Địa phương được đề cập trong bài này có đến ba tên gọi: Đà Nẵng, Hàn và Tourane. Cả ba địa danh này đã được mọi người – giới biên khảo cũng như đại chúng – bàn thảo nhiều, hoặc qua sách vở hoặc qua những cuộc mạn đàm trong buổi trà dư tửu hậu. Những vấn đề được nêu lên ở đây là:
Các địa danh này do đâu mà có? Người ta đã xây dựng nên những giả thuyết nào quanh các tên gọi đó?
Các địa danh ấy có từ bao giờ?
1) Đà Nẵng
Nhiều nhà biên khảo, chẳng hạn ông Thái Văn Kiểm (1), Linh mục Phan Phát Huờn (2) và ông Lam Giang đều đồng ý rằng cái tên Đà Nẵng bắt nguồn từ tiếng Chàm mà ra. Theo Lam Giang, nguyên tiếng Chàm “Hang Danak” là bờ biển buôn bán. Còn “Danak” hay “Darak” có nghĩa là sông lớn, tức sông Hàn, mà sông lớn thì cố nhiên việc thủy vận tiện lợi, buôn bán phồn thịnh (3). Như vậy, Đà Nẵng là tên gọi do người Việt đã Việt hoá tiếng Chàm “Danak” hay “Darak” mà thành.
Một câu hỏi khác được đặt ra: tên gọi Đà Nẵng có từ bao giờ ?
Thật khó trả lời cho chính xác câu hỏi này. Sử cho ta biết rằng năm 1305, do cuộc hôn nhân giữa gái Việt trai Chiêm là công chúa Huyền Trân và vua Chế Mân, Đà Nẵng đã theo chân hai châu Ô và Lý nhập vào lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, không có tài liệu nào cho phép chúng ta ngày nay quả quyết rằng danh xưng Đà Nẵng đã xuất hiện ngay sau khi việc sáp nhập đó xảy ra, dù là đẩy thời điểm này lùi xa hơn về sau, cho đến hết thế kỷ XIV.
Tài liệu xưa nhất, theo chỗ chúng tôi biết, có gọi đích danh Đà Nẵng là sách Ô Châu Cận Lục của một tác giả vô danh viết vào năm 1553, đời nhà Mạc (4). Sách này, khi viết về đền Tùng Giang thờ thần Nguyễn Phục có ghi một câu vắn tắt như sau: “Đền ở cửa bể Tư Khách huyện Tư Vinh (5), còn một đền nữa ở cửa bể Đà Nẵng tỉnh Quảng Nam.” (tr. 73)
Nhưng Nguyễn Phục là ai? Cớ sao được dân Thừa Thiên và Đà Nẵng đua nhau lập đền thờ phụng làm thần? Sách Ô Châu Cận Lục kể lại câu chuyện khá chi tiết:
“Ông đỗ Tiến sĩ năm Quí Dậu, làm Chuyển vận sứ kiêm Hành khiển đạo Thanh Hóa. Khi (vua) Thánh Tông nhà Lê còn là ông Hoàng, ông từng làm chức Sư phó dạy Vương. Khi ngài lên ngôi vua, ông được thăng làm Hàn lâm viện Tham trưởng. Ba lần đi sứ Bắc quốc, lúc về được cử làm Đại lý Tự khanh, giữ việc thẩm lý những từ tụng trong nước. Rồi chuyển sang chức Hữu Tham nghị Bình chính viện, lại làm Đô chỉ huy sứ Thiêm viện ở Vệ Cẩm y, Thân quân. Hồi vua Lê đi đánh Chiêm Thành, ông phụng mệnh làm Phi vận tướng quân, Tán lý đội Chuyển thâu. Thuyền (chở lương) đến cửa bể Tư Khách chợt gặp bão, lộ trình rất là nguy hiểm. Mọi người sợ lương chậm thì bị tội, giục ông cho đội thuyền cứ lên đường. Ông nói: “Thà đem tấm thân bé nhỏ chịu hình phạt búa rìu chứ không nỡ đem của nông sản hữu hạn mà để chìm xuống biển, đưa bọn người vô tội làm mồi cho cá.” Nói xong, mới quyết chí cho neo thuyền lương lại.
“Vì cớ chậm trễ như thế nên quân lương bị thiếu thốn, vua Lê thấy vận lương sai nhật kỳ, nổi giận sai giam vào ngục. Bọn cung nhân và cận thần nhân đó gièm pha với vua, xin giết đi. Đến lúc vua sực giác ngộ ra, tuyên chiếu tha tội cho ông thì ông đã bị xử tử rồi.
