Họa sĩ Võ Hùng Kiệt sinh năm 1945 tại Vĩnh Long, Việt Nam. Hiện cư ngụ tại Spring Valley, CA, USA. Vivi là bút danh ghép từ hai chữ Việt Nam – Vĩnh Long đã thành một huyền thoại trong tuổi thơ của hàng triệu triệu trái tim thanh thiếu niên Việt Nam qua các tranh bìa của tạp chí Tuổi Hoa, Tuổi Xanh và các truyện tranh thiếu nhi.

Với hơn 50 năm cầm cọ, để lại cho đời hàng ngàn tác phẩm không chỉ có dấu ấn về nghệ thuật, mà còn có ý nghĩa thực dụng là những mẫu tranh làm tem, làm tượng đài, làm lịch. Họa sĩ ViVi Võ Hùng Kiệt và gia đình sống đơn sơ và ẩn dật ở một thành phố nhỏ, trong một mái nhà toàn tranh, dành hết thì giờ để sáng tác những tác phẩm có giá trị nghệ thuật.

Những người bạn, người thân thiết bên ông và cả những người từng yêu mến ông đều biết rằng, con đường đến với nghệ thuật của ViVi vô cùng gian nan. Từ nhỏ, Kiệt đã bộc lộ năng khiếu bẩm sinh, có từ giấy nào cũng mải mê vẽ, rồi vẽ lên tường, vẽ xuống đất. Vì gia đình quá nghèo, cha của cậu bé Kiệt ngày đó chỉ muốn con đi học làm kỹ sư, bác sĩ hay một ngành nghề nào đó có tiền. Vì đam mê quá nên cậu nhiều lần bị cha cầm roi đánh. Nhưng điều đó không làm giảm đi nhiệt huyết dường như đã ăn vào máu của Kiệt. Cậu vẫn âm thầm tâm niệm một ngày kia phải đi theo nghề vẽ. Đến năm 1958 khi mới 13 tuổi, cậu bé Kiệt đã chính thức được giao nhiệm vụ vẽ bìa và truyện tranh cho tờ Tuổi Xanh.

Vì đam mê vẽ tranh mà năm 1961 Võ Hùng Kiệt đã phải tìm cách đi tu tại trường dòng Sư Huynh La San (Nha Trang) để có nhiều thời gian vẽ tranh. Ngoài học chương trình văn hóa ở đó, Kiệt và các bạn thường phải có những buổi sinh hoạt tập thể với nhau. Họ thường ngồi ở ven biển ngắm cảnh và ghi lại những hình ảnh của buổi sinh hoạt.

Sau lần đi dạo vùng ven biển ở trại lính Đồng Đế, phía bên kia đèo Rù Rì, Võ Hùng Kiệt đã vẽ bức tranh cảnh biển Nha Trang. Ai nấy khi thấy hình vẽ đều trầm trồ khen ngợi. Ngay cả sư huynh Bề Trên Gaston, một họa sĩ từng du học ở nước Bỉ về cũng phải ngẩn ngơ thán phục, thốt lên: “Một tài năng họa sĩ đang ở giữa chúng ta”.

Kể từ hôm “tài năng họa sĩ” lộ danh, Kiệt được mời vào ban biên tập làm báo, phân chia công tác đảm trách “tranh bìa và truyện bằng tranh” cho Tờ Thông Tin Liên Lạc BẠN của Sơ Tập Viện (sau này đổi tên là Chuẩn Viện La San) tại La San, Nha Trang. Sau vài số làm tốt, Sư Huynh Giám Tỉnh Bernard Bường liền xin để Kiệt đảm nhận thêm phần trình bày cho tập san LIÊN LẠC của Tỉnh Dòng Sài Gòn. Bề Trên Gaston, xuất thân từ trường nghệ thuật Ecole de Saint Luc tại Belgique, phát động chương trình thi đua nghệ thuật trong Sơ Tập Viện, bao gồm tranh vẽ, điêu khắc, nắn hình tạc tượng. Võ Hùng Kiệt có dịp phát huy tài năng nghệ thuật hội họa, điêu khắc và tạc tượng. Kiệt được giải nhất. Năm 1963, Võ Hùng Kiệt lên Nhà Tập, mặc áo dòng La San, và được mang tên là Frère Vauthier Tân.

