Cổ ngữ nói: “Xảo ngôn lệnh sắc, tiên hĩ nhân”, những người nói năng khéo léo hoa mỹ, sắc mặt tươi cười lấy lòng người khác thì rất ít khi có lòng nhân ái và thật thà. Đây vừa là lời cảnh tỉnh cũng là đạo lý của cổ nhân trong việc kết giao và dùng người.

“Xảo ngôn” mà cổ nhân nói đến là chỉ những người nói khéo, khéo đến mức người khác khó có thể thấy được lời nói của họ là xảo trá. Những người như vậy thường không có năng lực nhưng lại cố gắng tận dụng cơ hội làm cho người khác tin tưởng bằng khả năng hoạt ngôn của mình.

Người xảo ngôn cũng là người dẻo miệng, lúc nào cũng lo trau chuốt sao cho lời nói bóng bẩy để làm đẹp lòng người khác, lấy lòng người khác nhằm đạt được lợi ích cho bản thân mình. Đó thường là người thiếu thành thật, chuộng hình thức và thường tìm mọi cách để che đậy những ý nghĩ xấu xa ẩn sâu bên trong mình. Những người như vậy cổ nhân cho rằng chỉ nên tránh xa, không nên kết thâm giao, lại càng không nên trọng dụng.

Trong Sử Ký Tư Mã Thiên phần liệt truyện có ghi chép về việc đại thần Trương Thích Chi thời nhà Hán khuyên can hoàng đế như sau:

Một lần, Hán Văn Đế đến thăm vường Thượng Lâm. Trong khi đến thăm nơi nuôi hổ, Hoàng đế hỏi người trưởng quan nhiều câu hỏi về sổ sách ghi chép các loài thú. Trong khi người trưởng quan không thể trả lời nổi thì người tiểu lại đứng bên cạnh lại ứng đối rất trôi chảy. Hoàng đế cảm thấy bất bình, bèn hạ lệnh cho đại thần Trương Thích Chi thay viên trưởng quan, phong chức cho người tiểu lại.

Đại thần Trương Thích Chi sau đó liền tiến lên hỏi: “Bệ hạ thấy Giáng hầu Chu Bột là người thế nào?”

Hoàng đế đáp: “Là bậc trưởng giả tài năng và đức độ.”

Thích Chi lại hỏi: “Vậy Đông Dương hầu Trương Tương Như là người thế nào?”

Hoàng đế lại đáp: “Cũng là bậc trưởng giả.”

Thích Chi bèn nói: “Giáng hầu, Đông Dương hầu là người đức độ, nhưng lúc bàn việc cứ lắp ba lắp bắp, lẽ nào như người tiểu lại thao thao bất tuyệt ư? Bệ hạ thấy viên tiểu lại có tài ăn nói mà phong vượt bậc, thần sợ thiên hạ hùa theo, tranh nói cho giỏi mà không trọng thực chất. Vả lại dưới bắt chước trên nhanh như cái bóng và tiếng vang, đạo dùng người không thể không xét thật kỹ.”

Hán Văn Đế thấy phải, bèn rút lại mệnh lệnh của mình.

Từ xưa đến nay, rất nhiều người có thói quen đánh giá khả năng của một người thông qua tài nói chuyện của người đó. Nhưng nhiều khi đó lại là một sai lầm vô cùng nghiêm trọng. Một số người tận dụng khả năng nói chuyện của họ để làm hài lòng cấp trên, thậm chí cố gắng tìm hiểu sở thích, tính cách để lựa lòng người. Soi xét lại lịch sử, chúng ta có thể thấy rất nhiều kẻ tiểu nhân đã sử dụng những cách thức như vậy để kiếm lợi cho bản thân mình, và trong xã hội hiện đại thì lại càng có nhiều người như thế.

Một người sáng suốt, hiểu đạo dùng người, sẽ tập trung vào khả năng của ứng viên và xác định được ai là người có trách nhiệm, thay vì trọng dụng những kẻ chỉ có cái vỏ bề ngoài. Nếu người nắm quyền quốc gia có thể làm được như vậy thì sẽ giảm thiểu mất mát cho quốc gia, cho dân tộc.

Người lịch sự, có chuẩn mực đạo đức trong tâm là những người rất biết khiêm cung, họ tôn trọng mọi người và nói năng tự trọng, không dùng ngôn từ để làm tổn hại bất kỳ ai, hay tư lợi cho cá nhân mình. Đó mới là những người đáng để kết giao và trọng dụng.

An Hòa