“Sau đó thường hiển linh, nên dân địa phương lập đền thờ.” (tr.73)
Đoạn trích dẫn dài dòng trên đây thiết tưởng sẽ giúp chúng ta ngày nay soi sáng phần nào vấn đề đã được nêu ra: danh xưng Đà Nẵng có từ khi nào?
Thực vậy, Ô Châu Cận Lục viết năm 1553, nhưng lại kể một chuyện liên quan đến Đà Nẵng vào đời Lê Thánh Tông (1460-1497). Theo tinh thần câu chuyện đã kể, lại theo tiết lộ có đến hai đền thờ Nguyễn Phục làm thần – một ở Thừa Thiên và một ở Đà Nẵng – ta có thể hiểu rằng Nguyễn Phục đã bị giết ở Đà Nẵng. Chính ông thọ tử ở nơi này trong một tinh thần khẳng khái nên đã hiển linh ở đây và cũng hiển linh cả nơi đã từng trú quân khiến dân hai nơi đều cảm phục mà thờ phượng. Việc này chắc phải được đương thời truyền tụng dữ lắm nên mới có chuyện một tác giả vô danh của non một trăm năm sau biết đến và ghi chép khá ngọn ngành với đầy đủ yếu tố thời gian và nơi chốn v.v.
Chính vì vậy, ta có thể ước đoán rằng địa danh Đà Nẵng phải có trước năm 1470 (là năm Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành), tức là trước năm Nguyễn Phục thọ tử. Nếu lạc quan hơn một chút, có thể nói rằng danh xưng Đà Nẵng đã có từ nửa trước thế kỷ XV.
*
Nhân đây, chúng tôi cũng xin đưa ra một phát kiến liên hệ tới danh xưng Đà Nẵng. Gọi là một phát kiến vì đây là một khám phá mới mẻ đối với người Việt (bởi chưa có ai, chưa có sách vở nào nói tới) về một sự thực vốn đã hiện hữu bao thế kỷ nay: Đó là việc người Trung Hoa, dù thuộc bất cứ tỉnh nào, dù ở chính quốc hay hải ngoại, cũng không bao giờ gọi Đà Nẵng là Đà Nẵng. Họ gọi Đà Nẵng là Hiện Cảng hay Miến Cảng.
Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh cho thấy:
• Hiện (蜆): con hến
• Cảng (港): cửa biển Hai chữ này được người Trung Hoa phát âm như sau:
• Hải Nam: Hành Càng hay Hàng Càng
• Phúc Kiến: Hian Càng
• Triều Châu: Hien Càng
• Quảng Đông: Hín Cóong
• Quan thoại: Hìn Cóong
Tại sao lại gọi là Hiện Cảng? Phải chăng vì vịnh Đà Nẵng ngày xưa có quá nhiều các loại sò hến sinh sống? Điều này rất có thể, vì tại Đà Nẵng còn truyền khẩu câu ca dao đề cập đến nghề làm vôi hàu (vôi nung từ vỏ hàu vỏ hến mà ra) ngày xưa tại vùng Nại Hiên bây giờ:
Tuy nhiên, chính một số Hoa kiều trên lục tuần khi được chúng tôi phỏng vấn đã giải thích như sau:
Từ lâu lắm, không biết vào đời nào, chỉ biết người Tàu cha truyền con nối bảo nhau khi đi buôn bằng đường biển về phương Nam mà muốn đến xứ Quảng Nam bằng Hiện Cảng thì cứ men theo bờ biển, khi trông thấy chỗ nào có hòn đảo giống hình con hến là theo cửa biển nơi đó mà vào, đó là Hiện Cảng, không sai.
Hòn đảo nào gần Đà Nẵng có hình giống con hến? Những người được phỏng vấn dù biết chuyện nhưng không thể chỉ ra được. Điều này cũng dễ hiểu, vì mặc dầu những người này đã lớn tuổi nhưng khi đến lập nghiệp ở Hội An, Đà Nẵng vào đầu thế kỷ XX họ đã không còn dùng phương tiện di chuyển bằng thuyền buồm trên lộ trình bắc nam nữa như tiền nhân họ đã làm. Như vậy làm sao họ có thể được chỉ cho thấy đâu là “hòn đảo giống hình con hến”? Nghe được nguyên do câu chuyện để kể lại cho hậu thế đã là điều quí hiếm rồi, hà huống là được trông thấy hòn đảo!
