Chỉ thuần túy đọc lời các nhạc phẩm của Hoàng Thi Thơ, ta có thể quả quyết ông chính là một Thi sĩ của đồng quê …

Sinh ra trong một gia đình quan lại, tuy cha ông đều là quan nhà Nguyễn, nhưng suốt thồi ấu thơ nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, (tên khai sinh là Hoàng Hữu Ngạnh) lại luôn ở bên người mẹ hiền, gắn bó với làng quê Bích Khê – một xóm thôn rất đẹp nằm bên bờ sông Thạch Hãn. Dọc bờ sông là những nương dây xanh ngáy, với người dân ở đây trồng dâu nuôi tằm, quay tơ, dệt vải, có những đêm trăng thanh gió mát, trai gái dập dìu cất tiếng hát ven sông … Hình ảnh xinh đẹp của quê hương ấy, đã ngấm vào ông như một tình yêu bản năng, và sau này đã cất lên thành nhạc thành thơ.

Hoàng Thi Thơ (sinh 1 tháng 7 năm 1929 – mất 23 tháng 9 năm 2001) là một nhạc sĩ Việt Nam. Ông nổi tiếng tại miền Nam trước 1975 với những bài hát ca ngợi quê hương, đất nước, con người Việt. Một số bút hiệu khác của ông là Tôn Nữ Trà MiTôn Nữ Diễm HồngBích KhêTriệu Phong.

Hoàng Thi Thơ sinh ngày 1 tháng 7 năm 1929 (Kỷ Tỵ) tại làng Bích Khê ở xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông hoạt động nghệ thuật từ năm 1945, khi còn học trung học tại Huế rồi Hà Tĩnh. Dòng họ Hoàng còn có nhà biên kịch Hoàng Phủ Ngọc Tường

Sau khi học xong Tú tài, tháng 10 năm 1950, ông vào đại học tại trường Dự bị đại học Liên khu 3 và 4 tại Thanh Hóa, theo khoa Văn-Triết. Sau Cách mạng tháng Tám, Hoàng Thi Thơ gia nhập Đoàn Văn nghệ Quảng Trị như một diễn viên ca kịch nhạc do nhạc sĩ Nguyễn Hữu Banlàm trưởng đoàn. Đến tháng 8 năm 1946, ông trở lại Huế để tiếp tục những năm cuối trung học.

Tháng 12 năm 1946, Hoàng Thi Thơ khi đang tham gia tuyên truyền cùng nhạc sĩ Trần Hoàn ở Huế thì kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Sau khi Huế thất thủ, ông trở ra Vinh theo đề nghị của nhà thơ Lưu Trọng Lư. Tháng 5 năm đó, ông bắt đầu làm báo, viết văn, trở thành phóng viên và biên tập viên cho tờ nhật báo Cứu quốc của Việt Minh. Tháng 9 năm 1948, ông trở lại Huế, tiếp tục hoàn thành trung học ở Trường Khải Định (về sau rời ra Hà Tĩnh và đổi tên thành Trường Huỳnh Thúc Kháng).

Năm 1951, ông vào Sài Gòn dạy tiếng Anh và theo nghề viết nhạc, hoạt động văn nghệ. Năm 1957, ông bắt đầu tổ chức những kỳ Đại nhạc hội tại rạp Thống Nhất Sài Gòn; 4 năm sau ông thành lập Đoàn Văn nghệ Việt Nam và lưu diễn qua nhiều nước Á Châu.

Từ 1967 ông là giám đốc tổ chức những chương trình ca vũ nhạc kịch, đặc biệt tại nhà hàng Maxim’s, Sài Gòn. Ông cũng từng lưu diễn tại nhiều thành phố trên thế giới: Vạn Tượng, Hồng Kông, Ðài Bắc, Tokyo, Bangkok, Singapore, Sénégal, Paris, London… và nhiều nơi ở Hoa Kỳ.

Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ là người duy nhất đã được Bộ Thông tin Việt Nam Cộng hòa và Tổng cục Chiến tranh Chính trị nhiều lần cử thành lập và dẫn các đoàn văn nghệ Việt Nam đến Châu Âutrình diễn…

Sau 1975, ông sang Hoa Kỳ. Ông có về Việt Nam 2 lần kể từ năm 1993.

Sáng ngày chủ nhật 23 tháng 9 năm 2001 tại nhà riêng ở Glendale, Hoàng Thi Thơ đã qua đời một cách thanh bình trong khi chờ vợ làm một món cá mà ông thích.

