Đây là một hình thức mua bán không chính thức các vật dùng trong gia đình (thường đã sử dụng), do cá nhân tự bán, mà không cần phải xin phép, hoặc có bằng kinh doanh buôn bán (ngoại trừ số khu vực pháp lý, có thể phải xin giấy phép).

Thông thường, các đồ vật ở Garage sale là những thứ, mà chủ không muốn dùng nữa, chất lượng khác nhau, nhưng hầu như chúng còn có giá trị sử dụng ở mức độ nào đó.

Động cơ bán các vật dụng này, phần nhiều là để dẹp bớt các đồ dùng không cần thiết trong nhà (thường gọi là “Spring cleaning” – Dọn dẹp nhà vào mùa Xuân), gây quĩ từ thiện, phải di chuyển đi nơi khác và thâm chí là để kiếm thêm chút it tiền. Ở Mỹ, hình thức mua bán này thường rơi vào hai ngày: thứ Sáu và thứ Bảy.

Trước đây, trên mục các báo địa phương, có mục quảng cáo về địa chỉ, cũng như các mặt hàng sẽ được bán ra. Có nơi, TV địa phương cũng phát hình quảng cáo. Ngày nay, với trợ giúp của Craigslist (hình thức tự giao dịch mua bán giữa các cá nhân trên mạng), những chi tiết về garage sale được các cá nhân, tổ chức tự đưa lên, rất thuận tiện cho người muốn đi garage sale. Ngoài ra, dọc theo các phố, hoặc đại lộ, người ta con có cắm các bảng hiệu có sắc màu rực rỡ (xanh, đỏ, tím, vàng…) rất dễ nhận biết, chỉ dẫn địa chỉ garage sale.

Các địa điểm bán hàng thường là nhà đậu xe (garage), bãi đậu xe, sân trước hoặc sân sau nhà (yard), bên trong nhà (moving hoặc tag sale), thậm chí là cả một khu vực bao gồm nhiều dãy phố…Ở trường hợp sau cùng, các gia đình ở nơi khác cũng có thể “nhảy dù” (squatters) mang đồ đến để bán.

Các mặt hàng thường được bán ở garage sale bao gồm quần áo cũ, sách vở, đồ chơi, đồ trang trí trong gia đình, công cụ làm vườn, tư trang cá nhân, thiết bị thể thao, đồ nội thất như tủ, bàn và các thiết bị gia dụng như TV, tủ lạnh, máy giặt, máy sấy quần áo. Tóm lại là thứ gì cũng có thể đem ra bán.

Ở Mỹ, vào mùa Xuân, Hè và Thu garage sale hầu hết được tổ chức vào thứ Sáu và thứ Bảy, giờ giấc tùy thuộc vào người bán. Có nhiều garage sale “ưu tiên” cho phép một số người đi garage sale “chuyên nghiệp” đến trước giờ để xem và đến mua cả mớ, hoặc tìm kiếm các hàng quí, như vàng bạc, nhẫn, kim cương…Trong trường hợp này, người mua có thể gia công, phục chế, làm sạch rồi bán lại ở các đại lý của họ.

Nếu garage sale không muốn có hình thức này, người ta thường ghi thêm “no early birds” (nghĩa đen là không có những con chim đi ăn vào sáng sớm), tức là không được đến trước giờ niêm yết. Đến garage sale, chuyện mặc cả giá cũng có thể được thực hiện, nếu người bán không muốn, họ đề giá kèm theo chữ “firm” hoặc “final”.

Garage sale là một nét văn hóa truyền thống ở Mỹ. Giới nghệ sỹ cũng đã từng nhảy vào lĩnh vực này để làm phim. Nhà sản xuất Thunderground Film đã làm bộ phim tài liệu Zen and the Art of Yard sailing năm 2004. Nghệ sĩ Robert A. Emmons (New Jersey ) sản xuất phim tài liệu ngắn Yard Sale Jr., phát hành năm 2006, khảo sát thực tiễn của việc mua và bán ở garasale. Tom Zarrilli, một nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia và nhà văn, đã có một tạp chí trực tuyến, với tiêu đề “Yard Sale Addict” (nghiện đi garage sale), khám phá những khía cạnh nhân học của garage sale khi ông đến thăm ở các khu vực đó của Atlanta và Georgia.

Hầu như tất cả những khách nước ngoài có dịp qua Mỹ, đều thích thú đi garage sale. Không phải chỉ là để được quan sát một hiện tượng văn hóa của Mỹ, mà đôi khi, họ rất sung sướng tìm được một vật dùng nào đó mà họ rất yêu thích, dù nó rất nhỏ, và thường thì chẳng có giá trị nào về mặt tiền bạc.

Đến garage sale, bạn có dịp quan sát nhà của người bán về cách làm landscape, về cách bố trí, sắp xếp nhà cửa. Vào đầu Hè, ở vùng bắc Mỹ, hoa lá xanh tươi, hàng trăm loại đua nhau đâm bông. Thiết tưởng cũng là dịp tốt cho bạn ra ngoài trời hít thở không khí trong lành, tắm nắng và thưởng ngoạn thiên nhiên tươi đẹp. Ấy là chưa kể, nhiều garage sale còn có đồ uống nhẹ và nhạc làm cho không khí thêm vui nhộn. Người bán nói chung là rất thân thiện, đon đả mời khách, đôi khi nói cả những chuyện chả liên quan gì đến garage sale. Họ bán các thứ như cho không, nhiều đồ trang sức vật dụng giá bán chỉ có 5 hoặc 25 cents. Họ mừng vì thấy bạn yêu thích các thứ chỉ đáng giá mấy xu, và giúp được họ làm sạch quang (empty) cái kho chứa đồ hỗn tạp của họ.