Để giải đáp câu hỏi: hòn đảo nào có hình dáng con hến, điều cần nhớ trước tiên là hãy tự đặt mình vào địa vị của những người Trung Hoa đi biển về phương Nam ngày trước, nghĩa là phải nhìn hòn đảo từ trên mặt biển và nhìn từ hướng Bắc. Khảo sát các bản đồ Quảng Nam – Đà Nẵng có tỉ lệ lớn (1/25,000 hay 1/100,000) có thể thấy rõ duyên hải từ Thừa Thiên đến Quảng Nam chỉ có hòn Sơn Chà và cù lao Chàm là đáng để ý hơn cả. Cù lao Chàm là một nhóm đảo, ở xế về phía Đông Nam của Đà Nẵng nên không thể là một tiêu điểm tốt để chỉ lối cho người đi biển đến từ hướng Bắc tìm vào Đà Nẵng được. Chỉ có hòn Sơn Chà là đáp ứng đầy đủ các yếu tố định hướng cần thiết: trông từ hướng Bắc trên mặt biển hòn đảo trông giống như hình con hến hay con sò nhìn nghiêng, đảo lại nằm đúng trên hải trình Bắc – Nam đối với các loại thuyền buồm cận duyên; đến đảo này thì vào đúng ngay vịnh Đà Nẵng.
Hòn Sơn Chà
Cũng cần nói thêm rằng khi viết chữ Hiện (trong Hiện Cảng) đa số viết với bộ trùng (蜆) (vì con hến được xếp vào loại côn trùng) nhưng cũng có một số người Hoa viết với bộ sơn (峴). Khi được hỏi lý do về sự sai khác này một vài trong số các người Tàu lớn tuổi được phỏng vấn đã giải thích rằng những người viết chữ Hiện với bộ sơn vì họ không được biết nguồn gốc của tên gọi, không biết được chuyện có hòn đảo giống hình con hến chỉ lối mà chỉ thấy chung quanh Đà Nẵng toàn là núi non bao bọc nên họ nghĩ rằng viết với bộ sơn thấy hợp lý hơn. Dầu vậy, số này không nhiều.
Tóm lại, có một thực tế không thể nào chối cãi – và thực tế này đã xuất hiện từ lâu lắm rồi, rất khó xác định thời điểm, và vẫn tồn tại cho đến bây giờ – là người Trung Hoa khi muốn nói đến địa phương mà người Việt gọi là Đà Nẵng thì họ gọi và viết là Hiện Cảng (6).
Tình trạng này ăn sâu vào tâm trí của người Tàu đến nỗi khi thử yêu cầu một số đồng bào Việt gốc Hoa ở Hội An và Đà Nẵng viết hai chữ Đà Nẵng bằng chữ Hán thì họ nhanh nhẩu viết ngay hai chữ Hiện Cảng vì yên trí rằng đó chính là hai chữ mà người Việt đọc là Đà Nẵng. Mời bạn đọc xem phụ bản về một thiệp mời đề ngày 18-3-1974 của Đông Phương Ngân Hàng để thấy rõ bằng cớ hiển nhiên về những điều đã được trình bày.
2) Hàn
Đây là địa danh thông dụng nhất đối với quảng đại quần chúng ở Thừa Thiên và Quảng Nam, ít ra cũng dưới thời Pháp thuộc. Hồi bấy giờ, đối với người có Tây học họ quen nói đến Tourane; còn đối với đa số, chỉ biết có Hàn. Hầu như không mấy ai thắc mắc về danh xưng này; chừng như tất cả đều đồng ý rằng đó là tên gọi thuần tuý Việt Nam của Đà Nẵng (có nguồn gốc Chiêm Thành). Riêng chúng tôi không nghĩ thế.
Như sách Đại Nam Nhất Thống Chí (tỉnh Quảng Nam) trích dẫn lại từ tư liệu của Trung Hoa, là người Tàu đã biết và đã đến giao dịch với vùng đất Quảng Nam – cái nôi của Đà Nẵng – rất sớm, rất lâu trước khi vùng đất này trở thành lãnh thổ của Việt Nam. Do đó, theo truyền thống Hán tộc, người Trung Hoa đã bất kể người dân gọi địa phương đó là gì, mà tự đặt cho nó một tên riêng để gọi với nhau, do đó cái tên Hiện Cảng thành hình.
Từ tên gọi này những di dân Việt Nam đầu tiên khi định cư ở Đà Nẵng đã nghe và Việt hoá thành Hàn. Nói rõ hơn, chúng tôi nghĩ rằng cái tên Hàn cũng không có nguồn gốc thuần tuý Việt Nam. Người Việt Nam đã nghe người Tàu gốc Hải Nam phát âm Hiện Cảng là “Hành Càng” hay “Hàn Càng” mà Việt hoá thành Hàn.