Mộ của ông nằm ở nhà quàn Heritage Memorial Services, 17712 Beach Boulevard, Huntington Beach, Hoa Kỳ.

Ông có trên 500 ca khúc từ tình ca đến nhạc quê hương, dân ca đến nhạc thời trang, đoản khúc đến trường ca, nhạc cảnh đến nhạc kịch.

Khoảng năm 1972-1973, Hoàng Thi Thơ sử dụng thêm bút danh mới là Tôn Nữ Trà Mi và sáng tác một loạt ca khúc mà báo chí thời đó gọi là “đem lại cho làng tân nhạc Việt Nam luồng sinh khí mới và cảm hứng tân kỳ” như Rước tình về với quê hương, Việt Nam ơi ngày vui đã tới, Ô kìa đời bỗng dưng vui, Xây nhà bên suối, Ngày vui lý tưởng…

Nhiều bài hát của Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã quen thuộc với người Việt Nam từ những năm 1950 cho đến sau năm 1975, nhất là những bản nhạc có tính chất dân gian, mộc mạc có âm hưởng quê hương đã đi vào lòng dân mà lại lãng mạn như “Rước tình về với quê hương“, “Rong chơi cuối trời quên lãng“, “Đường xưa lối cũ“, “Tà áo cưới“, “Trăng rụng xuống cầu“, “Gạo trắng trăng thanh“, “Đám cưới trên đường quê“, “Duyên quê“, “Tình ta với mình“…

Hoàng Thi Thơ cũng có những bản nhạc kể lại những mối tình đau khổ của những người con gái: “Chuyện tình cô lái đò Bến Hạ“, “Chuyện tình La Lan“, “Chuyện tình người trinh nữ tên Thi“…

Trong thời gian cộng tác với nhà hàng Maxim’s (Sài Gòn), ông đã thực hiện những tiết mục ca nhạc kịch dã sử và sáng tác những ca khúc hào hùng như “Quang Trung đại phá quân Thanh” hoặc “Trưng Vương đại phá quân Đông Hán“.

Ông cũng là người đã nâng đỡ Sơn Ca và Họa Mi, làm cho hai người này trở thành những nữ ca sĩ nổi tiếng.

Hoàng Thi Thơ cũng nổi tiếng trong việc nghiên cứu các điệu múa. Ông được cho là người tiên phong xây dựng những điệu vũ vừa hiện đại vừa đậm chất dân tộc. Ông cùng với vũ sư Trinh Toàn và vũ sư Lưu Hồng đã có nhiều công trình hợp tác nghiên cứu và sáng tạo các điệu múa dân tộc: Vũ múa trống, Vũ lên đồng, Vũ múa nón, Múa xòe, Múa Koho…

Hoàng Thi Thơ đạo diễn sáng tác vở nhạc kịch đầu tiên năm 1963, mang tên “Từ Thức lạc lối bích đào“, năm 1964, vở nhạc kịch thứ nhì “Dương Quí Phi“, năm 1966 vở “Cô gái điên“, năm 1968 vở “Ả Đào say“.

Năm 1965, Hoàng Thi Thơ trở thành đạo diễn điện ảnh với cuốn phim đầu tiên là “Cô Gái Điên” quay thành phim từ nhạc kịch cùng tên của ông, do Trung tâm Điện ảnh Quốc gia sản xuất.

Năm 1969, ông đạo diễn cho phim “Người cô đơn” do chính ông sản xuất. Sau khi ra đến hải ngoại, Hoàng Thi Thơ vẫn tiếp tục làm đạo diễn cho một số phim video như “Chuyện Tình Buồn,” “Tiếng Hát Trong Trăng,” “Người Đẹp Bạch Hoa Thôn” và “Chiêu Quân Cống Hồ”.

Hãy nghe ông hát về một buổi sớm quê hương đầy trong trẻo:

Ô ! ô ! sáng hôm nay trên quê hương tôi,
Quê hương xinh xinh quê hương hữu tình,
Quê hương xinh xinh quê hương hòa bình,

Đường nở hoa trắng, xanh, vàng, tím,
Đẹp làm sao bướm bay chập chờn.
Đàn chim non véo von ngọn tre,
Khăn mầu son, áo mầu vàng,

Ơi, bà con đến xem mùa cưới !
Chân hài cong, tay dù hồng.
Lâu thật lâu mới thấy được một ngày vui !

Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ thứ 2 từ bên trái qua

Và đây là một buổi chiều :

Chiều chiều ơi! Trăng về lả lơi.
Chiều đồng quê câu hò chơi vơi.
Hò ơi! Giữa chúng ta em cùng anh.
Đem nước lên cho đồng xanh.
Nuôi kiếp nghèo đời mong manh.

Và đây là một đêm trăng :

Trong đêm trăng, tiếng chày khua
Ta hát vang trong đêm trường mênh mang
Ai đang say, chày buông rơi
Nghe tiếng vơi tiếng đầy.

Ai đang đi, trên đường đê
Tai lắng nghe muôn câu hò đê mê
Vô đây em, dù trời khuya
Anh nhớ đưa em về.

Đêm chơi vơi gạo cười tươi
Như chuyền hơi ấm, ấm lòng người…

Bức tranh của làng quê, có sáng có chiều, có đêm có tối, khoảnh khắc nào cũng thật đẹp, cũng thật ấn tượng lòng người, như một bức tranh giàu màu sắc cứ rộn rã mãi trong lòng ta. Chính bởi vậy mà nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Phan đã viết :

“Lại có lần nhân kỷ nghỉ hè về thăm làng, dự một buổi liên hoan văn nghệ ngoài bãi cỏ trước đình làng. Đêm trăng sáng, gái trai làng vui vẻ vỗ tay hát :

Trong đêm trăng, tiếng chày khua, ta hát vang trong đêm trường mênh mang. Vô đây em, dù trời khuya anh nhớ đưa em về…

Trong bối cảnh này, tôi bỗng nhận ra rằng bài Gạo trắng trăng thanh này dễ thương lạ làng. Khó có nhạc sĩ nào tìm được một giai điệu thích hợp với tâm hồn mộc mạc của trai gái làng tôi hơn những Gạo trắng trăng thanh. Trăng rụng xuống cầu, Duyên Quê của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Thuở ấy nếu không có ông, không biết những người bạn trẻ của tôi ở làng Bích Khê sẽ hát nhạc gì ?”

Như trên đã viết, Hoàng Thi Thơ đương nhiên là một nhạc sĩ của làng quê, nhưng nếu chỉ đọc ca từ của ông, ta cũng có thể khẳng định ông còn là một thi sĩ của đồng quê.

Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ

Hãy nghe ông tả về quê hương :

Đồng xanh như gái chưa con
Lúa như xôn xao chào đón
Bầy chim nghệ sĩ khoe khoang
Thấy em đua nhau hòa đàn.

Và người con gái quê hương :

Em gái vườn quê
Cuộc đời trong trắng
Dầm mưa dãi nắng
Mà em biết yêu trăng đẹp ngày rằm.

Anh biết mặt em
Một chiều bên thềm
Giọng hò êm đềm
Và đôi mắt em lóng lánh sau rèm.

Và những mối tình trai gái gắn bó với tình yêu làng quê :

Đưa em, đưa em qua cánh đồng vàng
Đưa em em qua chuyến đò ngang
Đưa em, đưa em đưa đến chợ làng

Anh mua năm thước lụa đào
Anh mua khăn vấn nhiễu vàng viền bông
Anh mua đôi guốc sơn hồng

Quần sa tanh khỏi chê
Cườm màu xanh đẹp ghê,
Kiềng vàng y tròn xoe.

Anh quên, anh quên đấy nhé
Quên mua biếu em chiếc khăn choàng
Em về, em về e khoe khoang

“Bồ” ta ấy thế mà sang
Ta về, ta về ta khoe khoang
Ngày mai đám cưới thật sang

Phải ghi nhận đây là những bài thơ hay, những bài hát hay, đậm chất dân dã làng quê và giàu âm hưởng đồng quê. Bởi thế, nhạc sĩ Phạm duy đã nói về Hoàng Thi Thơ : “Có ai trong chúng ta mà không biết đến bài Tình ca trên lúa, tưởng nhớ tới hình ảnh cô gánh gạo trắng trong đêm trăng thanh, hoặc bàng hoàng khi nghe lại câu ca trăng rụng xuống cầu? Nhờ anh, chúng ta chứng kiến cảnh tượng đưa em xuống thuyền trong đám cưới trên đường quê. Nhạc của anh lúc nào cũng giống như một đám rước : Rước tình về với quê hương trong một thời đại đầy sóng gió”.

Và đây. Phải chăng là tình yêu quê hương đất nước luôn nồng nàn trong tâm hồn nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ?