Phủ Diên Khánh (nay gồm thành phố Nha Trang trừ xã Vĩnh Lương ; huyện Diên Khánh ; huyện Cam Lâm ; thị xã Cam Ranh) , phía bắc giáp huyện Tân Định ,phủ Ninh Hòa , phía nam giáp huyện An Phước, phủ Ninh Thuận. Phủ Diên Khánh lãnh hai huyện là Phước Điền và Vĩnh Xương gồm 10 tổng , 90 xã thôn. Tri phủ Diên Khánh kiêm lí huyện Phước Điền và thống hạt huyện Vĩnh Xương(1).
Năm 1858 ông được thăng Án sát tỉnh Khánh Hòa. Năm 1859 ông tiếp tục được thăng Bố chánh tỉnh Khánh Hòa là chức quan đứng đầu tỉnh.
Hành trạng của cụ Đỗ Thúc Tĩnh khi làm quan ở Khánh Hòa
Vùng đất Khánh Hòa nổi tiếng lắm cọp (hổ) nên có câu: “Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận”. Do nạn cọp hoành hành khiến dân xiêu tán đất đai bỏ hoang. Khi vừa nhậm chức Tri phủ Diên Khánh , cụ Đỗ Thúc Tĩnh tìm cách mộ dân xiêu dạt đến khẩn hoang. Công việc đang tiến hành thì vào tháng 10 năm Giáp Dần (1854) cụ được “thăng thự Ngự sử đạo Định- An, dân hạt ấy giữ Tĩnh lại. Chuẩn cho Tĩnh đổi thăng thự Thị độc vẫn lĩnh Tri phủ phủ ấy”(2)
Tháng 4 năm Ất Mão (1855) “ các trạm Hòa Tân, Hòa Do, Hòa Lãng thuộc hạt Khánh Hòa, vì thôn xóm sợ hãi, xiêu tán thành ra bỏ hoang rậm. Viên phủ Diên Khánh là Đỗ Thúc Tĩnh mộ được hơn 150 nhân đinh, xin thiết lập làm 4 thôn. Những khe núi, khe rừng rậm dân người Kinh không dám cày cấy khai khẩn , thì lại mộ được hơn 10 người dân Chi Man (tên một bộ lạc Man) ở đấy khai khẩn, tùy tiện làm ăn sinh sống, nhưng xin nộp thuế theo như sách Man trước. Tỉnh thần đem việc tâu lên. Vua cho là phải”(3)
Tháng chạp năm Ất Mão (dương lịch là năm 1856): “ Lĩnh Tri phủ Diên Khánh( thự Hàn lâm viện Thị độc) là Đỗ Thúc Tĩnh được đổi bổ vào làm thự Viên ngoại lang bộ Binh. Tỉnh thần cho là viên ấy đương mộ dân lập đồn điền đã gần được thành công, xin lưu viên ấy ở lại chức ấy để làm nốt công việc chưa làm xong. Vua y theo”(4)
Cho đến thời điểm tháng chạp năm Đinh Tỵ (dương lịch là năm 1858): “ lĩnh Tri phủ phủ Diên Khánh là Đỗ Thúc Tĩnh mộ dân lập được 3 thôn( số dân có 143 người, số ruộng 242 mẫu)” (5)
Ngoài việc chiêu dân khai hoang lập ấp, cụ Đỗ Thúc Tĩnh còn khuyến khích các nhà hằng tâm hằng sản làm từ thiện. Ở đình làng Ngọc Hội (nay thuộc phường Ngọc Hiệp, thành phố Nha Trang) có tấm bia đá : “ Ngọc Toản thôn bi kí” (Ngọc Toản sau đổi thành Ngọc Hội) được cụ Đỗ Thúc Tĩnh cho khắc vào năm Canh Thân (1860) kể lại bà Nguyễn Thị Hiếu đã bỏ tiền ra mua đất cất đình làng,mua từ khí ,sửa chữa chùa , xây cầu, lập chợ, cứu giúp dân nghèo đói…
Dòng chữ Hán thứ tư trên bia đá xin được phiên âm: “ Phiên đài (Bố chánh sứ -TG) Đỗ đại nhân, đại nhân vị viết: Ngô hạt Vĩnh Xương huyện chi Ngọc Toản thôn hữu lạc quyên nghĩa phụ…”(Quan Bố chánh Đỗ đại nhân, đại nhân nói rằng: Trong hạt của ta ở thôn Ngọc Toản huyện Vĩnh Xương có người phụ nữ thích làm việc nghĩa…) và ở dòng thứ 20 và cũng là dòng chữ cuối ghi: “Mậu Thân khoa, đồng tam giáp Tiến sĩ xuất thân, hiện thụ Hồng lô tự khanh, lãnh Khánh Hòa tỉnh ,Bố chánh sứ, Quảng Nam La Khê ,Đỗ Cấn Trai”. Cấn Trai là tên tự của cụ Đỗ Thúc Tĩnh.
