Mặc dù các nhà hành vi học động vật đã ghi nhận những hành động tổ chức “đám tang” nhiều lần, nhưng tất cả họ đều coi đó là một sự ngẫu nhiên, vậy những hành động đó của chúng là phản ứng bẩm sinh hay dao động cảm xúc?

Các loài linh trưởng không bao giờ bỏ rơi đồng loại chết

Có thể bạn chưa biết, động vật cũng biết tổ chức đám tang cho cái chết của đồng loại - Ảnh 1.

Nhiều nhà động vật học nhận thấy rằng các loài linh trưởng thể hiện những hành vi đặc biệt với xác chết của đồng loại: chúng tụ tập xung quanh xác chết, chải lông cho nó, quan sát nó vào ban đêm và cả đàn cũng sẽ bày tỏ các hành vi giúp đỡ những con mẹ mất con. Nhưng điều thú vị nhất là ở loài khỉ đầu chó và tinh tinh, con mẹ sẽ ôm những đứa con đã chết của mình trong nhiều giờ hoặc thậm chí nhiều ngày. Năm 1968, nhà linh trưởng học nổi tiếng người Anh Jane Goodall là người đầu tiên tiết lộ về hiện tượng trên. Kể từ đó, nhiều học giả đã quan sát và nghiên cứu loại hành vi này hơn.

Những con voi sẽ không bao giờ quên cái chết của đồng loại

Có thể bạn chưa biết, động vật cũng biết tổ chức đám tang cho cái chết của đồng loại - Ảnh 2.

Mặc dù nghĩa trang voi chỉ là một truyền thuyết, nhưng hành vi của những con voi khi đối mặt với cái chết thực sự là một điều gì đó khiến chúng ta khó hiểu. Sau khi so sánh dữ liệu nghiên cứu rải rác với hồ sơ quan sát của chính mình, nhà sinh thái học Shifra Goldenberg thuộc Viện Sinh học Bảo tồn Smithsonian (SCBI) đã giới thiệu với thế giới về hành vi kì lạ của loài voi vào năm 2019.

Đối với cái chết của những con voi trong bầy hoặc người thân, bạn bè của chúng, chúng sẽ ở lại với xác chết, chạm vào nó, và một số sẽ cố gắng nhấc xác lên như thể đang muốn xác chết sống lại. Thậm chí khi xác chết đã biến thành đống xương trắng thì lâu lâu chúng vẫn sẽ lại tới thăm một lần, chúng vẫn sẽ vuốt ve đống xương đó và đặc biệt là dù có những xác chết hay những đống xương khác ở bên cạnh thì chúng vẫn không hề bị nhầm lẫn.

Loài kiến sẽ thu dọn xác chết của đồng loại theo một cách có hệ thống

Có thể bạn chưa biết, động vật cũng biết tổ chức đám tang cho cái chết của đồng loại - Ảnh 3.

Trong một đàn kiến, ong, mối, mỗi thành viên đều có trách nhiệm cụ thể, và việc xử lý xác chết cũng vậy. Nhiều nghiên cứu từ những năm 1950 đã xác nhận điều này. Kiến thợ hoặc ong thợ sẽ có nhiệm vụ dọn dẹp và vận chuyển xác chết của đồng loại để ngăn chặn mầm bệnh lây lan trong tổ kiến ​​hoặc tổ ong. Một số loại kiến ​​hoặc ong sẽ đặt xác của đồng loại ở những nơi cụ thể cách xa khu vực chúng sinh sống. Trong khi đó, loài mối sẽ đào những căn phòng nhỏ trong tổ để chôn xác chết.

Các loài trong bộ cá voi sẽ cố gắng nâng cá con đã chết lên khỏi mặt nước

Có thể bạn chưa biết, động vật cũng biết tổ chức đám tang cho cái chết của đồng loại - Ảnh 4.

