Ở trong một lớp học tại Mỹ và Trung Quốc, bài học về câu chuyện Cô bé Lọ Lem với 2 phiên bản được giảng dạy có thể cho chúng ta thấy vai trò của người thầy quan trọng đến như nào đối với sự phát triển của trẻ.
Phiên bản Mỹ
Chuông lớp reo, các em học sinh ùa vào lớp, giáo viên muốn kể câu chuyện cổ tích “Cô bé lọ lem”.
Đầu tiên giáo viên yêu cầu một em học sinh lên bục giảng kể cho cả lớp về câu chuyện. Đứa trẻ kết thúc bài kể rất nhanh, giáo viên cảm ơn và bắt đầu hỏi cả lớp.
Giáo viên: “Các em thích và không thích nhân vật nào trong truyện? Tại sao?”
Học sinh: “Em thích Cô bé Lọ Lem Cinderella và hoàng tử, không thích hai mẹ con người mẹ kế. Cinderella tốt bụng, dễ thương và xinh đẹp. Mẹ kế và cô em gái không tốt.”
Giáo viên: “Nếu vào lúc 12h đêm, Cinderella không kịp nhảy lên cỗ xe bí ngô của mình, các em nghĩ sao, chuyện gì sẽ xảy ra?”
Học sinh: “Cinderella sẽ quay về bộ dạng bẩn thỉu và mặc lại bộ quần áo cũ rách. Ồ, thật tệ.”
Giáo viên: Vì vậy, các em hãy là một người đúng giờ, nếu không có thể sẽ gặp rắc rối. Ngoài ra, các em thấy đấy, mỗi bạn nên ăn mặc gọn gàng sạch đẹp, không nên xuất hiện lôi thôi trước mặt người khác, nếu không sẽ khiến bạn bè khiếp sợ. Các cô gái, các em phải chú ý, sau này khi lớn lên và hẹn hò với các chàng trai, nếu các em không cẩn thận, người bạn trai sẽ phải chứng kiến dáng vẻ khó coi của các em, họ có thể sẽ bị sốc (giáo viên làm bộ dạng té xỉu).”
Nếu vào lúc 12 giờ đêm, Cinderella không kịp nhảy lên cỗ xe bí ngô của mình, các em nghĩ sao, chuyện gì sẽ xảy ra?
Giáo viên: “Được rồi, câu hỏi tiếp theo, nếu bạn là mẹ kế của Cinderella, bạn có ngăn cản Cinderella đến tham gia buổi dạ hội của hoàng tử không? Hãy trả lời thành thực!”
Học sinh: (Sau một lúc, có vài đứa trẻ giơ tay trả lời) “Nếu em là mẹ kế của Cinderella, em cũng sẽ ngăn cô ấy tham dự dạ hội của hoàng tử.”
Giáo viên: “Tại sao?”
Học sinh: “Bởi vì em yêu con gái, muốn con gái mình trở thành hoàng hậu.”
Giáo viên: “Đúng vậy, vì thế những người mẹ kế mà chúng ta thấy bị coi là những người xấu. Họ chỉ là không đủ tốt trong mắt người khác, nhưng lại rất tốt đối với con cái của họ. Các em có hiểu không? Họ không phải là người xấu, chỉ là họ không thể yêu những đứa trẻ khác như con cái của mình.”
Giáo viên: “Các em, câu hỏi tiếp theo là, mẹ kế của Cinderella sẽ không cho cô đến dạ hội của hoàng tử, và thậm chí khóa cửa lại, vậy tại sao cô ấy có thể đi và trở thành cô gái xinh đẹp nhất của buổi dạ hội?”
Học sinh: “Bởi vì một bà tiên đã giúp cô ấy, cho cô ấy những bộ quần áo đẹp, biến quả bí ngô thành cỗ xe ngựa, biến con chó và chuột thành người hầu.”
Giáo viên: “Đúng, trả lời rất tốt! Vậy hãy thử suy nghĩ xem, nếu Cinderella không nhận được sự giúp đỡ của bà tiên, cô ấy sẽ không thể đi dạ hội, có phải không?”
Học sinh: “Đúng vậy ạ!”
Giáo viên: “Nếu chó và chuột không sẵn lòng giúp đỡ cô ấy, liệu cô ấy có thể chạy về nhà thành công vào giây phút cuối không?”
Học sinh: “Không, sau đó cô ấy có thể sẽ khiến hoàng tử phải khiếp sợ.” (Cả lớp lại cười!)
Giáo viên: “Mặc dù Cinderella có một bà tiên đến giúp đỡ cô ấy, nhưng sự giúp đỡ của một bà tiên là không đủ. Vì vậy, các em, dù đi đâu, chúng ta đều cần bạn bè. Bạn bè của chúng ta không nhất thiết là tiên nữ, nhưng chúng ta cần họ, và cô hy vọng rằng các em có thật nhiều bạn bè. Tiếp theo, hãy nghĩ tiếp về điều này, nếu Cinderella từ bỏ cơ hội vì mẹ kế không muốn cô tham dự buổi dạ hội, liệu cô ấy có thể trở thành cô dâu của hoàng tử không?”
Học sinh: “Không! Trong trường hợp đó, cô ấy sẽ không đi dạ hội, sẽ không gặp được hoàng tử.”
Giáo viên: “Đúng thế! Nếu Cinderella không muốn khiêu vũ, và người mẹ kế không ngăn cản, thậm chí ủng hộ cô ấy đến buổi dạ hội, vậy ai là người quyết định cô ấy sẽ đi đến buổi dạ hội hay không?”
Học sinh: “Chính là cô ấy!”
