Truyền thuyết kể lại rằng ông Táo ở truồng không mặc quần. Ông Táo chỉ đội mũ, đi hia không mặc quần như thấy qua câu thơ của một nhà văn:

Đội mũ đi hia, chẳng mặc quần.

Tranh ảnh, hình vẽ, đồ mã diễn tả ông Táo không bao giờ có quần. Câu ca dao dưới đây cho thấy ông Táo ở trong bếp “ít mặc”, không cần mặc quần và ở trong bếp nên cũng không phải lo về vấn đề ăn uống. Ông Táo không phải lo ăn, lo mặc nên chẳng phải lo gì nhiều so với ông Cả:

Kitchengod

Ông Cả ngồi trên sập vàng,
Cả ăn, cả mặc, lại càng cả lo.
Ông Bếp ngồi trong đống tro,

Ít ăn, ít mặc, ít lo, ít làm.

Thần Táo Ngài Là Ai?

Trước khi đi tìm nguồn cơn, khúc nhôi của chuyện này, ta hãy tìm hiểu xem tại sao lại gọi thần bếp là Thần Táo, Táo Quân. Táo là gì? Táo có gốc Tá – có nghĩa là Lửa, Mặt Trời. Ta thấy từ “tá” đi đôi với từ “hỏa” như trong những từ ghép “tá hỏa”, “tá hỏa tam tinh”. Cổ ngữ Mường Việt gọi các vị thần tổ phái nam thuộc dòng mặt trời, dòng lửa là Tá ví dụ Tá Cần, Tá Cài. Theo bài hát tế Đẻ Đất Đẻ Nước tức Mẹ Đất Mẹ Nước ở Thanh Hóa thì vua Hùng vương Dịt Dàng và Tá Cài cùng sinh ra từ trăm cái trứng của bà Ngu Cơ, tức bà Âu Cơ:

Trứng một đẻ ra ông Dịt Dàng,
Trứng hai đẻ ra ông Lang Tá Cài,
Trứng ba nở ra ông Lang Tá Cần…

Dịt Dàng là Việt Vương tức Hùng Vương dòng vua mặt trời hừng rạng, thái dương. Ba Tư ngữ Tarr là thần lửa. Ai Cập ngữ Ptah, Tatom, Tatum là thần mặt trời. Tá là tổ, là tỏ, là mặt trời, là lửa. Ông Táo là ông Tá–, ông Lửa, tức ông Thần Bếp Lửa. Từ táo liên hệ tới lửa nên còn có các nghĩa phụ khác là khô, cứng như bị “táo bón”, cây “táo”. Cây táo là loại cây chịu đựng được khô hạn. Quả táo cũng được phơi khô dùng để hầm thức ăn và làm vị thuốc. Quả táo là quả khô có dương tính. Ông Táo là Thần Bếp lửa. Bếp là gì? Bếp là nơi có lửa nấu thức ăn nước uống. Bếp có gốc bế – ruột thịt với bễ có nghĩa là ống thổi lửa như ống bễ thợ rèn, kéo bễ thổi lửa, như thường ví hai cái lỗ mũi như hai cái ống bễ. Bếp liên hệ với bật là làm sáng lên như bật đèn, bật lửa, bật diêm quẹt… Bễ, bếp, bật… liên hệ với Phạn bhà-, sáng, làm sáng lên. Vậy bếp liên hệ với lửa.

Tóm lại ông Táo là ông Lửa, ông Thần Bếp Lửa.

Tại Sao Ông Táo Lại Gọi Là Thần Táo Quân?

Ông Táo Bếp Lửa được gọi là là Thần (Thần Táo) và Quân (Táo Quân). Tại sao? Thần là danh xưng gọi các bậc siêu phàm dòng Nòng, âm, Nước ngành Thần Nông ngược với từ Thánh danh xưng gọi các bậc siêu phàm dòng Nọc, dương, lửa ngành Viêm Đế. Thần liên hệ với nước như thấy thần, thận còn có nghĩa là con sò lớn, con trăn nước lớn (theo th=tr, thần = trăn), thần biến âm với thận cơ quan làm ra nước tiểu…, với h câm, thần = tần, một loại rau cần mọc dưới nước như thấy qua từ đôi tần tảo (rau cần và rong) (Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt). Như thế Thần Táo là ông Thần Lửa thuộc dòng âm, Nước. Đây là lý do ta có từ đôi bếp núc hay bếp nước. Ông Táo là Thần Bếp Nước.

