Mọi nơi trong thành phố đều được xem là lớp học. Ở trường, học sinh có thể học bằng cách chơi game khi đang ngồi trên ghế lười hạt xốp.

Cuối năm 2017, nhà báo John Kennedy của tờ Silicon Republic đến thăm trường Tiểu Học Kalasatama ở thủ đô Helsinki, Phần Lan. Ngôi trường ở trung tâm thành phố, nép mình bên bến cảng giúp anh tìm được câu trả lời về bí quyết thành công của nền giáo dục hàng đầu.

Đọc nhiều về cách Phần Lan cách mạng hóa hệ thống giáo dục để đạt vị trí cao trên bảng xếp hạng thế giới, Kennedy không còn kinh ngạc khi biết trường học nơi đây không có bài kiểm tra chuẩn hóa hay ít giao bài tập về nhà cho học sinh. Tuy nhiên, anh vẫn choáng ngợp bởi môi trường ấm áp, cung cấp những bữa trưa nóng hổi, những chiếc ghế lười hạt xốp và sự tồn tại của một “chú chó đọc sách”.

Lưu bản nháp tự động
Không gian học tập trong một phòng ở trường Kalasatama. Ảnh: Arch Daily

Trường Kalasatama mới hoạt động hơn một năm và hiện giảng dạy 120 học sinh. 10 lớp học được hướng dẫn bởi 13 giáo viên và 9 trợ giảng. Theo kế hoạch, trường sẽ phát triển số học sinh lên 750 vào năm 2020. Trẻ có thể đăng ký từ Mẫu Giáo và học liên cấp đến 15 tuổi.

Không bàn học, không thời gian biểu

Không gian trường học được Hiệu Trưởng Marjanna Manninen mô tả như một tòa nhà thông minh với 37 tấm pin mặt trời trên mái, các phòng đều có thể nhìn xuyên qua nhau nhờ cửa sổ lớn được lắp đặt ở mọi nơi.

Bước vào một lớp học, Kennedy nhận ra không học sinh nào đi giày, chỉ mặc tất. Không có phòng học cố định cho các nhóm học sinh. Khi tới trường, các em không về chỗ ngồi với chiếc bàn quen thuộc như ở mọi trường học trên thế giới.

“Chúng tôi không tin trẻ sẽ học tốt hơn khi ngồi vào bàn. Các em có thể đạt hiệu quả cao hơn 20 lần khi ngồi trên ghế lười, phụ thuộc vào việc đang học cái gì”, Manninen nói.

Theo bà, nguyên tắc cốt lõi của nhà trường là trẻ có thể học tập ở bất kỳ đâu. Toàn bộ thành phố Helsinki là lớp học, với những không gian lý tưởng như công viên, sở thú. Giáo viên thường xuyên đưa trẻ ra khỏi trường để học hỏi trong thế giới thực.

Bên cạnh đó, trường không lập thời gian biểu cụ thể mà phụ thuộc vào hoạt động của từng khối lớp. Giờ giải lao được xem là phần quan trọng trong ngày.

Một nhà báo đi cùng đoàn cho biết, một số trường ở New York chỉ cho học sinh giải lao 5 phút trong cả ngày học.

Kinh ngạc khi nghe điều này, hiệu phó Jukka Ihalainen nói: “Chúng tôi tin rằng trẻ nên chạy ra ngoài và chơi đùa trong mưa. Điều đó sẽ giúp chúng tập trung và học tập dễ dàng hơn”. 

Nói đến phương pháp giảng dạy ở trường, Ihalainen khoe bức ảnh về “chú chó đọc sách”. Những đứa trẻ vật lộn với việc tập đọc có thể tìm đến chú chó để thực hành. “Chó sẽ không phán xét bạn và sẽ luôn luôn lắng nghe”, ông nói.

Sự đa dạng là yếu tố không kém phần quan trọng. Tại Kalasatama, 50% học sinh hiện tại có nền tảng đa văn hóa. Trong không gian mở tràn ngập ánh sáng, mỗi đứa trẻ dễ dàng quan sát bạn bè và người lớn giao tiếp, làm việc chung. Đó là cách tiếp cận văn hóa dễ dàng nhất.

Trường không giới hạn học sinh trong những bức tường và cánh cổng. Trẻ có thể đến thăm cư dân lớn tuổi ở các ngôi nhà gần đó, hát cho họ nghe. Nhiều sự kiện ở trường cũng mở cửa cho những người già ở cộng đồng xung quanh.

