Thờ phượng Tổ Tiên là một tập tục đặc thù của dân tộc Việt Nam để con cháu hiếu thảo luôn luôn tưởng nhớ đến các tiền nhân trong gia đình đã quá vãng. Do đó việc thờ phượng, cúng giỗ là những dịp để thành kính tưởng niệm. Thờ phượng Tổ Tiên không phải là một tôn giáo như có người đã lầm tưởng khi xưng họ theo Đạo Ông Bà. Một tôn giáo thường phải có tín lý, qui điều, định chế, giáo luật, những nghi lễ nhất định phải theo, tín điều, điều răn, giới cấm cùng một hệ thống giáo hội với một hệ thống lãnh đạo và hàng ngũ tu sĩ, tăng, ni, tín đồ.

bantho

Tập tục thờ phượng Tổ Tiên không có những tính cách đó, cũng không có qui điều, giới luật, điều răn giới cấm hoặc một hệ thống giáo hội, không có dẫn dắt chỉ đạo, không có truyền giảng hay kinh kệ. Đối với dân tộc Việt Nam, một đại gia đình bao gồm tất cả Ông Bà Tổ Tiên từ quá khứ xa vời cũng như tất cả con cháu hiện sống và những kẻ hậu sinh trong tương lai chưa đến. Người sống trong hiện tại có bổn phận đối với những người đã chết. Những người đã chết vẫn tiếp tục giữ những địa vị nhất định trong gia tộc. Mỗi người Việt Nam đều có một ý thức về thế hệ của mình. Việc thờ phượng Tổ Tiên là gạch nối liền những người đi trước với những người đang sống trong hiện tại và với những thế hệ về sau. Người lo việc thừa tự trong gia đình là đại diện cho những người còn sống, mang ý nghĩa như một gạch nối liền giữa quá khứ và tương lai.

Cội rễ của việc thờ phượng Tổ Tiên của người Việt Nam là sự tin tưởng ở sự tồn tại của linh hồn. Tổ Tiên tiếp tục sống trong con cái và cháu chắt. Người chết cũng như kẻ còn sống là biểu hiệu cho sinh lực của gia đình. Người đang sống luôn luôn nghĩ rẳng Ông Bà Tổ Tiên đã qua đời có nhiều khôn ngoan từng trải hơn những người chưa đi qua con đường đời họ đã đi, cho nên người đã chết sẽ phù hộ cho con cháu bằng những khuyên răn, dạy dỗ mà người sống có thể cảm nhận bằng thần giao cách cảm. Người còn sống trông nhờ được Ông Bà Tổ Tiên che chở, giúp đỡ. Đối với họ, Tổ Tiên sẽ không quên con cháu, nếu con cháu tỏ ra xứng đáng nhận hưởng sự phù hộ của linh hồn người đã chết. Vì vậy Tổ Tiên có một ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống thường nhật của người dân Việt Nam: Sự sinh hoạt như thế nào để không làm tủi hổ danh dự của Ông Bà, sự ước mong làm cho người chết được hả dạ, noi gương Tổ Tiên và xử sự cho đúng đắn với sự phù hộ của người qua đời, tất cả những ý tưởng này là chỉ đạo phẩm hạnh cho người đang sống.

Lòng tôn kính người đã chết được thể hiện qua tục lệ thờ phượng Tổ Tiên. Thờ phượng Tổ Tiên vừa là cách biểu lộ vừa là điều kiện làm mật thiết sự liên hệ sâu đậm giữa người chết và kẻ sống. Lễ thờ cúng Tổ Tiên được diễn ra trước bàn thờ người đã chết vào những dịp nhất định. Bàn thờ Tổ Tiên được xem là nơi thiêng liêng nhất và được dựng nơi trang trọng nhất trong nhà. Các gia đình giàu có hay các gia tộc lớn có khi thường xây riêng một căn nhà để thờ phượng. Các dịp thờ cúng Tổ Tiên có thể là những ngày Tết, lễ Thanh Minh hay Trung Nguyên hoặc những dịp kỵ giỗ và ngày mà Ông Bà đã qua đời.

