Từ xa xưa, cha ông chúng ta thường hay nhắc nhở con cháu về cách cư xử thế nào cho thuận thảo với bà con ruột thịt trong thân tộc, cũng như với những người cùng sinh sống chung trong một xóm làng. Các cụ hay dùng những câu văn ngắn ngủi đọc lên có vần có điệu – để cho ai cũng có thể hiểu rõ ý nghĩa và nhớ một cách dễ dàng được. Điển hình như câu này chỉ gồm có 6 chữ: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”.

1 – Ăn trông nồi.

Giải thích ý nghĩa tục ngữ 'Ăn trông nồi ngồi trông hướng' nhắc nhở điều gì?

Ở làng quê thời xưa, thì mọi người trong một gia đình đều ngồi ăn chung với nhau với một nồi cơm được đặt ở một đầu của chiếc chiếu và thường do người mẹ hay chị lớn trong nhà lo việc xới cơm tiếp cho mọi người. Nhưng phần đông các gia đình đều bị thiếu gạo ăn. Do đó mỗi khi có khách đến thăm viếng bất thình lình, thì con cái trong nhà phải nhịn ăn ít đi – để còn dành phần cho người khách ăn cho đủ. Vì thế, mà có câu nhắc nhở con cái là: “Khi ngồi ăn chung với mọi người, thì phải để ‎mắt trông xem nồi cơm còn nhiều hay ít – để mà liệu không ăn thêm nữa.”

2 – Ngồi trông hướng.

Câu này cũng thật rõ nghĩa nhằm nhắc nhở cho con cháu nhớ rằng: “Khi ngồi ở chỗ nào, thì đều phải chú ‎ý đến vị trí thích hợp của mình nơi chỗ đông người. Cụ thể như nếu có những vị lớn tuổi đáng bậc cha bác của mình hay có vị là những nhân vật có địa vị có danh tiếng trong xã hội, thì mình phải biết chọn chỗ ngồi ở hàng ghế phía dưới cách xa hàng ghế danh dự ở phía trên thường được ưu tiên dành cho các bậc huynh trưởng có danh vọng trong cộng đồng xã hội địa phương.”

Suy rộng ra, ta cũng có thể hiểu được rằng: “Mỗi người nên chú y đến việc xác định lập trường của mình giữa chỗ đông người một cách thận trọng – cốt y để tránh làm mất lòng hay gây ra sự hiểu lầm đối với những người khác. Ngay trong tiếng Pháp, người ta cũng có câu nói rằng: “Người có văn hóa là người biết xác định đúng vị trí của mình.” (nguyên văn: Lhomme cultive est celui qui sait se situer).

Qua câu văn tiếng Pháp này, ta có thể thấy được rằng: “Sự khôn ngoan minh triết trong xã hội, thì tại nhiều nơi cũng đại để giống nhau – vì đều là do sự sàng lọc tích lũy những kinh nghiệm cụ thể, thiết thực từ nhiều thế hệ con người sinh sống trước đây mà thôi vậy.”