Người xưa nói: “Chớ vì việc thiện nhỏ mà không làm, chớ vì việc xấu nhỏ mà làm”. Việc lớn là do tích lũy những việc nhỏ mà ra…

Người xưa nói “trong Tiểu có Đại” (trong cái nhỏ có cái lớn). Giọt nước nhỏ bé nhỏ giọt không ngừng thì có thể xuyên thấu đá. Đốm lửa nhỏ đủ để thiêu cháy cả cánh đồng rộng lớn. Chuyện nhỏ không nhẫn thì sẽ làm hỏng mưu lớn. Một việc thiện nhỏ mỗi ngày có thể kết rộng thiện duyên. Việc đại thiện nào cũng đều từ những việc thiện nhỏ tích lũy thành. Không ai có thể một bước thành anh hùng. Người thành sự nghiệp lớn thì trước tiên phải bắt đầu từ việc nhỏ.

Một nhà không quét thì sao có thể quét được thiên hạ

Thời Đông Hán có một thiếu niên là Trần Phiên, tự cho mình là phi phàm, trong lòng chỉ muốn làm việc lớn. Một hôm người bạn là Tiết Cần đến thăm, thấy trong nhà Trần Phiên lôi thôi bẩn thỉu, bèn nói: “Nhà Nho sao lại không quét dọn nhà tiếp đãi khách?

Trần Phiên trả lời: “Đại trượng phu xử thế, nên quét thiên hạ, sao phải quét nhà?

Hoài bão của Trần Phiên muốn “quét thiên hạ” tất nhiên là tốt, nhưng cái sai là anh đã không nhận thức được rằng: quét thiên hạ chính là khởi đầu từ quét một nhà, quét thiên hạ cũng bao hàm quét một nhà. Nếu một nhà không quét thì tất nhiên sẽ không thể thực hiện được lý tưởng quét thiên hạ.

Nếu ngay cả việc nhỏ cũng không muốn làm thì sao có thể làm được sự nghiệp lớn? Nhà tư tưởng nổi tiếng thời Chiến Quốc là Tuân Tử đã nói trong tác phẩm “Khuyến học” rằng: “Không tích từng bước chân nhỏ thì không thể nào đi được nghìn dặm đường. Không tích từng dòng nước nhỏ thì không thể nào thành sông thành biển“.

Hành trình nghìn dặm khởi đầu từ bước chân

Hành trình nghìn dặm khởi đầu từ bước chân“, đây là câu thành ngữ có nguồn gốc trong tác phẩm Đạo Đức Kinh của Lão Tử. Lão Tử đã dùng nhiều ví dụ minh họa để nói rõ đạo lý sự vật đều phát triển từ nhỏ đến lớn. Ông nói: “Cây lớn nhiều người ôm bắt đầu sinh trưởng từ mầm nhỏ. Đài cao chín tầng bắt đầu từ đắp hòn đất nhỏ. Hành trình nghìn dặm khởi đầu từ bước chân“.

Sách Vi học đời Thanh có miêu tả một câu chuyện như sau:

Ở địa giới Tứ Xuyên có hai hòa thượng, một người nghèo khổ, một người nhiều tiền. Hai hòa thượng đều chuẩn bị đi Nam Hải bái Thánh lễ Phật. Hòa thượng giàu nói với hòa thượng nghèo rằng: “Mấy năm nay tôi đang dự tính thuê thuyền xuôi dòng sông đi xuống Nam Hải mà vẫn chưa thực hiện được. Ông dựa vào cái gì để đi đây?

Một năm sau, hòa thượng nghèo đã bái Thánh lễ Phật từ Nam Hải trở về, còn hòa thượng giàu thì vẫn đang chuẩn bị cho việc khởi hành. Hòa thượng nghèo kể cho hòa thượng giàu những gì ông đã trải qua trên đường, cuối cùng ông nói: “Một năm trời lặn lội vượt ngàn dặm đường trường, tôi chỉ dựa vào một bình nước và một cái bát xin cơm chay để hoàn thành được tâm nguyện“.

