Nhạc sĩ Vũ Thành An đã nhiều lần nói rằng khi còn trẻ, dù sớm thành công trên con đường âm nhạc và quan lộ, nhưng trong tình yêu ông lại là người kém may mắn và nhiều lận đận. Rất nhiều những ca khúc trong gia tài âm nhạc của Vũ Thành An (đặc biệt là những bài không tên nổi tiếng) được viết cho những mối tình này.

Sau đây là những câu chuyện tình, chuyện đời của nhạc sĩ Vũ Thành An được ông kể lại trong hồi ký “Chuyện Tình Không Tên”.

Bóng hồng của những tình khúc đầu đời: Tình Khúc Thứ Nhất, Anh Đến Thăm Em Đêm 30, Bài Không Tên Cuối Cùng

Ca khúc Tình Khúc Thứ Nhất ra đời từ mối tình sinh viên với một người đẹp học trên Vũ Thành An 2 khoá tại trường Đại Học Luật Khoa Sài Gòn. Hoàn cảnh ra đời của ca khúc được nhạc sĩ kể lại như sau: “Khi ta mới quen nhau, Em đã nhiều lần nói anh hãy viết một ca khúc để kỷ niệm mối tình của chúng mình. Thế nhưng anh cứ lần nữa hoài không viết. Một hôm em đã phải nhỏ những giọt nước mắt và nói: “Anh không yêu em sao mà không chịu viết?”. Và một buổi chiều mùa Xuân 1965, trên chuyến xe từ Vũng Tàu về Sài Gòn, một dòng âm thanh vang lên trong đầu và anh đã viết xuống: Bài ca anh hứa cho em bấy lâu nay vẫn còn dang dở…”

Sau khi hoàn thành ca khúc, nhạc sĩ Vũ Thành An đã đưa cho thi sĩ Nguyễn Đình Toàn xem. Hai người lúc đó đang là đồng nghiệp tại Đài Phát Thanh Sài Gòn. Nguyễn Đình Toàn đã đề nghị viết lại lời ca khúc trên nền giai điệu mà Vũ Thành An đã soạn với những lời ca da diết, trầm buồn và sâu lắng:

Tình vui theo gió mây trôi
Ý sầu mưa xuống đời
Lệ rơi lấp mấy tuổi tôi
Mấy tuổi xa người (Tình Khúc Thứ Nhất)

Ca khúc này đã được chính Nguyễn Đình Toàn trình bày lần đầu trong chương trình Văn học Nghệ thuật của Đài Phát Thanh Sài Gòn vào năm 1965. Sau đó, được nữ danh ca Lệ Thu hát lại trong chương trình âm nhạc chủ đề do Nguyễn Đình Toàn và Vũ Thành An phụ trách chính.

Dù trước đó đã có nhiều sáng tác, nhưng bài Tình Khúc Thứ Nhất đánh dấu một cột mốc quan trọng nhất trong sự nghiệp của nhạc sĩ Vũ Thành An, là bài hát đầu tiên được giới thiệu với công chúng, và thành công của bài hát đã trở thành động lực để chàng nhạc sĩ trẻ Vũ Thành An dấn thân sâu hơn vào con đường âm nhạc.

Một lần, ông tình cờ đọc được bài thơ Em Đến Thăm Anh Đêm 30 trong tập thơ của Nguyễn Đình Toàn có câu: Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em. Câu thơ khiến Vũ Thành An nhớ đến kỷ niệm tình yêu của hai người. Đó là chiếc pin cài áo bằng bạc hình chiếc lá mà Vũ Thành An đã tặng cho cô gái trong dịp sinh nhật cô. Ông viết lại trong hồi ký: “Khi đọc tới câu Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em, anh lập tức nhớ ngay đến Em. Hình tượng chiếc lá của chiếc pin cài áo đó chính là bằng chứng tình yêu của anh đối với em. Và anh đã quyết định phổ nhạc bài thơ của anh Toàn.”

