Trong khi viết quốc ngữ, người Đàng Trong hay lẫn lộn về dấu ngã dấu hỏi cũng như người Đàng Ngoài hay lẫn lộn về x với s, ch với tr. Đó là tại phát âm không phân biệt. Nếu trong khi phát âm, người Đàng Ngoài phân biệt được ch với tr, x với s, người Đàng Trong phân biệt được ngã với hỏi thì thôi, sự ấy không còn thành ra vấn đề.

Hiện nay chưa làm thế nào chữa cho phát âm được đúng, nghĩa là có phân biệt, mà muốn viết quốc ngữ cho khỏi trật, thì chỉ duy có một cách nhớ thuộc lòng từng chữ mà thôi. Vẫn biết cách ấy thật mất công và nhọc trí, nhưng ngoài nó ra, ai cũng đã chịu là không còn có cách gì khác.

Tôi, người Đàng Trong, mà viết không mấy khi sai ngã, hỏi, là chỉ nhờ nhớ thuộc lòng.

Thế mà mới rồi, một người làng tôi, anh Nguyễn Đình, học tại ban Sư phạm trường Khải Định, tìm ra được một phép, nói rằng nhờ đó có thể phân biệt được dấu ngã dấu hỏi trong khi viết. Anh ấy có gởi cho tôi bài này nhờ tôi giới thiệu đăng lên Tạp chí Tao đàn.

Tôi đọc bài của anh, phải dụng công nghiền ngẫm trong mấy tối, rốt cục tôi cũng chưa dám chắc cái “luật” ấy có quả thành được luật không, và có đem ra áp dụng được không. Vì còn có chỗ khả nghi như tôi sẽ viết làm “lời phụ” sau đây để bạn đọc khi đọc bài của anh xong sẽ đọc tới.

Dù vậy, cái bài của anh Nguyễn Đình thì thật đáng giới thiệu cho độc giả của Tao đàn, tôi thật lấy làm hân hạnh mà giới thiệu bài của anh. Bởi vì cái bài có giá trị về khoa học. Dù vạn nhất sau này cái luật của anh có không thành luật nữa thì cái óc khoa học của Nguyễn Đình, người ta cũng phải nhìn nhận.

Lâu nay, các tác phẩm bằng sách hoặc trên báo chí dưới mắt chúng ta, toàn có một mặt xu hướng về văn học mà hầu như tuyệt nhiên không có về khoa học. Chỉ tôi là kẻ có tư tưởng trái mùa, hay than vãn về sự ấy. Bởi vậy, trong khi giới thiệu bài của anh Nguyễn Đình, lòng tôi còn có sự hể hả mà cơ chừng người ngoài không hiểu thấu.

Đây sắp xuống là bài của anh.

LUẬT NGÃ, HỎI

Thấy nhiều bạn viết quốc ngữ, dấu ngã dấu hỏi sai lầm nhiều quá, tôi khuyên họ chú ý đến dấu một chút, thì họ trả lời bằng một câu ngắn ngủi thế này: “Cần gì phải phân biệt ngã hỏi, miễn người ta hiểu là được”. Những người ấy không biết yêu tiếng mẹ đẻ, và không hiểu cái hại của sự hỗn độn trong cách viết. Mong rằng họ sẽ hiểu và chú ý đến quốc văn hơn một chút.

Trái lại, nhiều bạn vì thổ âm sai, nên muốn phân biệt ngã, hỏi phải cố hết sức học từng chữ, từng tiếng một, như học cả quyển tự điển Việt Nam vậy. Học những chữ chỉ tên thì còn có thể được, chứ đến những tiếng thuộc về loại khác, và những tiếng kép rất nhiều lại rất thay đổi, thời sự học thuộc lòng mới phiền phức cho! Cách học như thế quá nhọc, mà nhiều lúc trí nhớ hay lừa ta một cách đáng buồn. Chính tôi cũng từng qua cái khổ sở trong cách học như thế, vì ở Quảng Nam, một chỗ mà thổ âm hay sai lầm, người muốn viết đúng quốc ngữ phải nhọc công gấp mấy người ngoài Bắc. Nhưng may thay tôi vừa tìm ra một luật để phân biệt hỏi ngã mà tôi tưởng là có thể dùng được, tôi xin đem cống hiến cho các bạn là người Trung, Nam Kỳ.

Trước khi nói đến luật ngã, hỏi, tôi xin nói qua luật tiếng kép, vì luật ngã, hỏi mà tôi đem công bố ra đây, tùy theo luật tiếng kép mà tìm ra được.

Luật tiếng kép lấp láy

Tiếng ta, có tiếng đọc nặng, có tiếng đọc nhẹ, có tiếng đọc giọng cao, có tiếng đọc giọng thấp. Vì thế nên chia ra làm hai loại:

1) Loại tiếng nặng (đọc giọng cao): có dấu hỏi, sắc và bằng (không dấu, thường gọi là thượng bình thanh).