Có công lớn trong việc bồi thực danh giáo và chấn hưng Nho học tỉnh Khánh Hòa
Vào năm 1846 ở phía bắc phủ lỵ Diên Khánh có dựng Văn chỉ huyện Phước Điền nhưng còn đơn sơ chưa được lớn đẹp lắm nên vào năm 1853 khi cụ Đỗ Thúc Tĩnh vừa đến nhậm chức Tri phủ Diên Khánh ,cụ vừa kiêm việc duyệt văn lại giỏi về phong thủy , nên : “Tề tập ngô châu văn thân di kiến thị từ vũ phủ lỵ chi đông. Cấn Trai công kí soạn văn thông, khuyến hạt nhân trợ tài xuất lực hựu vi chi tiền mãi tư thổ trí tự ư thị tập cưu công cấu tân từ vũ , cái dĩ ngõa, Thất niên Giáp Dần đông từ vũ cáo thành, dĩ hưởng dĩ tự thị ngưỡng thi chiêm văn vật ư tư lễ pháp diệc ư tư ngật kim thành nhất đại tráng quan thùy chi cửu viên thiệt. Ngô châu sĩ phu đa hạnh dã kim nhi hậu, văn phong sướng phát khoa hoạn thiến liên kỳ công dụng tương, bất tại ư tư hồ, cố lặc vu thạch” ( Triệu tập văn thân châu ta dời đền thờ về dựng ở phía đông phủ lỵ. Cấn Trai công lại làm tờ thông báo và khuyên người trong hạt gắng sức đóng góp tài lực,ra sức xây dựng. Trước là mua đất tư xây dựng đền thờ tại nơi đây, nhóm họp thợ thuyền xây đắp nên đền mới, mái lợp ngói. Mùa đông năm thứ bảy Giáp Dần (năm Tự Đức thứ 7, Giáp Dần tức là năm 1854-TG), đền thờ hoàn thành có nơi tế tự, nơi chiêm ngưỡng, văn vật nơi đây, pháp độ nơi đây. Nay sừng sững thành một nơi quan chiêm to lớn đẹp đẽ, để lại về lâu dài, thật châu ta sĩ phu nhiều hân hạnh lắm vậy. Từ này về sau, phong khí văn học phát triển thông suốt, khoa hoạn tốt đẹp. Đem thi hành sự nghiệp chung không phải nơi này hay sao. Bởi vậy phải khắc vào bia đá- Người dịch : Võ Nhân- Diên Khánh). Văn chỉ cất xong năm 1854 nhưng mãi đến năm Mậu Ngọ (1858) mới khắc công việc xây dựng vào bia đá. Sau đó Văn chỉ lại di dời lên Gò Sòng , năm 1959 dời về địa điểm hiện nay thuộc Tổ dân phố Phú Lộc Tây 1 ,Thị trấn Diên Khánh ,tỉnh Khánh Hòa và đổi tên từ Văn chỉ Phước Điền thành Văn miếu Diên Khánh. Hiện nay bia đá khắc năm 1858 nằm trong sân Văn miếu Diên Khánh.
Những lời khen ngợi của vua-quan-dân dành cho cụ Đỗ Thúc Tĩnh lúc cụ còn đương chức.
Người xưa nói : “ Cái quan định luận” nhưng với cụ Đỗ Thúc Tĩnh thì khác. Lúc cụ còn đương chức , cụ đã được mọi tầng lớp trong xã hội nhận xét , đánh giá.