Em Đến Thăm Anh Đêm 30 có phần mở đầu khá nồng ấm, ngọt ngào, vẽ lên bức tranh thơ mộng, tình tự của những người yêu nhau tìm đến nhau trong đêm ba mươi tối đen như mực:

Anh đến thăm em đêm ba mươi
Còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi
Anh nói với người phu quét đường
Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em

Tay anh lạnh để cho tình mình ấm
Môi em mềm cho giấc ngủ anh thơm
Sao giao thừa xanh trong đôi mắt ngoan
Trời sắp tết hay lòng mình đang tết

Nhưng nửa sau ca khúc lại là những ca sầu bi, đẫm lệ tựa những dự cảm buồn cho mối tình đẹp:

Tháng ngày đã trôi qua
Tình đã phôi pha, người khuất xa
Chỉ còn chút hương xưa
Rồi cũng phong ba rụng cùng mùa….

Những khoảng cách về gia thế, địa vị, tuổi tác và cả học vấn đã khiến cuộc tình hoa mộng của nhạc sĩ bị gia đình cô gái ngăn cấm. Sau nhiều lần cố gắng liên lạc với nhau, khóc cạn nước mắt, họ đành buông tay nhau. Và đây là lý do ca khúc thứ ba của mối tình này đã ra đời, như lời nhạc sĩ nói: “Bài Không Tên Cuối Cùng đã được viết trên quãng đường rất ngắn chưa được một cây số từ trường luật về nhà ở Trần Quý Cáp, đoạn gần ngã tư Lê Văn Duyệt, và đã không sửa lời nào”. 

Những hờn oán, đớn đau cho cuộc tình vừa vụt mất, nỗi thương nhớ người tình được nhạc sĩ trút xuống lời hát dồn dập và xót xa:

Nhớ em nhiều nhưng chẳng nói
Nói ra nhiều cũng vậy thôi
Ôi đớn đau đã nhiều rồi
Một lời thêm càng buồn thêm còn hứa gì?

Biết bao lần em đã hứa
Hứa cho nhiều rồi lại quên
Anh biết tin ai bây giờ?
Ngày còn đây người còn đây cuộc sống nào chờ

Nhưng cũng đầy bao dung và cao thượng:

Suốt con đường ai dìu lối
Hãy yêu nhiều người em tôi
Xin gửi em một lời chào
Một lời thương một lời yêu lần cuối cùng…

Đó là những lời hát quen thuộc trong Bài Không Tên Cuối Cùng. Mang tên là “cuối cùng”, nhưng lại là bài không tên đầu tiên được ra đời, với ý nghĩa là từ biệt nỗi đau cuối cùng của cuộc tình sâu sắc kéo dài gần 2 năm.

Tuy nhiên, sau này ngồi ngẫm nghĩ lại, nhạc sĩ Vũ Thành An lại cảm thấy áy náy vì những lời trách móc khi xưa của mình dành cho tình cũ ở trong bài hát này. Ông viết: “Em đã từng muốn anh ghi lại kỷ niệm cho cuộc tình chúng mình. Và anh đã viết nhưng anh chưa bao giờ nghĩ rằng Bài Không Tên Cuối Cùng anh đã viết ra trong sự thảng thốt khi em đột ngột bỏ anh đi, sau đó lại được phổ biến rộng rãi như thế! Chắc chắn những lời ca đó đã gây ảnh hưởng đến em. Anh hoàn toàn không muốn như vậy”.

Và nhạc sĩ đã cởi bỏ những vướng mắc, sửa chữa những “sai lầm” đó bằng một ca khúc mang tên Bài Không Tên Trở Lại Cuối Cùng vào năm 1991, tức 26 năm sau khi chia tay người yêu:

Nhớ rất nhiều câu chuyện đó
Ngỡ như là vừa hôm qua
Ôi ước ao có một ngày được gặp em
Hỏi chuyện em lần cuối cùng 

Này em hỡi con đường em đi đó
Con đường em theo đó đúng đấy em ơi
Nếu chúng mình có thành đôi lứa
Chắc gì ta đã thoát ra đời khổ đau?

(Bài Không Tên Trở Lại Cuối Cùng)

Năm 1998, trong một lần đến Paris, nhạc sĩ Vũ Thành An có dịp gặp lại người xưa và được cô mời dùng cơm trong nhà hàng của chính cô tại Paris. Cuộc gặp gỡ đã để lại một dấu ấn sâu đậm và những rung động thầm kín trong lòng người nghệ sĩ dẫu hơn 30 năm đã trôi qua.

