Cạnh ngã ba Sình, điểm hợp lưu giữa sông Bồ với sông Hương, có một làng chuyên nghề in tranh mộc bản, tạo nên một dòng tranh nổi tiếng ở đất Huế suốt mấy trăm năm nay: tranh Sình. Làng Sình, tên chữ là làng Lại Ân, nay thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, là một trong những làng hình thành khá sớm của xứ Thuận Hóa. Tác phẩm Ô châu cận lục do Dương Văn An nhuận sắc vào thế kỷ XVI đã nhiều lần đề cập địa danh Lại Ân như là một làng quê trù phú, hưng thịnh về giao thương: “Xóm Lại Ân canh gà xao xác, giục khách thương mua một bán mười” hay “Bát đĩa sứ ở Thế Lại, Lại Ân giá bán rất đắt”… Ngày nay, làng Sình được biết đến như một làng văn vật của đất cố đô, nơi còn lưu giữ nghề làm tranh cổ truyền và một hội vật nổi tiếng, tổ chức vào ngày mồng Mười tháng Giêng âm lịch hàng năm: “Dù ai đi đó đi đây. Đến ngày hội vật nhớ quay về Sình”.  

Đấu vật

Tranh Sình, về cơ bản là dòng tranh thờ cúng dân gian. Khác với dòng tranh Đông Hồ có chủ đề quán xuyến hầu hết mọi mặt của đời sống và tinh thần của cư dân vùng châu thổ Bắc Bộ với lối biểu đạt trào lộng và dí dỏm, tranh Sình dường như chỉ tập trung vào hai công năng: thờ và cúng, nghĩa là chỉ chuyên phụng sự đời sống tâm linh của người dân vùng Huế mà thôi.

Tranh thờ là những bức tranh nhân vật[1] được cung thỉnh trên các trang ông, trang bà, trang bếp… trong nhà người dân xứ Huế với tư cách là những vị thần bổn mạng, bảo trợ cho gia chủ. Đó còn là những bức tranh đồ vật (khí dụng, cung tên…) hay súc vật (trâu, bò, heo, ngựa…) được thờ phụng ở những nơi xác định (miếu tổ nghề, chuồng gia súc…), trong một khoảng thời gian nhất định (lâu nhất là một năm) để cầu mong cho nghề nghiệp được phát triển, hưng vượng; hay cầu cho vật nuôi hay ăn chóng lớn, tránh được tai ương dịch bệnh.

Tranh cúng là những bức tranh thế mạng cho người sống; các thứ áo ông, áo bà, áo binh; các loại giấy tiền, giấy vàng bạc…, là những vật phẩm dâng cúng trong các cuộc tế lễ, cầu đảo[2] và sẽ được đốt (hóa vàng) ngay sau khi cúng tế.

Cũng vì cái “công dụng nhất thời” này nên trong quá trình sáng tạo dòng tranh này, đặc biệt là tranh cúng, các nghệ nhân làng Sình đã không quan tâm đúng mực đến tính thẩm mỹ và sự tinh tế như các đồng nghiệp của dòng tranh Đông Hồ ở Bắc Ninh.

Về chủ đề, có thể chia tranh Sình thành ba nhóm chính:

– Tranh nhân vật: Gồm các loại tượng Bàtượng Bếp; con ảnh; ông Điệu, ông Đốc… Tượng Bà là những bức tranh thờ trên những chiếc trang bà treo trên xà nhà, gọi là trang bổn mạng. Bà sẽ là người giúp đỡ và giải hạn cho nữ gia chủ.[3] Bà bổn mạng trên tranh Sình thường được thể hiện trong hình tướng của một nữ nhân cưỡi trên lưng voi, ở trong một khung hình chữ nhật (tượng trưng cho ngồi chùa với hai câu đối chữ Hán ở hai bên và bức liên ba ở trên đầu), phía sau có hai thị nữ cầm quạt đứng hầu (tượng chùa); hoặc chỉ cưỡi voi và có thị nữ hầu cận (tượng ngang), hoặc ngồi trên một đài cao (tượng đế). Tượng Bếp (cũng gọi là tờ Bếp) là những bức tranh in hình ba người ngồi trên trang bếp là bà Thổ Kỳ (ở giữa) và hai ông Thổ Công và Thổ Địa (ở hai bên); xung quanh là hình các khí dụng, vật phẩm, kẻ hầu người hạ. Con ảnh là những “tờ thế mạng”, gồm ảnh xiêm in hình người đàn ông hoặc đàn bà để cầu đảo để thế mạng cho người lớn, và ảnh phền in hình bé trai hoặc bé gái để thế mạng cho trẻ em. Ngoài ra còn có các bộ tranh thờ thần để cầu an cho người như tiên sư, ông Điệuông Đốc, bà Thủy, tam vị Phạm tinh

– Tranh súc vật: Đây là những bức tranh in hình 12 con vật cầm tinh cho thập nhị địa chi trong âm lịch gồm: chuột, trâu, cọp, mèo, rồng, rắn, ngựa, dê, khỉ, gà, chó, heo; tranh in hình các loài gia súc trâu, bò, heo, ngựa… dùng để cúng tế hoặc treo trong các chuồng trại nuôi gia súc để cầu cho vật nuôi tránh được dịch bệnh, phát triển đầy đàn; tranh có hình các linh thú như voi, cọp để dâng cúng nơi các miếu nhằm tỏ lòng thành kính của con người với các loài mãnh thú và cầu mong các mãnh thú này không giáng họa cho người.