Trước khi trình bày tiến trình luận lý dẫn đến kiến giải vừa nói, tưởng cũng nên nói rằng không thể nào quả quyết hay đưa ra một kết luận, dù chỉ là tạm thời, rằng Đà Nẵng có trước hay Hàn có trước. Tuy nhiên, dù danh xưng nào có trước đi nữa cũng không ảnh hưởng gì đến giả thuyết vừa nêu trên và tiến trình luận lý sau đây:
Đối với những vùng đất mới khai phá hay sáp nhập, chính quyền thường giành lấy quyền đặt tên để chứng tỏ chủ quyền quốc gia. Tuy nhiên, điều này không ngăn cản việc dân chúng đặt cho vùng đất đó một tên riêng theo cảm tính của họ, phù hợp với đặc điểm địa phương, nhất là đối với những vùng hẻo lánh, nhỏ bé như Đà Nẵng vào buổi sơ khai mới nhập Việt tịch. Phải đặt tên mới cho dễ gọi vì tên cũ của Chiêm không phải dễ nghe dễ đọc đối với dân khai hoang. Cách đặt tên dễ nhất, nhanh nhất, trong trường hợp này là mô phỏng theo tên sẵn có. Muốn thế, phải hỏi người đang sống ở địa phương rằng: Đây gọi là gì?
Nếu người được hỏi là người Chàm thì câu trả lời là “Darak” hay “Danak”, từ đó được Việt hoá thành Đà Nẵng.
Nếu người được hỏi là người Tàu (Hải Nam) thì câu trả lời là “Hành Càng” hay “Hàn Càng”, từ đó được Việt hoá và rút gọn thành Hàn.
Đến đây,có ít nhất ba vấn đề được đặt ra cho người viết, là:
• Tại sao đã có “Đà Nẵng” rồi, lại còn đặt thêm “Hàn”? (Nếu cho rằng Đà Nẵng có trước Hàn) hoặc tại sao có “Hàn” rồi, lại đặt thêm “Đà Nẵng”? (Nếu cho rằng Hàn có trước)
• Tại sao lại mô phỏng theo cách phát âm của người Tàu Hải Nam mà không phải là người Tàu các tỉnh khác? Thiếu gì người Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Quảng Tây… qua làm ăn sinh sống ở Việt Nam.
• Tại sao Darak” hay “Danak” được Việt hóa thành Đà Nẵng với đầy đủ hai âm tiết, còn “Hàn Càng” hay “Hàn Càng” thì cụt lủn thành Hàn?
Sau đây là những giải đáp:
• Để trả lời câu hỏi thứ nhất, cần biết rằng tại vùng Quảng Nam – Đà Nẵng, trong khi chưa thấp thoáng bóng người Việt thì bên cạnh người Chiêm đã có người Trung Hoa đến giao dịch hoặc sinh sống, như sử sách và tư liệu đã ghi chép. (7)
Vì thường lui tới nên phải tìm cách chỉ cho nhau biết nơi muốn đến. Đà Nẵng được người Tàu gọi là Hiện Cảng là vậy. Vì sao người Trung Hoa không mô phỏng theo tên địa phương sẵn có của người Chiêm mà lại đặt tên riêng? Cần nhớ rằng người Tàu luôn luôn mang mặc cảm tự tôn của “thiên triều”, của con người thuộc đất nước là trung tâm bốn phương thiên hạ (Trung Hoa) (8) nên thường sáng tác địa danh nước người để dùng riêng với nhau và không mấy khi chịu tham khảo hay mô phỏng theo dân địa phương.
Vậy khi người Việt đầu tiên đến Đà Nẵng thì tại đây đã có người Chiêm và người Trung Hoa. Đối với cả hai hạng người này người Việt đều có lý do để làm quen và nêu lên câu hỏi: Đây gọi là gì?
Hỏi người Chiêm vì người Chiêm là dân thổ sinh thổ cư. Hỏi người Tàu vì giữa người Hoa và người Việt từ bao đời vẫn có một mối giao tình quen thuộc; người Việt hay tin ở “các chú”.
Nếu hỏi người Tàu trước để có danh xưng “Hàn” thì việc gì không hỏi người Chiêm thêm nữa, “để xem Hời nó gọi cách sao”, và từ đó có thêm tên “Đà Nẵng”.
Nếu đã hỏi người Chiêm trước để có danh xưng “Đà Nẵng” thì việc gì gặp “các chú” lại không hỏi thêm, “để coi các chú gọi nơi này là gì, vì họ tới trước mình”, từ đó có thêm “Hàn”. Ngoài ra, một địa phương có nhiều tên cũng không có gì đáng ngạc nhiên và cũng không có gì để gọi là thừa.
• Vấn đề thứ hai: tại sao danh xưng Hàn mang nguồn gốc Hải Nam?