Hòa thượng giàu nghe xong vô cùng xấu hổ, không biết nói năng gì. Hòa thượng nghèo dốc chí dốc sức thực hiện nguyện vọng, còn hòa thượng giàu chỉ dừng lại ở cửa miệng, do đó kết quả hoàn toàn trái ngược.

Ngu Công dời núi

Trong tác phẩm Liệt Tử có câu chuyện cổ kể rằng:

Ở phía Bắc sông Hoàng Hà, phía Nam Ký Châu có hai quả núi cao là Thái Hành và Vương Ốc. Hai trái núi lớn này mỗi chiều lên đến 700 dặm, cao mấy vạn thước. Phía Bắc hai trái núi có lão ông gọi là Ngu Công, tuổi đã gần 90 rồi. Nhà ông đối diện hai trái núi này. Do hai trái núi cao chặn lối đi về phía Bắc nhà ông, muốn đi phải vòng qua núi rất xa, khiến Ngu Công rất đau đầu trước tình hình này.

Một hôm ông triệu tập tất cả người nhà lại bàn bạc. Để có đường thuận tiện đến phía Nam Dự Châu và bờ Nam sông Hán, ông quyết định bắt tay vào đào núi, san phẳng hai trái núi. Ngày hôm sau, Ngu Công chọn ra trong những con cháu lấy 3 người mạnh khỏe nhất cùng ông đi đục đá, đào đất, sau đó dùng ki(*) hốt đất đá chuyển đến biển Bột Hải.

Có một ông già khác có tiếng thông minh trong vùng là Hà Khúc chê cười Ngu Công, cho rằng sức người nhỏ bé, mà núi lại to lớn ngần này, sao có thể đào núi và san phẳng chúng được. Ngu Công nói: “Tôi dẫu chết đi thì vẫn còn con trai. Con trai sinh cháu trai, cháu trai lại sinh cháu trai khác, cháu trai đời sau lại sinh cháu trai nữa… con cháu đời đời không hết. Nhưng hai trái núi này thì không mọc cao thêm, cũng không to lớn thêm. Thế thì tôi có gì phải lo là không san bằng được chúng?

Ông già thông minh Hà Khúc nghe Ngu Công nói thế thì á khẩu không biết nói gì thêm.

Ngu Công tuổi cao, đã gần 90  nhưng không vì sức lực nhỏ bé mà không làm. Ông cho rằng tích tiểu thành đại, đâu ngại mỗi ngày chỉ đào được một chút đất đá, tháng ngày tích lũy, nhất định sẽ có ngày san bằng núi lớn.

Tinh thần của Ngu Công đã cảm động đến Thiên Đế. Thiên Đế mệnh cho con trai của Đại Lực Thần Khoa Nga Thị di dời hai trái núi đi. Từ đó trở đi miền Nam Ký Châu và bờ Nam sông Hán không còn hai trái núi lớn ngăn trở nữa.

Chớ vì việc xấu nhỏ mà làm

Trong sách Hạc lâm ngọc lộ đời Tống có ghi chép một câu chuyện như sau:

Trương Quai Nhai khi làm Huyện lệnh Sùng Dương đã phát hiện ra viên quan lại quản lý phủ khố thường rút một số tiền rất nhỏ để chi dùng cá nhân. Thế là ông đã phán xử bằng cách đánh gậy trừng phạt, nhưng viên quan lại đó không phục. Trương Quai Nhai liền viết thêm vào bản xét xử rằng: “Mỗi ngày một tiền, nghìn ngày nghìn tiền. Dây cưa gỗ đứt, nước chảy đá mòn”.

Viên quan lại tâm phục khẩu phục chịu hình phạt.

Phòng ngừa từ những điều nhỏ nhặt

Mỗi suy nghĩ, mỗi ý niệm trong cuộc đời con người đều rất quan trọng. Một việc nhỏ không đáng kể lại có thể thay đổi cả cuộc đời con người. Từng tí từng chút trong cuộc sống thường nhật đều sẽ tích tiểu thành đại. Một việc nhỏ có thể trở thành lỗi lầm lớn, do đó cần phải phòng ngừa từ những điều nhỏ nhặt.

