Tôi biết nhạc sĩ Ngọc Chánh từ ngày anh còn làm ở phòng trà khiêu vũ trường Queen Bee trên lầu của thương xá Eden, lúc đó đang do nữ ca sĩ Khánh Ly khai thác. Bấy giờ Ngọc Chánh đang chơi piano và organ trong một ban nhạc chưa được đặt thành tên, và cũng chưa được nổi tiếng lắm trong các hoạt động âm nhạc ở miền Nam bấy giờ.

Nhưng rồi một ngày, khi Khánh Ly ra mở phòng trà riêng trên đường Tự Do (bây giờ là Đồng Khởi), ông Tuất chủ nhân phòng trá Queen Bee giao lại cho nữ ca sĩ Thanh Thúy quản lý. Từ đó một ban nhạc mới được thành hình, một ban nhạc mang âm thanh của loại súng liên thanh ra đời, tức ban nhạc Shotguns, do nhạc sĩ Ngọc Chánh làm Chef d’orchest hợp cùng các nhạc sĩ Hoàng Liêm (guitar), Hùng (bass), Ngọc Chánh (piano, organ), Lưu Bình (trống) và các ca sĩ chủ lực gồm Thanh Thúy, Elvis Phương, Pat Lâm và Ngọc Mỹ. Sau này có thêm các nhạc sĩ Cao Phi Long, Đan Thọ, Lê Văn Thiện, ca sĩ có thêm những Thanh Lan, Xuân Sơn, Thái Châu, Nguyễn Chánh Tín, cùng chen vai sát cánh bên nhau, hoạt động từ băng nhạc, ca vũ trường đến các show diễn tại các Club Mỹ, trên các sân khấu đại nhạc hội hay đài phát thanh, truyền hình.

MỘT NHẠC SĨ CÓ TÀI KINH DOANH

Thời gian còn cộng tác tại phòng trà Queen Bee, ban nhạc của nhạc sĩ Ngọc Chánh còn phục vụ trong đoàn văn nghệ Hoa Tình Thương và các Club Mỹ, với phong cách trình diễn loại nhạc kích động như ban nhạc của Khánh Băng – Phùng Trọng. Bởi ca sĩ chủ lực của ban Shotguns là Pat Lâm và Ngọc Mỹ, vào thời đó chưa ai hát nhạc ngoại quốc qua mặt được (năm 1971, khi Ngọc Mỹ đi Mỹ trình diễn và cô đã ở lại Mỹ hát cho một ban nhạc nổi tiếng từ đó).

Cuối những năm 1960, nhạc sĩ Ngọc Chánh sau khi thành hình ban nhạc Shotguns, anh đã cùng Hoàng Liêm, Elvis Phương quyết định chuyển hướng từ một ban nhạc chuyên trình diễn loại nhạc Pop Rock kích động sang trình bày nhạc Việt. Bởi Ngọc Chánh có tâm tư, tại sao cứ phải trình diễn cho các Club Mỹ với loại nhạc kích động Pop Rock, Twist, Bebop.. ồn ào náo nhiệt, mà không trở về với cội nguồn cho khán giả Việt thưởng thức những nhịp điệu nhẹ nhàng, lãng mạn, trữ tình như Slow, Boston, Rumba, Tango, Bolero… Một quyết định xem ra đơn giản nhưng không đơn giản vào thời đó, vì có một số anh chị em trong ban nhạc không đồng tình. Lý do trình diển ở các Club Mỹ được nhiều tiền hơn trên các sân khấu Việt.

Sau khi chọn được hướng đi mới, nhạc sĩ Ngọc Chánh bắt đầu đứng ra thành lập cơ sở Nguồn Sống, chuyên sản xuất băng nhạc nhằm tạo đất sống mới cho các ca nhạc sĩ trong ban nhạc; đồng thời cùng nữ ca sĩ Thanh Thúy lập phòng trà khiêu vũ trường mang tên International Quốc Tế nằm ở mũi tàu Lê Lợi, Nguyễn Trung Trực, Công Lý (nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa), và mở cả kiosque mang tên Khai Sáng nằm dưới tầng trệt của phòng trà, làm nơi tổng phát hành băng nhạc do anh sản xuất.

