Trong Giang Sơn Xã Tắc thì Giang Sơn có nghĩa là sông núi, vậy còn Xã Tắc có nghĩa là gì?
Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh giảng nghĩa hai chữ “Xã Tắc” như sau: “Thuở xưa dựng nước tức quý trọng nhân dân. Dân cần có đất ở, nên lập nền Xã để tế Thần Hậu Thổ, dân cần có lúa ăn, nên lập nền Tắc để tế Thần Nông. Mất nước thì mất Xã Tắc, nên Xã Tắc cũng có nghĩa là quốc gia”.
Người xưa quan niệm rằng “Xã” là Thần lớn nhất trong số các Thần Đất. Còn “Tắc” là kê, lúa mạch, mang nghĩa tượng trưng cho các loại ngũ cốc, đặc trưng của những quốc gia sống chủ yếu vào nghề nông. “Tắc” mà không có “Xã” giống như ngũ cốc không có đất thì không sinh trưởng được. “Xã” mà không có “Tắc” thì đất đai hoang vu, không thể nuôi dưỡng con người.
Như vậy từ Xã Tắc bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ Thần, cũng liên quan đến một loại đàn tế xuất hiện ở nước ta từ hàng ngàn năm trước. Đó là đàn Xã Tắc. Đàn Xã Tắc dùng để thờ Thần Đất (Xã) và Thần Nông (Tắc). Thần Đất cai quản đất đai (bờ cõi quốc gia) và danh xưng chủ quyền sở hữu đối với đất đai đó (Triều đại). Thần Nông thuận theo ý chỉ của trời mà dạy cho dân làm nghề nông.
Đàn Xã Tắc nhà Nguyễn. (Ảnh: huexuavanay.com)
Thời xưa, đàn Xã Tắc do vua làm chủ lễ tế vào dịp khánh tiết, hoặc vua có thể ủy quyền cho quan đại thần làm chủ tế.
Đàn Xã Tắc chia làm 2 phần là Hộ đàn và Nội đàn, Hộ đàn ở phía ngoài và Nội đàn ở bên trong. Nội đàn là quan trọng nhất và lễ tế được tổ chức ở đây.
Nội đàn rộng, mặt nền tô 5 màu theo kinh dịch với vàng ở giữa (hành thổ), hướng bắc màu đen (hành thủy), hướng nam màu đỏ (hành hỏa), hướng đông màu xanh lá cây (hành mộc), hướng tây màu trắng (hành kim). Trên nền tầng có các bệ đá để phục vụ cho việc tế lễ.
Hộ đàn ở phía ngoài mỗi cạnh, nhằm bảo vệ an ninh cho việc cúng tế ở Nội đàn.
Đất để đắp đàn Xã Tắc phải là đất sạch từ tất cả địa phương trong nước, không dùng đất cũ. Đàn Xã Tắc tượng trưng cho đất đai của cả nước, nên rất linh thiêng. Cũng bởi vậy mà khi nói “Xã Tắc” nghĩa là nói đến đất đai của cả nước. Giang Sơn Xã Tắc có nghĩa là sông núi, đất đai của một quốc gia.
Mỗi khi thay đổi Triều đại thì đàn Xã Tắc của Triều đại trước phải bỏ để lập đàn Xã Tắc mới. Chính vì thế mà người xưa hay nói “Xã Tắc nhà Đinh”, “Xã Tắc nhà Lý”, hay “Xã Tắc nhà Trần”.
Vào thời nhà Ngô thì đàn Xã Tắc ở Sơn Tây, nhà Đinh lập đàn ở Hoa lư, nhà Lý ở Thăng Long, nhà Trần ở Thiên Trường, nhà Hồ ở Thanh Hóa, nhà Nguyễn ở Huế.
Lễ tế ở đàn Xã Tắc được tổ chức hàng năm hai lần vào ngày mậu của tháng giữa mùa xuân và mùa thu, tức tháng 2 và tháng 8 âm lịch.
Nói đến việc tế lễ, có một câu chuyện hay về vua Lý Thái Tông được chép lại trong Đại Việt sử ký toàn thư thế này:
Mậu Dần, [Thông Thụy] năm thứ 5 [1038] , (Tống Bảo Nguyên năm thứ 1). Mùa xuân, tháng 2, vua ngự ra cửa Bố Hải cày ruộng tịch điền. Sau Hữu ty dọn cỏ đắp đàn. Vua thân tế Thần Nông, tế xong tự cầm cày để làm lễ tự cày. Các quan tả hữu có người can rằng: “Đó là công việc của nông phu, bệ hạ cần gì làm thế?” Vua nói: “Trẫm không tự cày thì lấy gì làm xôi cúng, lại lấy gì cho thiên hạ noi theo?”.
Người xưa tin vào mối liên hệ của con người với trời đất, vì thế trong việc cúng tế thì đều có lễ bố cáo với trời đất tổ tiên, rồi nhấn mạnh vào việc thuận theo trời đất, từ vua quan đến dân đều noi gương các bậc Thánh hiền khi xưa mà tự sửa mình, rồi mới mong trời đất thần linh cho mưa thuận gió hòa. Khi được mưa thuận gió hòa thì người xưa tin rằng đó là do mọi người đều thuận theo ý chí của trời đất mà tự sửa mình, nên trời đất mới cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.