Vào thời nhà Đường, ở núi Ngũ Đài Sơn, có một vị thiền sư nổi tiếng tên là Mã Tổ, rất thích dùng phương thức “gây khó khăn” để dạy đồ đệ của mình. Vào một ngày nọ, ông cũng dùng cách này để dạy cho tiểu đệ tử của mình ngộ ra một chân lý.

Câu chuyện triết lý: Cái chân của tiểu hòa thượng. (Ảnh qua youtube)

Một hôm, thiền sư Mã Tổ có bắc một cái ghế ngồi trên con đường nhỏ phía sau chùa để đọc sách.

Không lâu sau, có một tiểu hòa thượng đang đẩy chiếc xe đi từ phía vườn rau trở về chùa. Vì con đường quá hẹp, mà thiền sư Mã Tổ lại duỗi chân ra giữa đường, nên tiểu hòa thượng không sao đẩy xe qua được, bèn xin Sư phụ thu chân lại.

Nhưng bất ngờ là thiền sư Mã Tổ không những không co chân lại, mà còn nói: “Chân ta luôn luôn duỗi ra, không bao giờ co lại”.

Tiểu hòa thượng vừa sững sờ, vừa có chút khó xử, rồi nói: “Sư phụ không thu chân lại, con không thể trở về chùa”.

Thiền sư Mã Tổ vừa nói, thậm chí còn không thèm nhìn tiểu hòa thượng: “Đó là việc của con”.

Tiểu hòa thượng suy nghĩ một chút rồi thưa: “Sư phụ, người chỉ duỗi ra chứ không co lại, cho nên con không thể đi qua chân của sư phụ. Vậy chúng ta đổi vị trí đi, con ngồi ở trên ghế, còn sư phụ tới đẩy xe!”.

Sau khi nghe điều này, Thiền sư Mã Tổ cảm thấy khá thú vị, liền đổi vị trí với đồ đệ.

Tiểu hòa thượng lúc này cũng bắt chước duỗi thẳng chân, nhưng khi Thiền sư Mã Tổ đẩy xe về phía mình, thì cậu bèn rụt chân lại.

Thiền sư Mã Tổ hỏi: “Tại sao con thu chân lại?”

Tiểu hòa thượng cười nói: “Sư phụ là người chỉ duỗi không co lại, nhưng con có thể co duỗi, cho nên con thu chân lại”.

Sau đó tiểu hòa thượng đẩy xe đi, còn Thiền sư Mã Tổ thì nhìn theo bóng dáng của đệ tử mình mà cười tâm đắc.

Nhiều năm sau, Thiền sư Mã Tổ đã truyền lại y bát cho tiểu hòa thượng này. Còn tiểu hòa thượng sau đó đã trở thành cao tăng ở Ngũ Đài Sơn, được gọi là Thiền sư Ẩn Phong.

Chúc Di (Theo Secret China)