Nói về sản xuất băng nhạc, nhớ lại lúc khởi đầu khai sinh ra nhãn hiệu băng Shotguns, mấy cuốn đầu tiên không nói là thất bại nhưng thật sự chưa gây được ấn tượng trên thị trường, mặc dù có những nhà văn tên tuổi như nhà văn Nguyễn Đình Toàn, ký giả Quỳnh Như viết lời giới thiệu một cách rộng rãi ra công chúng. Chính nhạc sĩ Ngọc Chánh cũng biết là thất bại, không thành công, là vì có những bài hát nằm đan xen trong chủ đề, tuy hợp với giới thưởng thức này nhưng lại là “khắc tinh” với giới khác. Bởi người nghe nhạc đã phân từng loại ca sĩ lẫn từng loại nhạc phẩm.

Như tầng lớp SVHS thì thích những giọng ca của Thanh Lan, Khánh Ly, Lệ Thu, Xuân Sơn, Anh Khoa, Jo Marcel, Sĩ Phú, Elvis Phương, Tuấn Ngọc… Đại đa số công chúng thích nghe Thanh Thúy, Minh Hiếu, Phương Dung, Thanh Tuyền, Túy Hồng, Nhật Trường, Thái Châu… qua những nhạc phẩm mang tính văn hóa và nghệ thuật . Còn lại các ca sĩ như Chế Linh, Duy Khánh, Hùng Cường, Mai Lệ Huyền, Phương Hồng Quế, Sơn Ca, Giang Tử, Trang Thanh Lan, Trang Mỹ Dung, Thiên Trang… thích hợp cho những nhạc phẩm thị hiếu, được soạn theo kiểu mà người đời thường gọi là “nhạc sến”, như các nhạc phẩm : Một trăm phần trăm, Chuyện tình Lan và Điệp, Nhẫn cỏ cho em, Đồi thông hai mộ, Rước tình về với quê hương v.v…

Giới thưởng thức âm nhạc thời bấy giờ rất kén nghe ca sĩ hát, và ca khúc thuộc dạng lãng mạn trữ tình hay dành cho “sến nương” trong một nhãn hiệu băng nhạc nào đó. Hai trường phái này luôn đối nghịch, nếu nhãn băng  có những Lệ Thu, Khánh Ly, Elvis Phương, Thanh Lan… thì sẽ không có những Chế Linh, Giao Linh, Trang Mỹ Dung, Chung Tử Lưu, Giang Tử, Duy Khánh v.v… Có các nhạc phẩm như Tình nhớ, Con thuyền không bến, Đêm đông, thì thường không nghe những bài thuộc dòng “nhạc sến” như Chuyện tình Lan và Điệp, Nhẫn cỏ cho em v.v… Khán thính giả đã phân chia các hạng bậc ca sĩ, nhạc phẩm như thế để thưởng thức nhằm thư giản tinh thần.

Cho nên khi Ngọc Chánh mở đầu cho nhãn hiệu băng nhạc Shotguns với bài “Một trăm phần trăm” do Hùng Cường hát, trong một cuốn băng có những giọng ca như Thanh Thúy, Thanh Lan, Xuân Sơn, Khánh Ly, Elvis Phương…  đã không được giới thính giả chào đón, đi đến thất bại.

Từ kinh nghiệm trên, nhạc sĩ Ngọc Chánh rất thận trong phong cách chọn bài hát, ca sĩ và cả về âm thanh. Đến khi cuốn “Băng Vàng Shotguns” được phát hành, một tờ nhật báo bán chạy nhất lúc bấy giờ viết đến kỹ thuật thu âm audio cao cấp của nhóm nhạc này, giới mộ điệu âm nhạc bắt đầu chú ý và từ đó trở thành nhãn hiệu băng được mọi người tin cậy, bán chạy nhất bấy giờ.

