Người ta thường gọi cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm là Trạng Trình. Là trạng thì điều này dễ hiểu vì cụ đỗ trạng nguyên. Là Trạng Trình thì cũng dễ hiểu vì cụ được phong Trình quốc công. Nhưng tại sao lại là Trình quốc công mà không phải là Nguyễn quốc công? Vậy chữ “Trình” do đâu mà ra?
Trước khi được phong là Trình quốc công thì Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được phong là Trình Tuyền hầu. Chữ “Trình” trong Trình quốc công chính là chữ “Trình” trong Trình Tuyền, là hiệu mà ông đã thụ nhận khi được phong tước hầu. Về chữ “Trình” này, ta có thể thấy được mấy cách giải thích như sau.
Nguyễn Tá Nhí đã dịch “Trình Trạng nguyên hựu thi nhất thủ” là “lại chép thêm một bài thơ của ông Trạng nguyên họ Trình” (“Vài nét về tình hình văn bản thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm”, trong: Nguyễn Bỉnh Khiêm – danh nhân văn hoá, Hà Nội, 1991, tr. 219.) Cứ theo lời dịch trên đây thì “Trình” cũng là họ của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đây là một điều bất ngờ lớn vì xưa nay không có sách nào chép rằng Nguyễn Bỉnh Khiêm lại có họ Trình.
Một số người khác thì lại gắn chữ “Trình” đó với họ của hai ông Trình Di và Trình Hạo ở bên Tàu. Hoàng Trung Thông đã đặt vấn đề như sau: “Có phải ông giống Trình Tử nên mới được phong Trình quốc công không?”. (“Ông Trạng Nguyễn Bỉnh Khiêm”, trong: Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hải Phòng, 1991, tr. 217.) Không trực tiếp khẳng định nhưng vẫn gắn chữ “Trình” với họ của Trình Tử, Trần Quốc Vượng viết: “Trong Tống Nho có Lý học. Nhưng Nguyễn Bỉnh Khiêm trở thành Trạng Trình (theo dòng Lý học của Trình Tử đời Tống)…” (Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm trong bối cảnh văn hoá Việt Nam thế kỷ XVI, trong Nguyễn Bỉnh Khiêm – danh nhân văn hoá, Hà Nội, 1991, tr. 56.)
Một số người khác đã trực tiếp khẳng định như sau. GS. Bùi Duy Tân viết: “Vì thế mà vua Mạc phong cho ông tước Trình tuyền hầu (đời gọi ông là Trạng Trình), ý muốn đề cao ông như một người nối được cái học của Trình Di, Trình Hạo, những nhà lý học nổi tiếng đời Tống” (“Mấy vấn đề suy tưởng ngang qua sự nghiệp Trạng Trình”, trong: Nguyễn Bỉnh Khiêm trong lịch sử phát triển văn hoá dân tộc, Trung tâm nghiên cứu Hán Nôm, 1991, tr. 133.)
Lê Trí Viễn viết: “Nhà Mạc đã coi Trạng nguyên làng Trung Am là một người thông thạo thuyết lý học của hai ông Trình và Chu đời Tống, điều mà phương Bắc cũng công nhận bằng câu “An Nam lý học hữu Trình Tuyền”, nên lấy họ của hai ông Trình (Trình Di, Trình Hạo) mà phong tặng cho ông (“Tài thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm”, sđd, tr. 155.)
Thái Hồng cũng viết: “Nguyễn Bỉnh Khiêm (…) xin về trí sĩ rồi sau đó dù ở tại quê nhà nhưng vẫn được phong Thượng thư, Trình Tuyền hầu rồi Trình quốc công. Tước phong này có ý nói đến tài riêng của ông, rằng ông là người khơi dòng lý học của Trình Hiệu, Trình Di đời Tống như Chu Xán, xứ nhà Thanh đã nhận: An Nam lý học hữu Trình Tuyền”. (“Trạng Trình và sấm Trạng Trình”, sđd, tr. 171.2)
Cách dịch của Nguyễn Tá Nhí không đúng đã đành nhưng cách giải thích của các tác giả còn lại cũng không phù hợp với sự thật. Đơn giản là khi phong tước cho Nguyễn Bỉnh Khiêm thì người ta đã lấy tên đất làm hiệu để gọi. Trình Tuyền là tên đất chỉ quê gốc của ông. Sổ tay địa danh Việt Nam của Đinh Xuân Vịnh (Nxb. Lao Động, 1996) đã ghi rõ như sau:
“Trình Tuyền: làng ở xã Cổ Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Ninh Giang, trấn Hải Dương, sau đổi tên là làng Trung Am, xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, nay thuộc thành phố Hải Phòng. Quê Nguyễn Bỉnh Khiêm” (tr. 552). HỐ 16b) u
Chính vì vậy mà khi thụ phong tước hầu, Nguyễn Bỉnh Khiêm mới được gọi là Trình Tuyền hầu. Chu Xán gọi Nguyễn Bỉnh Khiêm bằng tước do triều đình Đại Việt ban cho còn nhiều vị giáo sư và học giả người Việt Nam ngày nay ngỡ rằng đó là họ của ông Trình Di và ông Trình Hạo ở tít tận bên Tàu.