Hai Chữ Quê Hương
1. Quê hương (danh từ): Đất Nước, nói về một Đất nước mà trong đó có quê (làng, cái nhà) mà mình đã được sinh ra. (Wiktionary)
“Trời sinh ra bác Tản Đà/ Quê hương thời có cửa nhà thì không” (Thú Ăn Chơi – Tản Đà)
“Ai có biết làm sao nói được/ Lòng tha hương trằn trọc nhớ quê hương” (Tổ Quốc – Huy Cận)
2. Trong tùy bút “Lòng Yêu Nước” (1942) của nhà văn Nga Ilya Grigoryevich Ehrenburg có viết:
“Lòng yêu nước ban đầu là lòng yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua chát của trái lê mùa thu hay mùa có thảo nguyên có hơi rượu mạnh…
Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào dải trường giang Volga, con sông Volga đi ra bể. Lòng yêu nhà, yêu hàng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc”. [1]
3. Quê hương qua trích đoạn thơ:
Quê hương. chiếc đò nho nhỏ
Qua sông. kham khổ từng ngày
Thân me vai gầy. gánh khổ
Thương con. chịu nỗi đắng cay
Quê hương đong đầy thương nhớ
Ngoại nhai tóm tém trầu cay
Mẹ mày. thằng cháu mất dạy
Rong chơi lêu lỏng suốt ngày
Quê hương làm sao không nhớ?
Cầu tre lắt lẻo sớm mai
Đường vui. trống trường réo gọi
Cây cao. chim hót từng bầy
Chia nhau từng viên đạn nhỏ
Bịt mắt. kiếm tìm. Ai đây?
Chia nhau nỗi lo thầy gọi
Nhói đau. thước khẽ bàn tay
Chia nhau trái me keo ngọt
Chia nhau từng tiếng cười đầy
Quê hương làm sao không nhớ?
Dòng sông tuổi trẻ mênh mang
Bần de. phóng đùng. nước mát
Lặn tìm. chân bắt. la vang
Bờ sông. chị khàn tiếng gọi
Vết roi cha đánh. tím bầm!
(Quê Hương – Nguyên Lạc)
Trên là vài ý nghĩ của tôi về hai chữ “quê hương”, giờ mời các bạn ghé thăm Đại Ngãi quê tôi.
Giới Thiệu Xã Đại Ngãi
1. Xã Đại Ngãi
Đại Ngãi thuộc tỉnh Sóc Trăng (trước 1975 gọi là Ba Xuyên) còn được gọi là Vàm Tấn:
– Vàm (Danh từ): cửa sông, nơi rạch chảy ra sông hoặc sông con chảy ra sông lớn.
– Có ý kiến cho rằng tên gọi Vàm Tấn bắt nguồn từ chữ Khmer là “Peám Senn” (Peám: Vàm, Senn: Tấn).
“Đất Sóc Trăng khô cằn nước mặn
Tôi ra Vàm Tấn đổi nước về xài
Về nhà sau trước không ai
Hỏi ra bậu đã theo trai mất rồi” (ca dao)
Nữ:
Hò ơ ớ ơ …
Thấy anh hay chữ, em hỏi thử đôi lời
Sao trên trời mấy cái, nhái ngoài ruộng mấy con,
đất Ba Xuyên một mẫu mấy sào (ơ ờ)
Hò ơ ớ ơ…
Anh mà đối đặng… gái má đào thương anh (ơ ơ)…
Nam:
Hò ơ ớ ơ …
Thấy em đố tức, anh nói phức cho rồi
Sao trên trời sao vua chín cái, nhái ngoài ruộng bắt cặp hai con,
đất Ba xuyên một mẫu mười sào (ơ ờ)
Hò ơ ớ ơ ơ…
Anh đà đối đặng… gái má đào tính sao? (ơ ơ)…
2. Địa Lý Tỉnh Sóc Trăng
Sóc Trăng là tỉnh ven biển, diện tích 3,312 km2, có đường bờ biển dài 72 km; dân số 1.3 triệu. Là tỉnh đứng thứ 6 cả về diện tích và dân số trong Đồng Bằng Sông Cửu Long, phía Tây Bắc giáp tỉnh Hậu Giang, phía Tây Nam giáp tỉnh Bạc Liêu, phía Đông Bắc giáp tỉnh Trà Vinh, phía Đông và Đông Nam giáp Biển Đông, phía hữu ngạn Sông Hậu, đổ ra Biển Đông qua hai cửa Định An và Trần Đề, là vùng nước lợ cũng là nơi có rất nhiều tôm cá. Tên gọi Sóc Trăng có nguồn từ tiếng Khmer, Srok là “xứ,” Kh’leang là “vựa” nơi có đông đảo người Khmer, người Hoa và người Việt chung sống. Sóc Trăng cách Cần Thơ 62 km, cách Sài Gòn 230 km.
Đất đai của Sóc Trăng màu mỡ, thích hợp cho việc trồng lúa, mía, đậu nành, bắp, hành, tỏi và các loại cây trái như bưởi, xoài, sầu riêng… Hiện đất nông nghiệp chiếm 82%, đất lâm nghiệp có rừng chiếm 3,43%, đất nuôi trồng thuỷ sản chiếm 16.42%, đất làm muối chiếm 0.97%. Sóc Trăng còn có nguồn tài nguyên rừng ngập mặn với các loài cây như tràm, bần, giá, vẹt, đước và dừa nước.
Sóc Trăng còn có con Sông Nguyệt/Sông Maspero chảy qua thị xã Sóc Trăng cùng với hệ thống kinh rạch với thuỷ triều lên xuống 2 lần trong ngày với mực triều dao động trung bình từ 0.4 m đến 1m. Sông Nguyệt cũng là nơi diễn ra các cuộc đua Ghe Ngo, một thứ lễ hội truyền thống của người Khmer diễn ra vào tháng 11 hàng năm.