Nói về kỹ thuật thu âm, thông thường với băng nhựa 8 ly thường được sử dụng từ cuối thập niên 1960, người làm băng nhạc cũng ghi âm trên master tape loại băng 8 ly với âm thanh stereo gồm 4 track. Còn Ngọc Chánh ghi âm bằng master tape 16 ly với âm thanh hifi 6 track, tức có 6 đường rảnh độc lập, mỗi rảnh ghi âm một thứ âm thanh riêng biệt, có thể mix chồng lên nhau. Từ master tape này khi chuyển sang ra băng 8 ly sẽ có chất lượng âm thanh hoàn hảo chuẩn xác hơn. Đồng thời trong cuốn “Băng Vàng Shotguns” về phần hòa âm các nhạc phẩm đều do nhạc sĩ Lê Văn Thiện biên soạn, mới lạ hơn những bản hòa âm mà các băng nhạc khác chỉ soạn theo kiểu “mì ăn liền”. Bởi khi mix, trong đó với âm thanh 4 chiều chuyển động (hifi), người ta có thể phân tích được các loại nhạc khí. Hợp cùng những giọng ca hàng đầu bấy giờ như Thanh Thúy, Khánh Ly, Lệ Thu, Elvis Phương, Anh Khoa trình bày v.v…

Sau cuốn “Băng Vàng Shotguns” thành công và được thính giả ủng hộ liên tục những cuốn băng nhạc sau, nhạc sĩ Ngọc Chánh bắt đầu đưa ra nhãn băng thứ hai mang tên nữ ca sĩ “Thanh Thúy”, với thể nhạc khác với thể nhạc của băng Shotguns, cũng đạt kết quả mỹ mãn. Ngọc Chánh liền cho ra nhiều nhãn hiệu băng khác nhằm chiếm trọn thị trường băng nhạc lúc đó, vì làm kinh doanh băng nhạc phải nhạy bén với lớp người thưởng ngoạn.

Cơ sở sản xuất Nguồn Sống của Ngọc Chánh mở thêm thể loại nhạc trẻ mang tên “Băng nhạc Trẻ”; chủ lực gồm ca sĩ Thanh Lan và ban nhạc Phượng Hoàng của Elvis Phương, Nguyễn Trung Cang… và do Kỳ Phát thực hiện nhằm cạnh tranh với các nhãn hiệu băng do Trường Kỳ, Tùng Giang, Nam Lộc, Jo Marcel thực hiện

Nhận thấy ba bước kinh doanh đầu tiên đều thành công, nhạc sĩ Ngọc Chánh mạnh dạn ra một nhãn hiệu băng trái với tay nghề, tức loại băng mang thể loại tân cổ giao duyên, cải lương và hồ quảng tên “Hồn Nước”.

Chủ lực gồm những nghệ sĩ sân khấu thành danh trên sân khấu cải lương và hồ quảng như Thanh Nga, Thành Được, Phượng Liên, Dũng Thanh Lâm, Thanh Kim Huệ, Thanh Điền, Tấn Tài, Bạch Lê, Thanh Bạch v.v… trong đó phần nhạc đệm tân nhạc vẫn là Shotguns, còn về cổ nhạc quy tụ nhạc sĩ Bảy Bá (tức soạn giả Viễn Châu) điều hành, có Văn Vĩ đàn guitar, Năm Cơ đàn kềm và cả ban nhạc hồ quảng của Đức Phú.

Không ngừng ở nhãn băng thứ tư, Ngọc Chánh tiếp tục ra mắt nhãn băng thứ năm mang tên “Chế Linh” dành cho người thích nghe “nhạc sến”…

Đó là về quá trình sản xuất kinh doanh băng nhạc. Vì thế ban nhạc Shotguns vào năm 1973 được đọc giả, khán thính giả ái mộ bình chọn là “Ban nhạc được ái mộ nhất” của Giải Kim Khánh Nghệ Thuật thường được tổ chức hàng năm.

Sau ngày 30/4/1975, nhạc sĩ Ngọc Chánh còn ở lại Sài Gòn, vài năm sau anh mới đi Mỹ bằng đường biển. Ở Mỹ, Ngọc Chánh đã gầy dựng lại ban nhạc và nhãn hiệu băng nhạc Shotguns, vì nó đã trở thành một thương hiệu đã được mọi người tin cậy từ những năm 1970. Đồng thời trên đất Mỹ, anh còn mở phòng trà Ritz để giới thiệu những tài năng mới và những thân hữu nghệ sĩ đang sinh sống tại hải ngoại.

