Không chỉ Việt Nam, trên thế giới có trên dưới mười quốc gia đều đón Tết nguyên đán. Và vì vậy, ngày cúng đưa ông Táo về trời cũng là một tục lệ phổ biến. Tuy vậy do khác biệt văn hóa và tín ngưỡng, mỗi quốc gia lại có một nghi thức tiễn ông Táo khác nhau.

Việt Nam

Táo quân được cho là vị thần bắt nguồn từ ba vị Thổ Công, Thổ Địa và Thổ Kỳ trong truyền thống Lão giáo của Trung Quốc. Qua thời gian, truyền thống này đã bắt đầu được Việt hóa trở thành sự tích hai ông một bà trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt. Theo đó, Táo quân tức là cách gọi vắn tắt của ba vị thần gồm: thần đất, thần nhà và thần bếp núc.

Ảnh wikimedia commons

Tùy theo mỗi vùng miền mà mâm cúng ông táo ở miền bắc, miền trung và miền nam lại cũng có những tục lệ khác nhau. Ngoài các món ăn thì cách dâng phương tiện để ông Táo về trời của ba miền cũng rất khác. Thông thường, người miền bắc sẽ cúng cá chép với niềm tin rằng, cá chép vượt vũ môn sẽ hóa kiếp thành rồng và giúp ông Táo về trời nhanh hơn. Còn ở miền trung thường người ta sẽ mua một con ngựa giấy có đủ yên cương, và miền nam thì có phong tục đốt những tấm vàng mã có in hình cò bay ngựa chạy.

Hàn Quốc

Cũng giống người Việt, người dân Hàn Quốc cũng có ngày cúng ông Táo, nhưng ngày này không diễn ra vào 23 tháng Chạp mà rơi vào 29 tháng Chạp. Ông Táo của người Hàn cũng không phải là hình tượng hai ông một bà, cũng không gọi là Táo quân mà gọi là: Jowangsin (조왕신)

Jowangsin ở Hàn Quốc là hình tượng của một nữ thần mang dáng hình của nước. Người ta tin rằng, nước sẽ giúp rửa trôi những điều xui xẻo không như ý của năm cũ để chuẩn bị đón một năm mới thuận lợi và may mắn. Ngoài ra, người ta không đúc tượng của Jowangsin để thờ, thay vào đó, người dân xứ kim chi sẽ đặt một chén nước sạch và thờ trang trọng ở góc bếp. Cứ vào mồng 1 và 15 hàng tháng, người phụ nữ trong gia đình sẽ có nhiệm vụ thay nước một lần.

Nữ thần bếp Hàn Quốc, ảnh internet

Vào ngày đưa ông Táo (tức 29 tháng Chạp), người Hàn cũng sẽ bày một mâm cúng thịnh soạn gồm trái cây và các loại bánh gạo rán để làm nghi thức tiễn ông Táo về trời.

Trung Quốc

Nếu như nói có một đất nước nào mà phong tục cúng ông Táo gần giống với Việt Nam nhất thì đó chính là Trung Quốc. Thường ở miền bắc Trung Quốc sẽ đưa ông Táo vào ngày 23, ngược lại người miền nam lại cử hành vào ngày 24. Ông Táo trong văn hóa tín ngưỡng của người Trung Hoa cũng không phải là bộ ba hai ông một bà, họ thường đặt tượng hoặc tranh của hai vị thần gồm một nam và một nữ ở góc bếp và thờ cúng rất trang trọng.

Trong ngày tiễn ông Táo về trời, ngoài những món ăn truyền thống người Trung Quốc quan niệm rằng, nếu dâng cúng những món ăn có vị ngọt thì ông Táo sẽ thay gia chủ nói những điều tốt đẹp trước mặt Ngọc Hoàng. Đây cũng là lý do mà người dân quốc gia này thường chuẩn bị một mâm cúng gồm: bánh rán, đường, canh đậu và có thói quen cúng đồ ngọt và quết một chút mật ong lên miệng ông táo trong dịp lễ đặc biệt này.

Ảnh Wiki

Ngoài thức ăn, trong mâm cúng ông Táo của người Trung Quốc còn có hai thứ quan trọng là nước và rơm. Họ cho rằng, nếu thiếu hai thứ quan trọng này thì ngựa sẽ không đủ sức đưa ông Táo về trời đúng ngày.