3. Giới thiệu về Đại Ngãi
Xin được trích đoạn lời trả lời của nhà thơ Trần Phù Thế gởi đến cuộc phỏng vấn của nhà văn Hai Trầu/ Lương Thư Trung để giới thiệu về Đại Ngãi:
[…Đại Ngãi thuộc tỉnh Sóc Trăng nằm trên trục lộ từ Sóc Trăng đi Đại Ngãi, quận Long Phú, có đi qua làng Hậu Thạnh. Hậu Thạnh là nơi tôi chào đời. Ba tôi làm ruộng và Má tôi buôn hàng xén tại nhà. Khi lớn lên, nghe Ba tôi kể lại: Năm 1945 người Miên từ xã Văn Cơ ”Nổi Dậy“. Họ uống rượu say, mắt đỏ ngầu, tay cầm Mã Tấu gặp người Việt lá chém liền. Họ đi đến đâu là cướp của, đốt nhà. Ba tôi là nạn nhân của chúng, nhưng may mắn chạy thoát được với vết thương trí mạng trên lưng vai trái. Sau đó Ba Má tôi dọn nhà ra chợ Đại Ngãi (nằm trên ngã ba sông Bassac và sông Đại Ngãi) cách Hậu Thạnh ba cây số. Thời đó, chợ Đại Ngãi rất trù phú, đông dân, trên bến dưới thuyền, là nơi tụ hội của giới thương hồ từ Long Phú, cù lao Dung lên, Cầu Quan, Trà Ôn qua và Kế Sách xuống… ]
Trong bài thơ “Bậu Về” của Trần Phù Thế dưới đây, in trong thi phẩm “Gọi Khan Giọng Tình” có nhắc đến mối tình Đại Ngãi:
bậu còn
chơi ác nói cười
những câu dí dỏm
chết đời ta chưa
bậu về nhớ nắng thương mưa
hình như cây cỏ cũng ưa bậu về
như là có chút nắng hè
như là có cả
chùm me chua lừng
như là xoài tượng thơm giòn
thêm vào nước mắm chút đường khó quên
bậu về
Đại Ngãi mình ên
bỏ quên kẹp tóc
bắt đền tội ta
bậu quên là tại bậu mà
tại sao bậu bắt đền ta một đời
tội này không chịu bậu ơi!
(Bậu Về – Trần Phù Thế)
4. Đại Ngãi qua bài viết của tôi
”Quê tôi, xã Đại Ngãi (Vàm Tấn) huyện Long Phú – Sóc Trăng, tọa lạc ở bờ nam sông Hậu, đối diện ngang sông bờ Bắc là Huyện Cầu Kè – Vĩnh Long. Đối diện giữa sông, bên phải là cù lao Dung chạy dài tới cửa biển Đông, bên trái là nhiều cồn nhỏ nổi song song nhau (với những bờ cây bần chạy dọc theo bãi) giữa là khe nước chảy êm đềm. (Dãy đất nổi giữa giòng sông, lớn gọi là Cù Lao, nhỏ gọi là Cồn. Vàm là đất tại ngã ba sông) Dòng sông Hậu từ Long Xuyên, Cần Thơ chảy ra biển.
Trước khi đến xã Đại Ngãi khoảng 3 km (2 miles) là xã Nhơn Mỹ, thuộc huyện Kệ Sách. Chợ xã Nhơn Mỹ tọa lạc trên bờ đất tại ngã ba bờ phải sông Hậu (hướng chạy ra biển) và rạch Nhơn Mỹ. Phía đối diện chợ Nhơn Mỹ, giữa sông Hậu là cồn Quốc Gia: Đây là nơi ông TT Nguyễn Văn Thiệu VNCH có lần ghé thăm, vì nó nổi tiếng trù phú với vườn sầu riêng và chôm chôm.
Cù Lao Dung – dãy đất dài nổi lên giữa sông, bắt đầu từ Đại Ngãi chạy ra tận cửa biển Trần Đề, dài ước lượng khoảng 20 – 24 cây số (12 – 14 miles (?) ngang độ 1/2 cây số ( 1/4 mile) – với “trại cải tạo” Cồn Cát nổi tiếng dành cho các sĩ quan “Ngụy” và những người vượt biển bị bắt, khoảng từ tháng 5 năm 1975 cho đến hết thập niên 80, lúc tôi còn ở Việt Nam. Đây cũng là nơi gia đình tôi “chém vè”, chờ đến giữa đêm tối không trăng, lên ghe con thả theo nước ròng trôi ra cửa biển để không gây tiếng động, kẻo Công An biên phòng phát hiện và bắn chẳng nương.
Trong Cù Lao Dung và trong Đại Ngãi có rất nhiều rạch nhỏ, hai bên bãi bùn có rất nhiều dừa nước, bắt ngang rạch bởi những cầu đòn tre lắt léo. Nơi bãi bùn có nhiều còng gió, cá thòi lòi, ốc len… và các bụi ô rô, cóc kèn…”
[Về Một Dòng Sông – Nguyên Lạc]
Giới Thiệu Vài Đặc Sản Của Đại Ngãi
Xin được ghi ra đây trước và sẵn dịp giới thiệu vài đặc sản của vùng Đại Ngãi nói riêng – Tây Nam bộ nói chung – vì có vài điểm cần giải thích cho các bài thơ “Nhớ Về Đại Ngãi” ghi bên dưới của chúng tôi:
1. Con Còng gió:
Còng gió (Ocypode ceratophthalma) là một loài còng trong họ Ocypodidae. Gọi còng gió, vì đây là loại còng chạy rất nhanh, tưởng có thể bằng cả tốc độ của gió. Mặc dù có bộ dạng nhỏ thó, nhưng đôi càng của còng gió đực (một lớn, một nhỏ) lại là vũ khí hết sức đáng sợ, càng nó rất khỏe, mép càng sắc như dao, kẹp có thể đứt thịt. Ở quê tôi, Đại Ngãi, Hậu Giang nơi các sông rạch, còng gió lớn cỡ ngón tay màu xanh blue rất đẹp.
Thịt còng gió – ở các làng chài ven biển – làm sạch có thể chế biến thành nhiều món ngon. Cho dầu ăn vào chảo, phi hành, đổ còng vào sẽ thành món chiên giòn khoái khẩu. Còng gió có thể đơn giản chỉ là rang với nước mắm cốt cho ngấm vào thịt còng gió, đến khi khô lại là ăn được. Món còng gió rang nước mắm vô cùng lạ miệng. Còng gió rang cả mai nhưng vỏ mỏng và giòn tan, nhai cả con để tận hưởng vị ngọt mằn mặn thơm lừng. Càng nhai vị ngọt càng ngon cho đến khi còng gió tan hết trong miệng.
2. Cá thòi lòi:
Cá thòi lòi (Periophthalmodon schlosseri), là một loài cá thuộc họ Cá bống trắng (Gobiidae), Cá thòi lòi phổ biến nhất dọc các bãi lầy ở cửa sông, không ngập quá 2 m nước. Loài cá này sinh sống trong hang hốc vét ở bãi lầy. Khi thủy triều xuống thì cá chui ra, nhất là những ngày nắng ráo.
Cá có khả năng di chuyển trên mặt bùn khá nhanh, gần như chạy nhảy. Với hệ thống hô hấp bằng phổi cá thòi lòi có thể thở trên cạn. Khi dưới nước thì dùng mang.
3. Ốc len
Ốc len (Cerithidea obtusa) là loài ốc thuộc họ Potamididae, sống tự nhiên ở những khu rừng ngập mặn hay các bãi bồi ven biển, đây là loại đặc sản quý có giá trị dinh dưỡng cao được dùng làm nguyên liệu chế biến nhiều món ăn ngon như: ốc len hầm nước dừa.
Ở vùng Đại Ngãi quê chúng tôi, đến mùa ốc len ken đặc xung quanh các bụi dừa nước.