Vật lễ cúng tùy theo khả năng của người cúng, và chỉ có tính cách phụ thuộc, cần nhất phải tinh khiết và sự thành tâm của người cúng. Người Việt Nam giữ gìn nguyên tắc rằng Tổ Tiên phải được đối đãi như thể còn sống (sự tử như sự sinh) cho nên trong những dịp giỗ kỵ người Việt Nam thường dọn cúng những món ăn mà họ được biết lúc sinh thời người chết đã thích. Vì chỉ là Tưởng Niệm nên nhiều người hiểu rằng Ông Bà Tổ Tiên đã qua đời đâu có ăn được. Vì muốn xử sự Tổ Tiên Ông Bà thể như còn sống, cho nên trong những dịp lễ lạc này người ta khấn vái hương hồn người đã chết về tham dự, ngoài ra người sống phải phúc trình với Tổ Tiên về mỗi biến cố trong gia đình: Sinh đẻ, cưới hỏi, tang chế v.v…

Sự duy trì việc thờ phượng cho đúng lễ và giữ đúng ngày cúng giỗ rất quan trọng để Ông Bà được hả dạ nơi suối vàng. Nhờ phong tục thờ Ông Bà, người Việt Nam tin nơi hương hồn người khuất bóng. Con, cháu, chắt đều nhớ tất cả ngày giỗ kỵ của Tổ Tiên, bà con đã chết. Dầu làm việc hằng ngày khổ cực nơi đồng áng hay mệt nhọc nơi thư phòng, họ vẫn nhớ còn bao nhiêu ngày nữa sẽ đến ngày giỗ ông Cố, còn không đầy tháng nữa sẽ đến ngày giỗ Bà Nội hay Ông Bác v.v… và cứ như vậy những người ở thế hệ này không quên thế hệ trước, thế hệ sau sẽ không quên thế hệ này. Tạo ra được tục lệ thờ phượng Tổ Tiên, tiền nhân vẫn tiếp tục sống mãi trong tâm hồn kẻ hậu thế. Gia đình sẽ là một sợi dây chuyền nối liền quá khứ với hiện tại và tương lai. Nhờ vào sự thờ phượng Tổ Tiên, con người của mỗi thế hệ đều biết rõ Tổ Tiên của mình, biết rõ nguyên quán của dòng họ mình, rồi từ nguyên quán biết rõ cội nguồn của dòng họ.

Khi mỗi họ trong nước Việt Nam đều biết rõ cội nguồn của mình thì tất nhiên toàn dân Việt Nam phải biết nguồn gốc dân tộc mình ở đâu. Như thế việc thờ phượng Tổ Tiên giúp người Việt Nam luôn luôn hướng vọng về cội nguồn của dân tộc qua Ông Bà, Tổ Tiên đã sáng dựng nên dân tộc và lập quốc mà họ thường gọi là Quốc Tổ. Suốt gần ngàn năm Bắc thuộc, bị quân xâm lăng tịch thu hết gia phả, tộc phả, phá hủy hết bia đình, hay di tích lịch sử cũng bị đầu độc bằng những sử liệu ngụy tạo cốt làm cho người Việt Nam tưởng mình cũng là con cháu nhà Hán nhà Minh bên Tàu, nhưng dân tộc Việt Nam qua các đời nhờ có tập tục thờ phượng Tổ Tiên vẫn nhớ rõ cội nguồn của dân tộc là tại bản địa.

