Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) là một ngày lễ truyền thống chủ yếu của Hoa Kỳ và Canada, ngày để các thành viên trong gia đình sum họp cùng thưởng thức một bữa tối đầm ấm, và tất nhiên, món ăn không thể thiếu trong ngày này là một chú gà tây được chế biến thơm ngon. Cùng ACT tìm hiểu xem có những điều đặc biệt gì về ngày lễ này bạn nhé!
Xá tội Gà Tây
Mỗi mùa Thanksgiving, tổng thống Mỹ sẽ “ân xá” cho một con gà tây được chọn. Con gà này sau đó được đưa về trang trại, nơi nó sống hết những ngày còn lại của mình.
Tuy nhiên, trái với những gì đa số người Mỹ biết, Tổng thống George HW Bush không phải là tổng thống Mỹ đầu tiên thực hiện nghi thức này. Theo Nhà Trắng, truyền thống này có từ thời Tổng thống Lincoln, khi con trai ông là Tad cầu xin ông viết một lời xá tội dành cho con gà tây sắp được dùng trong bữa ăn của gia đình ông vì cho rằng nó cũng có quyền được sống. Ông Lincoln đã chiều lòng con trai và con gà tây đã được phóng sinh.
Nguồn gốc của ngày Lễ tạ ơn
Lễ Tạ ơn đầu tiên của Mỹ được tổ chức vào tháng 11/1621 tại Plymouth, Massachusetts, nhằm tỏ lòng biết ơn những người da đỏ và mừng vụ mùa đầu tiên ở vùng đất mới.
Chuyện bắt đầu khi một nhóm người hành hương từ châu Âu sang Mỹ trên chiếc tàu Mayflower vào tháng 11/1620. Họ cập bến tại Plymouth thuộc vùng New England đúng vào lúc mùa đông ở đây vô cùng khắc nghiệt. Cùng với đó, cuộc sống thiếu thốn và dịch bệnh đã giết chết 46 người trong số 102 của đoàn.
Bức tranh The First Thanksgiving at Plymouth (Lễ Tạ ơn đầu tiên tại Plymouth) của Jennie A. Brownscombe năm 1914
May mắn là họ gặp những người của dân da đỏ tốt bụng, cung cấp lương thực và dạy họ trồng bắp, săn thú rừng. Tháng 11/1621, đoàn di dân mời các thổ dân da đỏ đến ăn mừng lễ Tạ ơn Thượng Đế đã ban phước cho mùa gặt thành công, giúp họ tồn tại và sinh sôi phát triển.
Ý nghĩa ngày Lễ tạ ơn với người Mỹ
Đối với nhiều người dân Mỹ, lễ Tạ ơn mang ý nghĩa biểu tượng quan trọng gắn với huyền thoại lập quốc. Những người hành hương trên con tàu Mayflower năm 1620 là nhóm đầu tiên đặt chân đến Tân Thế giới, sống sót và gây dựng thuộc địa đầu tiên Massachusetts.
Những nỗ lực di cư trước đó của người Anh đều thất bại. Song ngày lễ này lại gợi cho người Mỹ bản địa nỗi buồn về sự bất công mà họ phải chịu đựng những năm sau đó.
Dẫu sao đây cũng là dịp để người dân nước này sum họp, quây quần bên gia đình, cùng nhau thưởng thức bữa ăn ấm cúng và gửi cho nhau những lời cám ơn. Vì thế, lễ Tạ ơn còn được xem là kỳ nghỉ của gia đình.
Vì sao gà Tây lại là món truyền thống trong ngày Lễ tạ ơn
Tại Mỹ, hơn 50 triệu con gà tây được đưa lên bàn ăn mỗi năm và hầu hết để phục vụ cho lễ Tạ Ơn. Cho tới ngày nay, chưa ai xác định được chính xác vì sao gà tây lại được chọn làm món ăn truyền thống trong ngày lễ Tạ Ơn ở Mỹ, các nhà sử học có một vài giả thiết.
Trong những lá thư của các cư dân tới Mỹ thời kỳ đầu, bữa ăn lịch sử giữa những người khai phá và bộ tộc Wampanoag có thịt bò và một loại thịt gà. Sau này, bữa ăn đó được biết tới như là lễ Tạ Ơn đầu tiên. Tuy không xác định được loại gà nào được sử dụng trong bữa ăn nhưng trong một lá thư của người hành hương Edward Winslow thời ấy có viết về một bữa ăn nổi tiếng vào năm 1621 đề cập đến một cuộc đi săn gà tây trước bữa ăn tối.
Một giả thuyết khác về món gà tây trong lễ Tạ Ơn là món ăn này được truyền cảm hứng từ Nữ hoàng Anh Elizabeth I. Trong thế kỷ 16, Nữ hoàng Elizabeth nhận được tin một đội tàu chiến của Tây Ban Nha đã chìm trên đường tấn công nước Anh, trong khi đang ăn tối, bà vui mừng đến mức đã yêu cầu phục vụ thêm một con ngỗng quay. Một số người cho rằng, lấy cảm hứng từ sự kiện này, những người định cư đầu tiên ở Mỹ đã quay một con gà tây.
Một số khác cho rằng, sở dĩ gà Tây trở thành món truyền thống trong lễ Tạ Ơn bởi gà tây hoang dã có nguồn gốc từ Bắc Mỹ.
Có 3 thị trấn ở Mỹ có tên là Turkey (Gà tây)
Theo Tổng Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ. Ba thị trấn nhỏ ở Mỹ được đặt tên theo loài chim được yêu thích của đất nước này có tên gà tây (Turkey) là: Turkey ở Texas; Turkey ở North Carolina; và Turkey ở ouisiana; trong đó Turkey ở Texas là thị trấn có dân số đông nhất với 421 cư dân. Còn có hai thị trấn ở Pennsylvania được gọi là Upper Turkeyfoot và Lower Turkeyfoot.
Thomas Jefferson đã hủy bỏ Lễ Tạ Ơn trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của mình
Theo tờ The Washington Post, George Washington (tổng thống thứ nhất của Hoa Kỳ) là người đầu tiên tuyên bố Lễ Tạ Ơn, nhưng mỗi năm, các vị tổng thống phải tuyên bố lại ngày này. Thomas Jefferson (tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ) đã rất cương quyết phản đối Lễ Tạ Ơn, bởi vậy ông đã từ chối tuyên bố một kỳ nghỉ lễ dành cho ngày này trong nhiệm kỳ tổng thống của mình. Nhiều người nói rằng ông đã gọi kỳ nghỉ này là “ý tưởng vô lý nhất từng được hình thành”.
Hầu hết các sử gia đều đồng ý rằng lý do Jefferson từ chối tuyên bố kỳ nghỉ là vì ông sốt sắng tin vào sự tách rời mối quan hệ giữa nhà thờ và nhà nước, ông cho rằng ngày “cầu nguyện” này đã vi phạm Tu chánh án thứ nhất.
Mãi đến năm 1863, khi Abraham Lincoln (tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ) tuyên bố Lễ Tạ Ơn là một trong những kỳ nghỉ cấp liên bang, nó mới chính thức được lên kế hoạch là sẽ được tổ chức vào ngày thứ Năm của tuần thứ tư của tháng 11 hàng năm.