Mục Chuyện Đông chuyện Tây trên Kiến thức ngày nay, số 105 đã khẳng định là chỉ có 16 vị La Hán. Nhưng gần đây, Nhà xuất bản Đồng Nai đã cho ra mắt 18 quyển truyện tranh nhan đề Thập bát La Hán; mỗi quyển kể về một vị La Hán riêng biệt. Vậy xin người phụ trách mục Chuyện Đông chuyện Tây cho biết ý kiến: vẫn có 16 vị La Hán hay là có đến 18 vị.

Như chúng tôi đã khẳng định trên Kiến thức ngày nay, số 105, trang 91 – 92 và Kiến thức ngày nay, số 109, trang 81, chỉ có 16 vị La Hán mà thôi.

Bộ Thập bát La Hán (TBLH) mà bạn nói là do Lý Hương dịch lời nhưng hoàn toàn không cho biết về nguyên bản t Hán: của tác giả nào, do nhà nào xuất bản, xuất bản tại đầu và năm nào nên khó đối chiếu. Nhưng cứ theo tên của từng quyển thì có tất cả 18 vị La Hán như sau: La Hán rồng giáng La Hán nâng tháp, La Hán tại thính, La Hán túi vải, La Hán suy tư, La Hán tay dài, La Hán Di Lặc, La Hán tiên tri, La Hán cỡi voi, La Hán sư tử cười, La Hán thân thấp, La Hán nguy, La Hán mày dài, La Hán cao kều, La Hán ánh sáng bạc, La Hán thắng cọp, La Hán qua sông và La Hán cỡi hươu. Mỗi vị La Hán được gọi bằng một đặc điểm (tay dài, tai thính, thân thấp, v.v.) nhưng chung quy vẫn là những vị có tên bằng tiếng Sanskrit mà chúng tôi đã nói đến và chính bộ Thập bát La Hán cũng đã xác định, chẳng hạn La Hán tại thính là Na Gia Tề Na, La Hán túi vải là Nhân Yết Đà, La Hán tiên tri là Nặc Cu La, v.v..

Danh sách 18 vị La Hán trong bộ Thập bát La Hán vẫn phạm sự nhầm lẫn mà chúng tôi đã phân tích trên Kiến thức ngày nay, số 105. Theo sách đó thì La Hán mày dài là Tân Độ La còn La Hán thắng cọp là Tân Đầu Lư. Nhưng, như đã nói Tân Độ La và Tần Đầu Lư (Lô) chỉ là hai cách phiên âm khác nhau từ một tên duy nhất bằng tiếng Sanskrit nên nó chỉ là tên của một người. Cũng theo sách đó thì La Hán rồng giáng chính là Khánh Hữu. Nhưng như cũng đã phân tích, Khánh Hữu chẳng qua chỉ là dịch nghĩa của Nandimitra (Nan Để Mật Đa La); tên của vị này không thuộc danh sách 16 vị La Hán được Đức Phật phái đi truyền giáo ở nước ngoài. Trong Thập bát La Hán, có một vị được mệnh danh là La Hán Di Lặc. Nhưng Đức Di Lặc lại không phải là La Hán mà là Bồ Tát. Lại còn La Hán rồng giáng và La Hán thắng cọp. Đây thực ra chính là Hàng LongPhục Hổ mà cả Từ hải lẫn Hiện đại Hán ngữ từ điển (của Phòng biên tập từ điển, Sở nghiên cứu ngôn ngữ, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, Bắc Kinh) đều thừa nhận là đã được thêm vào danh sách chính thống của 16 vị La Hán.

A La Hán và 18 La Hán là ai - Chớ tin khi nghe người tự xưng đắc quả!!!