Và tại sao Thần Táo lại gọi là Quân?  Quân cũng là một tước vị thuộc dòng Nòng, âm, Nước. Ví dụ như Lạc Long Quân thuộc dòng âm, lửa-nước, Mặt Trời Nước nên mới gọi là Quân chứ không gọi là Đế hay Vương. Quân là mầu quả mồng quân, mầu huân, mầu tím đen, mầu tối. Lạc Long Quân là mặt trời tím, mặt trời chiều tím, mặt trời lặn, mặt trời hoàng hôn, Lạc dương, Mặt Trời Nước. Mầu tím đen, mầu thâm đen biểu tượng cho nước. Như vậy Táo Quân giống như Lạc Long Quân thuộc dòng lửa nước nên cả hai đều có tước vị là Quân. Điểm này cũng giải thích tại sao Táo Quân thường mặc đồ mầu đen, mầu âm, mầu của nước âm.Ông đội mũ cánh chuồn mầu đen. Hai cánh chuồn là hai cây nọc mang dương tính. Hai nọc là hai dương, thái dương, lửa. Hai cái nọc dùi vào nhau làm ra lửa. Nhưng hai cái nọc cánh chuồn có đầu thon tròn nên là nọc dòng âm. Hai nọc cánh chuồn diễn tả lửa âm, lửa-nước, lửa dòng âm. Hai cánh chuồn giống hai tai con thỏ. Hai tai thỏ là hai nọc đầu tròn biểu tượng cho thái dương dòng âm, nước ứng với Mặt Trời Nước Lạc Long Quân vì thế mà con thỏ dùng làm biểu tượng cho mặt trăng, một thứ mặt trời đêm. Mặt Trời đêm Lạc Long Quân có một biểu tượng là con thỏ (Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt) vì có một khuôn mặt là ông trăng như thấy qua câu ca dao:

Ông giăng mà lấy bà giời,
Mồng Năm dẫn cưới, Mồng Mười rước dâu.

Ông trăng là Lạc Long Quân và bà giời là Âu Cơ (Ca Dao Tục Ngữ Tinh Hoa Dân Việt).

Táo Quân đi ủng (boot), một thứ giầy lội nước cho khỏi ướt chân. Ủng biến âm với úng (đọng nước) như úng thủy.
Rõ ràng qua tước vị, danh xưng, mầu áo, mũ, ủng ta thấy Táo Quân thuộc dòng Lửa-Nước giống như Lạc Long Quân.

Tại Sao Thần Táo Lại Cỡi Cá Chép Về Chầu Trời?

Theo truyền thuyết, thần Táo cỡi cá chép về chầu Ngọc Hoàng. Trong các món đồ cúng ông Táo có món cá chép còn sống bơi trong chậu nước để ông Táo dùng làm phương tiện di chuyển về trời. Tại sao Thần Táo lại cưỡi cá chép? Ông Táo có thể cỡi cá chép bay về trời vì cá chép có thể hóa ra rồng bay lên mây, lên trời được. Cá chép “hóa rồng” thấy qua câu ca dao sau này:

Bao giờ cá chép hóa rồng,
Bõ công cha mẹ bế bồng ngày xưa.

Theo truyền thuyết thì:

Mồng Bốn cá đi ăn thề,
Mồng Tám cá về, cá vượt Vũ-môn.

