Về tên của từng chi trong thập nhị chi, trong bài “Mão là thỏ hay mèo?”, đăng trên Đương thời số 29 (3-2011), chúng tôi đã viết:

“Gần đây đã có một cái hướng tìm tòi hợp lý hơn của một vài tác giả cho rằng mỗi chi là tên của một con vật vẫn được truyền thống xem là tương ứng với chi đó. Tý là chuột, Sửu là trâu, Tuất là chó, Hợi là lợn, v.v.., và chính vì thế nên người sinh năm Tý mới cầm tinh con chuột, người sinh năm Sửu mới cầm tinh con trâu, v.v… Có điều là nghĩa của từng tên chi đó đã tuyệt tích từ lâu nên việc khảo chứng sẽ không phải là một công việc dễ dàng. Chúng tôi hoàn toàn tán thành hướng tìm tòi này nhưng chỉ tiếc rằng các tác giả kia lại cho rằng thập nhị chi là mười hai tên mà người Hán đã tiếp thu từ một/những ngôn ngữ thuộc dòng họ khác ở phương Nam. Còn chúng tôi thì tin rằng thập nhị chi là những “đặc sản” 100% của Tàu”

Sau khi Đương thời số 29 phát hành, chúng tôi đã đưa bài này lên Facebook (FB) của mình và luận điểm trên đây đã được một người dùng FB khác là TQĐ góp ý. Sau đó, ông TQĐ đã gộp chung ý kiến của ông thành một bài ngắn nhan để “Hiện tượng Thỏ Tàu biến thành Mèo Việt trong mười hai thiên can” (là địa chi gõ nhầm – AC) để đưa vào FB của ông. Chúng tôi xin trao đổi với ông TQĐ về một số điểm nhưng trước khi đưa lên FB, chúng tôi xin công bố tại đây để bạn đọc có thể theo dõi một cách thuận lợi. Ý kiến đầu tiên và bao quát của ông TQĐ là:

“Nếu xét dưới dạng văn tự, cụ thể là truy nguồn Giáp Cốt văn của thập nhị chi, ta có thể thấy: chữ Dần tượng hình mặt hổ, chữ Tị tượng hình con rắn, chữ Hợi tượng hình con lợn. Duy có ba chữ này là trùng hợp, các chữ khác phần lớn là phép dùng giả tá, nghĩa là nguồn gốc của chữ không liên can gì đến âm đọc cũng như nghĩa hiện giờ của chúng cả.

– Rất tiếc là có lẽ vì ông TQĐ không có dịp đọc những bài chúng tôi viết về mười hai con giáp từ năm 2004 trở về trước nên ông mới cho rằng chúng tôi chủ trương dựa vào tác dụng miêu tả của chữ tượng hình để chứng minh rằng đó là tên của những con vật hữu quan – nghĩa là cũng không phải chữ giả tá – trong khi chúng tôi chủ trương đi tìm nghĩa gốc của thập nhị chi bằng những thủ thuật ngữ học thích hợp khác. Xin dẫn lại một cách chi tiết để làm bằng những gì chúng tôi đã viết về chi Thân trong bài “Một chút chữ nghĩa về con giáp thứ chín”, đăng lần đầu tiên trên Kiến thức Ngày nay số 483, Xuân Giáp Thân 2004:

– Riêng về từ hầu 猴 trong tiếng Hán, vì nó liên quan đến chí Thân nên chúng tôi đã để ý tìm hiểu về tự nguyên thì chưa thấy được điều gì thực sự đặc biệt. Tuy trong một số hình họa tiền văn tự về các con vật, ta thấy có cả hình khi nhưng ta lại không thể tìm thấy tự dạng nguyên thủy của chữ hầu với tính cách là một chữ tượng hình thực thụ như với các chữ: dương (de), hổ, kê (gà), khuyển (chó), long (rồng), mã (ngựa), v.v… Về từ nguyên thì có sáng sủa hơn, vì ít nhất Hán ngữ đại tự điển (Thành Đô, 1993) cũng đã ghi nhận và giảng nghĩa cho ta:

“Hồ tôn 猴猻 tức hầu tử” (hồ tôn là (con) khỉ).

“Hầu tôn 猴猻 (…) dã phiếm chỉ hầu” (hầu tôn (…) cũng chỉ khỉ nói chung).

Từ hải, bản cũ, cũng ghi:

“Hầu tôn 猴猻 tức hồ tôn 蝴猻”.

“Vậy ta có thể biết được rằng hầu tôn cũng là hồ tôn và đều có thể dùng để chỉ khỉ nói chung (chứ không chỉ riêng một giống khỉ nào), như trong hai câu thơ sau đây của Dương Vạn Lý đời Tống mà Hán ngữ đại tự điển đã dẫn:

Tọa khán hồ tôn thướng thụ đầu,

Bàng nhân chỉ khủng đọa thâm câu.

(Vô đề)

(Ngồi xem khỉ leo cây mà người ngoài cuộc chỉ sợ (nó) rơi xuống ngòi sâu).