– Tranh đồ vật: Là những bức tranh in hình các loại áo quần; khí dụng; cung tên…; hoặc các loại tế phẩm như áo ông, áo bà, áo binh có in hoa văn trang trí.  

Về kỹ thuật và chất liệu, tranh Sình là dòng tranh mộc bản in trên giấy dó. Quy trình làm tranh Sình trải qua nhiều công đoạn: cào điệp, giã điệp, hồ điệp, pha giấy, bồi điệp, phơi giấy, tạo màu, khắc ván, in tranh, tô màu… Quy trình này là tập hợp các chuỗi công việc diễn ra trên một địa bàn trải rộng từ núi rừng đến đồng bằng ra vùng duyên hải, với những đóng góp của công sức, trí tuệ và sự khéo léo của ba nhóm nhân lực khác nhau:

– Nhóm thứ nhất chuyên nghề cào điệp, vớt điệp từ vùng đầm phá nước lợ ở ven biển. Điệp là loài nhuyễn thể có vỏ, thuộc họ trai sò, sống ở vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, trải dọc theo bờ biển Thừa Thiên Huế. Những trai đinh làng Sình đi cào vớt vỏ của những con điệp đã chết, chất lên đò, chở về làng Sình để người ở nhà giã thành bột điệp.

– Nhóm thứ hai chuyên về khai thác nguyên liệu để làm màu. Họ sẽ ngược lên rừng hay len lỏi khắp các vườn cây, mảnh ruộng để truy tìm các loại cỏ cây, hoa trái để tạo màu.

– Nhóm thứ ba ở nhà đảm trách các việc: giã điệp thành bột, rồi trộn bột điệp với bột nếp nấu thành hồ điệp; pha giấy dó thành nhiều kích cỡ khác nhau (tùy theo chủ đề của từ loại tranh); phết hồ điệp lên mặt giấy dó rồi đem phơi; tìm các thớ gỗ mứt để khắc ván in theo những đề tài riêng; in nét bức tranh bằng mực đen; cuối cùng là tô màu để hoàn chỉnh bức tranh.

Về màu sắc, tranh Sình ngày trước sử dụng các chất liệu tự nhiên được khai thác từ rừng núi, đồng ruộng và vườn tược trong vùng.

– Màu vàng chế từ lá cây đung. Lá đung hái trong rừng sâu đem về, phơi cho úa, rồi ngâm vào nước 3 ngày. Sau đó đem sắc trên bếp lửa, tạo được một loại nước cô đặc màu vàng sẫm. Kế đến, người ta hái những búp hoa hòe còn non, đem phơi khô, rang vàng và sắc lấy nước. Đem nước lá đung trộn với nước hoa hòe sẽ được một lọai màu vàng vừa thắm, vừa bền.[4]

– Màu đỏ chế từ lá cây bàng mới rụng và vỏ cây dương liễu (phi lao) đập dập, sắc trên bếp lửa. Tùy theo tỉ lệ pha trộn giữa lá bàng và vỏ cây dương liễu, sẽ tạo nên các sắc đỏ đậm nhạt theo yêu cầu của bức tranh. Trước đây, màu đỏ còn được chế từ gỗ cây trâm chẻ nhỏ, nấu với nước cho đến khi cô lại đặc sánh.

– Màu đơn dùng bột gạch nung mài mịn, trộn với da trâu, hòa nước rồi đem nấu cho đến lúc đặc sánh.

– Màu lục là hỗn hợp của hai loại nước được sắc từ lá bông ngọt và lá mối.

– Màu tím được chế từ hạt mồng tơi giã nhỏ, vắt thành nước phèn pha với phèn chua để giữ màu.

– Màu chàm làm từ lá cây tràm ngâm vôi cho rửa nát, đánh cho tơi và nổi bọt, rồi vớt lấy bọt đó lọc kỹ, cho nước vào và cô đặc lại.

 Màu xám làm từ lá gai phơi khô, giã nhỏ và sắc lại.

 Màu đen là hỗn hợp giữa lá bàng quết với tro rơm rạ đã được ủ kín.