Võ Hùng Kiệt lúc học trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định

Năm 1964 Võ Hùng Kiệt cởi chiếc áo dòng tu và vào học trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định. Từ năm thứ nhất đã bắt đầu vẽ tem bưu họa. Năm 1965 được giải nhất trong cuộc thi vẽ mẫu tem tổ chức hằng năm ở miền Nam. Từ đó bằng tài năng, cứ thế mà “phất” đến bây giờ.

Ông Võ Hùng kiệt tâm sự: “Tôi bắt tay vào vẽ con tem đầu tiên với chủ đề “Toàn dân đoàn kết…”, hình vẽ tem này được giải nhất. Qua năm thứ hai, tôi tham gia vẽ các bức tranh tem như “Y phục cổ truyền Việt Nam”, “Cụ đồ nho”, “Cô lái đò”…ngoài ra có nhiều đề tài khác nữa. Tôi chiếm luôn ba giải nhất. Tiếp đó tôi vẽ thêm “Thú vui ngày tết” và chiếm luôn hai giải nhất và nhì. Lúc đó thật là vui”

Nói về cha mình, ViVi không hận cha. Ông cho rằng nhờ có đòn roi của cha đã gây cho ông cái quyết tâm theo nghiệp vẽ. Một lần ông tâm sự với bạn bè: “Nếu không có đòn roi của cha, làm sao có ViVi bây giờ. Nhớ ngày tôi còn trọ học ở nhà người bạn để học trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định, cha tôi tìm được, còn đuổi đánh một trận. Nghĩ lại càng thấy vui”

Tình yêu quê hương

Năm 1982 họa sĩ Võ Hùng Kiệt sang định cư tại Canada và chuyển về Mỹ năm 1995. Từ những ngày xa quê hương, ông luôn luôn dành cho quê những tình cảm thân ái. Những hình ảnh mộc mạc dân giã nơi quê lúc nào cũng được gìn giữ trong tâm khảm để trở thành những hình ảnh nghệ thuật. Bằng chứng là ông vẫn vẽ rất nhiều tranh về những vùng quê mình sinh sống thủa thiếu thời đó là các bức tranh “Tiếng sáo Trương Chi”, “Bãi biển đá”, “Cô gái trên sông”… Ông có cả trăm bức vẽ về hình ảnh dung dị của quê hương Việt Nam, đó cũng là cảm hứng bất tận của người con luôn hướng về Tổ quốc. Ngoài ra ông còn cộng tác vẽ cho các báo ở Mỹ và Canada hình ảnh về Việt Nam, vẽ tranh cho báo của cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Năm 2000 ViVi Võ Hùng Kiệt đã vẽ một loạt tác phẩm về đề tài lịch sử Việt Nam mang tên “Việt sử bằng tranh”. Ông tâm sự: “Hội họa là ghi lại những màu sắc và hình ảnh cho mai sau. Lúc nào tôi cũng nghĩ mình là họa sĩ Việt Nam, người Việt Nam”.

Đã bước qua tuổi lục tuần. ViVi đã thành công và vẫn còn giữ được phong độ, vẽ được nhiều thể loại như tranh vẽ, tranh minh họa, truyện tranh, bìa sách báo… Đến ngày nay, Võ Hùng Kiệt đã có cả trăm giải thưởng về hội họa và vẽ tem thư. Rất nhiều giải thưởng quốc tế tài trợ như Unicef, Unesco…

Mái tóc ông đã bạc, nhưng vẫn say mê làm việc, yêu đời, ông thấy mình được an ủi, may mắn. Còn sống ngày nào, ông còn muốn ghi lại cảm xúc của mình qua tranh vẽ. Như tên Vivi mà ông đã chọn làm bút hiệu, “Vi” ngoài cái chữ viết tắt của chữ Vĩnh Long, vì ông là người ở Vĩnh Long, còn có nghĩa là Việt Nam. “Vi” còn thêm một nghĩa nữa là nhỏ nhỏ. “Vivi” còn nho nhỏ hơn nữa. Ông chỉ muốn là người làm được những việc thật nhỏ bé.

