Lê Trọng Nguyễn (1926-2004) là một nhạc sĩ nổi tiếng, với ca khúc Nắng Chiều. Ông sinh ngày 1/5/1925 tại Điện Bàn tỉnh Quảng nam. Cha mất sớm, mẹ ông nuôi hai con đến tuổi trưởng thành. Em gái lập gia đình và sớm qua đời, Lê Trọng Nguyễn và mẹ nuôi ba đứa cháu nhỏ.
Ông từng học ở Hà Nội trong khoảng 1942 – 1945. Trước 1954 Lê Trọng Nguyễn từng phụ trách âm nhạc cho toàn thể Liên khu năm (Từ Quảng Nam xuống Phú Yên), nhưng sau đó ông rời bỏ và về cư trú tại Hội an.
Sau khi theo học hàm thụ trường École Universelle của Pháp, ông tốt nghiệp và trở thành hội viên của Sacem – Hội nhạc sĩ Pháp – (La Société des auteurs, compositeurs et éditeurs de musique) với một số tác phẩm, trong đó được biết đến nhiều hơn cả là bản Sóng Đà giang (Đà giang trong bài hát là dòng sông Thu Bồn – Quảng Nam) .
Tuy là nhạc sĩ, nhưng Lê Trọng Nguyễn không sống bằng âm nhạc. Năm 1965, ông làm Giám đốc công ty Centra Co., một công ty thương mại của Pháp. Từ năm 1968, ông là Giám đốc điều hành của công ty Sealand tại Đà Nẵng. Năm 1970 sau khi lập gia đình với bà Nguyễn Thị Nga, ông từ bỏ chức vụ Giám đốc công ty SeaLand về sống tại Sài Gòn. Năm 1973, ông làm Giám đốc nhà máy Dầu hỏa Cửu Long. Sau biến cố 1975, ông mở lớp dạy nhạc tại nhà và tự chế tạo các loại đàn do chính tay ông làm để sinh sống.
Lê Trọng Nguyễn đến Hoa Kỳ vào tháng 3 năm 1983, định cư tại Rosemead cùng vợ và bốn người con. Ông mất ngày 9/1/2004 tại bệnh viện City of Hope, Rosemead vì bệnh ung thư phởi.
Lê Trọng Nguyễn viết ca khúc đầu tay Ngày mai trời lại sáng năm 1946. Ông sáng tác không nhiều, nhưng các nhạc phẩm của ông đều giá trị nghệ thuật cao, với giai điệu và lời ca trau truốt, nhiều hình ảnh đẹp. Trong những tác phẩm của Lê Trọng Nguyễn, nổi tiếng hơn cả là bản Nắng Chiều, được ông sáng tác vào năm 1952. Nhạc phẩm này không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam mà nó còn được biết tới nhiều ở Nhật Bản, Đài Loan và Hpng Kong với tên Bản tình ca Việt Nam. Nắng chiều cũng là ca khúc trong bộ phim cùng tên sản xuất Năm 1971 của đạo diễn Lê Mộng Hoàng với sự tham gia diễn xuất của 2 diễn viên nổi tiếng Thanh Nga và Hùng Cương.
Trong một cuộc phỏng vấn, Lê Trọng Nguyễn đã nói : “Tôi viết bản đó ở Huế, thời gian sau khi bỏ vùng kháng chiến về thành… Tâm sự tôi trong bài Nắng chiều nó như thế này, kể anh nghe cho vui. Sau cuộc đảo chính của Nhật vào đêm 9/3/1945 , có một gia đình công chức Nam triều từ Quy Nhơn chạy ra tạm trú ở Hội An, mà tôi cũng ở Hội An lúc đó. Gia đình đó có một người con gái. Tôi yêu người con gái ấy!”
Nắng chiều là tên một ca khúc của nhạc sỹ Lê Trọng Nguyễn, không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam mà còn nổi tiếng ở Nhật Bản, Đài Loan và Hồng Kông. Tại các nước nói tiếng Hoa, bài hát được biết đến với tên 越南情歌 (Việt Nam tình ca) hay 南海情歌 (Nam hải tình ca) do Thận Chi (慎芝) đặt lời.
– Năm 1994, đạo diễn Pháp Trần Anh Hùng làm phim Xích lô có đưa bài hát này vào làm nền cho một đoạn tình tiết không lời thoại, bài hát được hát bằng giọng Quảng Nam do hai người lính cụt chân thể hiện trong quán ăn.
– Vợ tác giả Lê Trọng Nguyễn bà Nguyễn Thị Nga có một bài viết về “Nắng chiều”, quãng đường sau khi nó ra đời :
… Năm 1954 Lê Trọng Nguyễn ra Huế và Ðà Nẵng làm việc cho cơ sở thương mại ngoài đó. Cũng chính nơi đây, có dịp quen và làm bạn cho đến chót cuộc đời nghệ sỹ sáng tác của anh, với những Minh Trang, Dương Thiệu Tước, Kim Tước, Nguyễn Hiền v.v.. Và ca khúc Nắng Chiều được xuất bản trong lúc này. Người thâu tiếng hát đầu tiên bản Nắng Chiều vào dĩa nhựa là ca sỹ Minh Trang.
Giữa năm 1955 (…), người em gái duy nhất của anh Lê Trọng Nguyễn là Lê Thị Ba qua đời, anh quá đau buồn và đem bản Nắng Chiều ra ký giao kèo tái bản để có một món tiền tác quyền khiêm nhường đưa về quê cùng mẹ lo liệu cho em gái và chuẩn bị nuôi cháu.
… Năm 1957, Lê Trọng Nguyễn vào Sài Gòn. Ðúng dịp đoàn ca nhạc Nhật Bản sang thăm, ban nhạc Toho Geino có nhờ người chọn ra 12 bản nhạc Việt Nam đang nổi tiếng thời đó để chuẩn bị tập dượt và trình diễn tại Sài Gòn lẫn Nhật Bản, trong đó có bản “Nắng Chiều” và bản này đã được cô ca sỹ nhật Midori Satsuki hát. Năm 1960 Ki Lo Ha, một ca sỹ người Hoa, cô yêu mến bản Nắng Chiều nên viết sang lời Hoa ngữ và phổ biến bản này sang Ðài Loan và Hồng Kông. Nhờ mấy may mắn đó mà Nắng Chiều cứ thế được biết tới tại ngoại quốc.