2) Loại tiếng nhẹ (đọc giọng thấp): có dấu ngã, nặng và huyền (huyền: hạ bình thanh).

Cũng một tiếng, nhưng khi ta muốn làm cho ý ta mạnh hơn hay yếu đi một chút, ta lại gấp đôi tiếng ấy lên, như nhỏ nhỏ mãi mãi.

Lại có lúc nó đổi hẳn ra một chữ khác không nghĩa lý gì nhưng vẫn đồng nguyên âm (lettre initiale) như: may mắn, nhọc nhằn, sằng sặc, đèm đẹp hay đẹp đẽ…

Vì vậy, thường một tiếng nôm muốn thành ra một tiếng kép đồng nghĩa, phải thêm vào một tiếng nữa, tuy không nghĩa lý gì, nhưng đứng cạnh tiếng trước lại có nghĩa rõ ràng. Tôi gọi thứ tiếng kép ấy là “tiếng kép lấp láy”. Thứ tiếng kép này rất nhiều, rất An Nam, nên rất quan hệ; mà dấu hỏi, dấu ngã trong những tiếng đó nhiều lúc làm ta bối rối, vì chính tiếng để lấp láy vào không nghĩa, nên khó định dấu nó được.

May thay, trong những tiếng kép lấp láy như thế thì tiếng loại nhẹ đi với nhau, tiếng loại nặng đi với nhau; vì nếu lẫn lộn một tiếng cao, một tiếng thấp thì khó nghe, mà tiếng lấp láy cần sự gọn ghẽ và xuôi chảy, nghĩa là một chút âm điệu và thuận tại.

Vì vậy:

Người ta nói anh ách chứ không nói anh ạch.

”           anh ạch           ”         ành ách

      ”           nho nhỏ           ”         nhò nhỏ

Người ta nói ngơ ngẩn mà lại nói ngờ ngẩn

“       văn vẻ        ”             vằn vẽ

          “       nghỉ ngợi     ”            nghĩ ngợi

Ta có thể lập hai cái biểu  như sau này:

Biểu I, tiếng kép nặng đọc cao:

Thí dụ:

1) bằng với sắc: ngơ ngác, tê tái, na ná, đắn đo.

2) bằng với hỏi: nhỏ nhoi, nho nhỏ, len lẻn, nhỏ nhen.

3) sắc với hỏi: nhỏ nhắn, mắc mỏ, sắp sửa.

4) hai dấu bằng: lâu la, u ơ, vu vơ, long lanh, đong đưa, nôn nao.

5) hai dấu sắc: tấm tức, tức tối, rối rít, ríu rít, rón rén, róc rách.

6) hai dấu hỏi: uể oải; thỏ thẻ, rủ rỉ, lủm củm.

Biểu II, tiếng kép nhẹ đọc thấp

Thí dụ:

1) huyền với nặng: ngại ngùng, lành lạnh, lạnh lùng, nghẹn ngào, sằng sặc.

2) huyền với ngã: rõ ràng, vẽ vời, ngờ ngẫn.

3) nặng với ngã: lạnh lẽo, rõ rệt, quạnh quẽ, lặng lẽ, đẹp đẽ, mạnh mẽ.

4) hai dấu huyền: rầu rầu, dần dà, ầm ầm, dồi dào, ồn ào.

5) hai dấu nặng: sụt sịt, sặc sụa, rộn rịp.

6) hai dấu ngã: võ vẽ, lững thững, mãi mãi, ngẫm nghĩ, lũn cũn.

Theo luật tiếng kép lấp láy kể trên, ta có thể tìm dấu hỏi, và dấu ngã của rất nhiều chữ, nhất là chữ nôm.

Đã biết dấu ngã đi với nặng và huyền, dấu hỏi đi với sắc và bằng, thì chữ kép lấp láy nào mà có một chữ có dấu bằng sắc hay hỏi thì chữ bên cạnh phải dấu hỏi; chữ kép nào có một chữ dấu huyền, nặng hoặc ngã thì chữ bên cạnh phải dấu ngã.

Vài ví dụ:

Về loại dấu hỏi:

1) len lẻn, lẳng lơ, vui vẻ, trong trẻo, vẻ vang, mong mỏi, lẻ loi, thẩn thơ, an ủi, thê thảm.

2) phảng phất, óng ả, đắt đỏ, mải miết, hớn hở, ngớ ngẩn, khúc khuỷu, rắn rỏi, trắng trẻo

3) thỉnh thoảng, nhỏ nhẻ, đủng đỉnh, thủng thỉnh, lững thững.

Về loại dấu ngã

1) não nề, não nùng, kỹ càng, bẽ bàng, hững hờ.