Gia đình ông không ai theo nghề vẽ. Ngay cả ba đứa con ông cũng không đứa nào theo nghề vẽ của bố. Ông cũng không khuyến khích các con theo nghề của mình, bởi nghề của ông chẳng giàu có gì. Ông muốn các con được làm những gì mình thích, có thời gian thì luôn hướng về quê, và phải học nói cho sành sõi tiếng quê, không thể để mất gốc. Ngay cái bút hiệu cũng rất Việt rồi, và, trong ông, vẫn là dòng máu Việt chảy mãi.

Một tấm hình Vivi vẽ 3 nữ ca sĩ mà ông yêu mến: Hương Lan, Như Quỳnh, Ái Vân

Qua nhiều tìm tòi, vẫn vẽ về hình ảnh quê

Nghệ sĩ nào cũng có những lúc thấy bế tắc trong nghệ thuật. ViVi Võ Hùng Kiệt cũng vậy, nhiều khi ông gặp khó khăn trong lúc vẽ, khó khăn đó là những lúc có ý tưởng, nhưng không diễn đạt được. Hoặc vẽ xong không vừa ý mình đề ra. Ông thường lấy ý tưởng từ những câu thơ, lời hát, trong ca dao hoặc cổ văn.

Theo ông, trong lĩnh vực nghệ thuật, người nghệ sĩ khi sáng tác là giúp cho người thưởng ngoạn, đưa ra cho người thưởng ngoạn những gì mà họ tìm kiếm. Người nhạc sĩ viết nhạc, khi tấu lên khiến người nghe cảm động, rung động trước những âm thanh mà họ nhìn thấy, đó là một bài hát thành công. Khi vẽ cũng vậy, người họa sĩ phải chọn cho mình một phương tiện tốt nhất để diễn tả ý tưởng, đường nét, màu sắc để làm cho người xem cảm nhận được những ý tưởng mà họa sĩ muốn trình bày. Họ cũng phải thấy đâu là đẹp, thế nào là màu sắc.

Con đường hội họa 50 năm qua của ViVi có thể là dài đối với một đời người, nhưng con đường nghệ thuật là bất tận. Ông vẫn tiếp tục vẽ, vẽ mãi và chưa thấy mệt mỏi. Ông sống hạnh phúc với gia đình, với niềm đam mê. Vợ ông là ca sĩ Diễm Châu xinh đẹp và nổi tiếng một thời. Dù đam mê, bận việc, nhưng ông vẫn dành thời gian chăm sóc vợ, gia đình. Diễm Châu cũng rất thông cảm với công việc của chồng, hết lòng ủng hộ chồng trên con đường nghệ thuật. Đặc biệt, dù đã sống ở nước ngoài nhiều năm, nhưng bà vẫn giữ những nét giản dị, mộc mạc của người con gái Việt. Với bà, bí quyết để gìn giữ hạnh phúc gia đình là phải hiểu và thông cảm cho nhau. Có lẽ hình ảnh người vợ cũng in đậm trong sáng tạo nghệ thuật của Võ Hùng Kiệt, bộc lộ qua những bức vẽ chân dung thiếu nữ Việt với những đường nét tinh tế, sắc thái dịu dàng…

Vivi Võ Hùng Kiệt tự họa

Võ Hùng Kiệt cũng gặp gỡ nhiều họa sĩ Việt Nam định cư tại nước ngoài như họa sĩ Kiệt Smith, họa sĩ Hương Alaska… Họa sĩ Hương Alaska rất thành công và nổi tiếng ở Canada. Chính bà đã khuyên ViVi nên học hỏi cách vẽ, tìm thị trường tranh bán cho khách Mỹ. Nhưng ông họa sĩ luôn hướng về Tổ quốc này thấy mình khó có thể làm được như vậy. Ông nói: “Tôi là một họa sĩ có tâm hồn Việt Nam, tôi không thay đổi theo cách vẽ khác, tôi chỉ làm những gì mình thấy quen thuộc và yêu thích. Tôi đã vẽ như vậy cả nửa thế kỷ rồi”.

Nguồn: Vãn Tính (luanhoan.net)

Cùng xem lại những bức tranh vẽ của Vivi Võ Hùng Kiệt

Vivi tự họa