Vũ-môn là một chỗ có nhiều ghềnh thác trên Trường Giang tức sông Dương Tử thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc ngày nay. Cứ đến ngày Mồng Tám Tháng Tư thì cá chép ở các nơi qui tụ về chỗ ghềnh thác này để thi nhẩy. Con nào nhẩy vượt qua được ba bậc của ghềnh thì hóa thành rồng.
Qua con cá chép này một lần nữa ta thấy Táo Quân liện hệ với Lạc Long Quân, cả hai cùng thuộc dòng âm, lửa nước, cùng liên hệ với cá chép. Thật vậy, cá chép hóa rồng cũng là một biểu tượng của Rồng Lạc Long Quân. Người Mường thờ cá chép, coi cá chép là biểu tượng của Lạc Long Quân. Chúng ta cũng vậy. Chứng tích cá chép liên hệ đến Lạc Long Quân thấy qua câu sử miệng ca dao cổ ở làng Lệ Mật, Gia Lâm ngoại ô Hà Nội:

Đến ngày 23 tháng ba,
Dân trại ta vượt Nhị Hà thăm quê,
Kinh Quản, Kinh Cự đề huề,
Hồ Tây cá nhảy đi về trong mây.

Cứ đến ngày 23 tháng 3 âm lịch, dân làng Lệ Mật đánh cá ở giếng đình để lấy “cá đóng dấu đem dâng thánh ăn gỏi. Đó là những con cá chép có dấu son đỏ trên vẩy. Dân làng bảo đó chính là Hồ Tây cá nhẩy đi về trong mây” (Đặng Văn Lung, tr.61). Hồ Tây là hồ Thầy, hồ Mặt Trời Lặn, hồ Lạc Long Quân. Cá nhẩy đi về trong mây tức là cá hóa long chính là cá chép, cá biểu của Lạc Long Quân.
Cũng chính vì cá chép dùng làm phương tiện về trời của thần bếp lửa vào cuối Tháng Chạp mà chúng ta gọi nó là cá “chép”. “Chép” biến âm với “Chạp”. Cá chép là cá Tháng Chạp. Chép và chạp đều có nghĩa là “hai”. Thật vậy với h câm, ta có chạp = cạp, cặp. Tháng Chạp là Tháng Cặp, Tháng Hai. Theo biến âm ch=k như chênh = kênh, ta có chép = kép, có nghĩa là hai: “rộng làm kép, hẹp làm đơn”. Người Việt chúng ta gọi Tháng 11 ta là Tháng Một và Tháng 12 ta là Tháng Chạp, Tháng Cặp, Tháng Hai và Tháng Một ta gọi là Tháng Giêng:

Tháng Giêng ăn Tết ở nhà,
Tháng Hai trồng đậu, Tháng Ba trồng cà.
…….

Tháng Một, Tháng Chạp nên công hoàn toàn.

Rõ ràng cá chép là cá kép, cá cặp, cá chạp. Cá chép là cá Tháng Chạp. Do đó cá chép được dùng làm phương tiện về trời của ông Táo vào ngày Hai Mươi Ba Tháng Chạp ta. Ngoài ra cá chép có râu mang nam tính, dương, lửa, môi mép, vẩy vi viền đỏ là con cá lửa. Cá chép còn gọi là cá gáy. Nếu hiểu gáy là tiếng hót thì gáy là biểu tượng cho đực, hùng tính, dương, lửa. Con chim, con gà chỉ con đực mới gáy. Gáy biến âm với gay là đỏ. Đỏ gay. Đỏ là tỏ là mặt trời, lửa. Hán ngữ cá chép là lí ngư. Lí biến âm với li là lửa. Lí ngư là cá lửa. Cá chép hóa rồng, cá chép vượt Vũ Môn (Cửa Mưa) cũng chỉ về sự học hành đỗ đạt, làm nên danh phận. Ngày xưa chỉ phái nam mới học hành thi cử làm nên công danh vì thế cá chép mang nam tính vượt Vũ Môn biểu thị cho sự thành đạt của phái nam. Người Nhật đã đem ý nghĩa của điển tích này vào ngày lễ Con Trai (Boy Day) tổ chức vào tháng 5. Tại sao lại chọn tháng 5. Xin thưa số 5 theo Dịch là Li, lửa, mặt trời, dương. Trong ngày lễ Con Trai, nhà nhà người Nhật đều treo phướn cá Koi, một loại cá chép màu rất đẹp với niềm mơ ước là con trai mình sau này như cá chép hóa long, đỗ đạt, thành tài. Lễ Cá chép Koi vào tháng 5 Li, Lửa cũng cho thấy Cá Chép loài vật sống dưới nước liên hệ với lửa-nước, tức liên hệ với Táo Quân và Lạc Long Quân.

Ta cũng thấy, dân làng Lệ Mật chọn ngày 23 tháng 3 âm lịch đánh cá ở giếng đình để lấy “cá đóng dấu đem dâng thánh ăn gỏi” và dân gian cũng chọn ngày 23 tháng Chạp cúng tiễn ông Táo về trời. Cả hai Lạc Long Quân và Táo Quân đều được chọn ngày 23. Tại sao? Xin thưa, số 23 là  số Càn lửa vũ trụ tầng 3, tức tầng nước (số 7 là số Càn, lửa vũ trụ  tầng 1, cõi trời; số 15 là số Càn lửa vũ trụ tầng 2, cõi đất và số 23 lửa vũ trụ  tầng 3, cõi nước). Ta cũng thấy số 23 là lửa vũ trụ tầng 3 Càn cõi nước qua câu ca dao:

Mồng Năm, Mười Bốn, Hăm Ba,
Đi chơi cũng lỗ nữa là đi buôn.

Dân dã Việt Nam thường kiêng kỵ những ngày 5, 14, 23 này. Vì sao? Số 5 là số Li (|O|), lửa đất thế gian, 14 là Tốn  (O||) tầng 2, lửa gió thế gian và 23 là Càn lửa vũ trụ, tầng 3 tức lửa nước thế gian. Như thế cả 3 số đều là Lửa của ba vùng trời, đất và nước. Ngày xưa đi chơi hay đi buôn bán thường dùng thuyền bè, đường thủy. Hỏa khắc thủy. Đó là lý do dân ta kiêng cữ những ngày hỏa mà phải đi đường thủy là vậy. Rõ ràng ngày 23 là ngày Lửa-nước bản thể của Táo Quân và Lạc Long Quân. Táo Quân chọn Tháng Chạp, Tháng Cạp, Tháng Hai với số 2 là số Khảm, nước. Ngày 23 Tháng Chạp là ngày tháng lửa-nước phía âm Khảm. Còn Lạc Long Quân chọn tháng 3 là tháng Đoài, khuôn mặt dương của Khảm (2). Ngày 23 tháng 3 là ngày tháng Lửa-nước phía dương Đoài. Lạc Long Quân thuộc dòng lửa nước nhưng thuộc phía dương, nội Đoài, trong khi Táo Quân cũng thuộc dòng lửa nước nhưng thuộc phía âm, ngoại Khảm.

Tóm lại cá chép liên hệ tới lửa nước, điều này giải thích tại sao ông Táo Thần Bếp lửa cỡi cá chép về trời.

Tại Sao Thần Táo Lại Không Mặc Quần?

