Xưa nay, người bình dân chỉ quan niệm giản đơn rằng, người ta sống là do có tinh thần tức là “hồn vía” nhập vào thể xác. Khi hồn vía lìa khỏi xác thể thì cũng là lúc con người từ bỏ thế giới này mà về nơi “chín suối” với tổ tiên. Tất cả cái tinh anh khí phách của người đàn ông hợp thành ba hồn bảy vía, còn tất cả cái khôn ngoan tháo vát ở người đàn bà hợp thành ba hồn chín vía.

Trong khẩu ngữ dân gian, có thành ngữ “nói trộm vía” thường đặt ở đầu câu khi khen một đứa trẻ nhỏ để tránh lời khen trở thành điềm gở. Vd: Nói trộm vía, cháu nó độ này mập lắm.

Sở dĩ phải nói “trộm vía” vì theo tục lệ xưa “có thờ có thiêng có kiêng có lành”, người xưa cho rằng khi khen một đứa trẻ vô tình lời khen đó có thể các vía của người khuất mặt khuất mày nghe thấy được, nếu là vía lành thì không sao, còn vía dữ thì sẽ quở phạt đứa trẻ bằng cách biến lời khen thành điều ngược lại trong thực tế. Quan niệm này còn thể hiện ở một số hình thức khác chẳng hạn như trong cách đặt tên cho con, ông bà ta cũng cho rằng đặt tên xấu thì dễ nuôi hơn, hoặc có đặt tên đẹp thì tên ở nhà cũng phải gọi trại đi thành tên khác, ví dụ như thằng cu, cái đĩ.