Mời các bạn thưởng thức món “Ốc Len Hầm Dừa” của Tạ Phong Tần:
“… Lấy tay bốc con ốc lên, kê miệng vô hút cái rột cho con ốc chạy tọt vô miệng, cái vị béo, vị mằn mặn, ngòn ngọt của nước cốt dừa hòa với mùi thơm của sả, vị ngon lạ lùng đặc biệt của con ốc len mà không có loại ốc nào có, tạo thành một vị ngon riêng không thể diễn tả bằng lời được, mà hãy cứ tự mình nấu rồi tự mình thưởng thức thì mới hiểu vì sao giá ốc len bán ở trên trời. Cho nên, người miền Tây có câu: “Ai mà muốn học thổi kèn/ Nạo dừa hầm với ốc len ăn hoài”.
Ăn ốc len hầm dừa chủ yếu là húp nước cốt dừa và “hửi” thêm mùi vị con ốc, thiệt là giá cho cái sự “hửi” này hơi bị cao chót vót, người nghèo ngó lên trẹo cổ như chơi.
Ăn ốc len phải thưởng thức từ từ mới thấm hết cái vị ngon của nó. Một phần vì nó quá ít, ăn như Trư Bát Giới ăn nhân sâm thì ở đâu có mà ăn, một phần vì con ốc nhỏ mà phải cầm lên mút mút, hút hút cho nó chạy thịt ra, làm sao mà nhanh được. Đôi khi chặt đuôi ốc cạn quá, hút ốc không ra, nước cốt dừa trong con ốc khô rang, không hút nữa mà bỏ con ốc trở vô chén của mình, cho nó thấm nước cốt dừa trở lại, một lúc sau lại bốc lên hút tiếp…”
(“Ốc Len Hầm Dừa” của Tạ Phong Tần – Báo Trẻ online)
4. Mắm ba khía
Ba khía (Sesarma mederi) là một loài của nhỏ trong họ Sesarmidae. Con ba khía là loài giáp xác có tám chân, hai càng đỏ, toàn thân có lông. Loài này có nhiều ở vùng Nam Bộ của nước ta. Ba khía sống tập trung ở vùng nước lợ, nước mặn trải từ Cần Thơ đến Sóc Trăng, Cà Mau, nhiều nhất ở U Minh. Do có ba gạch ở trên lưng nên được đặt tên ba khía. Đặc biệt, loài này sống nhiều nhất ở vùng bãi bùn nước lợ. Do có ba gạch ở trên lưng nên được đặt tên ba khía. Nó là nguyên liệu cho món mắm ba khía trứ danh ở miền Tây Nam bộ.
5. Cá linh
Cá linh hay còn gọi là linh ngư (Henicorhynchus) là chi cá thuộc họ Cá chép (Ciprinidae). Chúng là các loài cá trắng nên chỉ thích hợp môi trường nước chảy.
Cá linh là loài cá có kích thước cơ thể nhỏ bé, một con cá linh khi trưởng thành có kích thước cơ thể chỉ to hơn 2 ngón tay của trẻ nhỏ. Cá linh nhỏ thì chỉ chỉ to bằng đầu của chiếc đũa.
Ở đồng bằng sông Cửu Long, cá linh thùy (Henicorhynchus siamensis) là loài cá phổ biến. Vào mùa nước nổi, chúng bơi khắp các đồng rộng, sông dài, kinh to, rạch nhỏ. Chúng có nguồn gốc từ Biển Hồ của Campuchia.
Hàng năm, khoảng tháng tháng 5 tháng 6 âm lịch đây là khoảng thời gian sinh đẻ của cá linh. Cá linh là loài đẻ trứng, chúng thường đẻ trứng ở khu vực sông Mê Kông thuộc vùng đất Campuchia. Một lần sinh sản cá linh có thể sinh sản được khoảng 23.500 – 90.500 trứng. Sau khi trứng đẻ, khoảng nửa ngày là cá sẽ nở thành cá bột.
Khoảng Rằm tháng 7 âm lịch mùa nước lũ, cá linh sẽ trôi từ thượng nguồn về phía khu vực miền Tây của nước ta, các tỉnh thành An Giang, Đồng Tháp và khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tới mùa, cả linh tràn về từ Biển Hồ quá nhiều, phải làm mắm, ủ nước mắm. Cá linh kho, lẩu cá linh bông điên điển, cá linh chiên bột… là những món ăn ngon có tiếng.
“Trong tiếng Khmer gọi trêy lênh hoặc trêy rial. Thuật ngữ cá linh được nhắc đến từ thời phong kiến ở Việt Nam do ghi chép của phương Tây như sau: Nguyễn Ánh từ Vàm Nao [con sông nối Tiền Giang với Hậu Giang ở An Giang], nhưng vì thấy cá này [linh] nhảy vào thuyền, người sanh nghi nên không đi, sau rõ lại nếu đi thì khốn vì có binh phục của Tây Sơn tại Thủ Chiến Sai [Chợ Thủ, ngang đầu Cù lao Giêng, nay thuộc huyện Chợ Mới], vì vậy người [Nguyễn Ánh] đặt tên (cá ấy) là cá linh để tri ân.” [Wikipedia]
6. Cá cháy
Cá cháy: Có tên khoa học là Macrura ruversil, cá cháy cùng họ với cá trích nhưng có hình dáng lớn hơn, thường từ biển vào sông để sinh sản. Thông thường, cá cháy chỉ xuất hiện ở các lưu vực cuối nguồn sông Hậu là Vàm Tấn (nay là Đại Ngãi, Sóc Trăng), Tân Dinh (nay là Tân Quy, Cầu Kè, Trà Vinh) và nhiều nhất là ở Trà Ôn (Vĩnh Long).
Cá cháy Vàm Tấn con to nhất từ 1 đến 2kg, thân hình hơi dẹp, dài, xương mềm và có vảy phảng phất màu trắng bạc. Một số loại cá cháy cái mang cặp trứng to ở khoang bụng. Trứng cá cháy không chỉ hấp dẫn bởi vị béo không ngậy mà còn ở hương vị thơm ngon khiến nhiều du khách thèm thuồng muốn nếm thử.
Đặc điểm của con cá cháy là khi bắt lên khỏi mặt nước sẽ mau chết. Do đó, người đánh bắt phải nhanh chóng chuyển cá vào bờ càng sớm càng tốt, nếu cá ươn thịt sẽ mất hết giá trị.
@. Xin ghi thêm vài hàng tư liệu cá nhân:
– Về “cá cháy”: Tôi nghe ba má tôi kể, khoảng nâm 40-50, vì cá rất quí và vì cá mau chết, khi vớt lên khỏi nước “lợ”. các người đánh lưới được cá cháy giữa khuya phải vác cá – có chứa nước – chạy bộ từ Đại Ngãi đền Sóc Trăng – đường dài khoảng 19 Km – 12 miles cho kịp chợ sáng, vì nếu để đến sáng cá sẽ chết.