Tuy khó viện dẫn sử liệu thành văn hoặc những thống kê dân số để chứng minh nhưng có một sự thực hiển nhiên là tại các tỉnh miền Trung (từ Thừa Thiên đến Quảng Ngãi) thành phần người Hoa gốc Hải Nam chiếm đa số trong lớp người Tàu đến lập nghiệp. Chúng tôi nghĩ rằng đây không phải là một hiện tượng mới của thời hiện đại mà chỉ là sự tiếp nối của một thói quen đã có từ trước, thuở xa xưa.
Thật vậy, so với đồng bào họ thuộc các tỉnh khác như Quảng Đông, Phúc Kiến, Triết Giang v.v. thì người Tàu ở Hải Nam có điều kiện thuận tiện nhất để đến Việt Nam với số đông. Trước hết, họ là dân hải đảo nên rành nghề đi biển. Thứ hai, với vị trí đặc biệt của nó, Hải Nam gần như cách đều duyên hải Việt Nam từ Mông Cái đến Quảng Ngãi. Vào mùa gió thuận, chỉ cần dong buồm một ngày hơn là họ có thể xuôi về phía Nam, đến Đà Nẵng – Hội An một cách dễ dàng. Theo đường chim bay, cực Nam của Hải Nam, nơi có cảng Yulikan (Du Lân Cảng), chỉ cách Đà Nẵng chừng 270 km.
Vì sự có mặt đông đảo đó nên người Việt khi bước chân đến vùng đất mới đã dễ dàng gặp người Hải Nam trước hết, và qua cách phát âm của họ về cái tên Hiện Cảng thành “Hành Càng”, “Hàn Càng”, người Việt đã tạo ra địa danh Hàn.
• Câu hỏi còn lại: tại sao từ “Hành Càng” “Hàn Càng” sau khi Việt hoá chỉ còn lại có Hàn?
Có hai lý do để giải thích: thứ nhất, khi người Hải Nam phát âm hai chữ Hiện Cảng, chữ Hiện được nhấn mạnh hơn chữ Cảng. Do đó, có thể người Việt đã chú ý nhiều đến “Hành” và “Hàn” và bỏ qua “Càng” để chỉ còn lại Hàn mà thôi.
Thứ hai, hơn dân tộc nào hết, người Việt có một khiếu thẩm âm rất bén nhạy. Cả một rừng ca dao tục ngữ của nền văn chương bình dân đã chứng tỏ điều đó. Âm điệu luôn luôn được chú trọng trong ngôn ngữ Việt Nam. Sự trầm bổng, nhịp nhàng trong câu văn, lời thơ, câu nói, thường ít khi bị bỏ quên vì đó là yếu tính.
Vì vậy, không lý gì lại duy trì tiếng “Cảng” sau chữ “Hàn” để tạo thành một cái đuôi nặng nề, lổn nhổn khó nghe. Do đó, sự rút gọn thành “Hàn” là hợp lý.
3) Tourane
Tourane là tên chính thức, tên pháp định của Đà Nẵng từ 1888 cho đến hết thời Pháp thuộc, dù rằng trước đó danh xưng này đã có rồi.
Cái tên Tourane được dùng từ bao giờ?
Điều có thể nói được là danh xưng này chỉ mới thông dụng đối với người Pháp khoảng từ nửa sau thế kỷ XVIII trở đi, khó mà sớm hơn được. Điều này được xác nhận qua những tư liệu, sách vở của các giáo sĩ, thương gia, các nhà hàng hải Pháp viết về Việt Nam từ khi họ tiếp xúc với nước ta cho đến đầu thế kỷ XIX.
Vậy, trước khi có “Tourane” người Tây phương nói chung và người Pháp nói riêng gọi Đà Nẵng bằng gì?
* Giáo sĩ Buzomi, đến Đà Nẵng năm 1615, đã gọi nơi này là Porte de Kéan (9). Có lẽ chữ Kéan là do giáo sĩ nghe từ chữ Cửa Hàn hay Kẻ Hàn mà ra.
* Bản đồ châu Á do Sanson d’Abbeville vẽ năm 1652 ghi Đà Nẵng là Turaon (10)
* Giáo sĩ Christoforo Borri, đến Đà Nẵng năm 1618, khi viết hồi ký về xứ Đàng Trong của chúa Nguyễn đã gọi Đà Nẵng là Touron.
* Giáo sĩ Alexandre de Rhodes, đến Đàng Trong năm 1624, từng lui tới Đà Nẵng nhiều lần, đã gọi nơi này là Turon. Còn trong các bản đồ do ông vẽ thì vị trí Đà Nẵng được ghi là Cuahan ou Chean ou Turon (11) hoặc Cuahan (12).