Ông Táo Việt Nam ngày nay thường mặc áo dài đen không mặc quần. Mặc áo dài để che cho đỡ nóng, cho khỏi bị phỏng, cho khỏi phạm thuần phong mỹ tục. Thật sự, đáng lẽ đúng lý ra nguyên thủy Táo Quân không mặc cả áo nữa. Táo Quân chính thống phải ở trần truồng. Theo truyền thống, những tộc thuộc dòng gió thiếu âm thường ở trần (theo Lĩnh Nam chích quái, con dân nước Văn Lang của Hùng Vương dòng gió dương Đoài nên ở trần, đầu cắt tóc ngắn), dòng đất thường mặc quần áo bằng vỏ cây (cây có một biểu tượng cho Núi Trụ Thế Gian) và những tộc thuộc dòng nước thái âm ở trần truồng. Về sau “văn minh” hơn, con người đánh mất sự hồn nhiên nên bắt đầu che đậy lại vì vậy mà ngành âm nhất là tộc nước bắt đầu đóng khố. Khố là một thứ khăn quấn ở dưới (khố biến âm với khăn theo kiểu biến âm khó khăn). Theo kh=ch=tr=th, khăn = chăn = trăn = thần, liện hệ với nước. Khố liên hệ với khăn, trăn, rắn biểu tượng cho nước. Chứng tích cho thấy những tộc thuộc dòng nước thường ở trần truồng hay tiến bộ hơn thì đóng khố là trong chuyện Chử Đồng Tử, Người Con Trai Sống Bên Bờ Nước. Hai cha con thuộc dòng nước chỉ có một cái khố, khi cha chết đi, chiếc khố chôn theo cha nên Chử Đồng Tử ở trần truồng sống ven sông nước và gặp Công Chúa Tiên Dung trong lúc trần truồng. Hiện nay trong các buổi lễ hội liên hệ với Lạc Long Quân dòng nước thường có múa Giảo Long, múa Rồng lột hay Đóng lốt như ở xã Ngọc Xuyên huyện Thuận Thành, Bắc Ninh, các vũ viên con trai sắp hàng theo hình rồng rắn, ở trần và đóng khố (Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt). Rõ hơn nữa, cổ hơn nữa và vững chắc hơn nữa là trên trống Đồng Ngọc Lũ I, những tộc thuộc dòng nước diễn tả bằng 6 chiếc thuyền ở vai trống, trong đó có hai con thuyền dẫn đầu đại biểu cho ngành âm, Khôn. Thuyền số 5 là thuyền đại biểu cho đại tộc âm của âm hay thái âm phía dương là lửa-nước Chấn ứng với Lạc Long Quân có người gác cổng thiên đường ở trần truồng chỉ cầm khiên âm nước dương Chấn đứng trên đài cao Tam Thế.

thuyenso5

Thuyền số 5 trên trống Ngọc Lũ I, người gác cổng thiên đường đứng trên cầu đài Tam Thế ở trần truồng.

Người trần truồng này quay mặt về phía trái, đuôi thuyền tức phía âm, âm của dòng thuyền nước âm, tức thái âm nước. Cái bình, vật đựng nước, biểu tượng cho nước để dưới gầm cầu đài mang thái âm tính xác định đây là thuyền đại biểu của đại tộc Nước.

Con thuyền số 6 là thuyền đại biểu cho đại tộc dương của âm hay thiếu âm phía dương là lửa-gió Đoài ứng với Hùng Vương có người gác cổng thiên đường ở trần, tóc ngắn cầm lao khiên Đoài (lao nhỏ hơn khiên mang tính thiếu âm, gió) đứng trên đài cao Tam Thế.

thuyenso6
Thuyền số 6 trên trống Ngọc Lũ I, người gác cổng thiên đường đứng trên cầu đài Tam Thế ở trần.

Người ở trần này quay mặt về phía phải, mũi thuyền tức phía dương, dương của dòng thuyền nước âm, tức thiếu âm gió. Chiếc trống hay vật hình trống biểu tượng cho hư không, gió (trống không, trống là không) để dưới gầm cầu đài mang dương tính xác định đây là thuyền đại biểu của đại tộc gió Đoài (Giải Đọc Trống Đồng Nòng Nọc Âm Dương Đông Nam Á).

Tóm lại Thần Táo thuộc dòng lửa nước theo quan niệm chính thống của con người cổ sơ còn hồn nhiên là phải ở trần truồng.

Kết Luận

Thần Táo, Táo Quân là thần Bếp Núc, Bếp Nước, thuộc dòng Lửa-Nước nên không mặc quần là vì vậy.

Tài Liệu Tham Khảo

– Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt (Y Học Thường Thức, 1999).

– Ca Dao Tục Ngữ, Tinh Hoa Dân Việt (Y Học Thường Thức, 2002).

– Tiếng Việt Huyền Diệu (Hừng Việt, 2004).

. Đặng Văn Lung, Nguyễn Thị Huế, Trần Gia Linh, Văn Hóa Luy Lâu và Kinh Dương Vương, NXB Hội Nhà Văn, 1998.

. Vũ Quỳnh, Kiều Phú, Lĩnh Nam chích quái (NXB Văn Hóa, 1960)