Trước đây và bây giờ cũng vậy, nhạc sĩ Ngọc Chánh luôn sống nhã nhặn khiêm tốn, hòa đồng cùng mọi người, kể cả khi đã có địa vị tiếng tăm. Vì thế với Ngọc Chánh, hình ảnh của anh rất ít xuất hiện trước công chúng, tuy nhiên mọi người khi nghe nói đến tên Ngọc Chánh là biết anh là ông bầu của một ban nhạc và băng nhạc nổi tiếng, đồng thời là tác giả của nhiều ca khúc hợp soạn cùng nhạc sĩ Phạm Duy, những nhạc phẩm của anh ai cũng nhớ như Bao giờ biết tương tư, Tuổi biết buồn, Vết thù trên lưng ngựa hoang…

GIỚI THIỆU CA SĨ MÁT TAY

Tuy nhạc sĩ Ngọc Chánh không có “lò đào tạo ca sĩ” như các nhạc sĩ khác và cũng không tự nhận mình là thầy đào tạo của một ca sĩ nào, nhưng anh lại là người giới thiệu tài năng mới rất mát tay như những Elvis Phương, Thái Châu, Nguyễn Chánh Tín hay Xuân Sơn cô ca sĩ từng được mệnh danh ca sĩ “Trăng sáng vườn chè”; đi hát từ thời Khánh Ly đang còn khai thác phòng trà Queen Bee, ít người biết đến, sau về cộng tác với ban nhạc Shotguns cô đã trở nên nổi tiếng, hay một Hải Lý mới chớm nở chưa kịp kết nụ ra hoa, Ngọc Chánh đã không còn kịp đưa tên tuổi lên như những đàn anh đàn chị vì thời cuộc đổi thay.

Nhưng có lẽ bất ngờ nhất khi nói Ngọc Chánh là người tìm thấy giọng ca của nữ ca sĩ Minh Hiếu đầu tiên. Anh từng lăng xê Minh Hiếu trước cả nhạc sĩ Đức Quỳnh. Theo nhạc sĩ Ngọc Chánh tâm sự :

– “Vào năm 1961 tôi đang phụ trách ban nhạc ở hồ tắm Cộng Hòa trên đường Lê Văn Duyệt (bây giờ tên đường Cách Mạng Tháng 8). Năm đó có một người con gái yêu thích ca nhạc. Cô ta từ Binh Long lên Saigon học hát và học may. Tôi có người bạn nhạc sĩ nhờ tôi hướng dẫn và giúp đở. Thật ra những ngày đầu gặp tôi, cô ta chỉ hát được hai bài là “Nổi Lòng” của Nguyễn văn Khánh và “Gợi Giấc Mơ Xưa” của Lê Hoàng Long (theo dạng bài hát tủ). Nhưng vì tôi là Chef d’orchestre nên đưa cô vào hát ở hồ tắm Cộng Hòa không có gì trở ngại. Cô ấy tên Minh Hiếu.

“Minh Hiếu là người rất có khiếu về ca nhạc, lại thêm đam mê nên chỉ sau 6 tháng đã nổi tiếng. Minh Hiếu bắt đầu hát cho phòng trà “Arc en Ciel” trong Chợ Lớn rồi phòng trà Đức Quỳnh bên rạp Việt Long xưa và Văn Cảnh. Còn được mời thâu dĩa hát cho những hãng dĩa 33 tour ở Sài Gòn thời bấy giờ v.v…”

Hay khi Ngọc Chánh nói đến hai ca sĩ Elvis Phương và Hương Lan thời mới vào nghề :

– “Bài hát đầu tiên của Elvis Phương hát là “Mộng Dưới Hoa”. Ngày đó Elvis Phương hát như người Mỹ hát tiếng Việt, vừa ngọng, vừa đớt thật là khó nghe, nhưng sau một thời gian anh em hướng dẫn, Elvis Phương bắt đầu hát hay dần, hay dần cho đến hôm nay nhiều ca sĩ trẻ trong nước lẫn hải Ngoại chưa ai có giọng ca tốt như Elvis Phương.