Cá cháy giờ đã “di cư” sang Malaysia – vì tàu bè động và sinh thái thay đổi (?)
– Cá Kèo nhiều đến đổi bể đăng, phải xả ra vì cá không có giá trị kinh tế (thời này): Cá chỉ nấu cho heo ăn chứ người không ăn, vì quá ngán.
Ôi “thời oanh liệt nay còn đâu” [Nguyên Lạc]
Giờ đây con cá cháy miền Hậu Giang chỉ còn trong hoài niệm. Tuy chúng đã biến mất khỏi Hậu Giang, nhưng trong kí ức của nhiều người miền Tây vẫn còn in đậm hình ảnh của con cá cháy.
7. Cá bông lau
Cá bông lau có tên khoa học là Pangasius krempfi. Cá bông lau (“catfish” in English) là dòng cá da trơn, loài cá này không có vảy. Toàn bộ phần da của lưng và mặt trên đầy của cá có màu xanh lục. Phần mặt ngang có màu trắng sáng, càng gần bụng sẽ chuyển sang màu trắng sữa. Các vây của cá thường có màu xanh đen và một số vây hơi có sắc đỏ.
Cá dứa (cá tra bần) có tên khoa học là Pangasius kunyit. Đặc điểm về màu sắc của 2 loài cá này chính là cách để có thể dễ dàng phân biệt 2 loài cá này. Hai loài cá này cùng thuộc họ cá tra, cho nên việc hình dáng của chúng có nhiều nét giống nhau là điều đương nhiên. Dưới đây là một số điểm khác:
– Cá bông lau có phần da trắng và mịn, khi có ánh nắng mặt trời thường có màu ánh vàng lên rất đẹp. Phần vây lưng của cá bông lau thường có màu xanh lá cây. Vây đuôi của của chúng có màu vàng, khác biệt hẳn so với màu sắc của cá. Thân của cá bông lau thuôn dài và hơi dẹt về 2 bên. Phần bụng của cá bông lau khá thon, không bị phình giống như cá dứa.
– Cá dứa màu sắc cơ thể có màu xám hơn so với cơ thể của cá bông lau. Cá dứa có phần vây đuôi màu vàng xanh, vây lưng màu xanh đen. Vây lưng của cá dứa nằm gần đầu, thông thường cao và có hình tam giác, khoảng 5-7 tia vây và 1-2 gai.
Tại Việt Nam, cá bông lau được tìm thấy nhiều ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, sông Cần Giờ và nhiều nhất là khu vực sông Hậu.
Cá có thể đạt kích thước lên đến 1.2m và nặng lên đến 14kg. Thông thường, các bông lau chỉ dài khoảng 60 – 90cm và nặng khoảng 7 – 8kg là phổ biến nhất.
Cá sống chủ yếu ở các khu vực sông lớn, nơi có vùng nước ngọt. Ngoài ra, vì chúng có tập tính di cư khi đến mùa sinh sản nên chúng có thể sống được ở vùng cửa sông nơi có nước lợ và nước mặn.
Cá bông lau là dòng cá đẻ trứng, thường sinh sản vào mùa mưa. Mùa đẻ trứng nhiều nhất của cá bông lau là vào khoảng tháng 5 cho tới tầm cuối tháng 8. Sau khi kết thúc chu kỳ sinh sản, chúng lại bắt đầu phân tán ngược lại dòng nước chính để sinh sống và tăng trưởng – tầm khoảng tháng 11 và tháng 12. Trung bình, một lần sinh sản, cá bông lau có thể đẻ được vài chục nghìn trứng và tỷ lệ nở khoảng 50 – 60%.
Thường cứ sau dịp Tết Nguyên Đán, cá bông lau bắt đầu xuất hiện nhiều ở sông Hậu và sông Tiền trải khắp các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Trà Vinh, thành phố Cần Thơ. Vì vậy đây cũng là mùa người dân đi đánh bắt cá bông lau. Họ đi bủa lưới từ chạng vạng tối đến tận sáng sớm, với nguồn lợi tức có thể lên tới hàng chục Mỹ kim (trung bình $40) mỗi đêm.
Cá bông lau kho tiêu cháo cá bông lau, canh chua cá bông lau miền Nam là món ăn có tiếng. (Sưu tầm trên net)
8. Cá ba sa
Cũng nên phân biệt cá bông lau với cá ba sa: Cá ba sa, tên khoa học Pangasius bocourti, còn có tên gọi là cá giáo, cá sát/xác bụng, là loại cá da trơn trong họ Pangasiidae có giá trị kinh tế cao, được nuôi tập trung tại nhiều nơi.
Về ngoại hình, cá ba sa rất dễ phân biệt đối với các loài khác trong họ Cá tra. Thân ngắn hình thoi, hơi dẹp bên, lườn tròn, bụng to tích lũy nhiều mỡ, chiều dài tiêu chuẩn bằng 2,5 lần chiều cao thân. Đầu cá ba sa ngắn hơi tròn, dẹp đứng
Trở về nguồn gốc tên Việt của 3 nhóm cá này: tên cả ba nhóm đều thuộc vào từ ngữ vay mượn từ tiếng Khmer: cá tra từ chữ trey pra, cá vồ từ chữ trey po và cá xác từ trey chhwaet. Còn ba loài còn lại thì cá hú trong tiếng Khmer thuộc trey pra (cá tra) và cá dứa được gọi là trey chhwaet (cá xác). Chỉ còn lại cá bông lau, tiếng Khmer gọi là trey bong lao.
“Cá đẻ trứng dính vào giá thể thường là rễ của loài cây sống ven sông Gimenila asiatica, sau 24 giờ thì trứng nở thành cá bột và trôi về hạ nguồn. Trong sinh sản nhân tạo, ta có thể nuôi thành thục sớm và cho đẻ sớm hơn trong tự nhiên (từ tháng 3 dương lịch hàng năm), cá tra có thể tái phát dục 1-3 lần trong một năm. Sức sinh sản tuyệt đối của cá tra từ 200 ngàn đến vài triệu trứng. Sức sinh sản tương đối có thể tới 135 ngàn trứng/kg cá cái. Trong chăn nuôi hiện nay là cá bố mẹ hậu bị có nguồn gốc không rõ ràng, không được tuyển chọn và kích thước nhỏ. Đa số cá bố mẹ được tuyển chọn từ ao nuôi cá thịt chiếm tới hơn 57%, còn lại bắt từ tự nhiên và số rất ít từ con giống đã qua chọn lọc. Trong khi đó, kỹ thuật nuôi vỗ thành thục cá bố mẹ chưa đạt, còn tình trạng đẻ ép, khai thác quá mức bằng cách cho cá tra bố mẹ đẻ nhiều lần trong năm, nhất là khi giá cá tra giống nằm ở mức cao [Tuổi thành thục của cá đực là 2 tuổi và cá cái 3 tuổi, trọng lượng cá thành thục lần đầu từ 2,5–3 kg. Trong tự nhiên chỉ gặp cá thành thục trên sông ở địa phận của Campuchia và Thái lan. Cá tra không có cơ quan sinh dục phụ (sinh dục thứ cấp), nên nếu chỉ nhìn hình dáng bên ngoài thì khó phân biệt được cá đực, cái. Mùa vụ thành thục của cá trong tự nhiên bắt đầu từ tháng 5-6 dương lịch. Cá có tập tính di cư đẻ tự nhiên trên những khúc sông có điều kiện sinh thái phù hợp thuộc địa phận Campuchia và Thái lan, không đẻ tự nhiên ở phần sông của Việt Nam. Bãi đẻ của cá nằm từ khu vực ngã tư giao tiếp hai con sông Mêkông và Tonlesap, từ thị xã Kratie (Campuchia) trở lên đến thác Khone, nơi giáp biên giới Campuchia và Lào. Nhưng tập trung nhất từ Kampi đến hết Koh Rongiev thuộc địa giới 2 tỉnh Kratie và Stung Treng“.[Wikipedia]
9. Cá lòng tong
Cá lòng tong là đặc sản của miền sông nước phía Tây Nam bộ của nước ta. Cá lòng tong có tên tiếng anh là Rasbora, thuộc chi cá Cyprinidae.