Mối tình mang phong vị tiểu thuyết: Bài Không Tên Số 2

Vũ Thành An từng tâm sự, sở dĩ khi còn trẻ ông bị “tình phụ” nhiều như vậy là bởi số mệnh luôn sắp đặt cho ông gặp gỡ và yêu đương với những cô gái hoặc là hơn tuổi, hoặc là giàu có hoặc con nhà trâm anh thế phiệt. Trong số những mối tình đó, có một mối tình đã khiến ông đi từ bất ngờ này tới bàng hoàng khác và những dự cảm chẳng lành ngay từ lúc mới quen.

Sau khi chia tay với “Tình Khúc Thứ Nhất”, nhạc sĩ Vũ Thành An phải mất 2 năm để tìm lại cân bằng trong cuộc sống. Đến đầu năm 1967, Vũ Thành An tình cờ gặp gỡ một cô nữ sinh trẻ trung, xinh đẹp tại nhà của nhà thơ Nguyễn Đình Toàn. Ngay từ lần đầu gặp gỡ, trái tim nghệ sĩ của chàng nhạc sĩ trẻ đã loạn nhịp, và gần như ngay lập tức, nhạc sĩ quyết định sẽ chinh phục trái tim cô. Tuy nhiên, Vũ Thành An đã không khỏi choáng ngợp và nghi ngại khi lần đầu tiên thấy cô lái chiếc xe hơi sang trọng tới đón mình đi chơi.

Đó là một chiếc xe hơi hiệu Opel màu xanh thời thượng, vốn rất xa xỉ thời bấy giờ. Bất chấp khoảng cách thân thế, hai người đã có một khoảng thời gian yêu đương nồng thắm, vui vẻ cùng nhau cho đến khi nhạc sĩ ngập ngũ vào trường Thủ Đức vào giữa năm 1967. Trong thời gian huấn luyện, thỉnh thoảng Vũ Thành An vẫn tìm cách xuất trại để gặp gỡ người yêu.

Sau khoảng 1 năm nhập ngũ, tháng 5 năm 1968, Vũ Thành An tốt nghiệp. Trong thời gian nghỉ hiếm hoi trước khi tiếp tục đi huấn luyện khóa chuyên biệt tại Vũng Tàu, hai người đã có một buổi tối đi chơi cùng nhau. Cô gái ôm chặt người yêu, quyến luyến không muốn rời và còn bảo nhạc sĩ hãy ở lại với cô, đừng đi trình diện. Nhưng là một người lính, Vũ Thành An không thể trái lệnh cấp trên, đành bỏ lại người yêu và lên đường đi huấn luyện.

Sáu tháng sau, khi đang ngồi trong bãi tập ở quân trường Vũng Tàu, nhạc sĩ bất ngờ nhận được lá thư chia tay của cô gái. Ông đau đớn, sụp đổ, bàng hoàng, không hiểu chuyện gì đang xảy ra nhưng cũng không thể làm gì vì đang trong quân ngũ. Cuối tháng 12 năm 1968, nhạc sĩ Vũ Thành An được trở về Sài Gòn và tìm đến nhà cô gái. Nhưng nàng lúc đó đã không còn dành riêng cho nhạc sĩ nữa mà đã trở thành vợ của người khác. Trong sân nhà, vẫn còn ngổn ngang khung cảnh của một buổi tiệc đính hôn vừa tàn, chưa kịp thu dọn. Chàng nhạc sĩ trẻ si tình đứng chếƭ lặng trong sân nhà người yêu, rồi lẳng lặng ra về và cho ra đời Bài Không Tên Số 2:

Đời một người con gái
Ước mơ đã nhiều
Trời cho không được mấy
Đến khi lấy chồng
Chỉ còn mối tình mang theo

Bài Không Tên Số 3 và những dự cảm đớn đau của bóng hồng bạc mệnh

Câu chuyện bắt đầu từ năm 1965, khi đó nhạc sĩ Vũ Thành An có quan hệ khá mật thiết với gia đình một người bạn thân. Một lần, Vũ Thành An được gia đình người bạn nhờ thay mặt họ để tham dự một buổi lễ được tổ chức ở trường cô em gái của bạn với tư cách là phụ huynh tại Đà Lạt. Sau khi ra về, người bạn đi cùng Vũ Thành An có nói với ông rằng cô gái nhỏ kia đã có tình cảm đặc biệt với nhạc sĩ. Tuy nhiên, chuyện đó không khiến nhạc sĩ Vũ Thành An để tâm nhiều, bởi ông đang hạnh phúc trong một cuộc tình yêu đương nồng thắm với “Tình Khúc Thứ Nhất”, và cũng chỉ coi cô nữ sinh này như một người em gái. Hai anh em thân thiết tới độ đã cùng viết chung một bài hát mà sau này nhạc sĩ Vũ Thành An đã đặt tên là Bài Không Tên Số 3 khi phát hành tập nhạc 10 bài không tên vào khoảng năm 1970, với những lời ca hoà quyện, đồng điệu của những mối giao tình tri kỷ như lời tâm sự của nhạc sĩ sau này:

“Anh còn nhớ Em đã cùng anh soạn lời cho Bài Không Tên Số 3. Anh đã viết:

Yêu nhau cho nhau nụ cười
Thương nhau cho nhau cuộc đời
Mà đời đâu biết đợi
Để tình nhân kết đôi…

Và Em đã viết:

Để rồi đánh mất nhau
Tay buông lơi tình mềm
Chân không theo tình bền
Chẳng giữ được nhau…”

Không biết bây giờ có nhạc sĩ nào tìm được bạn gái viết ca từ hay như vậy không?

Và họ đã đánh mất nhau thật như trong bài hát. Đó là năm 1967, khi nhạc sĩ Vũ Thành An vừa nhập học tại trường Thủ Đức chưa bao lâu, thì cô gái tìm đến thăm và nói lời từ biệt. Ông viết trong hồi ký:

“Mọi sự đã xảy ra đúng như Em viết. Đánh mất nhau! Lần này, Em cùng với người chị họ vào thăm anh để nói “Ngày mai em sẽ đi Tây Đức du học!”.

Vậy là Em đã thật sự ra đi!

Trước khi đi Em còn nhớ tìm đến thăm anh như vậy, chứng tỏ Em đã yêu anh nhiều lắm. Sau này anh có hỏi thăm những người bạn đang học bên Đức về Em. Họ kể rằng khi nghe bất cứ ai đề cập tới anh, Em không nói gì chỉ khóc và bỏ đi.

Ngày ra đi, Em để lại cho anh một lá thư từ giã, trong đó có hai chữ “Bảo trọng”. Anh giữ mãi lá thư đó và còn luôn mang nó trong hành trang nữa. Lá thư của Em là nguồn an ủi cho anh trong những năm tháng lạnh giá.”

Có lẽ chỉ đến sau này khi ngồi nghiền ngẫm lại, nhạc sĩ mới thấy xót xa cho tình cảm đơn phương không thể thổ lộ của cô gái. Bởi lúc đó, nhạc sĩ lại cũng đang trong mối quan hệ yêu đương với một cô gái khác, là người đẹp trong Bài Không Tên Số 2. Dù tình yêu không được se duyên, nhưng tấm chân tình của cô, nhạc sĩ Vũ Thành An luôn trân trọng. Lá thư cuối cùng cô để lại, ông vẫn gìn giữ mãi đến tận nhiều năm sau. Trong những năm tháng tù đày, bức thư của cô như một liều thuốc tinh thần xoa dịu những đắng cay: “Những lúc trong rừng sâu nước độc ấy, nằm hồi tưởng lại đời mình, anh mới biết chính Em mới là người yêu anh thật, yêu anh nhất trong số những người đã đi qua đời anh. Anh tha thiết muốn gặp lại Em trong những lúc khổ đau đó!”

Năm 1985, sau khi ra tù, việc đầu tiên nhạc sĩ làm là tìm đến nhà cô gái những mong tìm lại bóng hình xưa cũ, nhưng nghiệt ngã thay, điều ông nhận được chỉ là tin dữ từ người chị gái. Cô gái đã qua đời một năm trước, trong một tai nạn xe thương tâm tại Đức. Những câu hát của Bài Không Tên Số 3 mà hai người đã viết từ thời trẻ bỗng trở lại như những lời tiên tri ám ảnh khôn cùng:

Đêm sâu mái tóc em dài
Buông xuôi, xuôi theo dòng đời
Mà đời dài như tiếng kinh cầu
Còn sầu mang đến cho nhau

Năm 1991, nhạc sĩ Vũ Thành An đến Mỹ, hồi tưởng lại chuyện xưa, ông viết thêm đoạn hát nối tiếp như những lời tạ từ, tri ân dành cho người con gái nhỏ đã mang cả tấm chân tình trinh nguyên dành tặng cho mình:

Yêu nhau nuôi mái tóc dài
Thương nhau nâng niu hình hài
Dù lìa xa ngút ngàn
Tình này vẫn chứa chan

(Bài Không Tên Số 3 Tiếp Nối)

Mối tình với nữ đồng nghiệp xinh đẹp và Bài Không Tên Số 4 

Bài hát này được nhạc sĩ Vũ Thành An viết cho một nữ đồng nghiệp ở đài phát thanh. Câu chuyện được bắt đầu kể từ sau khi mối tình của nhạc sĩ cùng với người tình trong bài hát “Tình Khúc Thứ Nhất” gãy đổ. Thời gian hơn một năm sau đó, nhạc sĩ Vũ Thành An nói rằng ông như bị rơi và hố thẳm, chới với, không còn niềm cảm hứng nào để viết nhạc.

Trong khoảng thời gian trống trải đó, ông gặp được người phụ nữ trong “Bài Không Tên Số 4”, một người mà ông chỉ gọi là bạn thân, là mối giao tình thân thiết, chứ không phải là tình yêu sâu đậm. Cô cũng là người phụ trách phần thu âm cho chương trình Nhạc Chủ Đề phát trên đài phát thanh lúc ấy.

Ban đầu, Vũ Thành An và cô đồng nghiệp chỉ là những người bạn bình thường trong công việc. Tuy nhiên, khi thân thiết và hiểu nhau hơn, chàng nhạc sĩ trẻ cảm thương cho hoàn cảnh của cô – Một người phụ nữ đã phải chịu nhiều bất hạnh trong một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, bị chồng bỏ rơi, phải một mình chèo chống và nuôi dạy 3 cậu con trai. Vì vậy mà trong Bài Không Tên Số 4, nhạc sĩ viết:

Mai về sau nước mắt có cạn
Khi xa đời thương cho đàn con
Triệu người quen có mấy người thân
Khi lìa trần có mấy người đưa?

Người phụ nữ đó được cả nước biết mặt, vì cô còn là một xướng ngôn viên truyền hình xinh đẹp xuất hiện trên màn ảnh nhỏ của hàng triệu gia đình hàng đêm trên chương trình thời sự. Tuy “triệu người quen”, nhưng không ai có thể biết nỗi lòng sâu kín của cô. Đó là ý nghĩa của câu hát bất hủ: Triệu người quen có mấy người thân, khi lìa trần có mấy người đưa?

Nhạc sĩ Vũ Thành An có lẽ là người duy nhất lúc đó được kề cận, được lắng nghe nỗi niềm của người phụ nữ này. Trong những khoảnh khắc xúc động, niềm thương cảm trở thành những rung động yêu đương bộc phát như lời tâm sự của nhạc sĩ:

“Tuy lúc ấy chúng ta chỉ coi như như bạn, nhưng lắm lúc anh không khỏi bị mê hoặc vì nét quyến rũ của em, nhất là đôi môi nũng nịu lúc nào cũng như muốn khóc. Một lần anh đánh bạo muốn hôn lên đôi môi đó, nhưng em đã nhẹ nhàng lảng tránh. Em càng lánh xa anh lại càng bị em cuốn hút, và có lần anh đã đánh bạo hỏi cưới em làm vợ. Em không từ chối và cũng không nhận lời, chỉ im lặng. Và chúng ta không bao giờ nhắc lại chuyện đó nữa…”

Để rồi sau những khoảnh khắc rung động đó, Vũ Thành An viết:

“Đếm cho em giây phút mặn nồng
Giữ cho em mái tóc bồng
Lời anh nói sẽ còn mãi đấy
Chuyện mai sau xin gửi trên tay”

Người vợ “vượng phu ích tử” và Bài Không Tên Số 5

Năm 1969, sau những cuộc tình dở dang, mỏi mệt với những nàng tiểu thư đài các Sài Thành, nhạc sĩ Vũ Thành An đã chọn được cô bạn gái Nguyễn Thị Thoa làm điểm dừng chân cho mình. Đó là cô nữ sinh hiền lành, thuần hậu, có gia cảnh khá đáng thương, mẹ ốm yếu, cha bệnh tật, bản thân cô vừa đi học vừa đi làm để phụ giúp kinh tế gia đình. Ngay khi cô gái gật đầu nhận lời về chung nhà, nhạc sĩ Vũ Thành An đã viết Bài Không Tên Số 5, với những ca từ đầy nâng niu, sẻ chia và những ước vọng cho cuộc đồng hành sắp tới:

Hãy đến chia nhau nghèo khó
Quên lo tương lai mịt mờ
Hãy cố yêu người mà sống
Lâu rồi đời mình cũng qua

Lâu rồi đời mình cũng qua
Xin em đôi tay nuột nà
Xin em đôi môi thật thà
Thật thà chịu nhiều xót xa

Hãy cố vươn vai mà đứng
Tô son lên môi lạnh lùng
Hãy cố yêu người mà sống
Lâu rồi đời mình cũng qua

Viết như vậy là bởi khi đó Vũ Thành An cũng mới chỉ là một anh nhạc sĩ trẻ, có vài ba bài hát nổi bật và là một anh quân nhân vừa tốt nghiệp, chưa hề có tiền đồ, sự nghiệp gì. Họ đến với nhau bằng hai bàn trắng, cùng nương tựa và sẻ chia với nhau.

Có một điều khá thú vị mà nhạc sĩ Vũ Thành An đã chia sẻ trong hồi ký là mặc dù xuất thân từ gia cảnh khó khăn, nhưng nhiều thầy tử vi đã nói rằng vợ ông có số Vượng Phu Ích Tử. Và quả đúng như vậy, sau khi hai người cưới nhau, con đường công danh sự nghiệp của Vũ Thành An bắt đầu thăng tiến nhanh chóng. Chỉ 4 năm sau đó, khi vừa tròn 30 tuổi, Vũ Thành An đã được thăng chức Trưởng Ty Thông Tin Gia Định (vị trí tương đương với giám đốc Sở ngày nay). Nhưng rồi rất nhanh chóng, gia đình Vũ Thành An phải chịu cảnh “bạo phát bạo tàn”. Do đảm nhiệm nhiều chức vụ lớn trong chính quyền cũ nên Vũ Thành An bị đưa đi cải tạo suốt 10 năm từ năm 1975 – 1985 mới được thả.

Năm 1984, trong lúc Vũ Thành An tù tội chưa rõ ngày trở về, người vợ tìm được đường đưa con sang Mỹ định cư. Dù đau đớn, nhạc sĩ quyết định ký đơn ly hôn để giúp vợ hoàn thành thủ tục định cư. Người vợ vừa đi chưa được bao lâu thì năm 1985, Vũ Thành An được ra tù, nhưng mối duyên của họ đã đứt gẫy vì những khoảng cách quá lớn cả về địa lý và tình cảm. Trong hồi ký, nhạc sĩ đã nhắc đến người vợ bằng những lời tri ân và trân trọng:

“Anh cảm phục em mấy mươi năm qua đã một mình nuôi dạy con trai chúng ta khôn lớn và nên người. Xin cho em cuối đời được bình yên”

Người đàn bà sau cuối và nhạc phẩm Đời Đá Vàng

Dù chỉ là một ca khúc ngắn nhưng Đời Đá Vàng có lẽ là ca khúc thai nghén lâu năm nhất của nhạc sĩ Vũ Thành An. Theo lời kể của ông, 4 câu hát đầu tiên của bản nhạc này đã vang lên trong đầu nhạc sĩ từ năm 1974, khi ông đang đỉnh cao danh vọng ở tuổi 31, nhưng lúc đó bài hát không thể được hoàn thành. Ông chỉ sáng tác đoạn đầu rồi bỏ lửng suốt gần 20 năm.

Sau những khúc quanh nghiệt ngã của số phận và những năm tháng bươm chải cực nhọc nơi xứ người, năm 1993, khi đang ngồi trong phòng nhìn ra ngoài trời mưa tuyết ở Hoa Kỳ, nhạc sĩ mới hoàn thành được ca khúc này với những lời ca sâu lắng và thấm thía:

Ta lần mò leo mãi không qua được vách sầu
Ta tìm một tiếng yêu thấy toàn là sầu đau
Ước vọng ngày thơ ấu chưa xin được chút nào
Suốt đời còn ước ao khát vọng còn cấu cào

Ôi thôi đời ta phung phí trong cơn buồn phiền
Ta xin tháng ngày rồi bình yên
Ô hay tại sao ta sống chốn này
Quay cuồng mãi hoài có gì vui