Nhiều lần xem đài tivi PBS (Public Broadcasting Service), chương trình định giá đồ cổ, tôi thấy có người nói rằng, cái đồng hồ này, hay bức tranh nọ…họ mua ở garage sale giá vài đô la, trước đó vài chục năm, và họ hoàn toàn bị shock khi nghe chuyên gia đồ cổ nói giá của nó bây giờ là vài ngàn, thậm chí là cả chục ngàn, hay vài trăm ngàn đô la (!)

Người nước ngoài đến Mỹ hầu như ai cũng thích đi garage sale, kể cả các những người là triệu phú hay tỷ phú. Lý do, như trên đã nói, không phải vì tiền bạc, mà là sự trải nghiệm về văn hóa và giao lưu xã hội. Bên cạnh đó, cũng có cả niềm vui “bé nhỏ” (cặp từ mà một người bạn nói mỗi khi tìm được vật dụng thích thú rẻ như cho ở garage sale), và trải nghiệm mà họ chưa từng gặp trong đời, rằng làm sao lại có thể mua bán ở Mỹ, nhiều thứ “giá trị” chỉ với giá một dollar, thậm chí là vài cent.

Nét văn hóa truyền thống này của Mỹ, bây giờ lan sang nhiều nước và cả ở Việt nam. Lý do là vì có nhiều gia đình người Mỹ đến sống và làm việc ở đó, khi phải di chuyển hoặc về nước (moving), họ không thể mang theo tất cả mọi thứ nên phải bán. Kỳ lạ hơn nữa, với sự phát triển của internet, bây giờ, trên mạng, facebook cũng có “Garage sale on line”. Suy cho cùng , bán ở tại nhà hay online thì cũng chỉ với mục dích là “tống khứ” đi những thứ mà họ không cần nữa.

Cùng là chợ bán đồ thanh lý, đã qua sử dụng, nhưng ở Mỹ phân ra làm nhiều loại khác nhau như “Garage sales”, “Yark Sales”, “Tag Sales”…Vậy sự khác nhau giữa các thuật ngữ này là gì?

Các chợ thanh lý ở Mỹ thường được phân loại dựa trên địa điểm bán hàng và phạm vi bán hàng. Dưới đây là sự khác nhau của một vài trong số đó.

Quần Áo, Cũ, Trên Móc, Giá Đỡ, Bán Nhà Để Xe

Garage Sales (Thanh lý trong nhà để xe)

Một “garage sales” thực sự là hàng hóa được bày bên trong nhà để xe, mặc dù đôi khi nó tràn ra đường lái xe.

“Garage sales” lý tưởng cho những người bán không muốn mở hàng sớm. Người bán có thể đóng cửa nhà để xe đến khi họ sẵn sàng bắt đầu bán hàng. Bán trong nhà để xe cũng giúp có nhiều thời gian xếp hàng hơn, có thể là vào ngày hoặc đêm trước. Không giống như hàng hóa được trưng bày ngoài sân, nhà để xe kín giữ cho hàng hóa an toàn, không sợ mưa hay trộm.

“Garage sales” thường được mở sau khi những gia đình vừa dọn nhà cửa có nhiều đồ không dùng tới nữa, hoặc di chuyển chỗ ở mà không muốn mang hết đồ đạc đi.

Khi phong trào “Garage sales” mở rộng, nhiều gia đình trong một khu dân cư thường cùng nhau mở chợ vào dịp cuối tuần và những dịp lễ đặc biệt.

Đây không chỉ là đợt thanh lý đồ mà còn là cơ hội gặp gỡ láng giềng.

Yard sales (Bán thanh lý trong sân nhà)

Hàng cần thanh lý được đặt ở trên bãi cỏ, trên sân trước hoặc sân sau. Trước đây phổ biến ở sân trước.

Hàng được bày bán cũng là những thứ người bán không dùng tới nữa như quần áo, các vật sưu tầm, trang sức, giầy dép, chén dĩa, bàn ghế…

Tag Sales (Gắn giá trên sản phẩm thanh lý)

Về mặt kỹ thuật, thuật ngữ “tag sales” có thể đề cập đến bất kỳ giao dịch bán thanh lý nào gắn giá trên các sản phẩm cũ và sản phẩm giảm giá. “Tag sales” có thể diễn ra ở bất cứ đâu, trong hoặc ngoài nhà.

Thuật ngữ “tag sales” được sử dụng nhiều ở phía đông bắc hơn so với các khu vực khác của Mỹ. Ở một số khu vực, “tag sales” được coi là giống như “estate sale” (thanh lý gần như toàn bộ đồ trong nhà). Chủ sở hữu hàng hóa có thể thuê các nhà tổ chức bán hàng chuyên nghiệp để điều hành buổi thanh lý.