– Nào…há miệng ra!

– Ứm!…

– Nào há miệng ra!… ăn hết khúc bánh này bố đưa mẹ con mình đi biển. Ăn nhanh nào!

– Con no rồi!…

Tôi đang gấp quần áo trong buồng để chuẩn bị đưa vợ con đi du lịch biển trong ba ngày tết mà tôi đã đặt lịch trước đó một tháng, thưởng cho thành tích học tập của con như lời đã hứa. Nghe vợ và con gái nói chuyện với nhau như vậy tôi dừng gấp quần áo lại, ngó ra ngoài phòng khách, thấy vợ tôi một tay đang cầm đĩa sứ, tay còn lại cầm khúc bánh chưng cắn dở bằng đũa tre, đứng cạnh con gái. Vợ tôi tên Lan, 29 tuổi ưa nhìn, hiền lành dịu dàng, mẫu người con gái truyền thống. Con gái tôi tên Mai, 8 tuổi, thông minh, hoạt bát nhưng dạo này nghiện chơi games chém hoa quả.

Thấy con gái ngồi ghế mắt chăm chú nhìn vào chiếc ipad của tôi chơi games chém hoa quả, vợ tôi đưa miếng bánh chưng vào gần miệng con gái, tiếp tục dỗ dành:

– Từ sáng mới ăn được hai miếng bé tí mà kêu no. Thôi không chơi game nữa. Tập trung vào ăn sáng đi nào.

Thấy con gái lắc đầu lánh mặt ra, mắt vẫn chăm chăm nhìn vào màn hình ipad, vợ tôi hơi bực liền thu lại chiếc ipad. Con gái tôi thấy vậy ngước lên nhìn mẹ hờn dỗi phụng phịu. Tôi lắc đầu tủm tỉm, quay lại tiếp tục gấp quần áo để vào va ni, bỗng thấy vợ tôi nói tiếp:

– Nào, há miệng ra! con gái ăn bỏ mứa là xấu tính lắm đấy.

– Ứm… con chán bánh chưng lắm rồi, mẹ ăn đi!…

– Ngoan, há miệng…

Vợ tôi đang nói dở thì con gái tôi đứng dậy chạy ù vào buồng, bám lấy chân tôi, nũng nịu:

– Bố Phong, bố Phong ơi!…

Tôi cười, dừng gấp quần áo, bế con lên. Vợ tôi cầm đĩa bánh bước vào. Con gái lè lưỡi lêu lêu mẹ rồi úp mặt vào ngực tôi nhưng vẫn ngó một mắt nhìn mẹ. Vợ tôi lườm yêu con gái. Tôi cười nhẹ, vuốt tóc con gái trầm giọng hỏi:

– Con ăn no rồi à?

Mai im lặng không đáp, tôi cười hỏi tiếp:

– Thế là vì con mải chơi game hay vì không thích ăn bánh chưng?

– Hai hôm nay bữa nào cũng ăn, con chán bánh chưng lắm, bố!

Mai phụng phịu đáp. Tôi cười, nói:

– Được rồi, để bố ăn nốt miếng bánh chưng của con nhé.

Mai vội gật đầu, tôi cười nói:

– Trước khi bố ăn bố sẽ kể cho con nghe một câu chuyện về bánh chưng được không?

Mai gật đầu, tôi ngồi xuống giường cạnh chiếc va ni, đưa mắt nhìn xa xăm, mặt thoáng xúc động. Vợ tôi ngồi xuống đối diện tôi, phía sau lưng con gái, tay vẫn cầm đĩa bánh chưng. Cô ấy đang vuốt tóc Mai, hai mẹ con nhìn tôi như chờ tôi kể chuyện. Tôi gật đầu cười nhẹ, trầm giọng kể:

– Ngày xưa, hồi bố tầm bảy tám tuổi như con bây giờ ấy, làng quê còn nghèo, nhà ông bà nội con nghèo gần nhất xã. Lúc đó nhà ông bà nội là nhà ngói năm gian lụp xụp, nền nhà lát gạch nung chứ không phải là nhà tầng gạch đá hoa như nhà bác Thặng đang ở bây giờ đâu. Mùa mưa dột ướt lênh láng khắp nhà nếu không mang thau hứng kịp, hoặc mưa quá to. Mùa đông gió Bắc luồn qua các khe cửa khe ngói lạnh buốt da thịt, mùa xuân ẩm thấp, quần áo phơi mãi không khô mà lại hay bị ẩm mốc hôi rình. Bữa cơm hàng ngày lúc nào cũng có ba bát ô tô rất to bày chật trong chiếc mâm đồng nhỏ là bát rau, bát nước canh của rau, và bát gì con biết không?

Con gái tôi tròn xoe mắt nhìn tôi lắc đầu. Tôi cười nhẹ nói tiếp:

– Đó là bát cà nén mà bà nội năm nào cũng nén vài vại to bằng một vòng tay bố ôm, cao bằng hông con đây này, để ngoài sân ăn cả năm. Thi thoảng có món đậu rán chấm tương cụ nội con tự ủ làm hoặc cá khô rán cải thiện. Cả tháng may ra mới có một bữa thịt má cổ hoặc thịt bạc nhạc rẻ tiền mà bà nội con thường cuối chợ trưa mới mua. Gà ông nội nuôi được nhưng toàn đem bán, trừ khi có khách quý đến nhà ăn cơm thì mới bắt gà thịt, nhưng trong bữa ăn cũng phải “nhịn bụng tiếp khách”. Hoặc khi cụ hay kỵ con ốm mới thịt gà, nhưng lúc đấy mọi người cũng dành hết thịt cho người ốm. Còn không thì phải đợi đến khi…gà rù hoặc gà toi mới có thịt gà ăn. Nhưng nếu là mùa đông thì sẽ được ăn thịt nhiều hơn mùa hè.