Mỗi bức tranh Sình được làm ra là sản phẩm của một dây chuyền thủ công của cả một làng nghề, có sự tham gia của nhiều lứa tuổi, giới tính: nam, phụ, lão, ấu; của nhiều nghề nghiệp: thợ chài, thợ sơn tràng, thợ điêu khắc dân gian, thợ in, thợ tô màu… Vì thế, tuy tranh Sình dân dã, mộc mạc, nhưng như nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông đã nhận xét: “… sản phẩm này chỉ là loại tranh mộc bản, tín ngưỡng dân dã, nhưng qua chất liệu, màu sắc, chủ đề, đường nét, bố cục, tranh Sình đã tạo nên một nét đặc thù không chỉ trong khía cạnh thẩm mỹ, mà nội dung tranh còn biểu lộ một thái độ, một quan niệm, một nếp sinh hoạt của con người ở đây trước thiên nhiên, xã hội, lịch sử, văn hóa của mình”

Ngày nay, tranh Sình vẫn hiện diện trong đời sống văn hóa tâm linh của người dân xứ Huế, nhưng cốt cách, hồn vía của tranh làng Sình thì đã đổi khác. Nhịp điệu tất bật của đời sống đương đại, cùng với sự xuất hiện của nhiều thứ tranh tượng, đồ mã thờ cúng cao cấp khiến người dân làng Sình không còn mặn mà với nghề làm tranh xưa. Cả làng hiện chỉ có 4 hộ còn theo đuổi nghề làm tranh. Và thay vì làm tranh với giấy dó, bột điệp và màu sắc tự nhiên, các hậu duệ của tranh Sình đã in tranh trên giấy bổi không phủ bột điệp và tô màu bắng hóa chất mua từ Trung Quốc. Hình in trên tranh cũng thay đổi do ván in xưa đã mai một bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, trong khi thợ khắc ván in hiện đại thì chạy theo nhu cầu của thị trường nên đã tạo ra những mảnh ván in lớn hơn, nét khắc cũng rối hơn và thô hơn. Vì thế mà những bức tranh Sình bày bán trong các cửa hàng đồ mã trở nên lòe loẹt và ngô nghê hơn.

Chú thích

[1] Người Huế thường gọi là các bức tranh thờ này là tượng, cho dù chúng là trang in mộc bản trên giấy phẳng.

[2] Các loại tranh này thường được gọi là ảnh (ảnh xiêm, ảnh phền), giấy (giấy tiền, giấy vàng, giấy bạc), áo (áo ông, áo bà, áo binh).

[3] Ngoài trang Bà, đôi khi đàn ông xứ Huế cũng lập trang Ông để thờ vị thần bổn mạng của mình.

[4] Những thông tin về cách tạo màu của tranh Sình trong bài này được trích dẫn từ cuốn Huế, nghề và làng nghề thủ công truyền thống của Nguyễn Hữu Thông, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1994.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ TRANH LÀNG SÌNH XƯA VÀ NAY

Tượng Chùa [tranh Sình ngày trước]

Tượng Đế

Tượng Đế [tranh Sình trước đây (trái) và bây giờ (phải)]

Tượng Ngang [tranh Sình trước đây (trái) và bây giờ (phải)]

Ảnh Xiêm đàn ông  [tranh Sình trước đây (trái) và bây giờ (giữa và phải)]

Ảnh Xiêm đàn bà [tranh Sình ngày trước (bìa trái) và bây giờ (3 ảnh còn lại)]

Ảnh Phền bé gái [tranh Sình ngày trước (trái) và bây giờ (phải)]

Ảnh Phền bé trai [tranh Sình bây giờ]

Tượng bà Thủy (mẫu Thoải) [tranh Sình bây giờ]

Tranh cúng Thủy phủ [tranh Sình bây giờ]

Tượng Bếp [tranh Sình ngày trước]

Tượng Bếp [tranh Sình bây giờ] và bộ áo cho 3 vị Táo quân là bà Thổ Kỳ,

ông Thổ Công và ông Thổ Địa

Tượng 12 con giáp [tranh Sình ngày trước]

Tượng 12 con giáp [tranh Sình bây giờ]

Ông Điệu [tranh Sình bây giờ]

Ảnh súc vật [tranh Sình bây giờ]

Ảnh đồ vật: Bộ trang phục [tranh Sình bây giờ]

Ảnh đồ vật: Bộ cung tên [tranh Sình bây giờ]

Giấy tiền [tranh Sình ngày trước]

Áo [tranh Sình bây giờ]

Áo bà [tranh Sình bây giờ]

Áo binh [tranh Sình bây giờ]

Ván khắc tranh Sình ngày trước hiện đang trưng bày tại Bảo tàng CVCĐ Huế (2 mặt)

Một số ván khắc tranh thờ do Phân viện VHNT VN tại Huế phát hiện trong một ngôi chùa ở Huế, được phỏng đoán ván khắc tranh Sình ngày trước