Có một lần mất mát mới thương người đơn độc
Có oằn mình đớn đau mới hiểu được tình yêu
Qua dầm dề mưa tuyết mới vui ngày nắng về
Có một đời khóc than mới hiểu đời đá vàng 

Nếu ở Bài Không Tên Số 5, nhạc sĩ chia sẻ những ước vọng, mong cầu về sự vun vén cho tương lai của đôi vợ chồng trẻ còn tay trắng, thì ở nhạc phẩm Đời Đá Vàng lại thấp thoáng hình ảnh của cuộc hôn nhân thứ 2 của nhạc sĩ. Bởi khi đến với cuộc hôn nhân này, cả Vũ Thành An và vợ đều đã trải qua những năm tháng mất mát, đớn đau, khóc than dài đằng đẵng.

Ca khúc giống như những tiếng nói đồng cảm, sẻ chia cùng nhau của đôi vợ chồng đã đi qua nhiều giông bão, động viên nhau trân trọng, giữ gìn và đón nhận niềm hạnh phúc hiện tại. Bởi hơn ai hết, họ đều đã hiểu rằng, cuộc đời bao giờ cũng có Đá có Vàng, có buồn tủi có hạnh phúc, có đau đớn có viên mãn. Vậy nên, đừng “phung phí” đời mình “trong cơn buồn phiền, đừng “quay cuồng mãi hoài” bởi “có gì vui” đâu? Và có lẽ chính vì thấu hiểu cho nhau, thương cho hoàn cảnh đơn độc, hiểu được sâu sắc hai chữ “tình yêu” mà cuộc hôn nhân thứ hai này của nhạc sĩ Vũ Thành An vẫn bền chặt, gắn kết sau 35 năm gắn bó, kề cận.

Ca khúc Đời Đá Vàng cũng nằm trong loạt bài không tên, được đánh số thứ tự 37. Cái tên Đời Đá Vàng được nhạc sĩ Vũ Thành An giải thích: Đá nghĩa là sự buồn tủi, nỗi đau khổ, còn Vàng là niềm hân hoan hạnh phúc. Đời Đá Vàng có nghĩa là cuộc sống của bất kỳ ai cũng luôn tồn tại song song nỗi khổ đau và niềm hạnh phúc. Vì vậy ai cũng nên mở lòng để đón nhận những yêu thương hạnh phúc lúc nào cũng ở cạnh bên mà có thể chúng ta không nhận thấy, từ đó có thể vơi đi được những nỗi khổ đau của một kiếp người.

Trong một lần trả lời phỏng vấn vào năm 2019, khi được hỏi về mối tình đáng nhớ nhất trong đời mình, nhạc sĩ Vũ Thành An đã không đắn đo suy nghĩ mà trả lời ngay rằng:

“Là mối tình mới nhất cũng là người bây giờ tôi đặt hết tất cả tình thương thực sự là vợ tôi. Khi tôi về Việt Nam, phải xa cô ấy một số ngày để đi lo công việc, không đi thì không được, nhưng đi thì trong lòng thấy thương cô ấy. Cô ấy năm nay bảy mấy tuổi rồi, bệnh. Tôi thương lắm! 

Nếu ở nhà, tôi đóng vai chính lo cho cô ấy. Tôi đi thế này, có các con, các bạn, mỗi ngày thay phiên nhau lo cho cô ấy. Tôi thường ngồi bên cạnh cô ấy đánh đàn, ra bài bài nào mới cô ấy nghe đầu tiên để cô ấy phê bình. Cô ấy nói được thì tôi giữ, chê thì xem lại. Cô ấy là người khắt khe khi nhận xét về âm nhạc cho tôi. Cô ấy chỉ là người làm công việc bình thường thôi, nghe nhạc là bằng trái tim.”

Bà Nguyễn Thị Vân khi còn trẻ

Và “mối tình mới nhất” của nhạc sĩ không ai khác chính là bà Nguyễn Thị Vân. Khi gặp nhau vào năm 1985, nhạc sĩ Vũ Thành An vừa ra tù, còn bà Vân thì đang goá bụa một mình bươm chải nuôi dạy 3 người con sau khi người chồng đầu tử trận vào năm 1972. Hai người cưới nhau năm 1986, rồi cùng di cư đến Mỹ 5 năm sau đó và ở Mỹ cho tới nay cùng 3 người con riêng của bà Vân.