Cá lòng tong là loài cá nhỏ, cơ thể của chúng khi trưởng thành chỉ có chiều dài trung bình khoảng 10cm. Rất hiếm những chú cá lòng tong dài khoảng 20 cm.
Thân hình của cá lòng tong nhỏ nhưng lại rất chắc. Phần đầu của cá cân đối so với cơ thể. Phần hàm dưới dài, miệng hơi nhếch lên trên. Phần mắt cá khá to, viền có màu ánh bạc và hơi lồi. Thân hình của cá lòng tong hơi dẹt. Phần lưng có vây lưng dài, mỏng và nhỏ. Vây bụng và vây hậu môn của cá mềm và khá mỏng. Phần vây đuôi của cá khá mỏng và chia thùy ở giữa cân đối. Cá lòng tong có màu xanh xám hoặc vàng xám ở phần lưng. Phần bụng cá có màu ánh bạc.
Cũng giống như đa phần các loài cá khác, cá lòng tong sinh sản theo hình thức đẻ trứng. Cá lòng tong thường sinh sản vào khoảng trước và giữa mùa mưa ở miền Tây nam bộ. Khi hết mùa mưa, đây là thời điểm xuất hiện nhiều cá lòng tong nhất và là thời điểm đánh bắt cá nhiều nhất. Cá lòng tong thường được bắt theo cách đánh lưới.
Cá lòng tong thường đẻ trứng dính trên các giá thể mềm (có thể là trên rong hoặc những cành cây). Trứng cá sau khi đẻ sẽ được cá đực thụ tinh, chỉ khoảng 24 – 48 giờ sau trứng sẽ nở thành cá con. Cá lòng tong bố mẹ sẽ tách trứng ngay khi chúng vừa đẻ xong.
Dòng cá lòng tong phổ biến nhất ở Việt Nam: Cá lòng tong mương, Cá lòng tong đá, Cá lòng tong đuôi đỏ. Nhất là Cá lòng tong đá (có tên khoa học tiếng anh là Rasbora paviana) sống chủ yếu ở khu vực sông Mê Kông. Cá lòng tong đá có kích thước khá nhỏ, một chú cá lòng tong đá khi trưởng thành chỉ dài khoảng 6 – 8cm, trọng lượng chỉ khoảng 3gr. Đầu của cá lòng tong đá khá nhọn, thân hình dài và dẹt ở 2 bên. Phần lưng của cá lòng tong đá có màu nâu và phần bụng có màu trắng.
10. Cá chốt
Cá chốt trắng / Cá chốt giấy (danh pháp Mystus cavasius/ Mystus wolffii) là một loài cá thuộc họ Cá lăng – Bagridae. Loài này sinh sống ở sông Cửu Long (Mekong) Với người dân từ Huế trở ra Bắc cá chốt còn được gọi với tên khác là cá ngạnh. Đây là một loại cá đặc sản của Tây nam bộ, nhất là Bạc Liêu:
“Bạc Liêu nước chảy lờ đờ
Dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu” (ca dao)
Nói về hai câu ca dao xưa, người dân đồng bằng sông Cửu Long giải thích bởi cá chốt ở Bạc Liêu ngày xưa nhiều vô số kể, nhiều đến nổi vào những đêm trăng sáng, người ta chỉ cần rải một nắm cám xuống sông lập tức chúng sẽ quơ râu đầy đặc quậy trắng mặt sông.
Cá chốt có ba ngạnh bén, người chẳng may bị cá đâm sẽ rất đau nhức. Làm cá chốt trước hết cần rắc tro bếp vào rổ cá. Vùng vẫy một lúc cá khô nhớt và chết. Bắt cá ra là phải chặt bỏ ngay các ngạnh; sau đó cạo, rửa, mổ bụng và làm sạch.
Cá chốt là loại sinh sống phổ biến ở đồng bằng sông Cửu Long. Cá đợi mùa sa mưa, mang bụng to đầy trứng vàng theo luồng nước từ sông, kinh rạch lên đồng đẻ trứng. Đến tháng 7, tháng 8 âm lịch, nước ngập đồng bưng, cá chốt con nổi đầu, quơ râu hớp bọt như nước cơm sôi. Sau rằm tháng 10 âm lịch, gió chướng thổi mạnh và nước cũng bắt đầu rút. Trên những bờ bãi ven sông, ven ruộng, hay dọc những bờ kinh lau sậy trổ cờ phơ phất, ấy là lúc cá chốt trên đồng rút xuống sông rạch. Vài mươi năm trước cá chốt bị xem như “đồ bỏ” chẳng ai thèm quan tâm vì quá nhiều, không có giá trị kinh tế; và bởi các tỉnh duyên hải miền Tây nam bộ rất phong phú các loài thủy hải sản.
Cá chốt là loại cá nhỏ có nhiều xương, dài không hơn một gang tay, thân hình lớn nhất là ở khúc bụng cũng chỉ bằng ngón tay cái mà thôi; mình cá màu trắng có sọc đen 2 bên, da không trơn lắm, có râu, có ngạnh, ăn tạp. Cá chốt có mặt khắp mọi nơi như ao, đầm, kinh, rạch. Riêng đặc biệt ở Bạc Liêu cá nầy có nhiều ở trên kinh sáng lớn nối liền hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau, nhiều nhất là vùng phố thị Bạc Liêu: Hai bên kinh là loại nhà sàn nửa trên, nửa dưới; nhà sau cư dân ở đây họ làm nhà xí trên sông. Khi đi cầu, phân rơi xuống thì dòng họ cá chốt nầy tranh giành ăn, nước bắn lên tung tóe y chang như cá tra nuôi cầu.