“Và vì hầu tôn = hồ tôn nên ở đây ta còn có hầu 猴 = hồ 猢]. Riêng về chữ tôn 猻 thì Hán ngữ đại tự điển còn ghi nhận một điểm rất đáng chú ý là nó cũng có thể dùng một mình (“dã khả đơn dụng”), nghĩa là không cần đi theo sau chữ hầu hoặc chữ hồ. Từ những dữ kiện này, ta có thể hình dung ngược về quá khứ của hai tiếng hồ tôn 猢猻 như sau:

Thoạt kỳ thủy, ta có danh từ tôn 猻, có nghĩa là khỉ. Về sau, do nhận thức rõ hơn về các tiểu loại nên người ta đã tạo ra danh ngữ hồ tôn với tính cách là một hạ danh (hyponym) mà tôn là thượng danh (hyperonym). Hồ 猻 là một định ngữ hạn định của tôn mà ta đoán là đồng nhất với hồ 狐 có nghĩa là cáo. Vậy hồ tôn 猢猻 là một tiểu loại tôn 猻 (= khi) có hình dáng hoặc một đặc điểm nào đó của loài hồ 狐 (= cáo). Về sau, do một sự cố hoặc một nguyên nhân nào đó về ngôn ngữ mà thành tố thứ nhất (hồ) 猢được tách ra để dùng riêng nhưng lại mang cái nghĩa gốc của chữ tôn 猻 (là khi). Do quá trình biến đổi ngữ âm mà về sau hồ 猢 đã được phát âm thành hầu 猴 rồi trở nên thông dụng còn tôn 猻 thì hầu như đã đi vào lịch sử, nghĩa là đã trở thành một từ cổ.

Nhưng với chúng tôi thì chính cái từ cổ này lại rất thú vị vì nó có liên quan đến tên gọi của chi thứ chín trong thập nhị chỉ: ở đây, tônthân vốn chỉ là một. Thật vậy, xét về mặt ngữ âm thì “tôn – thân” là một mối tương ứng ngữ âm hoàn toàn có thể chứng minh được. Về vẫn thì thân 申 hài thanh cho khôn 坤 nên chính vần – ôn của khôn đã kết nối thân với tôn.

Còn về phụ âm đầu thì “t- ~ th-” là một mối tương ứng ngữ âm mà ta có hàng loạt thí dụ để chứng minh: tảo 早 hài thảo 草; tổ 祖 hài bằng thả 且; tích 昔 hài thước 鵲; V.V….

Và khi mà ta đã chứng minh được nguồn gốc chung của tôn (= khỉ)thân (chi thứ chín) thì ta cũng chẳng còn lấy làm lạ tại sao con khỉ lại ứng với chi Thân nữa vì thân vốn có nghĩa là khỉ. Ta còn có thể đi xa hơn nữa vào quá khứ để tìm hiểu xem cái nghĩa “khỉ” của chữ thân bắt đầu từ đầu, bằng cách loại suy từ sự ra đời của tên gọi dành cho loài vượn.

Vượn là một từ Việt gốc Hán và là âm Hán – Việt cổ của chữ 猿 mà âm Hán – Việt hiện đại là viên. Trong Đồng nguyên tự điển (Bắc Kinh, 1997, tr.561), Vương Lực đã chứng minh một cách rành mạch rằng viên 猿 (≈ vượn) là đồng nguyên tử của viên/viện 猿, có nghĩa gốc là kéo, dắt, duỗi, vươn (vươn cũng chính là âm xưa của viên ), vv.., rồi nghĩa phái sinh là leo, trèo. Vậy viên < vượn có nghĩa từ nguyên là “con vật giỏi vươn tay, duỗi tay ra (hoặc lên) để leo, trèo”. Một trong những từ đồng nghĩa với viên 猿 chính là thân 申 có nghĩa là duỗi ra, vươn ra vươn lên. Nhiều quyển từ điển đã ghi nhận rằng chữ 坤 cũng viết thành 申.

Vậy thân 申 có nghĩa gốc là duỗi ra, vươn lên (để leo, trèo) và đây chính là cơ sở ngữ nghĩa để cho thân có một cái nghĩa mới là “khỉ, y hệt như viên 猿 (= vươn) đã đưa đến viên 猿 (= vượn).

Trở lên là một phần những gì chúng tôi đã viết cách đây bảy năm để thử đi tìm nghĩa gốc của chi Thân (là khỉ). Cũng không cho rằng chữ dùng để ghi tên chi Mùi là một chữ tượng hình hoặc giả tá, chúng tôi đã tìm nghĩa của nó theo hướng khác và cách đây tám năm, trong bài “Một chút chữ nghĩa về chi Mùi và con dể”, đăng trên Kiến thức Ngày nay số 448 (Xuân Quý Mùi, 2003), chúng tôi đã viết:

Mùi là âm cổ Hán – Việt của chữ 未 mà âm Hán – Việt hiện đại là vị. Nhưng vì lý do nào mà con giáp (sinh tiểu) ứng với chi thứ tám này lại là con dê? Theo chúng tôi thì sự thể là như sau. Trước hết, xin nói rằng 未k là tiền thân của chữ vị 菋 bộ khẩu 口mà âm cổ Hán – Việt cũng là mùi. Nghĩa của chữ vị bộ khẩu này cũng là mùi, là vị và vì chữ vị 未 đang xét là tiền thân của chữ vị 菋 bộ khẩu nên nghĩa của nó đương nhiên cũng là “mùi”, là “vị” Nghĩa này đã được ghi nhận hằn hoi trong từ điển, chẳng hạn trong Thuyết văn giải tự của Hứa Thận hoặc trong Hán ngữ đại tự điển (Thành Đô, 1993). Vậy thì tên của chi thứ tám vốn là một từ có nghĩa là mùi, là hơi, là hương, là vị. Nhưng với cái nghĩa này thì chi Vị, tức chi Mùi, có liên quan gì đến con dê? Chúng tôi cho là có vì chúng tôi nghĩ đến cái chữ thiên 羶 mà âm Hán – Việt thông dụng hiện đại là chiên vốn có nghĩa là mùi hôi của dê, cừu, đã trở thành tên gọi của giống cừu trong tiếng Việt hiện đại. Ai cũng có thể biết được rằng trong lục súc (sáu giống gia súc) là trâu, ngựa, dê, chó, gà và lợn thì dê là giống “hôi” nhất vì cái mùi đặc trưng của nó. Đây là một điều dứt khoát không cần phải bàn cãi. Chính vì vậy nên rất có thể là từ thời xa xưa, người Trung Hoa đã “dùng hình ảnh”, mà gọi giống dê là giống vật “có mùi”. Dĩ nhiên nói như thế cũng đã đủ cho người ta biết đó không phải là mùi… thơm. Cũng như ngày nay khi ta nói về một món ăn rằng nó đã “có mùi” thì đó chỉ có thể là mùi thiu, mùi hôi, mùi chua khó chịu cho cả mũi và lưỡi chứ dứt khoát không thể là một thứ hương…. thơm phức được. Vậy “con vật có mùi” là “con vật có mùi hôi” và “con vật có mùi hôi” là con dê. Nhưng đó chỉ là chuyện thoạt kỳ thủy chứ về sau người ta chẳng cần phải diễn đạt một cách rườm rà, rắc rối đến như thế. Người ta chỉ cần dùng hoán dụ (đã từ vựng hóa) mà gọi “con vật có mùi hôi”, tức “con vật có mùi” là con mùi. Và mùi là “dê” thì, theo chúng tôi, chỉ là vì thế mà thôi.

Chúng tôi đưa ra hai dẫn chứng chi tiết trên đây để nói rõ là mình đã không hề quan niệm rằng những chữ Hán dùng để ghi 12 địa chi là những chữ tượng hình. Không! Đó là những danh từ chỉ động vật phái sinh từ những từ chỉ đặc trưng giống loài của chúng. Cách gọi tên đối với từng giống vật như thế cũng còn thấy ở những ngôn ngữ khác. Trong tiếng Nga, chẳng hạn, gấu là medved (MenBeqb), nghĩa là thú ăn (ecrb) mật (Mëg). Danh từ bear của tiếng Anh và các từ cùng gốc với nó trong các ngôn ngữ Germanic khác (Đức: bär, Hà Lan: beer, Thụy Điển: björn, v.v..) đều có nghĩa gốc là thú có bộ lông màu “nâu”. Tiếng Anh Bruin (chú Gấu) thì chỉ là “chàng Nâu” (Brown) mà thôi. Goupil, danh từ gốc có nghĩa là “cáo” trong tiếng Pháp đã bị renard chiếm chỗ trong từ vựng. Mà renard, ban đầu viết Renart, vốn có nghĩa là “xảo quyệt”, đặc tính được gán cho loài cáo. Bleu russe và Russian blue (“Lam Nga”) là cách mà tiếng Pháp và tiếng Anh dùng để gọi giống mèo có bộ lông màu xanh lam nhạt ánh bạc, được cho là xuất xứ từ nước Nga. V.v.. và v.v… Cách đây 63 năm, trong thiên Hán – Việt ngữ nghiên cứu, Vương Lực đã cho rằng từ ngựa, Nôm viết là 馭, có thể là dạng cổ của 御 trong chữ Hán. Điều khiển ngựa gọi là ngự 御, về sau do dùng theo hoán dụ mà cái chữ ngựa 御 (= điều khiển ngựa) còn được dùng để chỉ chính “con vật bị điều khiển”. Nhưng Vương Lực vẫn phải nhắc rằng đây chỉ là một giả thiết. Theo gợi ý của Vương Lực, năm 2002, năm con Ngựa, trong bài “Chữ ngọ 午, từ sợi dây cương đến con ngựa”, đăng trên Kiến thức Ngày nay số 413 (Xuân Nhâm Ngọ), chúng tôi đã chứng minh một cách chặt chẽ giả thiết của ông.

Tóm lại, với bài lần này, thêm một lần nữa, chúng tôi tái khẳng định và nhấn mạnh rằng thập nhị chi là tên của 12 con vật cầm tinh, chứ không phải là những chữ giả tá và đó đều là những “đặc sản” của Tàu.