Những danh xưng như Cuahan, Porte de Kéan, Turon, Touraon đều dần dần biến mất nhanh chóng. Đến nửa sau thế kỷ XVIII chỉ còn lại Touron và sự thịnh hành của Tourane. Chẳng hạn bản đồ Đông Dương do giáo sĩ Prévost vẽ năm 1752, vịnh Đà Nẵng được ghi là Baie de Touron (13). Cái tên Touron cũng được nói đến trong lá thư đề ngày 12-2-1778 của Chevallier, Thống đốc Chandernagor (Ấn Độ thuộc Pháp) gởi cho Toàn quyền Pháp ở Pondichéry.
Cũng đáng kể là một điều khá “kỳ cục” khi có nhiều học giả bận tâm bàn luận hoặc xây dựng những giả thuyết về nguồn gốc cái tên Tourane mà không hề đả động gì đến những cái tên tiền thân của nó như Turaon, Turon hay Touron. Làm như trước sau cũng chỉ có một Tourane mà thôi, quên mất rằng cái tên này chỉ có khi Pháp qua chinh phục Việt Nam. Điều này sẽ được thấy rõ qua các thuyết sau đây:
• Thuyết của ông G. Cordier
Ông G. Cordier, trong cuốn Cours de Langue Annamite trang 40, đã giải thích về nguồn gốc chữ Tourane rằng:
“Tourane, theo một vài người, là lối nói trại chữ Châu Ranh; theo vài người khác, là nói trại chữ Đà Nẵng ( 沱㶞) mà người Trung Hoa ở Hải Nam phát âm thành Tou-nan, còn người bản xứ gọi là cửa Hàn” (14)
Bulletin de la Société d’ Enseignement Mutuel du Tonkin (B.S.E.M.T.) là một tập san giáo dục. Khi ban biên tập trích dẫn kiến giải của Cordier để giải đáp thắc mắc cho độc giả có nghĩa là họ cũng tán đồng giải thích đó. Thực ra, giải thích ấy chỉ có vẻ hợp lý bề ngoài. Thử hỏi danh xưng Châu Ranh đã đắc dụng vào thời nào để có thể là nguyên nhân biến hoá thành Tourane? Nếu cho rằng Châu Ranh là tên gọi của Hoá Châu (bao gồm vùng Bắc Quảng Nam, trong đó có Đà Nẵng), một vùng lãnh thổ của Đại Việt giáp ranh với Chiêm Thành, vậy cái tên Hóa Châu quen thuộc trong sử sách đã không được người đương thời dùng đến hay sao?
Mặt khác, khi Cordier nói Tourane là do người Pháp phiên âm từ hai chữ Tou-nan (đọc là Tu-nân) theo cách đọc của người Tàu Hải Nam thì rõ ràng ông ta đã không biết rằng từ bao đời nay người Trung Hoa không biết tới Đà Nẵng mà chỉ biết có Hiện Cảng. Vậy họ căn cứ vào đâu để đọc Đà Nẵng thành Tou-nan?
Điều chúng tôi muốn bổ túc để làm vững thuyết này là giả thuyết rằng khi người Pháp đầu tiên đến Đà Nẵng, không biết nơi này gọi là gì theo cách ghi chú bằng chữ Hán trên bản đồ nên đã đưa bản đồ nhờ một Hoa kiều ở Đà Nẵng đọc giúp. Tình cờ, người này lại là một Hoa kiều gốc Hải Nam, thấy bản đồ ghi hai chữ Đà Nẵng bèn đọc là “Tu nân”, thế là ông Tây ghi thành Tourane. Chúng tôi nhấn mạnh là đưa bản đồ nhờ đọc hộ địa danh đã được ai đó ghi chú bằng chữ Hán, vì, nếu người Pháp hỏi miệng rằng “Nơi này gọi là gì?” thì câu trả lời sẽ là “Hành Càng” hay Hàn Càng” chứ không phải là “Tou-nan”. Khi Cordier nói người Pháp gặp người Tàu Hải Nam chứ không phải Phúc Kiến hay Triều Châu ông đã làm mạnh thêm luận cứ chúng tôi nêu ở trước: Hoa kiều Hải Nam có mặt đông đảo hơn Hoa kiều các tỉnh khác nên người ta dễ dàng gặp gỡ, thế thôi.
Mặc dù có thiếu sót, thuyết này tương đối đáng được chấp nhận hơn các thuyết khác – như sẽ thấy sau đây – vì “Tou-nan” vừa có thể cắt nghĩa được sự thành hình của Tourane mà còn giải thích được những danh xưng tiền thân của nó, như Turaon, Turon, Touron.
• Thuyết do ông Thái Văn Kiểm dẫn.
Khi đề cập nguồn gốc địa danh Đà Nẵng, ông Thái Văn Kiểm viết:
“Có người táo bạo cho rằng Tourane do hai chữ Châu Ranh, có nghĩa là châu làm ranh giới giữa nước Việt và nước Chiêm ngày xưa kia.
