Kiểm soát cảm xúc trên mạng xã hội là câu chuyện chưa bao giờ lỗi thời. Làm thế nào để cư xử đúng mực trên môi trường trực tuyến? Mời bạn cùng ELLE tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Nhờ vào sự phát triển nhanh chóng của công nghệ hiện đại, mạng xã hội trở thành một thế giới đa diện và chân thực hơn bao giờ hết. Những hình ảnh, trạng thái, bình luận, lượt tương tác… có khả năng làm thay đổi sâu sắc cuộc sống của mỗi người. Thông qua mạng xã hội, bạn có thể giao tiếp, kết nối, chia sẻ, tranh luận, chỉ trích, phê bình hoặc thậm chí mắng chửi, tẩy chay người khác chỉ bằng một cú click chuột. Vì vậy, ngay lúc này, chúng ta cần xem xét cách cư xử và học cách kiểm soát cảm xúc của mình trên môi trường trực tuyến thật nghiêm túc, cẩn thận.
Khảo sát Chỉ số Văn minh Trực tuyến (Digital Civility Index – DCI) do Microsoft thực hiện, được công bố vào đầu 2/2020, cho biết, Việt Nam thuộc nhóm 5 nước có hành vi kém văn minh nhất trên môi trường trực tuyến (78%), chung với các nước Nam Phi (83%), Peru (81%), Colombia (80%) và Nga (79%). Khảo sát này được thực hiện trên 12.520 người lớn và trẻ vị thành niên tại 25 quốc gia.
Mặc dù khảo sát này chỉ mang tính chất tương đối, chưa thuyết phục và thiếu tính đại diện (do chỉ thực hiện trên 500 người Việt) nhưng nó cũng là một lời nhắc nhở đáng suy ngẫm về vấn đề kiểm soát cảm xúc trên mạng xã hội.
TẠI SAO NHIỀU NGƯỜI MẤT KIỂM SOÁT CẢM XÚC TRÊN MẠNG XÃ HỘI?
HIỂU LẦM THÔNG ĐIỆP CỦA NHAU
Khác với việc trò chuyện trực tiếp kèm theo ngôn ngữ cơ thể, khi giao tiếp gián tiếp trên mạng xã hội, chúng ta dễ hiểu sai thông điệp của đối phương. Những câu chữ khô khan trong các trạng thái, bình luận không thể hiện đầy đủ ngữ cảnh của câu chuyện, khiến bạn khó nắm bắt chính xác điều mà người khác muốn truyền tải. Từ đó, hai bên dễ suy diễn, hiểu lầm, thậm chí dẫn đến các mâu thuẫn không đáng có.
TÍNH ẨN DANH TRÊN MẠNG XÃ HỘI
Hiện nay, trên các diễn đàn và mạng xã hội, bất cứ chủ đề lớn nhỏ nào cũng có thể châm ngòi cho những “cuộc chiến bàn phím” không hồi kết. Nhờ vào khả năng ẩn danh và bản chất trò chuyện gián tiếp trên Internet, nhiều người có thể yên tâm thể hiện cái tôi cá nhân chỉ với một (hoặc một vài) tài khoản trên mạng xã hội. Sự tự do ngôn luận trên mạng xã hội cho phép chúng ta nói lên quan điểm, chính kiến và đấu tranh cho những điều chúng ta tin là đúng đắn.
Tuy nhiên, không ít người lợi dụng điều đó để phê phán, chỉ trích người khác bằng lời lẽ kém văn minh. Bên cạnh đó, các bình luận tiêu cực trên mạng xã hội cũng lan truyền nhanh chóng hơn bất kỳ hình thức nào, thậm chí gây ra tổn thương sâu sắc đến tinh thần và thể xác của người khác. Sự ra đi của nữ ca sĩ Sulli là một trong những ví dụ đau lòng về nạn nhân của bạo lực mạng.
THỎA MÃN TÍNH HIẾU THẮNG
Trong nhiều vấn đề thời sự, khi gặp phải những ý kiến trái chiều, đi ngược với quan điểm cá nhân, một số người đưa ra các phân tích, bình luận chủ quan rồi chê bai người khác. Vì bản tính hiếu thắng, họ đã vô tình gây tổn thương cảm xúc của nhau. Gần đây, trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát dữ dội trên toàn cầu, ta càng thấy rõ một bộ phận cư dân mạng quá khích thường sử dụng từ ngữ tiêu cực để kết tội, chỉ trích, phân biệt chủng tộc, vùng miền…
Thực ra, việc quan tâm đến thời cuộc và chủ động thể hiện chính kiến là điều cần thiết. Thế nhưng, chúng ta nên tỉnh táo xem xét vấn đề và góp ý, phản biện một cách khách quan dựa trên tinh thần xây dựng, nhằm kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Nếu chỉ chăm chăm chia sẻ cảm xúc tiêu cực, mất lòng tin, những phỏng đoán chủ quan… bạn chỉ đang góp phần làm hoang mang dư luận, gây rối loạn trật tự xã hội và khiến cho tình hình càng thêm rối ren mà thôi.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ KIỂM SOÁT CẢM XÚC TRÊN MẠNG XÃ HỘI?
Để giữ gìn hình ảnh cá nhân và góp phần xây dựng môi trường trực tuyến lành mạnh, đã đến lúc chúng ta suy ngẫm nghiêm túc và bắt sự thay đổi. Mỗi người cần trau dồi năng lực làm chủ cảm xúc của mình, điều chỉnh ngôn từ và hành vi cho phù hợp.
Bên cạnh đó, bạn nên cố gắng “cai nghiện” mạng xã hội và điện thoại di động. Tham gia hoạt động yêu thích, hòa mình với thiên nhiên, trò chuyện cùng những người thân thương là các giải pháp đơn giản giúp bạn phần nào xao nhãng khỏi thế giới ảo đầy xô bồ.
Nếu bắt buộc phải sử dụng mạng xã hội trong công việc và cuộc sống, bạn nên suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi đăng tải hoặc bình luận, đánh giá ai đó. Hãy lan tỏa nội dung tích cực, kiên quyết bảo vệ sự lành mạnh của không gian mạng và tránh xa những cuộc đấu đá tầm phào, vô nghĩa,
Dưới đây là 4 thử thách của Microsoft nhằm khuyến khích người dùng sử dụng mạng xã hội an toàn và lành mạnh hơn:
- Hành động một cách tử tế, đồng cảm và giàu lòng trắc ẩn trong mọi tương tác trực tuyến. Đối xử với những người mà bạn kết nối bằng sự tôn trọng.
- Tôn trọng sự khác biệt và đa dạng trong quan điểm cũng như cách tư duy. Khi xảy ra bất đồng, hãy cân nhắc mọi hành động, tránh công kích cá nhân.
- Trước khi trả lời những bài viết trái quan điểm, chúng ta nên dừng lại suy nghĩ một chút. Đừng gửi hoặc đăng tải bất cứ nội dung nào có thể làm tổn thương người khác, gây tổn hại uy tín hoặc đe dọa sự an toàn của họ.
- Hãy bảo vệ bản thân và những người xung quanh bằng cách hỗ trợ các nạn nhân bị lạm dụng hoặc ngược đãi trực tuyến, đồng thời báo cáo hành vi đe dọa, lưu giữ bằng chứng về những hành vi không phù hợp hoặc không an toàn