2) não nuột, mạnh mẽ, gặp gỡ, lặng lẽ, lạnh lẽo, chặt chẽ, nũng nịu, sạch sẽ.

3) mãi mãi, bẽn lẽn, võ vẽ.

Cách tìm dấu ngã, hỏi khác

Những dấu ngã và hỏi trong tiếng lấp láy thì dễ biết rồi vì theo luật chỉ trên.

Còn những tiếng riêng, muốn tìm thì phải tìm tiếng kép lấp láy của nó.

Thí dụ: muốn tìm chữ “nghỉ” dấu gì, ta nói: nghỉ ngơi: hễ ngơi bằng thì nghỉ phải là dấu hỏi. (Nghỉ đây là: không làm việc nữa).

Còn “nghĩ”, nói nghĩ ngợi: hễ ngợi nặng thì nghĩ phải là dấu ngã. (Nghĩ đây là: suy nghĩ).

Muốn tìm chữ “vẻ” khi nào dấu hỏi, khi nào dấu ngã, ta nói: vẽ vời, vời huyền thì vẽ phải ngã. (Vẽ đây là hội họa).

Còn vẻ vang, vui vẻ, vắng vẻ: vang, vui bằng và vắng sắc thì vẻ phải hỏi.

Trong chữ mạnh mẽ, chữ mẽ dấu ngã vì đi theo chữ mạnh dấu nặng; trong chữ mát mẻ, chữ mẻ dấu hỏi vì đi theo chữ mát dấu sắc.

Cũng như giữ: giữ gìn; dữ: dữ dội; mãi: mãi mãi; mải: mải miết; lẽ: lời lẽ; lẻ: lẻ loi, rẩy: run rẩy; rẫy: ruồng rẫy v.v…

Còn những chữ hai dấu hỏi hay hai dấu ngã thì phải tìm dấu riêng một chữ trong hai chữ của tiếng kép đã, rồi dấu chữ kia sẽ đồng với dấu chữ này. Phải lấy chữ nghĩa chính mới khỏi sai. Loại chữ kép trùng dấu này nhiều lúc rất khó tìm dấu, phải biết nhiều chữ kép lấp láy mời tìm ra. Thí dụ:

Võ vẽ: vẽ là vẽ vời, vậy thì vẽ dấu ngã và võ vẽ đều dấu ngã cả.

Đủng đỉnh: đủng đa đủng đỉnh, vậy đủng đỉnh đều dấu hỏi cả.

Rủ rỉ: rủ rê hay ri rỉ, vậy rủ rỉ đều dấu hỏi cả.

Uể oải: uể a uể oải, vậy uể oải đều dấu hỏi cả.

Nên nhớ: Muốn tìm dấu hỏi dấu ngã khỏi sai lầm thì phải thêm vào chữ cái một chữ không nghĩa lý gì, mà đồng một nguyên âm (lettre initiale) và làm cho chữ kép thành ra đó đồng nghĩa với chữ một ta đương tìm dấu. Nếu hai chữ đều có nghĩa cả thì luật này có lúc sai.

Tuy nhiên, ta cũng có thể tìm được dấu ngã dấu hỏi của những chữ ấy. Muốn thế, ta phải tìm riêng từng chữ một, rồi hợp lại sau. Giả như:

1) Mong mỏi: mỏi không nghĩa, chữ ấy theo luật.

Mòn mỏi: mỏi có nghĩa. Ta nói: mỏi mê, thế thì mỏi dấu hỏi.

2) Ủ rũ: ta nói ủ ê, vậy ủ dấu hỏi: rũ rượi, vậy rũ dấu ngã.

3) Chẫm rãi (không đồng nguyên âm): Ta có thể nói chậm rãi và nói rài rãi, vậy chẫm rãi đều dấu ngã.

4) Thảnh thót: Ta có thể nói thánh thót, vậy thảnh dấu hỏi.

Hai điều 3 và 4 bảo như thế là vì dấu ngã có liên can với dấu nặng cũng như dấu hỏi có họ hàng với dấu sắc; nhưng không thể thành luật được, vì chỉ thỉnh thoảng thôi.

Luật này không thể tìm dấu đủ hết tiếng được. Những chữ chỉ tên (noms) ta nên học đã. Vì là những tiếng cái để đẻ ra những tiếng khác. Có lúc tìm ra dấu, nhưng ít. Cũng có một phần trong tiếng loại khác (như hình dung, phụ động v.v.) không tìm dấu được vì không thể hợp thành chữ kép được. Còn kỳ dư đều tìm ra được cả. Luật này có thể tìm đến hơn nửa số chữ thường dùng, những chữ nôm đặc biệt. Nhưng muốn cho có hiệu quả chắc chắn, ta phải biết dấu hỏi dấu ngã của một số tiếng chỉ tên hệ trọng trước đã, cũng như muốn học mẹo, ta phải học tiếng một trước vậy.