Về Đồng Bằng Sông Cửu Long thưởng thức món cá chốt kho sả ớt, thêm món canh chua lá me non hoặc bông so đũa nấu với cá chốt trứng, các món ăn ấy tuy dân dã mà ngon.
11. Cá lăng
Họ Cá lăng (danh pháp khoa học: Bagridae) là một họ cá da trơn có nguồn gốc từ châu Phi và châu Á (từ Nhật Bản tới Borneo)[3]. Các loài cá trong họ này có các tên gọi chung như cá lăng hay cá bò.
Cá lăng thuộc dòng cá da trơn nên toàn bộ thân hình của chúng không có vảy mà thay vào đó là một lớp nhớt. Cá lăng có vây lưng một gai ở phía trước, vây mỡ ở xung quanh người, phần vây ức có răng cưa. Đặc điểm của cá lăng là mình thuôn dài, đầu hơi bẹt và có 4 cặp râu khá dài.
Cá lăng là giống cá vô cùng đa dạng về chủng loại. Trên thế giới hiện nay có trên 200 dòng cá lăng đang sinh sống. Chính vì vậy, thị trường cá lăng của Việt Nam ta cũng khá đa dạng và phong phú. Nổi tiếng với các dòng cá: cá lăng chấm, cá lăng đuôi đỏ, cá lăng trắng, cá lăng hồng…. Cá lăng đuôi đỏ hay còn gọi là cá lăng nha đuôi đỏ hoặc là cá lăng chiên. Dòng cá này sinh sống ở rất nhiều khu vực trên thế giới nhất là khu vực sông Serepok. Tại Việt Nam, dòng cá lăng đuôi đỏ chủ yếu sinh sống ở khu vực An Giang, đồng bằng sông Cửu Long, lưu vực sông Mê Kông – (Theo Vương quốc loài vật)
@. Vài ý nghĩ riêng:
Tất cả những đặc sản Nam bộ nói trên đều liên quan và tùy thuộc vào dòng sông Cửu Long – Mekong – thân yêu. Chúng sẽ tồn tại không? Xin mời các bạn đọc những dòng này:
[ … Mê Kông Dòng Sông Nghẽn Mạch” bao gồm những hình ảnh và các trang bút ký sống động của tác giả viết về các chuyến đi ấy…
Cũng qua các thông tin có được ấy, để thấy rằng sự suy thoái của con sông Mekong là do những bước “khai thác tự hủy” như môt phản ứng dây chuyền với tàn phá sinh cảnh, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên, gây ô nhiểm môi trường… tất cả đã và đang diễn ra nhanh và sớm hơn dự kiện của nhiều người. Điển hình là vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, sông Cửu thì đang cạn dòng, thêm ngập mặn, ngày càng ô nhiễm và nguồn thuỷ sản thiên nhiên từ sông vốn rất phong phú cách đây ba thập niên thì nay hầu như không còn đáng kể…
…
Tiếp theo chuỗi những con đập thủy điện khổng lồ Vân Nam đã và đang gây tác hại trên đời sống của hơn 60 triệu cư dân hạ nguồn, thì sự cố này được coi như một đòn dáng chí tử thứ hai trên sinh mệnh của con sông Mekong, khi dòng sông được khai thác sử dụng như một thủy lộ chiến lược vận chuyển dầu khí từ Trung Đông tiếp tế cho các tỉnh vùng kỹ nghệ Tây Nam Trung Quốc thay vì phải đi qua eo biển Malacca.
Cho đến nay, rõ ràng là không có giải pháp nào để cứu lấy dòng sông khi mà mọi quốc gia trong lưu vực – nhất là Trung Quốc chỉ muốn tự do khai thác con sông theo ý mình chỉ để phục vụ cho quyền lợi ngắn hạn cục bộ – cả theo cái ý nghĩa hủy hoại, mà bất kể tới hậu quả dây chuyền ảnh hưởng tác hại tới các quốc gia láng giềng và về lâu, về dài, tới sinh mệnh của cả một dòng sông ra sao.
Kêu gọi thể hiện “Tinh Thần Sông Mekong” như một mẫu số chung cho mọi quốc gia trong lưu vực mối quan tâm bảo vệ dòng sông trong toàn bộ các kế hoạch khai thác và phát triển – nhưng đó phải là những bước hợp tác phát triển bền vững…]
[Mê Kông Dòng Sông Nghẽn Mạch – Ngô Thế Vinh] [2]
Hãy cứu lấy và bảo vệ dòng sông Mê Kông!
Các Bài Thơ Về Đại Ngãi
Xin được giới thiệu đến các bạn vài bài thơ viết về Đại Ngãi quê chúng tôi.
1. Thơ Trần Phù Thế
Trở Lại Đại Ngãi
(gởi anh Phạm Bá Hoa & Nguyên Lạc)
mấy mươi năm trở lại đây
hồn xưa quê cũ vẫn đầy bóng trăng
đêm đi quanh quẩn chợ làng
nghe hồn Đại Ngãi lang thang đâu rồi
cái tên Vàm Tấn tôi ơi
bao năm giờ đã đổi dời ra sao
bước chân tôi vắng tiếng chào
tình thâm nghĩa cũ người nao đâu rồi
ngập ngừng đường đất của tôi
chợ xưa chồm hổm gọi mời gái quê
mấy cây trứng cá sum suê
buổi trưa bóng mát làm mê dân nghèo
tôi lần ven chợ đi theo
bờ sông bến nước xuồng neo cất hàng
nhìn hoài chẳng thấy đò ngang
bến đò năm trươc giờ san sát nhà
bước chân lại dẫn lối xưa
Tây Nam xay lúa bụi mờ bến sông
xuồng câu Đường Đức ngược dòng
đợi con nước nhửng nước ròng thăm câu [*]
cá lăng cá úc xôn xao
thương con cá cháy biệt màu thời gian
tuồi thơ dấu ấn tuổi vàng
bún ngon cá cháy mỡ màng trứng thơm
nhớ chiều nhớ thuở chiều hôm
thuyền đi thấp thoáng cánh buồm trong sương
cù lao Dung ôm đại dương
mênh mông sông Hậu còn vương tấc lòng
nhớ hoài con cá lòng tong
hươ tay khỏa nước đặc sông tìm mồi
và con cá chốt tôi ơi!
kho tiêu ngày cũ nuôi đời dân đen
nhớ thôi trường cũ đường quen
giờ sao lạ hoắc lạnh thềm gạch xưa
nghe đâu hồn cũ bây giờ
nghe đâu trong gió bóng cờ tung bay
thầy Sinh như đứng giảng bài
tóc xanh vương bụi phấn lay bóng người
mỗi lần cô Lệ nói cười
là như tiếng hát mặn đời tuối thơ
tôi về kỷ niệm xa mờ
nghe trong tiềm thức đợi chờ bóng ai
sáu mươi năm thật là dài
mà sao tiếng gió còn lay sân trường…
(Trần Phù Thế)
……..