Thờ phượng Tổ Tiên là căn bản của tính cách cha truyền con nối trong gia đình Việt Nam. Vai trò đặc biệt của người trưởng nam phát sinh từ sự kiện là việc thừa tự theo nguyên tắc phải do con trai trưởng đảm nhận sau khi bậc cha mẹ đã qua đời. Như vậy, trong vai trò thừa tự, một mình người con trưởng tạo điều kiện cho cả gia đình tiếp xúc với Tổ Tiên (từ thời Lê, đã có thêm tập luật là khi không có con trai thì người trưởng nữ chưa lấy chồng đảm nhận trách nhiệm thừa tự). Do đó đến ngày Tết hay ngày giỗ cha mẹ đã quá cố của mình, các người con trai, con gái cùng con cháu họ đều tề tựu tại nhà người anh trưởng của mình để thờ cúng. Vì thế thông thường ngày trước người con trai trưởng vì trách vụ thừa tự của mình mà phải sinh sống nơi quê quán của cha mẹ thì dầu các người con khác có lưu lạc đi xa mà làm ăn sinh sống đi nữa, thì đến ngày giỗ hay ngày Tết cũng cố gắng trở về thăm lại quê quán để thờ phượng Tổ Tiên.

Đặc trách vụ thờ phượng Tổ Tiên cho người con trai trưởng nam như vậy, Tổ Tiên chúng ta đã một cách gián tiếp làm cho con cháu nhân dịp cúng giỗ có dịp tiếp xúc liên lạc với nhau, có dịp hiểu biết nhau hơn và tạo được sự đoàn kết và thân mật trong anh em họ hàng. Ngoài ra khi nhận được trách vụ thờ phượng, người con trai trưởng nam phải tự tạo cho một cuộc sống gương mẫu làm gương cho anh em họ hàng, để được xứng đáng với sự ủy thác của những người quá cố. Do đó các anh khác phải luôn tôn trọng người anh trưởng và nghe theo những lời khuyên lơn của anh mình. Như vậy trong gia đình có được một nếp sống đầy kỷ cương, trật tự đầy tình thương mà trong đó mọi người đều cố gắng tự tạo cho mình một lối sống đầy đạo đức, cần mẫn hòng vinh danh gia đình dòng họ của mình.

Dân Việt Nam thường lưu truyền mảnh đất nơi chôn nhau cắt rốn của mình, tha thiết với cái nhà nơi mình được cha mẹ nuôi dưỡng lớn lên với bao nhiêu kỷ niệm. Do đó tại thôn quê dầu cuộc sống nhiều khổ cực nghèo khó, họ vẫn không rời cái nhà của họ. Và cũng vì thế trải qua bao cuộc chiến tranh tàn phá, bom đạn hiểm nguy, họ vẫn „bám trụ“ ở lại để bảo vệ căn nhà của Ông Bà để lại, để giữ gìn bàn thờ Ông Bà hay Cha Mẹ khỏi cảnh „hương tàn khói lạnh“ hoặc xả thân kháng chiến để ngăn ngừa quân thù đến giày xéo mồ mả của Tổ Tiên họ. Như vậy đủ hiểu từ sự thờ phượng Tổ Tiên chuyển qua sự tha thiết lưu luyến căn nhà của cha mẹ ông bà nơi nguyên quán, sẽ tạo dựng cho mỗi người dân Việt Nam một tình yêu quê hương đất nước rất mãnh liệt.

Nói tóm lại việc thờ phượng Tổ Tiên không chỉ là một lề lối để nhớ ơn Ông Bà Cha Mẹ đã qua đời, mà còn thúc đẩy con cháu phải có một nếp sống gương mẫu tạo tiếng tốt làm hiển danh người đã qua đời. Nhưng HIẾU không chưa đủ còn phải THẢO nghĩa là phải có tình thương yêu giữa vợ chồng, anh em, tạo được sự hòa thuận trong họ hàng. Tất cả phải được như vậy để vừa lòng Ông Bà Cha Mẹ đã quá vãng.

Vài ý niệm sai lầm về tập tục thờ phượng Tổ Tiên

1) Tập tục thờ phượng Tổ Tiên là một tập tục đặc thù có từ thời nguyên thủy của dân tộc Việt Nam chớ không phải do tiếp xúc với văn hóa Trung Hoa mà có. Dân Trung Hoa chỉ bắt đầu thờ phượng từ thời Ngũ Đại với phương thức khác hơn lối thờ phượng của người Việt Nam. Truyền thuyết về chuyện vua Hùng truyền lệnh cho các con lo chuẩn bị những món ăn để cúng ông bà trong dịp đầu năm và sau đó lang Tiết Liêu được vua cha nhường ngôi là một bằng cớ.

