Lập tức, bài hát được giới yêu nhạc bình dân đón nhận và ông sớm được nhiều nhà xuất bản tranh nhau mua bản quyền.

Tác phẩm Hoa Sứ Nhà Nàng (Hoa Sứ Nhà Em) đầu tay của nhạc sĩ Hoàng Phương

Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975 là thời thoái trào của dòng nhạc trữ tình miền Nam, hầu hết nhạc của các nhạc sĩ miền Nam trước đó đều bị chính quyền mới cấm lưu hành trên toàn quốc, chỉ bài Hoa sứ nhà nàng của Hoàng Phương được lưu hành. Lúc này, ông về Gò Công mở lại tiệm sửa đồng hồ, tích cóp tiền, đến năm 1985, ông mở thêm hai tiệm vàng là Kim Hoàng và Toàn Tân. Nhiều người dân Gò Công vẫn hát Hoa sứ nhà nàng mà không biết tác giả chính là ông thợ sửa đồng hồ phố huyện.

Năm 1989, nhạc sĩ Hoàng Phương cưới người vợ thứ hai là Mộng Vân. Ông đã để lại hầu hết tất cả tài sản cho gia đình và ra đi theo bà Mộng Vân. Hai người cất một căn nhà lá nhỏ trên bãi biển Tân Thành và sống ở đó. Hai người có với nhau 2 người con trai.

Những năm cuối đời, người ta thường thấy hình ảnh nhạc sĩ Hoàng Phương suy sụp, hay uống rượu và một mình đi lang thang trên bãi biển. Cuộc sống của ông ngày càng cơ cực. Ông mắc bệnh ung thư gan và mất ngày 19 tháng 10 năm 2002. Trước khi mất, Hoàng Phương để lại nhiều tác phẩm còn đang dang dở.

Ông được chôn ở bên hông nhà. Đối diện là biển Tân Thành Gò Công.
Ngôi nhà của vợ và hai người con của nhạc sỹ, do mạnh thường quân xây cất. Trước kia chỉ là căn chòi lá nhỏ.

Mộ nhạc sĩ Hoàng Phương nhìn từ ngoài hàng rào. (ngoài cùng bên phải)
Nhạc sĩ Hà Phương kể như sau: Ngày xưa hai ông chơi rất thân, từ trước đến sau ngày 30/4, rồi từ ngày nhạc sĩ Hoàng Phương lấy vợ sau chuyển về biển Tân Thành sống. Những uất ức cũng như nỗi buồn về những lần thất bại trong cuộc sống của nhạc sĩ Hoàng Phương, tất nhiên ông chỉ kể trên phương diện chia sẻ để chúng tôi, những thế hệ hậu sinh hiểu và mến thương đến những phận đời nhạc sĩ lênh đênh theo dòng nước.Khoảng thời gian cuối đời, nhạc sĩ Hoàng Phương vì thất chí trong công việc làm ăn, và buồn về hoàn cảnh gia đình nên thường mượn rượu tìm quên, có lần nhạc sĩ Hà Phương ghé thăm, phải đứng ra giải quyết những mâu thuẫn xung quanh của người bạn mình. Có đôi khi quá chén mất tự chủ, người tác giả Hoa Sứ Nhà Nàng hay đi lang thanh dọc bờ biển và có khi ngủ quên đâu đó. Nghe thật đau lòng.