Vào năm 2018, một con cá voi sát thủ cái hoạt động ở vùng biển gần Vancouver đã cố gắng đẩy xác chết của con nó lên trên mặt biển. Hành vi này kéo dài 17 ngày và phạm vi di chuyển của nó kéo dài 1.600 km. Cùng năm đó, một nhóm nghiên cứu quốc tế khác đã chỉ ra rằng trong số tất cả các loài động vật có vú ở biển, cá heo là loài có nhiều cảm xúc nhất về cái chết của đồng loại. Hành vi của cá heo cái mang theo xác chết của con nó xuất hiện trong 75% các trường hợp được quan sát. Trong một số trường hợp khác, cá heo đực cũng sẽ làm công việc của cá heo cái và ngăn xác chết chìm xuống nước.

Trên thực tế, các loài động vật linh trưởng phản ứng rất mạnh mẽ với cái chết của đồng loại. Điều tương tự cũng xảy ra đối với voi, cá voi, chim, động vật gặm nhấm và các loài côn trùng có tổ chức xã hội.

Các nhà hành vi học động vật từ lâu đã tin rằng động vật sẽ thể hiện những hành vi phức tạp và cấp tiến khi đối mặt với cái chết của đồng loại chúng, đặc biệt là với những cá thể có quan hệ thân thiết – điều mà chúng ta luôn nghĩ chỉ có con người mới như vậy.

Nhà linh trưởng học người Hà Lan Frans de Waal khẳng định: “Có những dấu hiệu cho thấy cái chết sẽ kích thích phản ứng cảm xúc ở nhiều nhóm động vật ở một số loài chúng ta sẽ thấy chúng bỏ ăn thậm chí là mật ngủ”.

Ngày nay, các chuyên gia đã ghi chép và nghiên cứu lại một cách có hệ thống về loại hành vi này của động vật và thiết lập dữ liệu thống kê để đánh giá xem đó là tập tính của chúng hay chỉ là những trường hợp cá biệt.

Họ cũng mô tả các phản ứng khác nhau của các loài khác nhau trước cái chết, và cố gắng tìm hiểu động cơ của các hành vi khác nhau ở cùng một loài và tự đặt ra câu hỏi đó là phản ứng bẩm sinh hay dao động cảm xúc, động vật có thể nhận ra rằng mọi sự sống sẽ kết thúc hay không?

James Anderson, giáo sư tâm lý học tại Đại học Stirling, Vương quốc Anh chỉ ra rằng: “Trước đây. các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể báo cáo những tình huống này vì chúng được coi là hành vi không thường xuyên và không mang tính đại diện. Do thiếu dữ liệu cụ thể, bởi vậy những quan sát cho rằng đó chỉ là những trường hợp cá biệt, hoặc hoàn toàn là ngẫu nhiên”.

Tuy nhiên, những nghiên cứu mới đã làm suy yếu sự hoài nghi đó. Chính James Anderson đã cảm thấy động lực của anh bắt đầu từ cái chết của một con tinh tinh cái 50 tuổi có tên “Pancey” từ 10 năm trước sống trong Công viên Động vật Hoang dã Blair Drummond ở Scotland.

Có thể bạn chưa biết, động vật cũng biết tổ chức đám tang cho cái chết của đồng loại - Ảnh 5.

“Đó là lần đầu tiên chúng tôi chụp ảnh được hành động của một nhóm linh trưởng nhỏ trước và sau cái chết của họ hàng”, James Anderson nhớ lại. Ông đã trực tiếp nhìn thấy cảnh những con tinh tinh xung quanh cố gắng cứu giúp Pancey khi đang hấp hối. Con gái nuôi của Pancey đã cố gắng âu yếm mẹ đêm cuối cùng, hai con tinh tinh khác trong vườn thú là bạn thân của Pancey cũng không thể ngủ ngon giấc, sau khi thi thể được dọn đi, cả bầy tinh tinh đã tỏ ra rất ngập ngừng và không dám bước vào căn phòng nơi Pancey chết.