2) Việc đốt giấy vàng bạc trong dịp cúng được du nhập từ Trung Hoa trong thời Bắc thuộc dân tộc Việt Nam có một nền văn hóa nông nghiệp ổn định, mọi tục lệ đều do đời sống hài hòa mà có. Chỉ những dân có nền văn hóa du mục mới có những tục lệ do sự đe dọa sợ hãi mà có. Người Việt Nam có một ý niệm sau khi chết là Về Quê hay Về Với Ông Bà Ở Miền Vĩnh Phúc. Thân xác trở về với cát bụi thì đâu có cần tiền bạc, xe, nhà làm gì như giới thợ mả thường xúi giục để làm giàu cho chúng. Nếu ai có tin thì cứ thử đốt vàng thật, bạc thật có phải thật lòng hơn không.

3) Lễ thờ phượng Tổ Tiên thuộc phạm vi riêng tư của mỗi gia đình chỉ nên được cử hành tại nhà người con trai trưởng nam của gia đình đó hoặc những tiền nhân quá năm đời trước thường được thờ cúng tại nhà thờ của chung cả họ. Những lễ thờ phượng Tổ Tiên như đám giỗ chẳng hạn không thể được cử hành tại chùa hay nhà thờ. Làm như vậy là không hiểu biết gì hết về nghi thức, mục đích và dụng ý của việc thờ phượng Tổ Tiên mà người xưa đã tạo dựng ra. Vừa rồi ở Việt Nam, có cả một xóm đạo cử hành một lễ giỗ chung cho Tổ Tiên của các gia đình trong xóm. Lễ được cử hành long trọng có chiêng trống cờ xí linh đình. Làm như vậy là biến việc thờ phượng Tổ Tiên thành một nghi thức tôn giáo chẳng khác gì người Tây phương hàng năm một ngày lễ cho các người chết (Fête des morts). Làm như vậy chẳng khác gì người Đông Nam Á có lễ Thanh Minh. Như vậy không thể thay thế việc thờ phượng Ông Bà trong mỗi gia đình mà những mục đích đã được nêu trước đây. Trái lại những lễ cầu hồn, cầu siêu cho người quá vãng nên được cử hành tại chùa hay nhà thờ mới đúng. Một vài gia đình để hình ảnh đức Phật hay Chúa chung trên bàn thờ cha mẹ hay ông bà của mình. Như thế là không đúng. Con cháu hiếu thảo tưởng niệm nhớ ơn cha mẹ ông bà và việc tín đồ sùng kính tôn thờ Chúa hay Phật là hai trạng thái khác nhau. Nếu có thờ Chúa thờ Phật trong nhà thì nên để ảnh Phật hay ảnh Chúa ở một bàn thờ trang trọng khác.

4) Có gia đình thường mượn dịp nhà có đám giỗ để thết đãi bạn bè hoặc để „ngoại giao“ với quan quyền. Cho nên có những cảnh trớ trêu, trên bàn thờ hương thắp chưa tàn được một nửa, thấy quan quyền tới dự ngại họ phải đợi, người nhà lo hạ bàn cúng sớm để kịp tiếp đãi khách. Đó là những việc làm thất lễ với Ông Bà của mình. Nói tóm lại việc Thờ Phượng Tổ Tiên là một tập tục mà tiền nhân đã tạo dựng ra để răn dạy và tạo dịp cho con cháu phải hiếu thảo nhớ ơn các bậc cha mẹ ông bà trong gia đình, con cháu phải sống trong kỷ cương nền nếp đức hạnh để vui lòng và xứng đáng với người quá vãng. Trong gia đình giữa anh chị em hay con cháu phải hòa thuận thương mến đoàn kết bảo vệ lẫn nhau. Tất cả như vậy hình thành một đại gia đình gương mẫu làm hả dạ bậc Ông Bà Cha Mẹ tuy đã qua đời.