Phải nói là có nhiều thuyết khác nhau về nguồn gốc của từ Tàu này.

Từ Tàu để chỉ người hay nước Trung Hoa đã xuất hiện từ rất lâu đời trong tiếng Việt. Từ điển của Pigneaux de Béhaine (TK 18) ghi nhận từ “Tàu” này.
Có thuyết cho rằng Tàu là từ 艚 (tào) “tàu bè, tàu thuyền” mà ra. Huình-Tịnh Paulus Của viết “Người An Nam thấy tàu khách qua lại nhiều, lấy đó mà gọi là nước Tàu, người Tàu”. Gia Định Báo (số 5, năm thứ 6, phát hành ngày 16/2/1870) giải thích:

“…An-nam ta kêu là Tàu, người bên Tàu, là vì khách thường đi tàu qua đây, lại dùng tàu chở đồ hàng hóa qua đây buôn bán; nên kêu là Tàu, hàng Tàu, đồ Tàu v.v…”

Người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh – Wikipedia tiếng Việt

Lê Văn Hòe trong Tầm nguyên tự điển cũng có ý kiến tương tự khi cho rằng Tàu là vì người Trung Hoa sang nước ta thông thương, thường đóng các thuyền rất to, nên người dân gọi là người dưới tàu, người đi tàu rồi dần biến thành người Tàu.

Có thuyết cho rằng Tàu là đọc trệch từ chữ Tào, chỉ nước Ngụy mà ra. Đó là ý kiến của Vương Duy Trinh trong “Thanh Hóa Quan Phong” khi ông cho rằng Tàu là biến thể ngữ âm của Tào, là tiếng mà từ đời Tam Quốc, người Việt đã dùng để gọi nước Ngụy của Tào Tháo.

Có thuyết cho rằng Tàu là từ chữ Tào (nghĩa là quan). An Chi nhận xét Tàu là âm cổ Hán Việt của từ ghi bằng chữ 曹 mà âm Hán Việt hiện đại là tào, có nghĩa rộng là “cơ quan triều đình”, hiểu rộng ra là “quan”. Trong thời Bắc thuộc, nói chung giới cai trị là người Trung Hoa cho nên dân chúng đã quan niệm rằng người Trung Hoa là “tàu”, nghĩa là “quan”.

Có thuyết cho rằng Tàu có thể là một biến âm của đậu hay đẩu. So sánh các cách dùng đậu hủ 豆腐 còn gọi là đậu phụ, tàu hủ; tàu vị yểu (nước tương), chè tàu (táu) soạn …

Có thuyết cho rằng Tàu có thể liên hệ đến Tiều: các đợt di dân đến VN từ vùng Đông Nam TQ như dân Triều Châu 潮州 (Triều 潮 vần tiêu 宵, giọng Mân Nam đọc là tiau5, tio5 với âm đầu T-) chẳng hạn, cũng như nhà Trần từng có nguồn gốc đánh cá thuộc Mân tộc (từ tỉnh Phúc Kiến), do đó hai danh từ tàu và nước có phạm trù nghĩa rất đặc biệt và có vị trí quan trọng trong văn hóa ngôn ngữ VN (‘một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ’) (dẫn theo Nguyễn Cung Thông).
Thực ra, mỗi cách giải thích trên đều có lí của nó, cho nên câu trả lời về Tàu hiện vẫn còn chưa thực sự ngã ngũ.

Tuy nhiên, từ “Tàu” cho đến giữa thế kỉ XX vẫn được sử dụng một cách chính thức trong các văn bản báo chí, nghiên cứu… mà không hẳn đã mang một nét nghĩa miệt thị nào.