“Hoặc như Hương Lan là giọng ca hiếm có khi thâu bài nhạc Hoa lời Việt “Mùa Thu Lá Bay”, nếu cô ấy chịu đi theo con đường này chắc là từ đó đến giờ sẽ không có đối thủ cạnh tranh, nhưng sau tôi không còn thời gian hướng dẫn nữa…”

Phải chăng vì thế Hương Lan chỉ thuộc nữ ca sĩ trung trung đến bây giờ ?! vì từ xưa đến nay các ông bầu tổ chức ca nhạc thường không đưa tên tuổi Hương Lan thành “vơ-đét” của đêm diễn.

Nói về Xuân Sơn hay Nguyễn Chánh Tín cũng thuộc ca sĩ trong ban Shotguns. Cho thấy vào thời kỳ trước những năm 1965, đa số các nam nữ ca sĩ đều từ văn nghệ học đường, từ năng khiếu mà hình thành ra chất giọng riêng biệt. Tuy nhiên không có người hướng dẫn “lăng xê”, khi đi hát lại không chọn đúng nhạc phẩm sở trường, thích gì hát đó nên không thể tự tạo được ấn tượng cho giới thưởng thức.

Thí dụ như Xuân Sơn thích đi hát từ năm 12 tuổi, lớn lên lại trúng tuyển Giải Nhất cuộc thi Tuyển Lựa Ca Sĩ với ca khúc “Trở về Mái Nhà Xưa”. Sau đó Xuân Sơn được mời hát trong các chương trình tại Đài phát thanh, rồi phòng trà. Từng được nhạc sĩ Đỗ Lễ hướng dẫn về nhạc lý và xướng thanh, nhưng quanh đi quẩn lại chỉ có một bài tủ “Trăng Sáng Vườn Chè” của Văn Phụng nên không thành danh. Sau này về hát với ban Shotguns qua những nhạc phẩm như Nắng Thủy Tinh, Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng, Lệ Đá, Biển Nhớ, Lá Đổ Muôn Chiều, Tôi Ru Em Ngủ… nữ ca sĩ Xuân Sơn mới đạt đến sự ngưỡng mộ của khán thính giả.

HƯỚNG DẪN TIẾNG HÁT ELVIS PHƯƠNG

Elvis Phương năm tuổi 14 đang theo học tại trường Jean Jacques Rousseau (bây giờ tên trường Lê Quý Đôn). Rất thích ca sĩ Elvis Presley với thể nhạc Rock And Roll, khiến cho quên ăn, quên ngủ, và anh luôn muốn trở thành một Elvis Presley VN. Vì vậy với tên thật Phạm Ngọc Phương, anh đã kết hợp với tên mình cùng tên thần tượng để thành tên gọi Elvis Phương cho đến ngày nay.

Elvis Phương tuy không học nhạc nhưng do năng khiếu đã mau chóng lãnh hội được căn bản về nhạc lý qua bạn bè và qua băng dĩa nhạc. Trong những năm còn học ở J.J.Rousseau là thời gian thật tuyệt vời, anh cùng các bạn thành lập ban nhạc có tên The Rockin’ Stars, có tiếng trong giới trẻ yêu thích nhạc ngoại quốc. Đến năm 1964, ban The Rockin’ Stars tan đàn, và Elvis Phương liền được mời vào hát cùng ban nhạc Les Vampires để trình diễn tại các Club Mỹ. Sau đó gia nhập vào đoàn Văn Nghệ Hoa Tình Thương.

Trong suốt thời gian phục vụ trong đoàn văn nghệ Hoa Tình Thương cùng với ban nhạc Shotguns, Elvis Phương đã gần như chuyển hướng với việc trình bày ca khúc, ít hát nhạc ngoại quốc mà chỉ hát nhạc Việt để đáp ứng yêu cầu của mọi người và cả trong các nhãn hiệu băng do Ngọc Chánh sản xuất.

