Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự bùng nổ công nghệ của thế kỷ 21, rất nhiều ngành nghề bị đào thải và nhiều ngành nghề mới sẽ xuất hiện.
Để đào tạo ra nguồn nhân lực phù hợp và chủ động thích nghi với những biến đổi của thế giới tương lai, giáo dục cần có những thay đổi rõ rệt và hiệu quả hơn. Trong đó, tập trung đào tạo tư duy và kỹ năng được xem là chìa khóa cốt lõi.

Các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới đang thay đổi như thế nào?

Theo dự đoán của Diễn đàn Kinh tế thế giới, đến năm 2025 con người chỉ chiếm khoảng 48% lực lượng lao động, còn máy móc và các thuật toán chiếm đến 52%. Cho nên việc giáo dục đơn thuần chỉ tập trung vào truyền đạt kiến thức không còn phù hợp nữa. Thay vào đó, phương pháp tập trung vào tư duy và kỹ năng, những yếu tố rất “con người” mà máy móc không thể thay thế ngày càng được chú trọng. Đây là cốt lõi của giáo dục hiện đại, nơi đào tạo ra nguồn nhân lực sẵn sàng thích nghi trước mọi sự thay đổi.
Xu hướng giáo dục thế giới: Tập trung đào tạo kỹ năng thế kỷ 21 - ảnh 1
Trên thực tế, các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới đã tập trung đào tạo các kỹ năng hữu ích cho tương lai như: kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sáng tạo và tư duy phản biện. Sự rèn luyện và kết hợp giữa các kỹ năng trở thành chiến lược giáo dục thiết yếu mà nhiều quốc gia hướng đến.
Tại Mỹ, các phương pháp giáo dục thường xuyên được cập nhật và đổi mới, nhất là việc tập trung vào kỹ năng và tính áp dụng thực tế. Chẳng hạn từ năm 2007, rất sớm so với các nước khác, giáo viên đã yêu cầu học sinh lớp 4 phải trải nghiệm thực tế ít nhất 50% số bài học trên lớp và báo cáo lại những gì đã làm được.
Còn ở Phần Lan, chương trình giáo dục cơ bản cốt lõi của quốc gia năm 2016 đã nhấn mạnh việc đào tạo nền tảng học tập suốt đời cho học sinh. Chương trình cũng chú trọng vào đào tạo các kỹ năng và khả năng tự hoàn thiện bản thân. Như vậy, bên cạnh việc học sinh chỉ học 20 tiếng mỗi tuần và một nửa tập trung vào thực hành thì việc rèn luyện kỹ năng cần thiết của thế kỷ 21 cũng trở thành chiến lược hàng đầu của nền giáo dục luôn đứng top đầu thế giới này.