Đồi Braemar, một khu dân cư sang trọng với cảnh quan tuyệt đẹp, dường như không thể là hiện trường của một vụ án, đặc biệt nạn nhân là người phương Tây.

Cho đến tận ngày nay, vụ án mạng kép trên đồi Braemar ở Hồng Kông vẫn gợi nhắc sự kinh hoàng lẫn buồn tủi dù đã 20 năm trôi qua kể từ ngày nó xảy ra, không chỉ bởi tính tàn bạo mà hai nạn nhân ở tuổi vị thành niên đã phải chịu đựng mà còn bởi thực tế rằng cho đến nay nó vẫn là vụ giết người duy nhất liên quan đến cộng đồng người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Hồng Kông.

Quay ngược thời gian khi Hồng Kông vẫn còn là thuộc địa của Anh và vẫn đang trong giai đoạn phát triển rực rỡ. Kenneth McBride, 17 tuổi, và cô bạn gái Nicola Myers, 18 tuổi, không trở về nhà sau khi buổi ngoại khóa ở đồi Braemar một chiều tháng 4.1985. Sáng hôm sau, một người dân chạy bộ buổi sáng đã vô cùng choáng váng khi phát hiện thi thể bị đánh bầm dập của hai người.

Vụ án mạng làm rúng động Hồng Kông (Kỳ 1):
Kenneth McBride và Nicola Myers.

Đồi Braemar, một khu dân cư sang trọng với cảnh quan tuyệt đẹp, dường như không thể là hiện trường của một vụ án, đặc biệt nạn nhân là người phương Tây. Bạo lực thường xuyên bị giới hạn xảy ra giữa các băng nhóm xã hội đen và hầu hết các vụ án mạng tại Hồng Kông chỉ chuyện giữa người Hoa với nhau. Chính vì thế cái chết của Kenneth và Nicola đã dẫn đến một cuộc truy tìm lớn của cảnh sát, với quy mô chưa từng thấy trước đây và cả đến ngày nay, khi hơn 600 cảnh sát và lính Anh đồn trú ở Hồng Kông lục soát toàn bộ khu vực để tìm kiếm manh mối. Đó là chưa kể cả việc lục soát trên không bằng trực thăng.

Quy mô điều tra lớn chưa từng thấy này đã khiến nhiều người chỉ trích rằng cảnh sát sẽ không bỏ qua nhiều nhân lực và vật lực như thế nếu như nạn nhân là người Hoa. Thậm chí cảnh sát còn treo thưởng 500.000 HKD, số tiền thưởng lớn nhất trong lịch sử các vụ án mạng ở Hồng Kông. Báo chí Hoa ngữ đã liên tục cáo buộc cảnh sát phân biệt chủng tộc, lãng phí tiền bạc và nhân lực. Một blogger Hồng Kông nhớ lại: “Liệu có thể tưởng tượng rằng chính phủ Hồng Kông có chịu mọi rắc rối như thế nếu như nạn nhân chỉ là những đứa trẻ người Hoa sống trong các khu nhà công ở Kowloon hay không?”

Chắc chắn ông không phải là người duy nhất nghĩ như vậy. Nhưng vào thời điểm đó, khi hầu hết các quan chức cấp cao nhất của Hồng Kông đều không phải là người bản địa, sự chia rẽ ta/họ là rõ ràng hơn và khía cạnh gây choáng váng nhất trong vụ án này là một điều ghê tởm như thế lại có thể xảy ra với người nước ngoài ngay tại thiên đường riêng của chính họ. Quả thực, vụ án mạng diễn ra rất tàn bạo. Kenneth bị trói, bị đánh, bị bóp cổ. Trên người nam sinh này có tổng cộng hơn 100 vết thương. Con số này trên người Nicola là 500. Cô gái trẻ bị trói, gần như khỏa thân, bị cưỡng bức và rõ ràng bị tra tấn trong thời gian khá lâu.