Sau khi được các nhạc sĩ trong ban nhạc hướng dẫn cách phát âm cho đúng lời Việt, và tự tạo cho mình một sắc thái riêng biệt, từ đó anh đã tự tạo cho mình một kỹ thuật phát âm với những tiếng nấc, tiếng nghẹn đặc biệt, như nhạc phẩm “Lời cuối cho em” là bước đầu đưa tên tuổi Elvis Phương lên hàng danh ca. Sau đó Elvis Phương còn thành công qua những nhạc phẩm khác như Xé thư tình, Kỷ vật cho em, Áo anh sứt chỉ đường tà, Về đây nghe em, Những bước chân âm thầm, Vết thù trên lưng ngựa hoang v.v…. Đó là chưa kể những nhạc phẩm ngoại quốc lời Việt như Godfather, Aline, Main Dans La Main, Lady Belle, Love Story, vv…

Đến năm 1972, Elvis Phương trở nên nổi bật khi xuất hiện cùng ban nhạc Mây Trắng sau là ban Phượng Hoàng qua những nhạc phẩm của Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang, như Tôi muốn, Thương nhau ngày mưa, Lời người điên, Yêu người yêu đời, vv…

Năm 1973, Elvis Phương đoạt giải “Nam ca sĩ tân nhạc được mến chuộng nhất” của “Giải Kim Khánh Nghệ Thuật”.

TRẦN VĂN TRẠCH GIỚI THIỆU…

Còn ca sĩ Thái Châu vào năm 1966 mới 15 tuổi, đi theo gánh hát của mẹ tức nghệ sĩ Kim Nên, cùng thời với các nghệ sĩ như Kim Chưởng, Thanh Tao, Thúy Nga, Út Trà Ôn… ba anh còn là phó giám đốc của Cty cải lương Kim Chung; cho nên Thái Châu đã mang dòng máu nghệ sĩ từ trong gia đình, vì nhà có 4 anh em đều sống với ánh đèn sân khấu. Lúc đó ai cũng nghĩ Thái Châu sẽ là hậu duệ tiếp bước đường của cha mẹ.

Thế nhưng, tâm hồn cậu bé Trương Chiêu Thông (tên thật của Thái Châu) lại bị mê đắm bởi những ca khúc lãng mạn trữ tình trong tân nhạc hơn là hát sáu câu vọng cổ bên cổ nhạc.

Đến mùa hè năm 1966, khi đoàn hát của mẹ anh ra Vũng Tàu, anh ban ngày phụ giúp cha mẹ một vài công việc trong đoàn hát, còn đêm tìm đến quán cà phê nhạc nơi có nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩa (thổi sáo) và Trần Xuân Ngã (violon) quản lý ở đây, để nghe các ca nghệ sĩ biểu diễn.

Ở quán này có giờ dành cho khán giả lên hát như phong trào Hát với nhau ngày nay. Thái Châu xin lên hát, đêm đó có cha mẹ anh đi xem và Thái Châu đã hát ca khúc “Lần đầu cũng như lần cuối” (sáng tác của Minh Kỳ). Không ngờ đêm đó hai nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩa và Trần Xuân Ngã chính thức đề nghị anh tham gia biểu diễn tại quán có trả lương.

Năm 1969, Thái Châu vừa đi học vừa biểu diễn tại phòng trà Đệ nhất do Mai Lệ Huyền đang phụ trách. Một đêm tình cờ gặp quái kiệt Trần Văn Trạch đến nghe hát, nhà quái kiệt ngỏ ý giới thiệu Thái Châu gia nhập vào ban nhạc Shotguns của Ngọc Chánh. Chính Thái Châu tâm sự : “Tôi mừng còn hơn ai cho vàng vì ban nhạc này đang rất nổi tiếng, nhiều danh ca đã cộng tác và nhiều mầm non ca sĩ đã thành danh từ ban nhạc này”.

Về với ban Shotguns, được Ngọc Chánh giúp đỡ, động viên trong tình anh em, vì vậy Thái  Châu đã tự tạo dấu ấn qua nhiều ca khúc dành riêng cho anh. Điển hình như các bài Tôi đưa em sang sông (Y Vũ), Tình như mây khói, Tình chết theo mùa đông (Lam Phương), Linh hồn tượng đá (Mai Bích Dung), Bài thánh ca buồn (Nguyễn Vũ)… và trở thành giọng hát chủ lực trong ban nhạc Shotguns từ đó.