“Còn một thuyết nữa, khá vững vàng, cho rằng Tourane bắt nguồn từ một làng sở tại tên là Thạc Gián mà viết lầm là Tu Gián, vì hai chữ Thạc và Tu viết gần giống nhau; do đó, qua một người thông ngôn bất thông, người Tây phương đã phiên âm Tu Gián ra Tourane.”
Chúng tôi thiết nghĩ, nếu chấp thuận việc Tourane là do Tu Gián mà ra, thì có hai vấn đề được đặt ra:
Thứ nhất, nếu Tu Gián biến thành Tourane thì tiền thân của nó là Turon, Touraon, Touron do đâu mà ra ? Thứ hai, nếu đã sống ở địa phương hoặc có nghiên cứu ít nhiều bản đồ hình thể và hành chánh Đà Nẵng người ta lại càng khó chấp nhận thuyết đã dẫn. Thật vậy, sau khi vào cửa Hàn, thuyền buồm thường đổ bến tại tả ngạn (khu trung tâm thành phố ngày nay) là nơi dân cư quần tụ đông đúc và có các cơ quan kiểm soát của nhà nước. Kể từ cửa sông đi ngược lên, dọc tả ngạn, người ta sẽ lần lượt gặp các làng Thạch Thang, Hải Châu chánh xã, Phước Ninh, Nại Hiên Tây… Lên bờ, băng qua một trong các làng vừa nói, tiến về phía tây sẽ gặp làng Thạc Gián. Tại sao lại có người Pháp ngớ ngẩn đến độ không hỏi những người gặp ngay sau khi đổ bộ mà phải lặn lội vào trong xa, gặp làng Thạc Gián mới hỏi để rồi từ đó sinh ra lầm lẫn mà thành Tourane ? (15)
• Thuyết của Auguste Haussmann.
Haussmann là một thương nhân Pháp, cùng đi trên tàu Alomène của Fornier Duplan, đến Đà Nẵng vào tháng 6-1845 (đời Thiệu Trị). Trong cuốn hồi ký Voyage en Chine, Cochinchine, Inde et Malaise, xuất bản ở Paris năm 1848, có đoạn nói về nguồn gốc danh xưng Đà Nẵng như sau:
“…Ngày hôm sau, khoảng 5 giờ sáng, chúng tôi ngược giòng sông để thăm thành phố hay làng Tourane mà người bản xứ đã gọi một cách giản dị là Hane (tức Hàn) rồi người Pháp đã sửa lại cái tên (thành Tourane), vì lý do ngày xưa có một cái tháp dựng trên lối vào” (sông)… (…Le lendemain, à 5 heures du matin, nous partons par le grand canal pour aller visiter la ville ou village de Tourane, que les indigènes ont appelé simplement Hane et dont les Francaises ont altéré le nom à cause d’un tour (sic) qui s’élevait jadis à son entré… ) (16)
Căn cứ vào nguyên văn, điều nhận xét đầu tiên của chúng tôi là chữ “un tour” không ổn và sự sai lầm này không biết do ai, tác giả hay ấn công ? Trong tiếng Pháp, “un tour” có nghĩa là một vòng, một lượt, còn “une tour” mới là cái tháp. Vì thế, căn cứ vào mạch văn và ý tác giả muốn nói gì, chúng tôi đã hiểu là “une tour qui s’e’levait” “một cái tháp dựng lên” thay vì bám vào chữ “un tour” vô nghĩa.
Theo như trích dẫn vừa nói thì Haussmann có ý muốn cắt nghĩa rằng chữ Tourane là do người Pháp ghép hai chữ “Tour” (cái tháp) và Hane (Hàn) mà thành. Nói một cách khác, vì ngày xưa trên lối vào sông Hàn có một cái tháp nên người Pháp đã nhân đó gọi Đà Nẵng là vùng Tháp Hàn (17) tức Tour Hane rồi biến thành Tourane. Điều này mới nghe qua thấy cũng có vẻ lý thú vì nghe ra khá hợp lý, nhưng xét lại thì thuyết này không đứng vững được vì không giải thích được hai câu hỏi sau:
• Tháp nào được dựng lên trên lối vào sông Hàn? Dựng vào thời nào? Để kỷ niệm ai hay ghi nhớ điều gì?
• Nếu do “Tour Hane” mà thành “Tourane” thì những danh xưng có trước Tourane như Turon, Touraon, Touron do đâu mà có, trong khi những cách gọi này đã được những người đến Đà Nẵng trước Haussmann cả trăm năm dùng đến rồi?