– Bà mua nhiều hơn ạ?

Con gái tôi mắt hơi hoe đỏ nhanh nhẩu hỏi. Tôi nhìn con gái cười nhẹ, đáp:

– Không phải!

– Thế sao mùa đông lại được ăn thịt nhiều hơn mùa hè ạ?

Tôi cười nhẹ nhìn con gái rồi đưa mắt sang nhìn vợ, hỏi: – Em trả lời cho con đi.

Vợ tôi cười nhẹ lắc đầu, nói:

– Chuyện này anh chưa kể với em!

Hương vị quê nhà: Bánh chưng

Vợ tôi sinh ra trong gia đình khá giả, gia giáo. Hồi mới yêu nhau, hai đứa hay kể chuyện cho nhau nghe về thời tuổi thơ của nhau. Tôi biết tuổi thơ vợ tôi không phải sống “thiếu thốn” như tôi, nên mỗi khi tôi kể cho cô ấy nghe về cảnh thiếu thốn của mình cô ấy toàn đỏ hoe mắt động viên “Em tin với ý chí và năng lực của anh sau này nhất định anh sẽ trở lên giầu có!”. Và quả thật bây giờ, già ba mươi tuổi một chút tôi đã mua được một căn chung cư trong nội thành và có ô tô con để đi làm. Trở lại chuyện vợ tôi vừa nói, tôi cười nói:

– Anh tưởng kể với em rồi, hóa ra vẫn còn nhiều chuyện chưa kể.

– Cuộc đời càng nhiều kỷ niệm thì càng trân quý cuộc sống mà anh!

Vợ tôi nói, tôi gật đầu đồng tình, đưa mắt nhìn con gái nói tiếp:

– Vì bà nội thường nấu thịt vào một nồi rất to, chứa được rất nhiều nước, để cho nước thịt đông lại, khi ăn thì múc nước thịt đông ra ăn trước, cả bữa mỗi người được một hai miếng thịt gọi là để “mút” cùng nước đông cho dễ đưa cơm. Còn đâu bớt lại nhiều thịt trong nồi, rồi lại đổ nhiều nước lã vào nồi thịt, tiếp tục nấu lấy nước thịt đông cho các bữa sau. Càng về sau nước thịt đông càng nhạt nhưng vẫn ngon hơn là chỉ ăn cơm với rau và cà nén. Cứ như vậy đến khi ăn hết thịt thì cũng được vài ngày.

Vợ tôi cười nhẹ gật gù. Con gái tôi vẫn tròn xoe mắt nhìn tôi ngơ ngác như không hiểu, nói:
– Hôm nào bố làm cho con ăn thử nước thịt đông nhé?

– Ối!…nước thịt đông không ngon bằng ăn thịt đâu con!

– Ứm…nhưng con muốn ăn thử nước thịt đông cơ.

– Được rồi.

Tôi cười nói, đưa mắt sang nhìn vợ, nói tiếp:

– Hôm nào em làm cho con ăn thử đi.

– Vâng, đi biển về em sẽ lên mạng tìm hiểu làm ngay. Để tủ lạnh vài tiếng là đông mà.

Vợ tôi nói, tôi gật đầu, con gái nhìn tôi nói:

– Bố kể tiếp đi.

– Bố kể đến đâu rồi nhỉ?

– Đến thịt nấu đông ăn được nhiều ngày.

– Ùm, đúng rồi.

Tôi trả lời xong dừng lại, nghĩ ngợi giây lát rồi kể tiếp:

– Thịt tuy ít được ăn nhưng mỗi tháng cũng được ăn một hai lần. Còn bánh chưng…bánh chưng thì cả năm chỉ đợi đến tết mới được ăn.

– Con thấy đầu ngõ các cô ấy ngày nào cũng bán bánh chưng mà, bán giày, cả xôi nữa.

Con gái tôi khó hiểu nói, tôi cười nói:

– Hồi đó đói kém, không như bây giờ. Quà bánh thì phải đợi đến phiên chợ người ta mới mang đến bán, mà cũng không có bán bánh chưng, chỉ bán bánh giầy bánh tẻ bánh gai và một số loại bánh khác. Mà nhà thì nghèo, không có tiền mua, nên nhà có gì bố ăn nấy không đòi hỏi. Thi thoảng bà nội bố tức cụ nội con, hay mang gạo hoặc thóc đổi lấy bánh cuốn của mấy cô mấy bác đạp xe đạp buổi sáng sớm giao miệng ngoài ngõ cho cả nhà ăn.

Tôi cười buồn rồi nói tiếp:

– Để chiều ba mươi tết cả nhà quây quần ngồi gói bánh chưng bà nội con phải để trữ thóc nếp từ mấy tháng trước. Có khi thóc nếp để từ vụ Chiêm tức là vụ cấy mùa xuân mùa hè gặt, còn thóc nếp mà vụ Mùa, tức là vụ lúa khoảng cuối tháng tám đầu tháng chín âm lịch gặt thì để bán cho được giá cao. Gạo nếp này là loại nếp cái hoa vàng, hạt gạo to tròn và rất thơm, rơm nếp thường phơi khô dùng làm dây bó rau hoặc vặn chổi, hay đốt làm tro để bát hương. Sau đó phải ra chợ mua lá dong, đỗ xanh thịt ba chỉ. À, hồi đó tết là mấy nhà hàng xóm hoặc mấy anh em trong họ mổ chung một con lợn to, rồi chia phần cho rẻ chứ không ra ngoài chợ mua như bây giờ. Nên tết rất đông vui, được ăn thịt nhiều nhất, được ăn nhiều món từ thịt lợn nhất như món tiết canh lòng gan luộc, thịt quay bắp giềng, thịt luộc, thịt nấu đông, thịt bó chạo, thịt giã giò, bởi vậy mới có câu, con biết câu gì không?