Dịp cụ Đỗ Thúc Tĩnh được triều đình đổi bổ làm thự Viên ngoại lang bộ Binh và được tỉnh thần tỉnh Khánh Hòa xin lưu lại để làm nốt công việc thì vua Tự Đức có dụ rằng : “Thúc Tĩnh là người thanh liêm được việc, hơn cả trong đám phủ huyện, chuẩn cho y thực thụ hàm Thị độc, vẫn cứ lãnh Tri phủ phủ ấy, để khuyến khích người tuần lại”(6). (Tuần lại: Người quan lại tuân giữ pháp luật mà có chính tích lương thiện). Đại Nam liệt truyện ghi: “ Bấy giờ Diên Khánh đất bỏ hoang, dân hao mòn, Thúc Tĩnh tìm mọi cách vỗ về, mộ dân xiêu đến lựa đất cho ở, làm nhà cửa cho, cấp cho điền khí, kẻ ốm đau thời thuốc thang, kẻ đói rét thời chẩn cấp được người ta gọi là Đỗ phụ”(7). ( Theo Từ Hải, đời Tấn bên Trung Quốc có ông Đỗ Dụ làm quan ở Tương Dương, dẫn nước sông vào tưới cho hơn vạn khoảnh ruộng. Dân được nhờ ơn , gọi là Đỗ phụ – cha họ Đỗ).Khi còn đương chức cụ Đỗ Thúc Tĩnh đã được người dân Diên Khánh gọi bằng một cái từ thân thương, đó là “ Đỗ phụ” (người cha họ Đỗ).
Mặt trước của bia đá khắc năm 1858 hiện ở sân Văn miếu Diên Khánh có 21 dòng chữ Hán và ở dòng thứ 3 (tính từ bên phải sang) đã ca ngợi cụ Đỗ Thúc Tĩnh: “ Tự Đức lục niên, ngô châu Thái thú, hiện thăng lãnh tỉnh đường Án sát sứ Cấn Trai Đỗ Thúc Tĩnh lai sĩ ngô thổ, CẦN,CÁN,CÔNG,LIÊM LẠI-DÂN TÍN ÁI kiêm dĩ duyệt văn trường ư phong thủy” (Năm Tự Đức thứ sáu (1853- TG), Thái thú châu ta hiện thăng Án sát , Cấn Trai Đỗ Thúc Tĩnh đáo nhậm tỉnh ta, CẦN – CÁN-CÔNG- LIÊM, QUAN – DÂN ĐỀU TÍN NHIỆM ÁI MỘ, kiêm việc duyệt văn , lại giỏi về phong thủy).
Thật khó mà tìm một vị quan nào được nhà vua khen là thanh liêm và quan-dân đều tín nhiệm ái mộ khi đang còn đương chức.
Cụ Phạm Phú Thứ nhận xét về cụ Đỗ Thúc Tĩnh: “ …lịch Thiệu Hóa, Diên Khánh tri phủ dĩ HUỆ ÁI XỨNG VI NHẤT THỜI THỦ MỤC TỐI ƯU. Chỉ liên trạc Khánh Hòa Án sát, tầm lãnh Bố chánh” (8).( trải qua chức Tri phủ Thiệu Hóa, Diên Khánh, thi ân huệ ưu ái với dân chúng, thời đó nổi tiếng là bậc chăn dân tối ưu. Vua cất nhắc ông liên tiếp làm Án sát tỉnh Khánh Hòa, rồi thăng Bố chánh).Khó tìm có vị quan nào được “ liên trạc”(cất nhắc lên liên tiếp) khởi đầu chức Tri phủ trong tỉnh ấy lại được thăng dần lên đến chức Án sát rồi chức Bố chánh là chức quan đầu tỉnh của tỉnh ấy như cụ Đỗ Thúc Tĩnh
Quốc triều khoa bảng lục khen cụ : “ làm quan nổi tiếng thuần lương”(9))
Sự tiếc thương dành cho vị quan hết lòng vì Tổ quốc vì nhân dân nhưng đoản mệnh
Nam Kỳ bị giặc Pháp xâm lược , vua Tự Đức tìm người để vào trong ấy phủ dụ tướng sĩ, tập hợp binh dân để mưu tính việc thu phục lai đất đai đã mất. Tháng 4 năm Tân Dậu (1861) cụ Đỗ Thúc Tĩnh “ xin theo quân thứ. Lòng nghĩa khái thực đáng khen” và cụ được sung chức Khâm phái quân vụ. Khi cụ lên đường ,cụ Phạm Phú Thứ có bài : “ Tống Hồng lô tự khanh Đỗ La Phong vãng Nam Kỳ chiêu thảo” ( Tiễn Hồng lô tự khanh Đỗ La Phong đi Nam Kỳ tổ chức đánh giặc) trong đó có đoạn : “…thời dương thuyền tư nhiễu, Gia Định đồn thất thủ, quân thứ thoái thủ Biên Hòa , Vĩnh Long. Chư tỉnh luy sớ thỉnh viện nhi đạo đồ ngạnh trở, thượng dục mệnh quan tiền vãng tuyên dụ phủ ủy tướng sĩ chiêu tập binh dân vi quân thứ thanh viện dĩ đồ thu phục nhi