Tóm lại, bộ truyện tranh Thập bát La Hán, với 18 truyện của nó, dù nguyên bản hay bản dịch, cũng đều không thể là căn cứ có giá trị để khẳng định con số các vị La Hán là 18. Để góp phần khẳng định con số 18 này, trước đây ông Trương Ngọc Tường ở Ban Tuyên giáo Cai Lậy (Tiền Giang) đã có gửi bài góp ý cho chúng tôi. Ông viết: “Theo quan niệm Phật giáo, mỗi con người có 6 căn: nhân (mắt), nhĩ (tai), tĩ (mũi), thiệt (lưỡi), thân, ý. Nếu tính ba đời quá khứ, hiện tại và tương lai thì có 18, gọi là “thập bát xứ” (mười tám cõi). Mỗi người có 18 chỗ tạo nên nghiệp. Nếu chúng ta buông thả thì đó là 18 tên giặc cướp. Còn nếu kềm chế được thì đó là 18 vị La Hán. Vì nguyên cớ ấy nên trong dân gian có truyền thuyết 18 vị La Hán là 18 tên giặc cướp biết ăn năn tu thành chánh quả. Các chùa Nam Bộ (ngay cả vùng Hoa Nam) thường thờ 18 vị La Hán. Nét mặt các pho tượng thường dữ tợn, tay cầm các bảo bối như chuồng, khánh, bình hoa, kinh… tượng trưng cho sáu căn của con người”.

Chúng tôi đã thú thật với ông Trương Ngọc Tường rằng mình không tìm được nguồn thư tịch Phật học nào có để cập đến vấn đề “mười tám cõi, tức thập bát xứ, là mười tám tên giặc cướp nếu chúng ta buông thả nhưng sẽ là mười tám vị La Hán nếu chúng ta kiềm chế được”.

Còn theo chỗ chúng tôi biết thì mười tám cõi là thập bát giớithập bát giới thì gồm có lục căn (nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân, ý) gọi là nội giới, lục trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) gọi là ngoại giớilục thức (nhãn thức, nhĩ thức, tị thức, thiệt thức, thân thức, ý thức) gọi là trung giới. Vậy mười tám cõi là sáu cõi trong (nội giới), sáu cõi ngoài (ngoại giới) và sáu cõi giữa (trung giới) chứ không phải là mười tám tên giặc cướp hay mười tám vị La Hán. Chỉ có lục trần – chứ không phải lục căn – mới thường được Kinh Phật dùng ẩn dụ mà gọi là lục tặc (sáu tên giặc)! Chẳng hạn: “Trong Niết bàn kinh quyển 23, Phật khuyên các nhà tu hành nên quán tưởng rằng: “Ngoại lục nhập (lục trần)lục-tặc, tức là sáu kẻ cướp, bọn cướp sáu đứa. Còn nội lục nhập (lục căn) không-tu-lạc, tức là xóm nhà trống không, chẳng có người ở, chẳng có đồ ăn uống, chẳng có tiền của. Quán tưởng như vậy, liền dứt khổ não, luân hồi”. Trong đoạn trích trên đây, cả hai hình thức tu từ lục tặckhông tụ lạc đều chỉ là những ẩn dụ chứ lục căn đâu phải là “xóm vắng” thiệt thọ mà lục trần cũng chẳng phải là những “tướng cướp” bằng xương, bằng thịt.

Lại theo chỗ chúng tôi biết thì điển tịch Phật học còn có khái niệm già lam thầnTừ hải đã giảng như sau: “(Là) những vị thần bảo vệ chùa, cũng gọi tắt là già lam. Sách Thích thị yếu lược dẫn Thất Phật Kinh nói: “Có mười tám vị thần bảo vệ chùa: một là Mỹ  m, hai là Phạn  m, ba là Thiên Cổ, bốn là Thán Diệu, năm là Thán Mỹ, sáu là Ma Diệu, bảy là Lôi  m, tám là Sư Tử, chín là Diệu Thán, mười là Phạn Hưởng, mười một là Nhân  m, mười hai là Phật Nô, mười ba là Tụng Đức, mười bốn là Quảng Mục, mười lăm là Diệu Nhãn, mười sáu là Triệt Thính, mười bảy là Triệt Thị, mười tám là Biển Thị”.

Vậy phải chăng “dân gian” đã nhầm lẫn mười tám vị thần giữ chùa này với mười sáu vị La Hán kia nên mới tăng số lượng các vị ấy lên thành mười tám?

Tóm lại, Từ hải đã khẳng định rằng con số 18 (vị La Hán) không thể tìm thấy trong điển tịch Phật học (ư Phật điển vô khả khảo) còn Phật học từ điển của Đoàn Trung Còn cũng nói rõ rằng: “Thường thường, người ta tưởng lầm là 18 vị, và chính nhà chùa cũng thờ 18 vị La Hán, chớ quả có 16 vị thôi”.