Con gái tôi lắc đầu, vợ tôi cười nói:

– “Đói quanh năm no ba ngày tết!”, phải không anh?

Tôi gật đầu cười tươi nhìn vợ. Vợ tôi cười nói:

– Hồi nhỏ về quê chơi em cũng hay nghe bà em nói câu này. Anh kể tiếp cho con nghe đi.

Tôi gật đầu kể tiếp:

– Để có lạt buộc bánh chưng bà nội con mua ống Giang ngoài chợ mang về cho ông nội chẻ làm dây lạt buộc bánh. À rồi mua thêm cả hạt hồ tiêu về rang cho vào cối đá giã cua giã. Có lần bố giã mà cay xè, nước mắt nước mũi chảy dòng dòng.

Thấy tôi nói vậy, vợ và con gái bật cười. Tôi cười, nói tiếp:

– Trong các năm cùng gia đình ngồi gói bánh chưng bố nhớ nhất năm bố bảy hay tám tuổi gì đó như vừa rồi bố nói.

– Vâng, năm đó có gì khác với các năm khác phải không ạ?

Tôi gật đầu cười nhẹ vì thấy con gái rất thông minh, thường vợ chồng tôi chỉ nói ý là con gái đã hiểu rồi. Tôi nói tiếp:

– Năm đó vào chiều ba mươi tết, ông nội của bố thì cầm chiếc chày gỗ dài gần hai mét, to bằng bắp tay của bố này, giã thịt lợn trong chiếc cối đá giã gạo to hơn vòng tay của bố ở trước cửa bếp để làm giò luộc. Còn bố của bố tức ông nội con thì cầm rìu bổ gốc cây để lấy củi luộc bánh ở giữa sân. Cụ bà của bố tức con phải gọi bằng kỵ đó, thì ngồi ở bậc tam cấp bên hiên nhà, vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa têm lá trầu không cánh phượng. Bà nội bố và mẹ bố tức bà nội của con bây giờ hai người ngồi hai bên đầu chiếu cói, bố và bác Thặng ngồi ở giữa, bốn người ngồi quanh cái nia đựng mâm lá rong, mâm đựng gạo nếp và nồi thịt ba chỉ sống ướp hồ tiêu ngoài sân trước cửa nhà bên dưới bậc tam cấp cụ nội bố đang nhai trầu. Bố và bác Thặng đang ngồi gói bánh chưng.

Cách gói bánh chưng cổ truyền bằng lá dong vuông, đẹp và chuẩn mực

Nói đến đó tôi bỗng bật cười khoái chí đưa mắt sang nhìn vợ, nói:

– Nói là gói bánh chưng nhưng thật ra là súy phần đúng hơn.

– Bố và bác Thặng đấy ạ?

Con gái tôi hỏi, tôi vẫn biết con gái thông minh nhưng lần này nghe xong tôi liền hỏi:

– Sao con đoán vậy?

– Vì nhiều lần bố có kể cho con chuyện bố và bác Thặng ngày bé hay tranh giành nhau nhưng rất thương yêu nhau. Bây giờ thì không tranh giành nữa.

Tôi bật cười, nói:

– Ùm, tại ngày bé bác Thặng hơn bố có 3 tuổi thôi, sàn sàn tuổi nhau nên tâm lý như nhau mới hay tranh giành cãi nhau. Năm sau mẹ sinh em bé, con là chị, lớn tuổi hơn em nhiều phải nhường nhịn em biết chưa?

Tôi nói vậy vì vợ tôi đang có thai khoảng hai tháng rồi. Nghe tôi nói, con gái tôi quay sang nhìn mẹ ngoan ngoãn gật nhẹ đầu. Tôi nói tiếp:

– Ừm, để bố kể tiếp. Hôm đó bố ngồi cạnh bác Thặng, hai anh em cùng súy phần gói chiếc bánh chưng của mình. Bố vừa gắp thêm mấy miếng thịt ba chỉ bỏ vào phần gạo gói bánh chưng của bố, được lót bên dưới bằng hai chiếc lá rong đặt vuông góc ở trước mặt và đã có mấy miếng thịt ba chỉ gắp lúc trước thì bác Thặng cầm đũa gắp mấy miếng thịt ở phần gạo của bố bỏ lại vào nồi thịt ba chỉ đặt trong nia, bực mình nói “ Mỗi cái chỉ được hai miếng, sao mày lấy nhiều thịt thế?”. Bố gắp lại hai miếng thịt bác Thặng vừa gắp của bố bỏ vào nồi thịt, bỏ lại vào phần gạo gói bánh chưng của bố vẫn còn nhiều thịt ở đó hồn nhiên đáp “Nhiều thịt ăn mới ngon. Ai bảo anh không lấy?”.

Tôi nói xong cả vợ và con ôm bụng cười khúc khích.

– Eo ôi bố ăn tham thế!

Con gái tôi lêu lêu nói. Vợ tôi đồng lõa gật đầu cười nói chêm vào:

– Công nhận bố con ăn tham thật!