Học tập thông qua trò chơi điện tử

Trường trang bị đầy đủ công nghệ, do đó học sinh không cần thiết phải mang theo các thiết bị của mình. Với môn khoa học, trẻ có thể nghiên cứu các dự án công nghệ thông qua trò chơi điện tử.

Peter Vesterbacka, đồng sáng lập công ty trò chơi điện tử Lightneer, cho biết có khoảng 300 công ty startup ở Phần Lan tập trung vào công nghệ giáo dục. Tại Kalasatana, học sinh chơi trò Big Bang Legends của Lightneer trên máy tính bảng và PC.

“Ý tưởng của chúng tôi là trẻ vừa chơi game vừa tiếp thu kiến thức mà không hề nhận ra. Tất cả nhân vật trong game đều từ bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học. Nhiều học sinh ở các trường học Phần Lan đang hâm mộ nhân vật Đồng, Heli và Neon. Chúng đều biết rằng Neon bao gồm 10 proton”.

Theo Vesterbacka, trong những quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng giáo dục thế giới, duy nhất Phần Lan không thuộc châu Á. Đất nước này đang cạnh tranh với Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc theo cách khác biệt.

“Một phần lý do cho sự thành công của Phần Lan trong giáo dục là ngày học ngắn, không giao nhiều bài tập về nhà và trẻ có cuộc sống bên ngoài trường học. Tuy nhiên, ở Singapore, ngày học bắt đầu lúc 6h sáng và tiếp tục cho đến tối mịt. Cha mẹ dành cả gia tài để thuê gia sư cho con vì việc học rất có tính cạnh tranh.

Nhiều người còn làm bài tập về nhà cho con nữa. Họ phải làm vậy, nếu không thì bọn trẻ sẽ không lên lớp được. Chuyện gì đang xảy ra vậy? Trẻ em cũng là con người, và chúng có nhân quyền. Ở đây, chúng tôi có cách tiếp cận thoải mái, bình thường mà vẫn đạt được kết quả hàng đầu”, Vesterbacka chia sẻ.

Lưu bản nháp tự động
Giống mọi trường học ở Phần Lan, Kalasatama đề cao thời gian giải lao, vui chơi của học sinh. Ảnh: Arch Daily

Kennedy cũng trò chuyện với Kirsi Haapamäki từ Mightifier, một ứng dụng phổ biến giúp học sinh phát triển về tinh thần và cảm xúc.

“Thế giới đang thay đổi nhanh hơn bao giờ hết, học sinh sau này sẽ làm những công việc mà thậm chí bây giờ chúng ta còn chưa định hình được. Giáo dục là giúp trẻ chuẩn bị câu trả lời cho các câu hỏi mà chúng ta chưa có, về một thế giới mà chúng ta chưa biết”, Haapamäki nói.

Ứng dụng Mightifier đưa ra 27 điểm mạnh của tính cách, bao gồm sự sáng tạo, khả năng lãnh đạo, lòng tốt và sự kiên trì. Khi sử dụng nó, trẻ được khuyến khích nói điều gì đó tích cực về bạn bè, bởi mỗi người đều có điểm mạnh riêng. Việc này khiến trẻ tin tưởng vào các mối quan hệ, giúp làm giảm thiểu nạn bắt nạt ở học đường và thoải mái phát triển các kỹ năng giải quyết vấn đề.

Mọi trường học đều bình đẳng 

Chuyến thăm Helsinki khiến Kennedy nhận ra niềm tự hào của mỗi cộng đồng trong trường học. Trên khắp cả nước, ngành giáo dục được tôn trọng và đánh giá cao, các nhà giáo dục cũng vậy.

“Là phụ huynh, bạn không cần băn khoăn nên sống ở đâu để con được tiếp cận giáo dục tốt hơn. Nơi bạn sống không quan trọng. Không có sự phân chia xã hội khi nói đến giáo dục. Mọi trường học ở Phần Lan đều bình đẳng”, Hiệu Trưởng Manninen nói.

Nguyên tắc này khiến người mới nhập cư hay trẻ có nhu cầu đặc biệt không chịu thiệt thòi, sớm hòa nhập và cùng phát triển.

Dù thành công trong giáo dục và được rất nhiều quốc gia học hỏi, Phần Lan vẫn hy vọng làm được nhiều hơn với một chương trình mới hơn. Sự can đảm và cởi mở với những thứ mới là điều khác biệt nhất của quốc gia Bắc Âu, bởi đa số nền giáo dục trên thế giới thường trung thành với chương trình giảng dạy lâu đời.