Tôi vừa tìm luật này ra được, sung sướng quá, đem cống hiến các bạn ngay, có lẽ còn nhiều khuyết điểm, dám xin các ngài chữa cho được hoàn toàn.

NGUYỄN ĐÌNH

(Huế 23-4-39)

Tái bút

Viết bài này xong, bỗng nghĩ ra được một ý, không làm thế nào được, tôi phải viết thêm vào sau, gọi là tái bút.

Có nhiều chữ một không thể họp thành chữ kép được, cũng có cách định dấu ngã, hỏi những chữ ấy như sau này:

1. Nếu ta có thể thế vào dấu ấy một dấu nặng hay dấu huyền thì chữ ấy là dấu ngã.

2. Nếu có thể bỏ dấu đi, hoặc thế vào một dấu sắc thì chữ ấy là dấu hỏi.

Nên nhớ: Nghĩa nó phải không thay đổi hoặc thay đổi rất ít.

Thí dụ:

Ngã đổi ra huyền: dẫu, dầu; lần lữa, lần lừa; trẫm mình, trầm mình; đá, đà; cũng, cùng, rỗi, rồi; lễ, lề, mũi, mùi…

Ngã đổi ra nặng: đỡ, đợ; dẫm, dậm; lãnh, lạnh; ngũ, ngụ (cái ngụ đo đấu, mỗi ngụ 5 (ngũ) thước); mãnh mạnh; tự vẫn, tự vận; lẫn, lận; phũ phàng, phụ phàng; tĩnh, tịnh…

Hỏi đổi ra sắc: chủ ý, chú ý; thảnh thót, thánh thót; kỷ niệm, ký niệm; cảm ơn, cám ơn; tản, tán; có thể, có thế, hả miệng, há miệng: an ủy, an úy; hở, hớ; kỉnh, kính; khả, khá; tủa, túa, thoảng, thoáng…

Hỏi, có thể bỏ dấu: chẳng, chăng; chửa, chưa; mỏng, mong (manh); mổng, mông; tản, tan; thả, tha; thủi, tủi (đen)…

NGUYỄN ĐÌNH

(Huế, 15-5-39)

LỜI PHỤ − Tôi đọc đi đọc lại bài này nhiều lần, thấy tác giả có trí nghĩ, nhặt nhiệm và rạch ròi thật là đáng quý. Thứ nhất, hai cái kiểu tiếng kép nặng đọc cao và tiếng kép nhẹ đọc thấp đáng gọi là một sự phát kiến lớn trong âm ngữ học nếu nó hoàn toàn đúng.

Bài này toàn căn cứ vào hai cái biểu đó, hễ nó thành lập được thì luật ngã hỏi thành lập được.

Sở sĩ tôi còn nói cách lưỡng lự như vậy là tại tôi có thấy trong đó cái chỗ khả nghi.

Theo tác giả, những tiếng kép đi theo loại với nhau: nặng với nặng, tức là sắc, hỏi bằng; nhẹ với nhẹ, tức là huyền, ngã, nặng. Tác giả nhận cho đó là sự tự nhiên không khi nào lẫn lộn loại này với loại khác.

Nhưng tôi đã tìm ra, có những tiếng kép này trái với lời tác giả:

Bĩ bàng (không phải bẽ bàng: khi đi khi đứng bỉ bàng dung nghi, trong bài Huấn nữ ca của Đặng Huy Trứ), mành khảnh, thế là hỏi cũng có đi với huyền;

Nhanh nhẹn, ương ngạnh, thế là bằng (không dấu) cũng có đi với nặng;

Đến hai tiếng ủ rũ mà chính trong bài tác giả có lấy làm thí dụ, thế là ngã và hỏi cũng có đi với nhau.

Nếu chỉ có một vài tiếng như thế, có thể cho là lệ ngoại; bằng như có nhiều, nó sẽ phá mất cái luật của tác giả. Đó là điều chính tôi chưa biết chắc vì tôi không phát âm đúng ngã hỏi, tôi không có quyền đoán định.

Nhưng tôi vẫn có hy vọng rằng cái luật này sẽ thành lập vì tôi thấy ở chỗ này:

Cái bài của anh Nguyễn Đình đây, từ chỗ hai cái biểu giở về trước là dùng phép qui nạp để tìm ra công lệ, còn từ đó giở về sau là dùng phép diễn dịch để suy luận. Theo thường, hễ cái công lệ có đúng thì suy luận mới khỏi sai. Mà tôi thấy những điều suy luận của anh không sai, vậy tôi muốn tin cái công lệ mà anh tìm ra được là đúng.

Tóm lại đối với việc này, tôi chỉ có thể nói đến thế là cùng. Tôi mong sự tài chính [a] ở các bậc học giả người Bắc.