nan kỳ nhân. Đỗ nghị nhiên thỉnh hành thượng tráng chi tê mệnh mật dụ tiềm vãng Vĩnh Long tương cơ chiêu thảo. Nam cố hu thần lự/Tây chinh kỷ nhật hưu/ Lưỡng giang phương đãi viện/ Quần sách thục phân ưu/Nhàn đạo Hoài Âm kế/ Phi lai Vũ Mục trù/Nhân tri hoài nghĩa phẫn/Quân độc thỉ lương du/Lục sản Y Pha lũy/Hà phần Phú lãng chu/ Sách huân khan ẩm chí/Mao thổ trọng thừa hưu”(10)(…nhằm lúc thuyền Tây dương quấy rối mạnh, đồn Gia Định thất thủ , binh lính lui về giữ Biên Hòa, Vĩnh Long. Các tỉnh gởi sớ về xin chi viện mà đường đi thì ngăn trở ,gian nan. Vua muốn sai quan lãnh mệnh đi trước để phủ dụ an ủi tướng sĩ, tập hợp binh dân về quân thứ gây thanh thế mưu tính thu phục lại đất đai nhưng khó tìm ra người làm việc đó. Đỗ cả quyết xin được cho đi lên đường đem mật dụ vào Vĩnh Long tùy cơ tính việc chiêu thảo. Đi Nam vua gởi lòng uất hận/Đánh Pháp bao ngày đã phải dừng/ Hai sông (Tiền,Hậu) vùng vẫy đang chờ viện/Mưu sự bạn bè ai chung lưng/Đường dài, đâu những “Hoài Âm” kế/Bay tới chờ chi “Vũ Mục” tài/Đông người phẩn uất vì nhớ nghĩa/Làm mũi tên bay chỉ một anh/Lũy Y Pha (Nho) tìm phương chia cắt/ Thuyền “Phú Lãng” nghĩ cách đốt chìm/ Chén rượu thơm công ngày sẽ đến/Bấy giờ lều cỏ mới thong dong”.
Tháng 2 năm Nhâm Tuất cụ Đỗ Thúc Tĩnh xin triều đình thưởng công cho Quản Lịch (Nguyễn Trung Trực trước có tên là Chơn, sau đổi là Lịch- TG) đã đốt tiểu hạm Espérance trên sông Nhật Tảo năm 1861(11).
Đại Nam thực lục chép cụ mất vào tháng 4 năm Nhâm Tuất(1862) . Hòa Vang huyện chí chép cụ mất vào ngày 26 tháng giêng năm Nhâm Tuất(1862). Lúc mất cụ mới được 45 tuổi.
Vua nghe tin cụ mất đã than tiếc và châu phê: “ Người ngay có tài chẳng may bị chết sớm, bộ máy Nhà nước bị trở ngại, cũng nên biết vậy! Người mà không có tay chân giúp phỏng làm được việc gì đây. Chỉ biết nuốt nước mắt khóc mà thôi”(12).
Lại tiếp tục được sắc chỉ của nhà vua nói rằng: “Trước đây hai tỉnh Gia Định ,Định Tường thất thủ, Đỗ Thúc Tĩnh khẳng khái xin đi đảm trách, trước đến vỗ về tướng sĩ, chiêu mộ dân binh để lấy lại đất đai đã mất. Việc tuy chưa thành, song chí khá khen. Nay chẳng may mất vội thật thống thiết đau tiếc, nên phải cho hưởng thâm hậu ân cách của triều đình để đền đáp công lao. Vậy truy tặng Đỗ Thúc Tĩnh quan hàm Tuần phủ Định Tường, phải chiếu theo quan hàm này mà cấp tuất cho trọng hậu , lại cấp thêm gấm bông 1 tấm, lụa 5 cây vải 10 cây, bạc 80 lạng do tỉnh thần Quảng Nam là nguyên quán của Đỗ Thúc Tĩnh chi xuất các hạng vật nói trên…”(13)
Sau đó được “ đạo sắc văn bằng tơ vàng phong chức Tuần phủ thực thụ và một áo đại triều mãng bào (áo thêu hình mãng xà)(14)
Cụ Phạm Phú Thứ có câu đối viếng:
- Trung tư báo quốc, nghĩa tại tất nhương di,hướng lai viện tiễu khắc kỳ tác lục tỉnh sĩ dân chi khí
- Quân đồ kỳ nạn,nhân khẳng vi kỳ dịch,tích dã anh hùng đoản mệnh lao cửu trùng thủ túc chi tư( sau chữ “khẳng” cụ Thứ chua 4 chữ “ ngôn bất khẳng dã”)(15)
(Lo trung báo nước, phải trừ giặc cướp, chặn thù được ắt nâng cao sĩ khí tinh thần 6 tỉnh
Mong mỏi của ông khó, chóng làm người đổi tiếc anh hùng mệnh ngắn, cửu trùng dạ xót chân tay)
Mộ của ông ở làng Hương Lam kế cận làng La Châu.