– Từ nay mẹ con mình không chơi với bố nữa nhé, mẹ.

– Ừm.

Vợ tôi trả lời rồi hai mẹ con ngoặc tay làm tin rồi sau đó con gái tôi quay sang nhìn tôi cười hỏi:

– Thế rồi sau đó bác Thặng có nói gì bố không?

– Có!

Tôi đáp, nói tiếp:

– Bác Thặng bực, gắp lại mấy miếng thịt từ phần gói bánh chưng của bố bỏ vào nồi thịt trừng mắt nhìn bố nói “tao gói cho cả nhà, không súy phần như mày”. Bố thấy vậy lại thò đũa gắp lại hai miếng thịt bác Thặng vừa gắp bỏ vào nồi thịt, mới gắp được hai miếng thịt lên thì bị bác Thặng tóm cổ tay bố, nói “Mày đừng có ăn tham!”. Bố thấy vậy giả vờ mếu máo quay sang nhìn bà và mẹ nói “ Bà ơi!… anh Thặng bóp gãy tay cháu rồi, đau quá! Huhu…”.

– Bố ăn vạ kìa!

Con gái tôi nói, tôi gật đầu cười, nói tiếp:

– Thấy bố khóc nói, bác Thặng vội buông tay nắm bố ra, nhìn bà và mẹ thanh minh “ Nó ăn vạ đấy, cháu giữ tay nó chứ có bóp tay nó đâu”. Bà nội bố lúc đó vừa buộc xong chiếc bánh chưng quay sang nhìn bác Thặng nói “ Thôi, làm anh phải nhường em, cứ để cho nó lấy thêm một miếng thịt đi”. Lúc đó bố cười sung sướng đặt hai miếng thịt vừa gắp vào phần gạo gói bánh chưng của mình. Bác Thặng vẫn chưa hết giận nói “ Nó lấy hai miếng chứ một miếng đâu”. Bà nội bố bênh bố nói “ Ừ thì…cứ để nó lấy hai miếng”. Bác Thặng cũng không vừa, cố đấm ăn xôi nói “ Gạo còn bao nhiêu kia kìa, lát hết thịt thì làm thế nào?”. Bà nội bố vẫn cứ bênh bố nói “ Có mùi bánh chưng là được rồi, bà sẽ ăn mấy cái không có nhân thịt.”. Thấy bà nói vậy bác Thặng quay sang lườm bố. Lúc đó bố cười khoái chí rồi đẩy phần gạo thịt gói bánh chưng của mình sang cho bà, nói “ Bà gói cho cháu!”. Bà nội bố cầm lấy phần gạo thịt của bố bắt đầu gói bằng tay. Còn bố tủm tỉm đưa mắt sang nhìn bác Thặng thấy bác ấy…
Tôi bật cười, dừng lại không nói được nữa, vợ con tôi không cười mà sót ruột cùng đồng thanh hỏi:

– Bác ấy như nào?

Tôi đợi ngớt cười nói tiếp:

– Bác ấy vẫn đang lườm lườm nhìn bố bực tức. Thấy vậy bố cười nói “ em sẽ chia cho anh một ít!”. Bác Thặng quay mặt đi nói “ Tao không thèm!”.

– Thế sau này bố có chia bánh cho bác ấy không?

– Bí mật, để bố kể tiếp.

– Vâng

– Sau khi bà nội bố gói xong cho bố, thì đưa chiếc bánh cho bố. Bố lấy thêm mấy cái lạt đưa cho bà, nói “ Bà đánh dấu cho cháu!”. Thế là bà nội bố buộc thêm hai cái lạt mỗi cái vào một cái lạt trước đó trên chiếc bánh thành hai đường song song cắt nhau như này này.

Tôi vừa nói vừa dùng ngón trỏ vẽ lên mặt giường cho con gái hiểu. Sau đó nói tiếp:

– Sau đó bà nội bố lại lấy hai sợ dây lạt khác buộc nối với nhau thành một dây dài, xỏ vào hai dây buộc bánh, buộc lại thành dây để xách rồi chuyền qua cho bố. Bố đứng dậy cầm dây bánh trên tay cúi xuống nhìn bác Thặng tủm tỉm cười. Bác ấy vẫn lườm lườm nhìn bố nói “ mày không ăn mảnh được đâu”. Bố thoáng sợ nói “ Cứ mất là em bắt đền anh!”. Bác Thặng bây giờ mới cười nói “kệ mày!”. Thế là từ lúc đó bố cứ giữ khư khư cái bánh cho đến khi bà bắc nước luộc bánh, chính bố thả tự tay thả cái bánh đó vào nồi luộc bánh.

– Rồi sau đó thì sao ạ?

Con gái tôi tò mò hỏi. Tôi cười nói:

– Thì sau đó bố và bác Thặng ngồi trông bánh chưng luộc ở góc sân. Ngày đấy không có bếp ga bếp từ như bây giờ đâu, kê ba ông táo nặn bằng đất nung đặt giữa sân rồi đặt nồi lên, nhóm củi bên dưới là xong. Ông bà nội con lo làm cơm đón giao thừa ở bếp, hai cụ thì lau nhà cửa bàn thờ để chuẩn bị đón giao thừa. Đợi lâu lắm, không biết là mất thời gian bao lâu nhưng mà lúc đó bố thấy rất lâu. Chỉ biết lúc đó trời tốitừ lâu lắm rồi bố mới thấy vung nồi bánh chưng phì phèo hơi thoát ra bên ngoài và nước trong nồi sôi ùng ục, bố cầm đũa cả mở vung nồi bánh ra. Lúc đó bác Thặng đang cho thêm củi dưới đáy nồi cười nói “ còn lâu mới chín!”. Bố nghe vậy buồn rầu, xị mặt xuống, đậy vung nồi bánh lại, ngồi xuống cạnh bác Thặng nhìn ngọt lửa cháy bùng bùng, thi thoảng than củi nổ tanh tách như bắn pháo hoa rồi thiếp đi lúc nào không biết. Không biết thời gian trôi qua bao lâu bố chỉ biết khi bà nội con làm xong cơm đi ra vỗ vai bố, lúc ấy bố mới giật mình tỉnh ngủ và biết vừa rồi bố tựa vai bác Thặng ngủ. Bà nội con bế bố lên đồng thời nói “Vào nhà ngủ đi, lát chín mẹ gọi”. Mắt bố vẫn đang díp lại mắt nhắm mắt mở, bỗng nghe thấy bác Thặng cười nói “ Nó sợ mất cái bánh chưng của nó”. Bố vẫn đang nhắm mắt nhưng nhìn về hướng bác Thặng nói “ Mất thì chỉ có anh lấy thôi”. Bà nội con lườm yêu bác Thặng rồi vỗ nhẹ vào lưng bố nói “ Không ai lấy đâu, mẹ ở đây giữ cho. Vào ngủ một giấc cho khỏe”. Bố vẫn cố nói được với bà nội con “ Con ngồi đợi giao thừa” khi mắt vẫn đang díp. Bà nội con nói “ Giao thừa còn lâu. Gần đến giao thừa mẹ gọi dậy.”. Thế rồi bà nội con bế bố đến bậc tam cấp của cửa nhà bỗng bác Thặng nói to về phía bố“ Ui có mùi thơm rồi này! Bánh chưng sắp chín rồi. Cái bánh chưng nhiều thịt, ăn ngon lắm đây!”. Bố nghe vậy giật mình tỉnh ngủ, trượt xuống khỏi tay bà nội, chạy quay lại phía nồi bánh chưng thì nghe thấy tiếng bà nội con mắng bác thặng “ Thặng! trêu em…”. Bố mở nồi bánh chưng thò đầu vào nhìn tí bí hơi nước làm bỏng mặt, may bố tránh kịp. Bà nội con thấy vậy vội nắm tay bố đang cầm đũa cả mở vung đậy vung nồi lại, nói “ chưa chín đâu, cứ vào ngủ đi”. Bố ngước lên nhìn bà nói “con không buồn ngủ, con ngồi trông bánh chưng!”. Bác Thặng nói chêm vào “ Mẹ cứ kệ nó, để xem nó ngồi trông được bao lâu.”. Bà nội con thấy bác Thặng nói vậy lừ bác Thặng nghiêm giọng nói “Không được trêu em đấy!”. Bác Thặng không trả lời, cười hì hì khoái chí.
Tôi kể đến đó dừng lại, nhìn xuống thấy con gái tôi vẫn tròn xoe mắt hóng chuyện.

– Bố kể đi, đang đến đoạn hay thì lại dừng.

Con gái tôi nói, tôi cười kể tiếp:

– Sau đó bố lại ngồi xuống cạnh bác Thặng trông bánh chưng, mắt nhìn vào ngọn lửa và rồi thiếp đi. Lần này bố gủ gật tí ngã xuống đất mới giật mình tỉnh, đang định ngủ tiếp thì thấy lờ mờ bóng bác Thặng đang một tay cầm vung nồi một tay gắp bánh. Bố vội tỉnh giấc vừa khóc vừa bước về phía bác Thặng nói to “ Mẹ ơi anh Thặng lấy bánh chưng của con!”. Thấy bố nói vậy bác Thặng liền thanh minh “ai lấy bánh chưng của mày”. Rồi bác thặng đặt chiếc bánh chưng đang cầm bị tùi gạo đã chín ở góc bánh xuống chiếc rổ tre đặt dưới đất và cầm chiếc bánh chưng của bố bằng dây buộc dài lên đang bốc khói nghi ngút đưa cho bố nhìn, nói “ Bánh chưng của mày đây này. Mẹ bảo tao lấy một cái ra thử xem chín chưa. Hơi tí là mách lẻo”. Bố thấy vậy nín khóc, định đưa tay cầm lấy chiếc bánh thì bác Thặng lánh tay ra cười nói “Hay ăn thử cái bánh chưng của mày nhớ!”. Bố vội giật lấy cái bánh của bố trên tay bác Thặng nói “Không, ăn thử cái này đi”.Bố vừa nói vừa chỉ xuống cái bánh bị tùi bác Thặng vừa vớt ra rổ tre, rồi thả cái bánh của bố vào nồi. Thường thì lần nào luộc bánh cũng sẽ có chiếc bị tùi gạo ra ngoài chứ không khi nào tất cả cùng đẹp vuông thành sát cạnh như những cái bánh mẹ con mua ngoài chợ đâu, nên thường sẽ lấy cái bánh tùi ăn thử trước. Trong lúc bố và bác Thặng nói thì bà nội con cầm đĩa bước ra, cầm chiếc bánh tùi mang ra hiên nhà bóc. Bố và bác Thặng ngồi cạnh thèm thuồng nhìn bà nội con làm. Bà bóc hai lớp lá dong ra vừa bóc vừa thổi phù phù vào tay vì bánh vẫn nóng, mặt gạo nếp giờ đã chín, hạt gạo nếp nở to hơn lúc gạo còn sống trông nhẵn thĩn, dinh dính và xanh mầu lá dong. Bà nội con nói “ Bánh chín rồi đấy!.” Bố và bác Thặng cùng nhìn nhau mừng quýnh. Bà nội con lấy chính hai dây lạt buộc chiếc bánh đó tước ra làm bốn đặt vào đĩa rồi úp mặt bánh vừa bóc lá dong ra vào dây lạt, sau bóc nốt mặt hai lá dong ở trên rồi kéo bốn dây lạt lên sắt bánh thành tám miếng sau đó nói “Đi ra lấy bát đũa vào đây cho mẹ”. Bố và bác Thặng chạy ù ra chạn lấy bát đĩa rồi chạy vội lại. Bố chìa bát về phía bà nội con, bà gắp bánh vào bát bố đồng thời nói “ Mang vào mời cụ và ông bà trước đã”. Bác Thặng thấy vậy bật cười nói “ Thằng mõ!”. Bố cười nói “kệ em!”. Sau đó bố mang bánh chạy vào nhà đưa cho cụ và ông bà nội của bố và ông nội của con tức là bố của bố rồi mới chạy ra lấy phần của mình ăn. Ăn xong bố lấy thêm khúc bánh nữa, bác Thặng thấy vậy vội nói “ Mẹ ơi thằng Phong lại lấy thêm khúc nữa này!”. Bà nội con đang vớt bánh ra thúng không quay lại nhìn mà vẫn nói “Cứ để em ăn đi.”. Thấy bà nội con nói vậy bố cười hì hì, gắp tiếp khúc bánh vào bát của bố. Bác Thặng lườm bố rồi quay lại nhìn bà nội con nói “ Nhưng mẹ đã ăn khúc nào đâu.”. Bà nội con vẫn tập trung vớt bánh nói “ Vẫn còn một khúc đó”. Bác Thặng im lặng không nói, lừ bố rồi mang khúc bánh chưng còn lại trên đĩa về phía bà nội con đang vớt bánh như sợ bố ăn mất. Bố thấy vậy cũng bưng bát bánh bước về phía bà nội. Thấy bà nội con vớt chiếc bánh của bố lên, mắt bố sáng như sao, miệng bố đang phồng mồm nhai bánh chưng và tay phải đang cầm đũa vội đưa đũa sang tay trái đang cầm bát bánh chưng kẹp lấy đôi đũa để tay phải với lấy chiếc bánh chưng của bố mà bà đang đưa về phía bố đồng thời nói “ủa… on, ủa… on!” như sợ bác Thặng giật mất.

Bánh chưng - Biểu tưởng truyền thống ẩm thực ngày Tết Việt Nam

Tôi nói vậy vợ và con bật cười. Con gái tôi hỏi:

– Bố nói gì với bà nội vậy?

– Bố nói “của con của con”.

– Sao bố nói giọng?

– Vì miệng đang nhai đầy mồm bánh trưng nên bố nói bị nghẹn không thể tròn vành rõ chữ được.

Tôi nói vợ và con gái tôi lại phì cười. Vợ tôi lườm yêu tôi lắc lắc nhẹ đầu cười nói:

– Chết thật chết thật, em không ngờ hồi bé anh lại thế.

Tôi cười. Vợ tôi nói tiếp:

– Anh kể tiếp đi xem còn chuyện gì xấu không nào.

Tôi nhìn vợ cười yêu rồi đưa mắt nhìn con gái, nói:

– Đứng cầm bánh trên tay bố nghĩ phải đi giấu, thế là vội bước vào trong nhà, đến bậc tam cấp bố quay đầu lại nhìn thấy bác Thặng vẫn đang đứng cạnh bà nội con nhưng quay mắt nhìn theo bố. Thấy vậy bố vội nói “ Anh quay mặt đi!”. Bác Thặng hỏi “làm gì?”. Bố nói “ Em đi cất bánh chưng, anh nhìn theo để lấy trộm à?”. Bác Thặng hất hàm nói “tao chả thèm”. Bố vẫn như sợ mất chiếc bánh chưng, nói “ Thế anh quay mặt đi”. Bác Thặng quay mặt lại nhìn bà nội con vớt bánh. Bố chưa yên tâm vội nói “anh nhắm mắt vào”. Bác Thặng khó chịu nói “tao không nhìn là được chứ gì”. Bố vẫn không chịu, nói “ Không, anh phải nhắm mắt vào. Mẹ ơi bảo anh Thặng…” Bố đang định mách bà thì bác Thặng cướp lời nói “tao nhắm mắt rồi đừng có mẹ ơi bà ơi nữa” đồng thời đưa hai tay lên bịp mắt. Bố thấy vậy vội nói “ Anh đừng có ti hí đấy!”. Bác Thặng bực trả lời “ừm”. Bố nói “ Khi nào em bảo mở mắt anh mới được mở”. Bác Thặng “ừ” một tiếng bực mình nữa. Bố thấy vậy vội xách bánh chưng chạy vào trong nhà tìm mãi không thấy chỗ nào cất giấu bố chạy ngược ra hiên, lúc đó vẫn thấy bác Thặng đang đứng bịp mắt. Bố vội nói “ chưa xong, anh không được mở mắt đâu đấy!”. Bác Thặng “ừ” một tiếng, bố vội chạy vào buồng bên tay phải, tìm mãi không thấy chỗ nào cất giấu bố chạy ngược ra hiên thấy bác Thặng vẫn đang đứng bịp mắt, bố vội nói “ Em chưa xong, anh đừng có mở mắt đâu đấy!”. Bác Thặng bực nói “ Nhanh lên! mày mà nói thêm câu nữa là tao chạy ra lấy cái bánh chưng của mày đấy”. Thấy vậy bố nhìn về phía bà nội vẫn đang vớt bánh nói “Mẹ ơi anh Thặng…”. Bà nội con đang vớt bánh quay lại nhìn bố cướp lời nói “Anh Thặng vẫn đang bịp mắt, con giấu bánh nhanh lên”. Thấy bà nội con nói vậy bố vội chạy về phía buồng bên tay trái. Giấu bánh xong, bố chạy ra đến hiên, bác Thặng vẫn đang bịp mắt hỏi “ mày giấu xong chưa để tao mở mắt?”. Bố đáp “anh mở mắt đi.” Bác Thặng bỏ tay bịp mắt xuống quay lại nhìn bố tức giận vừa nói “ Mày chậm thêm tí nữa là tao…” vừa giơ tay lên như muốn tát bố. Bố vội nhìn bà nội con nói “Mẹ ơi anh…”. Bác Thặng vội bịp mồm bố lại. Bà nội con nói “Thôi không trêu em nữa, hai đứa ra khiêng bánh vào trong nhà cho mẹ, sắp giao thừa rồi.”. Thế là bố và bác Thặng cùng bà nội khiêng thúng bánh nặng ơi là nặng vào trong nhà. Rồi sau đó cả nhà quây quần chờ giao thừa.

