Tả Từ Hải, Nguyễn Du đã viết: “Vai năm tấc rộng, lưng mười thước cao”. Tỷ lệ giữa vai và lưng như vậy có cân đối không?

Mặc dù tiếng Việt có thành ngữ “lưng dài, vai rộng” nhưng Nguyễn Du lại viết: “Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao”.

Tuy nhiên “thân mười thước cao” vẫn cứ là một hiện tượng không bình thường, nghĩa là vẫn chưa cân đối. Trong bài phiếm luận “Truyện Kiều và Y học” (Kiến thức ngày nay, số Xuân Giáp Tuất, tr. 62 – 63), BS Lê Quang Thông đã viết: “Theo đo đạc để lấy huyệt châm cứu, người xưa dùng đơn vị tấc không cố định mà gọi là “tấc du thân, nghĩa là lấy ngay trên cơ thể từng người, nên người cao người thấp sẽ có tấc thích hợp nhưng cũng xê dịch khoảng 2 – 2,2cm. Như vậy vai Từ Hải khoảng 10 – 11cm (nếu đây chỉ là một bên vai thì cũng là nhỏ bé – AC). Thước của Trung Hoa, dù là thước Lỗ Ban đi nữa, cũng xê dịch 20 – 40cm, như vậy Từ Hải cao khoảng 2m trở lên?”. Đây là cách tính của BS Lê Quang Thông. Còn nếu theo thông tin của Đào Duy Anh và nếu thông tin này đúng thì Từ Hải có thể chỉ cao tối đa là 70cm. Phải có thêm 30cm nữa đáng anh hùng này mới đạt được chiều cao đúng… 1 thước Tây. Đào Duy Anh cho biết rằng tấc là “phần mười của một thước, chiều dài bao nhiêu thì tuỳ từng thời; có ý kiến cho rằng thời Minh (Từ Hải là người thời này – AC) một thước chỉ ăn hai tấc”(Từ điển Truyện Kiều, Hà Nội 1974, tr. 359) Dù cho tấc Tàu có “chiều dài là bao nhiêu thì tuỳ từng thời nhưng, theo chúng tôi biết, nó cũng chỉ xê dịch từ 2cm đến 3,5cm. Vậy 2 tấc, nghĩa là một thước theo thông tin trên đây, bằng từ 4 đến 7cm và 10 lần hai tấc nghĩa là 10 thước, thì bằng từ 40 – 70cm. Từ Hải sẽ là một chú tí hon. Còn nếu cho rằng Nguyễn Du tuy tả người Tàu nhưng lại dùng thước ta thì một thước ta bằng 0,4m hoặc 0,425m; vậy 10 thước thì bằng 4m hoặc 4,25m. Từ Hải sẽ là một anh khổng lồ. Hình như được đo theo đơn vị nào thì nhân vật này cũng là một kẻ dị tướng.

Vậy theo chúng tôi, lối miêu tả của Nguyễn Du chẳng qua chỉ là một lối miêu tả có tính chất ước lệ. “Râu hùm, hàm én, mày ngài” chẳng phải ước lệ là gì? Người xưa, mà chánh cống là người Tàu, đã quan niệm rằng thân người đo được 7 thước (đương nhiên là thước Tàu) cho nên đã dùng từ tổ thất xích (bảy thước) để chỉ thân người. Chẳng hạn trong văn bia “Vương Kiệm bi minh” của Thẩm Ước có câu: “Khuynh phương thốn dĩ phụng quốc, vong thất xích dĩ sự quân” nghĩa là: “Dốc tấc lòng mà giúp nước, quên tấm thân để thờ vua”.

(Ngay trái tim người cũng đã được “miêu tả” để định danh một cách ước lệ là “tấc vuông” (phương thốn). “Tấc vuông” là trái tim, rồi trên cơ sở của nghĩa này, mới có nghĩa phái sinh là “tấm lòng” như đã thấy trong câu văn bia trên đây).

Thân người trung bình được tính là 7 thước. Vậy trên mức này thì được xem đã là cao. Trong Tam quốc diễn nghĩa, Lưu Bị cao 7 thước rưỡi, Trương Phi cao 8 thước còn Quan Vân Trường thì cao đến 9 thước. Bản dịch ra tiếng Việt của tác phẩm trên đây (dịch giả: Phan Kế Bính) do Lê Huy Tiêu và Lê Đức Niệm giới thiệu và sửa chữa (Hà Nội, 1988) đã chú thích ở trang 35 của tập I rằng “một thước Trung Quốc bằng 1/3 mét”. Theo chú thích này thì Lưu Bị cao gần 2,5m, Trương Phi cao gần 2,7m còn Quan Vân Trường cao gần 3m. Vậy có nên quy ra thước Tây (mét) để hiểu cách miêu tả chiều cao theo La Quán Trung trong Tam quốc diễn nghĩa hay không? Nếu cứ theo chú thích trên – không nói rõ là thước của thời nào – thì Đức Thánh Khổng còn cao được đến 3,2m vì Sử ký của Tư Mã Thiên đã chép: “Khổng Tử người cao chín thước sau tấc, ai cũng cho là con người cao lớn và lấy làm lạ”(Bản dịch của Nhữ Thành, Hà Nội, 1988, tr. 214.) Còn nếu lấy mức thấp nhất là một thước Tàu ăn 1/5m thì Khổng Tử cao 1,92m. Nhưng chính Khổng Tử lại nói về chiều cao của con người như sau: “Họ Tiêu Nghiêu cao ba thước, đó là hạng người thấp nhất, người lớn nhất cao cũng không gấp mười lần ba thước” Đây là lời của Khổng Tử trả lời cho sứ giả của nước Ngô, (Xem sđd, tr. 218.) Cứ theo lời của Khổng Tử thì người Tiêu Nghiêu có thể cao từ 60cm đến gần 1m còn người lớn nhất cũng không vượt qua được 6m (hoặc 10m). Không vượt qua được có nghĩa là gần đạt được như thế. Vậy người lớn nhất, theo Khổng Tử, có thể cao gần 6m (hoặc 10m)? Thước của Tàu và cách phát biểu của Tàu về độ dài quả là mơ hồ.

Trở lại với câu thơ của Nguyễn Du thì dù có lấy tấc dài bao nhiêu làm chuẩn để tính, năm tấc vai trên mười thước thân cũng không thể là tỷ lệ của một thân thể cường tráng và một dáng điệu oai hùng được. Ngược lại đó là một dạng người có vai so, vai rút cho nên nếu bắt chước cách nói trong bài phiếm luận của BS Lê Quang Thông thì phải đặt câu hỏi xem Từ Hải có phải là người đã mắc bệnh phổi hay không? Nhưng Nguyễn Du đâu có đo Từ Hải một cách chính xác như ban giám khảo các kỳ thi hoa hậu đo từng vòng trong ba vòng của các người đẹp. Vậy “Vai năm tấc rộng thân mười thước cao” ở đây chỉ là ước lệ.