Tóm lại, nguồn gốc cái tên Tourane quả đã gây cảm hứng cho nhiều người, làm nảy sinh nhiều giả thuyết, nhưng xem ra chả có thuyết nào chấp nhận được, vì không vấp khuyết điểm này thì cũng rơi vào khuyết điểm khác. Thành ra, cho đến nay vấn đề nguồn gốc danh xưng Tourane vẫn chưa được giải quyết. Ngày nay cái tên Tourane đang đi dần vào lãng quên đối với mọi người nhưng dầu sao nó cũng đã có mặt trong lịch sử, không thể không ghi lại như dấu tích một thời. (18)
Võ Hương An (Võ Văn Dật)
_____
(1) Trong Từ Faifo – Tourane đến Hone-Cohé – Nha Trang, SDMN, loại III, No 1 (1961)
(2) Trong Việt Nam Giáo Sử (Sàigòn, 1965) Q.1, tr.26
(3) LAM GIANG, Trần Quí Cáp và tư trào cách mạng dân quyền đầu thế kỷ XX, Đông a (Saigon, 1971), tr.89-90
(4) Bản dịch Việt ngữ của Bùi Lương, Văn Hóa Á Châu (Saigon, 1961)
(5) Tức cửa Tư Hiền, thuộc huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên ngày nay.
(6) Điều này cũng tương tự như người Trung Hoa gọi Sàigòn là Tây Cống và Phnom Penh là Kim Biên, San Francisco là Cựu Kim Sơn v.v.
(7) Có thể đọc về vấn đề này trong: Đại Nam Nhất Thống Chí, sđd, tr.5; Việt Sử: Xứ Đàng Trong (Saigon, 1970) tr, 15-34 của PHAN KHOANG; Theo dõi sự phát xuất và phát triển của một câu ca dao (VHNS No 3 và 4) của NGUYỄN VĂN XUÂN.
(8) Nhà văn BÌNH NGUYÊN LỘC có viết truyện dài Xô Ngã Bức Tường Rêu để phân tích mặc cảm này, khá sâu sắc và dí dỏm.
(9) TABOULET, La Geste Francaise en Indochine (Paris,1956), t.II, tr.10
(10) TABOULET, Sđd, phụ bản kế trang 80.
(11) THÁI VĂN KIỂM, bài đã dẫn ở trước, trong SDMN
(12) NGUYỄN THẾ ANH, Bibliographie critiqué sur les relations entre le Vietnam et l’Occident (Paris, 1967), phụ bản I
(13) TABOULET, Sđd, phụ bản kế trang 128
(14) B.S.E.M.T.tome XIV (1934), tr. 71: Quelle est l’origine des noms de Faifo, de Tourane et de Cochinchine?
(15) Bài báo đã dẫn. Nguyên văn không chú chữ Hán. Đại Nam Nhất Thống Chí, Sđd, trang “tứ”, dòng 2, ghi Thạch Giản ( ), như cách đọc trong Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh (Minh Tân, Paris, 1950). Tuy nhiên, tại địa phương, trên giấy tờ chính thức cũng như trong ngôn ngữ hàng ngày đều gọi là Thạc Gián. Quả thật hai chữ Thạc () và Tu () viết na ná giống nhau.
(16) TABOULET, sđd, tr.365
(17) Điều này cũng tương tự như người Việt gọi Tháp Chàm (Phan Rang) còn Pháp thì gọi là Tour Cham.
(18) Ngoài các giả thuyết đứng đắn vừa trình bày, tại địa phương không thiếu những nhà trí thức lớn tuổi truyền miệng các thuyết khác, đượm tính chất hài hước nhưng vẫn có người tin là thật. Chẳng hạn:
1) Khi người Pháp mới đổ bộ lên vùng Đà Nẵng, họ gặp một bà già đang ngồi rang cua. Không biết nơi này gọi là gì, bèn hỏi. Do ngôn ngữ bất đồng, bà già tưởng người Pháp muốn hỏi “món gì đó?”, bèn mau mắn trả lời “phải, cua rang đây”. Thế là “ông Tây” lấy sổ tay ra ghi thành Tourane.
2) Trong cuộc viễn chinh của Pháp và Tây Ban Nha tại Đà Nẵng vào năm 1858-1859, họ đem theo nhiều lừa để chuyển vận. Họ dựng một cái tháp trên bãi thả lưà để canh chừng. Người Pháp gọi đó là Tour d’âne (Tháp coi lừa). Từ đó gọi thành Tourane.
3) Khi người Pháp đến, Đà Nẵng chỉ là một thị trấn nhỏ bé, cưỡi lừa (âne) đi dạo một vòng (un tour) thì hết thành phố. Vì vậy, người Pháp gọi Đà Nẵng là thành phố đi một vòng lừa, un tour d’âne, lần lần biến thành Tourane.
Phụ bản:
Thiệp mời của Đông Phương Ngân Hàng 1974