Năm 2010, James Anderson đã xuất bản bài báo đầu tiên của mình về những điều đó. Ông đã đi đầu trong việc áp dụng “deathology” cho các loài khác ngoài con người. Giáo sư Anderson đã đọc một số lượng lớn các đánh giá nghiên cứu có liên quan đến nhiều loài khác nhau và sớm nhận ra rằng động vật linh trưởng không phải là động vật duy nhất “để tang đồng loại”.

Năm 2016, trong một bài nghiên cứu mang tính đột phá, ông đã đề xuất mô tả quang phổ phản ứng của các loài khác nhau khi đối mặt với cái chết của đồng loại: một đầu của quang phổ là các phản ứng cơ học, bẩm sinh và hóa học xảy ra và đầu kia của quang phổ là phản ứng có hàm ý xã hội phức tạp, bộc lộ những cảm xúc tương tự như nỗi buồn. Với điều này, nhà tâm lý học đã đặt nền tảng cho “các nghiên cứu so sánh về cái chết”.

Động vật thực sự có thể cảm nhận được cái chết của đồng loại. Chúng sẽ có một mô hình phản ứng hành vi cố định trước cái chết, có thể những hành vi này được lựa chọn bởi quá trình tiến hóa để tránh lây lan mầm bệnh do tiếp xúc với xác chết. Ví dụ điển hình chính là loài ong, chúng phản ứng với các tín hiệu hóa học của quá trình phân hủy của xác chết và loại bỏ xác cùng loại ra khỏi tổ.

Một số loài chuột cũng làm điều tương tự như vậy, một khi ngửi thấy mùi thối rữa, chúng sẽ vùi xác theo phản xạ. Tuy nhiên, có những loài khác lại không tuân theo logic đó: chúng tập trung quanh xác chết, vuốt ve xác chết, canh giữ và luôn ở bên cạnh xác chết đó. Nó có thể được coi là một sự xúc động về cảm xúc, hoặc đó sự nghi ngờ, cho rằng đồng loại vẫn chưa thực sự chết.

Có thể bạn chưa biết, động vật cũng biết tổ chức đám tang cho cái chết của đồng loại - Ảnh 6.

Một nghiên cứu khác mới được công bố tiết lộ cũng cách các cá thể động vật phản ứng với cái chết của một thành viên trong gia đình có liên hệ tình cảm với chúng. Nhóm của Elise Huchard tại Viện Tiến hóa và Sinh thái Chức năng thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Pháp tập trung vào mối quan hệ mẹ con vì đây là mối quan hệ tình cảm thân thiết nhất trong vương quốc động vật.

Các nhà hành vi học động vật đã dành 13 năm để theo dõi một số quần thể khỉ đầu chó, trong đó có 12 con khỉ đầu chó cái cái bị mất con. Nhóm nghiên cứu quan sát thấy 9 con khỉ đầu chó cái sẽ tiếp tục ôm những đứa con đã chết của chúng trong khoảng thời gian từ vài giờ đến 10 ngày.

Theo đó, James Anderson đã xây dựng mối liên hệ giữa hành vi nói trên với con người: “Ở một số quốc gia, sau khi đứa trẻ sơ sinh qua đời, người mẹ sẽ dành một khoảng thời gian để tiếp xúc với đứa trẻ đó. Sự tiếp xúc này có thể chữa lành nỗi đau do mất mát”. Một thử nghiệm được tiến hành tại một số bệnh viện ở Anh vào năm 2014 cho thấy rằng các bà mẹ sẵn sàng ôm những đứa trẻ sơ sinh đã chết của mình. Mặc dù sau đó thử nghiệm đã gặp phải rất nhiều phản đối, nhưng kết quả ban đầu cho thấy dường như hành động này có tác dụng xoa dịu cảm xúc nhất định.

Và cho đến nay, những nghiên cứu về “đám tang” của động vật vẫn được tiếp tục theo hướng sâu hơn và vẫn chưa thể rút ra được kết luận cuối cùng, chúng ta vẫn chưa thể xác định được một cách rõ ràng những hành động đó của chúng là phản ứng bẩm sinh hay dao động cảm xúc?