[*] Nước nhửng – có người gọi là nước lửng: Lúc dòng nước ròng đứng yên một khoảng thời gian ngắn, rồi quay ngược lớn lên. (Nguyên Lạc)
2. Thơ Nguyên Lạc
Xin được giới thiệu đến các bạn bài thơ nhớ về Đại Ngaãi của tôi, trả lời cho bài thơ về Đại Ngãi anh Trần Phù Thế viết tặng:
Nhớ Về Vàm Tấn / Đại Ngãi
(Gởi anh Trần Phù Thế)
Dẫn:
“Đất Sóc Trăng khô cằn nước mặn
Anh ra Vàm Tấn đổi nước về xài
Về nhà sau trước không ai
Hỏi ra bậu đã theo trai mất rồi” (ca dao)
***
“Muốn ăn ba khía, ốc len
Thì xuống Rạch Gốc khéo quên đường về
Ai mà muốn học thổi kèn
Nạo dừa hầm với ốc len ăn hoài”. (Ca dao miền Tây)
***
“Tháng Bảy nước chảy Cà Mau
Tháng Mười ba khía, hội kéo nhau đi làm
U Minh, Rạch Gốc, rừng tràm
Muỗi kêu kệ muỗi tao ham ba khía rồi” (Ca dao miền Tây)
Nhập:
Dặn lòng. đừng nhớ quê xưa
Chợt đâu bạn nhắn. xót xa buồn lòng
Cái thời. vụng dại xa xăm
Nỗi thương Đại Ngãi. tràn sông vỡ bờ!
1.
Tha phương. cơm áo tháng ngày
Hồn quê xưa cũ vẫn hoài trong tôi
Cái tên. Vàm Tấn tôi ơi!
Trăm năm. vẫn nhớ những lời ca dao
“Ra sông. đổi nước ngọt nào [1]
Về nhà. trông trước. trông sau vắng nàng
Hỏi ra. đã bỏ mất đàng
Theo trai. người nỡ phụ phàng tình tôi”
Cái tên. Đại Ngãi tôi ơi!
Làm sao quên được. một thời thiết tha?
Làng quê. trường cũ. bây giờ
Vẫn trong tôi. buổi chào cờ sớm mai
Điếng hồn. lời gọi trả bài
Đau tay. thước khẻ. thầy rầy nhớ không?
2.
Mươi năm. có đủ dài không?
Để quên con nước lớn ròng. Hậu giang
Để quên. xanh rũ hàng bần
Cầu tre lắt lẻo. con còng gió xanh
Cái càng “tổ chảng” “chành bành” [2]
Kẹp tay rướm máu. buồn lòng tuổi thơ!
Bãi bùn. rượt chạy “có cờ”
Thòi lòi trố mắt. ngẩn ngơ lặng nhìn
Nhớ con “nước lợ” mùa lên [3]
Ốc len. ken đặc. hàng dừa nước xanh
Nhớ cua ba khía. đỏ càng
Nhớ mùi mắm khía. ngọt lòng dân quê
Cá linh. theo nước mùa về
Nhớ con cá cháy. bụng sề trứng. ngon
Ngọt ngào thời ấy. có còn?
Dịu hiền quê cũ. chưa mòn trong tôi!
3.
Đò ngang Nhơn Mỹ. thăm người
Cồn xanh. trái ngọt. miệng cười lời trao
Sầu riêng. môi mớm tình nhau
Xuân thu bạc tóc. phương nào. nhớ thương!
Mất nhau. từ thuở đoạn trường!
Biệt ly. từ thuở bạo cường lên ngôi!
Nhớ đêm Đường Đức. tiễn người
Mãi trong tâm thức. bóng người bên sông
Ra đi sẽ biết mù sương!
Cố an. tâm nhủ. vô thường sắc không
4.
Nhớ chi đến Cù Lao Dung?
Nghiệt oan người chịu. khóc thương người đành
Tang thương. thấu tận trời xanh
Tử sinh. ly biệt. sâm thương. năm nào!
5.
Chiều nay. phố lạ xôn xao
Sao riêng cố quận. ruột cào bâng khuâng!
Quê giờ đổi lạ. phải không?
Sao ta không đổi. nỗi lòng quê xưa?
Đổi đi thôi. chắc cũng vừa!
Quên đi thôi!
giữ tình xưa làm gì?
………….
[1] Đổi nước: thật ra là mua và bán nước ngọt (nước uống được), nhưng để tránh chữ “bán nước”, người ta nói trại là đổi nước.
[2] Phương ngữ, Khẩu ngữ (slang) miền Tây Nam bộ:
— “Tổ chảng”: “bự chà bá”, “to tổ chảng” “chành bành” (to quá mức, bự quá mức thường thấy.
— Chạy “có cờ”: chạy nhanh thành hàng
[3] Nước lợ: nước pha trộn giữa nước mặn biến vào và nước ngọt, nước sông từ thượng nguồn đổ xuống – giáp nước.
* Đường Đức, Nhơn Mỹ, Cù lao Dung là những địa danh
* Cây khoai mì (tên miền Nam) hay Sắn (tên miền Bắc)
Thời Tiết Quê Tôi
Xin được dùng bài thơ sau đây để nói về thời tiết Đại Ngãi nói riêng và Nam bộ nói chung
Quê Hương Tôi Không Có Mùa Thu
Quê hương tôi không có mùa thu
Biết lấy chi mơ thu sương mù?
Dòng Hậu giang lặng lờ soi bóng
Đưa tiễn người. rụng trái mù u!
Nơi quê tôi không có mùa thu
Chỉ nắng mưa. trời thảm hai mùa
Tiễn chân em về bên xứ lạ
Nước một dòng. màu tím tiễn đưa
Mùa quê tôi không thu mắt em
Không đón đưa. ga nhỏ êm đềm
Không rượu vang. đèn vàng tiễn biệt
Chỉ hàng bần. xanh thẫm. đóm đêm!
Mùa mưa. lâu. buồn lên mắt em!
Mưa trên sông. mờ mắt kiếm tìm
Theo con nước lục bình hoa tím
Bám vào thuyền. ghì chặt. buồn thêm!
Hậu giang tôi không có mùa thu
Không biệt ly. thu đẫm sương mù
Chỉ dòng buồn. con thuyền rời bến
Ra đi. lòng thương nhớ xuân thu!
Vắng bóng em. tháng Chín quê tôi
(Chắc nơi kia mùa thu kinh kỳ?!)
Giọt mưa rơi. trên sông ngầu đục
Lạnh một dòng. sầu nỗi biệt ly!
Quê hương tôi không mùa thu đến
Chỉ nắng mưa. mùa đến mùa đi
Chỉ dòng sông hiền hòa. bình dị
Đủ cho tôi. ấp ủ bao tình!
