Địa danh “Hà Nội” có từ bao giờ và do ai đặt ra? Có phải là do Pháp? Trung Quốc có địa danh “Hà Nội” hay không?

Địa danh Hà Nội của Việt Nam ra đời năm Minh Mạng thứ 12 (1832). Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn đã chép: “Đời Hùng Vương xưa là bộ Giao Chỉ, đời Tần thuộc nước của An Dương Vương; đời Hán là bộ Giao Chỉ; đời Tuỳ là quận Giao Chỉ; đời Đường là An Nam đô hộ phủ, bấy giờ mới đắp thành Đại La. Nước ta

nhà Đinh đầu đời Thái Bình gọi là đạo; nhà Tiền Lê, đầu đời Ứng Thiên gọi là lộ; nhà Lí đầu đời Thuận Thiên làm Đô thành, lại gọi là Nam Kinh, thành gọi là Thăng Long (trước gọi là Long Thành), phủ gọi là Ứng Thiên (…); nhà Trần đầu đời Thiệu Bảo đổi là Trung Kinh; thời thuộc Minh làm trị sở của ba ti phủ Giao Châu và gọi là thành Đông Quan (…). Năm Thuận Thiên thứ 3, đổi Đông Quan làm Đông Kinh; lại gọi là Trung Đô; đời Quang Thuận đặt phủ phụ quách của

Kinh thành, đổi phủ Ứng Thiên làm Phụng Thiên (…); từ đời Hiển Tông trở đi gọi là Đông Đô (đời Lê Hiển Tông gọi Thanh Hoa là Tây Đô, nên gọi thành Thăng Long là Đông Đô). Tây Sơn gọi là Bắc Thành. Bản triều năm Gia Long thứ 1, đặt Bắc Thành tổng trấn lãnh 11 trấn (…) Năm Minh Mệnh thứ 12 bỏ Bắc Thành tổng trấn, chia tỉnh hạt, đem huyện Từ Liêm thuộc tỉnh Sơn Tây đổi lệ vào phủ Hoài Đức, lại lấy 3 phủ Ứng Hoà, Lí Nhân và Thường Tín thuộc Sơn Nam đặt riêng làm tỉnh Hà Nội và đặt chức tổng đốc Hà-Ninh coi cả hai tỉnh Hà Nội và Ninh Bình (…)” (1)

Cũng Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn đã chép về thành của tỉnh Hà Nội như sau: “Chu vi 432 trượng linh, cao 1 trượng 1 thước 2 tấc, hào rộng trên dưới 4 trượng, mở 5 cửa, ở địa phận hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận. Từ đời nhà Lê về trước, kinh đô đều đặt ở đây; lại có tên là thành Phụng Thiên, ở trong thành Đại La. Thành lâu năm sụt đổ, đến đời Tây Sơn, theo nền cũ đắp thành quanh từ cửa Đông Hoa đến cửa Đại Hưng; bản triều đầu đời Gia Long lấy làm lị sở của Bắc Thành (…) Năm Minh Mệnh thứ 12, chia tỉnh hạt, lấy thành này làm thành tỉnh Hà Nội năm thứ 16, cho rằng thân thành quá cao, giảm bớt đi 1 thước B tấc. Các đời Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị dùng thành làm sở bang giao”

Vậy địa danh Hà Nội không phải là do người Pháp đặt ra, Còn ở Trung Quốc thì cũng có địa danh Hà Nội, thuộc tỉnh Hà Nam, từ sông Hoàng Hà trở về Bắc (từ sông Hoàng Hà trở về Nam thì gọi là Hà Ngoại). Đời Hán đặt làm quận và lấy Hà Nội làm tên gọi.

  1. Bản dịch của Phạm Trọng Điểm, Huế, 1992, tập 3, tr. 160 – 161.