Tôi kể đến đó dừng lại nhìn vợ con tươi cười. Con gái tôi vội hỏi:

– Thế chiếc bánh chưng của bố giấu ở đâu ạ?

Tôi cười nói:

– Bố giấu ở trong cái nu thóc.

– Nu thóc là cái gì ạ?

Con gái tôi hỏi, tôi cười đáp:

– Ngày xưa ở quê nhà nào cũng có một vài cái nu thóc to ơi là to làm bằng đất nung như cái chĩnh cái vại, hình thù nó na ná giống như cái bình hoa nhưng nó cao như bố và to hơn mấy lần người bố, hoặc có nhà xây gạch rồi chát bằng xi măng theo hình trụ hoặc hình vuông hay chữ nhật. Có nhà lại đóng bằng gỗ hình chữ nhật hoặc hình vuông dùng để đựng thóc. Trước bố hay chui vào nu thóc xúc thóc mang cho bà xát gạo đấy.

– Vậy bác Thặng có biết bố giấu bánh chưng ở nu thóc không ạ?

– Không, lúc bố giấu bánh chưng bố phải kê ghế đẩu rồi trèo lên ghế, kiễng chân lên thò đầu vào miệng nu thóc. Bới thóc sâu xuống thành cái hố, đặt bánh chưng vào đó rồi lại cào thóc phủ kín bánh chưng.

Tôi nói đến đó vợ con tôi bật cười. Tôi cũng phì cười, nhớ lại ngày đó đúng là không hiểu sao lại nghĩ ra cách giấu bánh như này.

– Cứ như mèo ấy…

Vợ tôi nhìn tôi tủm tỉm nói. Tôi lườm yêu vợ. Vợ tôi cười nhẹ, con gái tôi vội hỏi:

– Vậy hôm sau bố lấy bánh ra ăn ạ?

Tôi cười nói:

– Không, vì hồi đó tết mọi nhà đều luộc rất nhiều bánh chưng, có nhà luộc đến ba bốn chục cái, bữa nào cũng ăn hai ba cái mà vẫn thòm thèm chứ không phải chỉ mua hai cái để cúng đêm giao thừa và mùng 1 như nhà mình bây giờ đâu. Nên phải đến tận tối hôm mùng năm tết bà nội con bê mâm cơm ra đặt lên chiếu, bác Thặng nhìn mâm cơm vội hỏi “ Hết bánh chưng rồi à mẹ?”. Bà nội con nói “ trưa nay là cái cuối cùng rồi!”. Bác Thặng vội quay sang nhìn bố nói “ còn cái của thằng Phong nữa.”. Bố cười nói “ Em để dành, cho anh thèm!”. Bà nội con thấy vậy vội nhìn bố nói “ con cất đâu vào kiểm tra đi không mốc đấy!”. Bố nghe thấy vậy lo lắng vội chạy vào trong buồng, bới thóc, lấy cái bánh chưng lên, chạy ra đưa cho bà nội con. Đố con biết bánh chưng bị làm sao?

– Bị mốc!

Con gái tôi cười nói, vợ tôi cũng bật cười, tôi gật đầu, hỏi con gái:

– Còn gì nữa không?

Con gái tôi trau mày suy nghĩ giây lát rồi lắc đầu, tôi quay sang nhìn vợ, vợ mỉm cười lắc đầu, tôi nói:

– Lúc bố thò đầu xuống miệng nu thì thấy thóc bị bới ra hở một phần chiếc bánh chưng ra ngoài và có một lỗ chuột khoét rất sâu vào bánh. Bố liền xách chiếc bánh chưng còn bám đầy thóc ở lạt, ở kẽ lá, ở chỗ chuột khoét đưa cho bà nội con. Bà nội con vội cầm chiếc bánh phủ hết thóc ra rồi đưa lên mũi ngửi sau đó nhìn bố nói “ Có mùi mốc rồi. Chắc tại con giấu ở nu thóc nó nóng lên mốc, lại còn bị chuột ăn nữa. Để mẹ bóc ra xem có ăn được không nhé?”. Bố gật đầu, bà nội bóc bánh ra thì đúng là bóc đã có mốc xanh ở gạo ngoài ra góc bánh bị chuột khoét mất gần một phần tư chiếc bánh. Không hiểu sao con chuột có thể bới thóc nên khoét bánh được.