Trong Hàn Phi Tử có ghi chép câu chuyện Cơ Tử thấy việc nhỏ biết việc lớn như sau:

Một lần Trụ Vương có được đôi đũa bằng ngà voi khiến ông vô cùng vui thích. Cơ Tử trông thấy liền cảm thán nói rằng: “Đũa ngà voi thì nhất định không thể dùng cùng đồ sành, cần phải dùng với bát điêu khắc từ sừng tê giác và chén làm bằng bạch ngọc. Có chén ngọc bát sừng rồi thì nhất định không thể đựng cơm thô, rau dại mà phải đựng sơn hào hải vị mới tương xứng. Ăn sơn hào hải vị thì không muốn mặc y phục thô nữa, cũng không muốn ở nhà tranh nữa mà phải mặc áo gấm thêu, đi xe hoa lệ, ở nhà cao gác lớn. Cứ như thế này thì vật phẩm trong nước Thương chúng ta không đáp ứng được nhu cầu của bệ hạ, nên cần phải  chinh phục các nước phương xa để lấy vật quý hiếm lạ kỳ. Khởi đầu từ đũa ngà voi, thần đã nhìn thấy kết quả phát triển sau này rồi, không thể nén nổi lòng lo lắng!“…

Cuối cùng nỗi lo của Cơ Tử đã thành sự thực, lòng tham dục của Trụ Vương quả nhiên càng ngày càng lớn. Ông ta xây đài Trích Tinh (Hái sao trời) và Lộc Đài, rượu đổ thành bể, treo thịt thành rừng, vơ vét vật quý hiếm tứ phương, khiến nhân dân oán hận ngút trời. Cuối cùng Chu Võ Vương hưng binh phạt Trụ, Trụ Vương binh bại, tự thiêu trong lửa Lộc Đài cháy rực.

Tổ kiến hổng sụt toang đê vỡ

Tổ kiến hổng sụt toang đê vỡ” là câu thành ngữ có nguồn gốc từ “Hàn Phi Tử”, nói rằng: “Con đê nghìn trượng vỡ bởi tổ kiến, tổ mối. Nhà cao trăm tầm (đơn vị đo lường xưa, một tầm bằng 8 thước) cháy bởi khói lửa nhỏ“. Câu nói này ví von, ngụ ý rằng việc nhỏ không cẩn thận sẽ gây thành tai họa lớn.

Xưa ở bên bờ Hoàng Hà có một thôn trang. Để phòng ngừa lũ lụt, những nông dân ở đó đã xây dựng một con đê kiên cố. Một hôm, một lão nông phát hiện ra một tổ kiến nhỏ bỗng lan rộng ra. Trong tâm ông thầm nghĩ: “Tổ kiến này không biết có ảnh hưởng đến sự an toàn của con đê hay không?“. Thế là ông trở về làng báo cho mọi người. Giữa đường ông gặp con trai. Sau khi nghe ông kể, anh con trai nói: “Đê dài kiên cố thế này còn sợ mấy con kiến cỏn con đó sao?“. Nói rồi anh con trai kéo ông cùng đi ra đồng.

Đêm hôm đó mưa to gió lớn, nước ông Hoàng Hà dâng cao đột ngột. Dòng nước lũ gầm thét thâm nhập qua tổ kiến phun trào, cuối cùng đã phá vỡ con đê, nhấn chìm thôn làng và cánh đồng ven đê.

Một việc nhỏ có thể thành tựu một người, cũng có thể hủy hoại con người, thậm chí hủy hoại cả quốc gia. Thế nên, người ôm chí lớn thì không quên tiểu tiết, bắt đầu từ việc nhỏ, việc quanh mình, từng bước thực hiện tốt, cuối cùng thành tựu bản thân.

Chú thích – (*) “Ki”: là một dụng cụ thời xưa thường được đan bằng tre, nứa (giống như rổ rá nhưng chắc chắn hơn, thường dùng để đựng đất đá; Còn một loại nữa cũng được đan bằng tre và có đòn khiêng (gần giống như cáng cứu thương hiện nay). Thời xưa người ta hay dùng ki, cáng để vận chuyển đất đá – khi chưa có các phương tiện vận chuyển hiện đại.