(Nguyên Lạc)
Lời Kết
Xin được dùng bài thơ sau đây để kết thúc bài viết, cùng nỗi niềm gởi về quê hương thân yêu của người tha phương.
Vẫn Còn Một Vùng Quê Trong Tôi
Vẫn còn một vùng quê trong tôi
Màu ngát xanh đồng lúa đến ngày
Nhánh đòng đòng ứa đầy sữa trắng
Mùa cá rô mồi kiến vui tay [*]
Vẫn còn một vùng quê trong tôi
Con nước lên dòng đục bồi hồi
Hồng trắng súng, vàng bông điên điển
Bập dừa nước tuổi trẻ tập bơi
Con kênh, rạch xuôi ngược một đời
Mùa nước đổ cá Biển Hồ bạc trắng
Những lưới vó bên chiều nhạt nắng
Nặng khoang xuồng mùa vụ cá linh
Luống cà tím, giàn khổ qua đắng
Trái bần xanh chua ngọt tô canh
Mùa rộ tình đỏ con ba khía
Màu tím xanh còng gió to càng
Trắng bầy cò chiều lam mênh mông
Lững lờ bay sợi khói đốt đồng
Tiếng kẽo kẹt bờ tre xanh mộng
Tiếng trâu về nghé ngọ sau sân
Vẫn còn một vùng quê trong tôi
Tuổi thơ ngây cõng nắng một thời
Tiếng sáo diều ru lời tuổi mộng
Vẫn mãi còn quê hương tâm tôi!
Trời nước thẫm bên hồ xứ lạ
Vời khói sương cay mắt một người!
Chiều hanh lạnh thấu hồn cô lữ
Đánh thức vùng quê cũ trong tôi!
………..
[*] Mùa lúa trổ đòng ̣(ra bông) cá rô sinh sản rất nhiều. Cá rô rất thích ăn mồi trứng kiến. Tay giật cần câu tới tấp, vui tay
Nguyên Lạc
…………..
Ghi Chú:
[1] Xin nói rõ, tôi chỉ đồng ý Ehrenburg đoạn trích dẫn này, còn những tác phẩm khác như bài thơ “Hãy giết”,”Hãy giết người Đức”… thì không – Nguyên Lạc
[2] “Mê Kông Dòng Sông Nghẽn Mạch” của nhà văn Ngô Thế Vinh
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/BookReviewMekongRiverWereBlocked-08242008194341.html
https://vietmessenger.com/books/?title=mekongdongsongnghenmach
***
@. Phụ Lục
Xin kèm thêm phần tư liệu của bạn Nguyễn Bích Huyền để bổ sung cho nội dung của bài chính:
[… Một bài viết có tính gợi nhớ lại những ký ức ngày trước của những người dân Miền Tây sông nước. Từ những câu ca dao đến những vần thơ chất chứa cả tấm lòng, tình cảm yêu mến từng địa danh sông nước đến những sản vật sinh vật nơi những vùng quê sông nước Miền Tây.
Nhớ:
— Ven bờ những con còng đỏ nhỏ nơi kinh rạch đến mấy con còng gió xanh lam nhạt vùng nước lợ. Cả đến những đêm rượt đuổi còng biển màu xám đất (~ con dã tràng”) trên bờ biển cạn…
— Mắm cá cháy Bà ba Hiếu nằm ngay đầu ‘doi’ quận lỵ Trà Ôn chuyển theo tàu đò Ông Tư Thanh Long (tàu chở khách) đến Nhà lồng chợ Cần Thơ giao hàng. Một thời thành danh món “mắm cá cháy” – một sản vật sản phẩm từ vùng đất Trà Ôn – Trà Ôn ngày trước có giai đoạn thời gian thuộc tỉnh Phong Dinh, Cần Thơ. Nay, cá cháy không còn trên sông Hậu và người ủ mắm năm xưa cũng không còn nữa! Chỉ còn “mắm cá cháy” trên văn thơ và chuyện kể lại… cho sau này!
— Ốc len, Thòi lòi, Ba khía,…
– “Thòi lòi nước mặn nước lợ” nay thời “lên hương”; trở thành đặc sản ăn uống vùng miền. Riêng “Thòi lòi nước ngọt” nơi kinh rạch sông ngòi; thuở nhỏ “tắm sông” thường hay tìm cách bắt… thì nay không còn thấy bóng dáng chúng đâu?! Lớp trẻ sau này chỉ nhận biết qua hình ảnh được minh họa in vẽ lại! “Thòi lòi nước ngọt” chắc cũng tuyệt giống rồi!!
– Ngày trước Ba khía ủ ướp làm mắm hay để nguyên con đem bán. Ngày nay, dân khoái nhậu rượu bia lại thích Ba khía sống chế biến tại chỗ thành món “nhậu”, món ăn chơi tươi sống “đặc sản”.
Có một giai thoại “ngồ ngộ” nơi đất Cần Thơ: Thập niên 2000, trên con đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Phan Thanh Giản cũ), nơi bến đò Ô Môi, rạch Cái Khế, cây cầu Xô Viết Nghệ Tĩnh được xây mới, nối liền 2 bờ rạch Cái Khế lại. Cầu nằm khoảng giữa 2 cây cầu Cái Khế và Nhị Kiều. Và con đường mới được hình thành; con đường nối từ một bên đầu cầu Xô Viết Nghệ Tĩnh ra đường Hùng Vương (Bến Xe Mới cũ) với tên đường mới được đặt tên Đinh Tiên Hoàng. Tên mới với con đường & cầu mới mở dân Cần Thơ ít ai nhớ và chú ý để tâm; nhưng, khi nói đến “Đường Ba Khía” & “Cầu Ba Khía” thì rất rất nhiều người biết đến. Đường Ba Khía & cầu Ba Khía tên do những người Cần Thơ tự đặt riết chết thành danh (tên)! Sở dĩ có cái tên này vì từ khi con đường mới mới mở, hàng quán “nhậu” các loại Ốc, Cua,.. đặc biệt “Ba khía” tươi còn sống chế biến. Từ vài điểm bán phát triển nhanh lên “làng Ba khía”, chẳng bao lâu trở thành “phố Ba khía”, chiếm gần hết cả một con đường mới này. Thử hỏi các bạn Cần Thơ: Bạn có biết đường Đinh Tiên Hoàng? đường Ba Khía?. Xin các bạn đừng cho rằng: Hai cái tên đường trên là 2 con đường khác nhau. Và cây cầu mới này có tên đúng là: Cầu Xô Viết Nghệ Tĩnh chớ không phải là: Cầu Ba Khía… Còn nhớ vài chuyện nữa, những chuyện mãi mãi không bao giờ quên.
P/s: À, những con còng đỏ nhỏ nơi sông rạch ngày trước; nay cũng mất tăm mất tích… không biết từ lúc nào nữa!] (Nguyễn Bích Huyền)