Tôi nói đến đó vợ và con gái tôi cười. Con gái tôi vội hỏi:

– Vậy chiếc bánh đó có ăn được không ạ?

Tôi đáp:

– Sau khi bà nội con bóc hết lớp lá dong thì bảo bác Thặng đi lấy dao, gọt hết lớp mốc ra và bảo “cho vào chảo rán là ăn được”. Sau đó bà nội con nhìn bố nói “ Sắt cho cụ, ông bà, bố mẹ với anh Thặng mỗi người một miếng bé nhé”. Bố quay sang nhìn bác Thặng rồi quay lại nhìn bà nội vẻ không vui nhưng vẫn gật đầu. Bà nội con cười, đặt con dao vào giữa cái bánh vừa sắt bánh vừa nói “ Sắt cho con miếng ở giữa, nhiều thịt nhất, to gấp hai mọi người, được không?”. Nghe vậy bố gật đầu tươi tỉnh hẳn lên, cầm sống lưng con dao của bà nội đang cầm đặt vào mặt bánh chưng một góc bé hơn góc bánh của bố rất nhiều, nói “ Mẹ sắt đến đây này, gần hết phần của anh Thặng”. Bà nội con nghe vậy liền cười nói “ Anh Thặng có công lấy dao, nhóm củi”. Bà nội con nhích con dao vào thêm phần bánh chưng chưa cắt để phần bánh của bác Thặng được nhiều hơn đồng thời nói “Như này chỉ bằng một nửa phần của con thôi, được không?”. Bố gật đầu. Bà nội con sắt xong mang đi rán.

– Thế mà con cứ tưởng bố ăn tham, mẹ con mình lại chơi với bố nhé.

Con gái tôi cười hì hì nói. Vợ tôi tươi cười gật đầu. Con gái tôi nói:

– Bố kể tiếp đi.

Tôi nói:

– Lát sau mọi người ngồi quây quần bên mâm cơm ăn bánh chưng rán đầu tiên. Bà nội của bố nhìn bố cười hỏi “Bánh chưng rán này là cái bánh của Phong đây hả?” Bố gật đầu cười, đưa miếng bánh đang ăn giở ở bát bỏ vào miệng cắn một miếng gập miệng. Bà nội bố cười nói “ Bánh ngon lắm!”. Mọi người gật đầu như đồng tình lời bà nội bố nói. Bố đang phồng mồm nhai bánh cười nói “ ì ó iều ịt à hỉ!” tròn vành rõ chữ là “vì nó nhiều thịt bà nhỉ!”.

Tôi vội nói vậy vì sợ vợ con không hiểu, vợ con tôi cùng bật cười, tôi cười nói:

– Vì miệng bố đang phồng mồm nhai bánh chưng mà. Bố nói vậy mọi người cùng gật đầu cười vui vẻ. Sau này lớn hơn vài tuổi bố mới biết, bánh ngon không phải nhiều thịt con à, mà là vì…
– Vì…vì sao hả bố?

Con gái tôi thấy tôi nói đến đó bỗng dừng lại giây lâu vội hỏi. Tôi hơi xúc động, cố gắng kìm lại, nhìn con âu yếm nói:

– Là vì bố chia bánh cho tất cả mọi người con à! Bố kể xong chuyện về chiếc bánh chưng rồi. Giờ bố sẽ ăn miếng bánh chưng con đang ăn dở kia nhé?

– Ứm, để con ăn.

Con gái tôi nói rồi cầm lấy đĩa bánh và đũa từ tay vợ tôi, như sực nghĩ ra chuyện gì vội nhìn tôi rồi quay sang nhìn vợ tôi nói:

– Bố mẹ ăn cùng con nhé?

Tôi và vợ tôi gật đầu mỉm cười. Con gái tôi cười nói:

– Để con chia phần cho bố.

Nói xong con gái gắp bánh đưa về phía miệng tôi. Tôi cắn một miếng nhỏ. Con gái đưa bánh về phía vợ tôi vợ tôi. Vợ tôi cắn một miếng nhau sau con gái tôi đưa lên miệng cắn một miếng. Cả nhà nhìn nhau ăn vui vẻ. Bỗng Mai đưa đĩa bánh cho tôi nói:

– Bố chia cho mẹ và con đi.

Tôi cười, cầm đĩa bánh, gắp bánh đưa về phía miệng vợ cho vợ cắn trước rồi đến Mai. Sau lại đưa đĩa bánh cho vợ, nói:

– Em chia cho anh và con nhé.

Vợ tôi gạt đầu cầm đĩa bánh, gắp bánh đưa về phía tôi, tôi cắn trước rồi đến Mai và miếng còn lại vợ tôi ăn nốt. Thấy vậy con gái tôi nói:

– A! hết bánh chưng rồi cả nhà mình đi biển thôi.

Lát sau, khi tôi đang lái ô tô đi được một đoạn đường đột nhiên Mai quay sang hỏi:

– Bố ơi, cái nu thóc bố giấu bánh chưng ngày xưa còn không bố?

– Còn con à, ông bà nội giữ lại làm kỷ niệm.

– Hay là cả nhà mình về quê thăm ông bà nội và xem cái nu thóc thay vì đi biển được không bố?

– Được!… Giờ bố sẽ quay xe đưa hai mẹ con về quê.

Nghe con gái nói vậy, tôi xúc động nói rồi quay xe đưa vợ con về quê thay vì đi biển như kế hoạch.