Một buổi chiều cuối năm, khi mọi việc có vẻ tạm ngớt, chúng tôi hay thèm cái khí quyển của một thị trấn yên yên tĩnh tĩnh. Ở Sài Gòn, muốn tìm thứ “chất lượng sống” hiếm ấy không đâu khác hơn là bến Mễ Cốc.

Em của bò bía

Đường đến bến Mễ Cốc không khó. Chỉ cần chạy dọc bờ kè quận 8, chạy hoài đến cuối đường, bạn sẽ đụng một cơ quan treo biển hiệu “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Và Sài Gòn chấm dứt ở đó. Thị trấn Mễ Cốc cũng chính là ở đó. Nơi ta sẽ gặp một “thành phố đã đi ngủ trưa”. Có những lúc tịnh không một tiếng xe. Thỉnh thoảng một cơn gió nhẹ làm xao động đám lá dừa nước bên kia bờ kinh. Những vạt dừa nước – dấu chỉ của Sài Gòn một thời – hiếm hoi.

Léopold Pallu, một sĩ quan Pháp đã nói về con kênh mà bến Mễ Cốc là một phần trong đó nằm đối diện với bến Phú Định bên kia kênh: Rạch Bến Nghé – kênh Tàu Hủ rất có thể là rách được đào hay ít nhất cũng là do tay người cải tiến thành kênh cho tàu bè thông thương. Kênh tách ra theo một hướng thẳng góc với sông Sài Gòn, mặt nước phẳng đều, rộng khoảng 100m, ăn sâu vào phía trong vùng xứ sở.”

Bến Mễ Cốc là nơi ngày xưa lúa từ miền Tây đổ về, được xay xát ở đây, để rồi xuất cảng. Bến Mễ Cốc từng là một nơi trên bến dưới thuyền, một dạng chợ nổi của Sài Gòn thời chưa phát triển đường bộ. Đến nay, tuy là Mễ Cốc, nhưng tầm phát triển vẫn là báo chí trên cột điện, không muốn nghe vẫn phải nghe. Có thể nói đó là một trong những di sản ‘cưỡng bức’ còn lại ở Sài Gòn.

Bò bía mặn, chị của bò bía ngọt, bà nội của gỏi cuốn,
bà cố của chả giò.

Trưa đó, thứ làm cho một ông bạn reo lên sung sướng ở “thị trấn” ấy là chiếc xe đạp bán bò bía ngọt. Chiếc xe đơn sơ vậy mà như chở theo nó cái cổng trường của một thời hảo ngọt nặng thật nặng của tuổi thơ.

Bò bía ngọt sang tới Sài Gòn cùng với những người Triều Châu ly hương nhưng bất ly ẩm thực quê hương. Và một thời gian dài món ăn đơn sơ mà ngon lành ấy sống ký sinh ở những cái cổng trường. Ký sinh vào bao nhiêu ký ức tuổi thơ.

Nhưng hôm đó, món bò bía ngọt “thị trấn” phường 15, quận 8, ngoài những nguyên liệu thường thức như mè đen, cơm dừa nạo, kẹo mạch nha, đậu phọng, lại có chút biệt lệ cũng nhắc nhớ đến tuổi thơ xa lắc: sữa đặc có đường. Thứ sữa một thời thường được đục hai lỗ bằng mũi dao và bị nút vụng. Chất liệu này nó buộc ta phải ngốn ngấu thật nhanh như thời xưa nhận cuốn bánh nhảy chân sáo ăn vèo một phát. Không thì nó chảy nước.

Ông bạn vừa ăn bò bía vừa huyên thuyên kể lại chuyện một thời. Lại khẳng định chắc nịch: bò bía ngọt có gốc gác miền Tây, vì dân miệt này có xu hướng hảo ngọt. Họ còn ăn cơm với chuối nữa là… Niềm tưởng nhớ ngời ngời trong mắt. Món bánh đã cũ kỹ – cái cũ của thời quá khứ.

Người bán hôm đó cũng cũ kỹ. Nhưng áo bỏ trong quần trông tươm tất và không gây cho ta cảm giác rất hiện đại: ngộ độc thực phẩm.

Rủi thay, ông bạn nhận vơ nguồn gốc cái bánh, không biết Tàu nó gọi đúng âm Hán Việt là ‘bạc bính’ (薄餅), người Việt mình gọi theo Tiều, xứ phát tích loại bánh là ‘pò bía’, tiếng phiên âm theo pinyin (bính âm) là ‘popiah’. Nghĩa của bạc bính là ‘bánh (tráng) mỏng’. Người Việt mình còn dùng chữ ‘mỏng’ này ‘bạc’ phận. Và, cũng cùng một giuộc với bì cuốn với tên Hán việt là ‘bạc bì quyển’ (薄皮卷). Rồi qua những người Tiều lưu vong ở Philippines và Indonesia nó lại ‘mặc’ lấy cái tên là ‘lumpia’. Người Hòa Lan, sang đô hộ Indonesia mê món chả giò này, mới du nhập tiếng ấy về nước. Khi miếng chả giò theo chân người Việt lưu vong sang Hòa Lan năm 1975, nó phải mang cái tên ‘lumpia’ đã có sẵn. Chỉ có một điều lạ là thứ chả giò fast food ấy muốn ngon trọn vẹn phải có nước chấm, dân Hòa Lan lại bỏ qua nước chấm, vừa đi đàng vừa ăn, mà vẫn thấy ngon.

Bánh đúc Phong Điền

Trước đó, có dịp kéo nhau về Cần Thơ, tình cờ được thưởng thức món ăn mà người xưa hay liên kết nó với một hình ảnh chẳng khiến ta dành cho chút tình cảm: Mấy đời bánh đúc có xương/ mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng. Liên kết này làm cho món bánh đúc bị ghét lây. Cũng có thể bánh đúc là thứ để nhét đầy bao tử, không “son phấn” ăn chán muốn chết. Nhưng phải ăn món bánh đúc ở Cần Thơ rồi mới biết cái ngon của những món ngọt miệt sông nước. Rồi bèn phải tự an ủi: bánh đúc này tuy không có xương nhưng có sụn.

Đó là loại bánh đúc ngọt mà thú thật tôi chưa từng được ăn bao giờ. Màu bánh xanh xanh màu lá dứa. Xanh dịu dàng. Xanh dẫn ta về với vuông rau nhà trồng theo dạng tự cung tự cấp thuở xưa. Thứ rau ấy sạch hết biết, không cần phải cầu chứng với ai cả. Trong những miếng bánh đúc ấy có rong câu nên ăn sừn sựt như ăn sụn con cá đuối, cá nhám. Lại thơm ngát và béo ngậy nước cốt dừa. Trong tự thân chiếc bánh đã phản ánh những sản vật nguyên liệu từ vườn, từ biển… Vừa ăn vừa tự hỏi: những loại bánh ngon đến thế sao nó không được đóng gói thật bắt mắt để vào các siêu thị? Dân Sài Gòn mà ăn không đẹp không ăn tiền.

Và, một điều tôi chẳng thể giải thích được là hà cớ gì hễ ăn loại bánh này là nhớ đến câu thơ Nguyễn Du “dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên”. Chứ không phải là ăn bánh dày. Phải chăng vì những khối bột rung rinh, rung rinh!