Đỗ Thúc Tĩnh hay Đỗ Thúc Tịnh?
Tất cả các sách do Quốc sử quán triều Nguyễn soạn đều phiên âm tên cụ là “ ĐỖ THÚC TĨNH”. Riêng ở Quảng Nam –Đà nẵng hoặc một số sách thì gọi tên cụ là “ ĐỖ THÚC TỊNH”. Bảng xếp hạng di tích Quốc gia mộ của cụ ghi “ Mộ Đỗ Thúc Tịnh”, bài vị bằng đá khắc chữ quốc ngữ ở bàn thờ bên hữu tại Từ đường họ Đỗ ở La Châu ghi: “ Thủy tổ chi nhì Đỗ Thúc Tịnh.” Ở thành phố Đà Nẵng hiện nay có ngôi trường mang tên cụ là Trường Trung học cơ sở Đỗ Thúc Tịnh tại thôn Phú Sơn Tây xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang và một con đường mang tên Đỗ Thúc Tịnh dài 580 mét, rộng 6 mét ( bên cạnh UBND phường Khuê Trung). Vậy tên TĨNH và TỊNH tên nào đúng nhất để chúng ta có cách gọi cho thống nhất?
Tên cụ viết theo chữ Hán gồm bên trái là chữ “thanh” ,bên phải là chữ “tranh” (thuộc bộ “thanh”- 8 nét) và khi phát âm là TĨNH chứ không phải TỊNH.Trong Hán Việt tự điển của Thiều Chửu có 4 chữ Hán viết nét khác nhau nhưng cùng phát âm “TĨNH” và 6 chữ Hán viết nét khác nhau cùng đọc âm “ TỊNH”, trong tất cả các chữ Hán ấy không có chữ “ TĨNH” nào mà đọc âm “TỊNH” cả và ngược lại cũng không chữ “TỊNH” nào đọc âm “TĨNH”cả!
Vậy để đọc tên cụ một cách đúng nhất phải là ĐỖ THÚC TĨNH. Ngoài ra đôi khi còn nghe cái tên Đỗ Cấn Trai, Đỗ La Khê, Đỗ La Phong cũng chính là nói về cụ Đỗ Thúc Tĩnh.
CHÚ THÍCH
Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí tập 3, Nxb Thuận Hóa ,Huế ,trg 89-90.
2,3,4,5 – Quốc sử quán triều Nguyễn , Đại Nam thực lục tập 7, Nxb Giáo dục ,trg 343;373;411;537
6; 11 – Quốc sử quán triều Nguyễn ,Đại Nam thực lục tập 7 ,Nxb Giáo dục ,trg 411; 760
7 – Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện tập 4 ,Nxb Thuận Hóa,Huế, trg 291;
8,10 – Phạm Phú Thứ, Giá viên toàn tập quyển chi thất – Kinh hương thi lục (quyển 7) trg 9-10 ( Bộ Giá viên toàn tập được ông Phạm Phú Viết là hậu duệ cụ Thứ , dịch ra tiếng Việt và chỉ lưu hành nội bộ họ tộc)
9 – Cao Xuân Dục, Quốc triều khoa bảng lục, Nxb Văn học ,trg 112
12,13,14 – Hòa Vang huyện chí (bài 7, bằng chữ Hán được ông Nguyễn Sinh Duy dịch ra tiếng Việt),đăng trên antontruongthang’Blog .
15 – Phạm Phú Thứ , Giá viên toàn tập quyển chi nhị thập nhất- Đối liên (quyển 21) trg 23-24 (ông Phạm Phú Viết dịch- Lưu hành nội bộ họ tộc)