Giáo viên: “Vì vậy, các em, Cinderella không có người mẹ nào yêu thương cô, mẹ kế không yêu cô, và điều này không khiến cô không yêu chính bản thân mình. Đó là bởi vì cô ấy yêu bản thân mình và có khả năng tìm thấy những gì mình muốn. Nếu một số bạn cảm thấy rằng không ai yêu mình, hoặc nếu bạn có một người mẹ kế không yêu mình như mẹ kế của Cinderella, bạn sẽ làm gì?”
Học sinh: “Phải yêu bản thân mình!”
Không ai có thể ngăn bạn yêu chính mình. Nếu bạn cảm thấy người khác không yêu bạn đủ nhiều, thì bạn phải yêu bản thân mình nhiều hơn.
Giáo viên: “Đúng vậy, không ai có thể ngăn cản bạn yêu bản thân mình, nếu bạn nghĩ rằng ai đó không yêu bạn đủ nhiều, thì bạn cần phải yêu bản thân mình gấp bội. Nếu ai đó không cho bạn cơ hội, bạn nên tăng gấp đôi cơ hội cho mình; nếu bạn thực sự yêu chính mình, bạn sẽ tìm thấy những gì bạn muốn. Không ai có thể ngăn cản Cinderella tham dự dạ hội của hoàng tử. Không ai có thể ngăn Cinderella trở thành hoàng hậu, ngoại trừ chính bản thân cô ấy. Có đúng như vậy không?”
Học sinh: “Vâng, Đúng thế ạ!”
Giáo viên: “Câu hỏi cuối cùng, điều gì không hợp lý trong câu chuyện này?”
Học sinh: (Sau một lúc suy nghĩ): “Sau 12 giờ đêm, mọi thứ phải được quay về ban đầu, nhưng đôi giày pha lê của Cinderella không thay đổi.”
Giáo viên: “Ôi, các em thật tuyệt! Các em thấy đấy, đó chính là các nhà văn vĩ đại cũng phải phạm sai lầm. Vì vậy sai lầm không phải là điều gì quá khủng khiếp. Cô đảm bảo rằng nếu bất kỳ ai trong số các em trở thành một nhà văn trong tương lai, sẽ phải giỏi hơn nhà văn này! Các em có tin không?”
Bọn trẻ reo hò.
Đây là một lớp học tại một trường tiểu học bình thường ở Hoa Kỳ. Vị giáo viên tiểu học đã vận dụng câu chuyện cổ tích một cách linh động vào cuộc sống và rất hữu ích cho học sinh khiến tiết học vô cùng thú vị.
Phiên bản Trung Quốc
Tiếng chuông lớp vang lên, học sinh và giáo viên bước vào lớp.
Giáo viên: “Hôm nay, chúng ta sẽ kể câu chuyện về Cô bé Lọ Lem Cinderella. Các em đã chuẩn bị chưa?”
Học sinh: “Đây vẫn là một câu chuyện cổ tích? Nó cũ quá rồi ạ.”
Giáo viên: “Cô bé lọ lem, đây là truyện cổ Grimm hay truyện cổ Andersen? Ai là tác giả của nó? Nó được sáng tác khi nào? Câu chuyện cuộc đời của tác giả như thế nào?”
Học sinh: “… Chẳng phải trong sách đều đã được viết sao ạ? Tự đọc cũng được ạ.”
Giáo viên: “Ý nghĩa của câu chuyện này là gì?”
Học sinh: “Vâng, điều này phải tìm hiểu đã.”
Giáo viên: “Được rồi hãy bắt đầu bài giảng. Sau đó một bạn sẽ kể một đoạn, và giải thích ý nghĩa của đoạn này.”
Học sinh: “Một đoạn đầu, cuối, đoạn giữa, hay là tóm tắt ạ?”
Giáo viên: “Tôi sẽ bắt đầu bài giảng, cả lớp hãy trật tự lắng nghe.”
Giáo viên: “Nói đến đây, mọi người hãy chú ý đến câu thoại. Câu thoại này là một câu so sánh, hay là ẩn dụ? Tại sao tác giả lại viết như thế?”
Học sinh: (Một số người đã bắt đầu ngủ …)
Giáo viên: “Cả lớp hãy chú ý đến từ này. Nếu tôi đổi sang một từ khác, tại sao nó không hay như tác giả?”
Học sinh: (Một vài người nữa đã bắt đầu ngủ …)
Giáo viên: “Bạn có nhận thấy rằng nếu đoạn này được thay đổi với vị trí của đoạn kia, thì có được không? Tại sao?”
Học sinh: (Nhiều người bắt đầu ngủ ….)
Giáo viên: “Tại sao nhiều bạn ngủ gật thế? Các em phải biết rằng, nếu không học tốt sẽ không làm bài kiểm tra điểm cao được, mà điểm thi không tốt thì không thể đỗ đại học, không học đại học thì không thể….. Các em phải hiểu điều này.”
Học sinh Trung Quốc sau khi được nhận vào đại học, họ bắt đầu “thả phanh” ăn, uống và vui chơi.
Hai phiên bản câu chuyện dạy học ở hai đất nước cho thấy văn hoá giáo dục thật khác biệt. Trẻ em ở một đất nước văn minh và tự do được kích thích sáng tạo, tìm tòi, suy ngẫm trước những gì đọc, nghe, xem. Ngược lại, ở một đất nước mà chủ nghĩa độc tài cai trị, giáo dục chỉ là phương cách để dẫn dắt áp đặt tư duy và triệt tiêu sự sáng tạo, chủ động. Cha mẹ hãy để ý đến cách thầy cô dạy dỗ con mình, đừng phó mặc chuyện học hành của con cho nhà trường và yên tâm đi làm việc khác.
Hòa An biên dịch
Theo aboluowang.com
Tác giả: Xia Yuhe