Khi nhu cầu làm đẹp ngày càng tăng thì các ngành dịch vụ thẩm mỹ cũng tăng lên nhanh chóng, trong đó có ngành Nail. Với sự ra đời của hàng loạt những tiệm nail lớn nhỏ trong cùng một khu vực, nếu có ý định điều hành một salon nail, các chủ tiệm cần chuẩn bị cho mình những kỹ năng và phẩm chất cần thiết.

Bạn đang có ý định mở một salon nail? Tuy đây là một trong những ngành rất có triển vọng với khoản lợi nhuận thu được vô cùng hấp dẫn nhưng công việc quản lý tiệm không hề đơn giản. Nó đòi hỏi rất nhiều năng lượng, sự vững vàng về tài chính cũng như sự tận tâm. Tuy nhiên, bạn cũng có thể nhận được những thành quả rất xứng đáng. Hãy cùng Thepronails tham khảo một số ý kiến từ các cố vấn salon và tìm hiểu xem, để quản lý salon thành công thì các chủ tiệm cần phải có những phẩm chất nào nhé!

1. Tầm nhìn

Đầu tiên, bạn phải xác định như thế nào được gọi là kinh doanh thành công? Những thứ mà bạn định nghĩa sẽ khiến bạn trở nên khác biệt hơn so với các salon nail khác. Một số cho rằng đó là kiếm được càng nhiều tiền càng tốt trong khi số khác lại quan tâm xem, họ đã có tác động như thế nào đối với các khách hàng của mình và cộng đồng. Cũng có thể mục tiêu chính của bạn là cân bằng cuộc sống và công việc của bạn cũng như của tất cả nhân viên. Khi đã hiểu rõ mục tiêu của mình, bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc xác định mình sẽ làm những gì để đạt được ước mơ đó?

Khi đã tạo ra được “bản đồ thành công” bạn hãy tiếp tục thực hiện từng bước để đi đến đích. Đừng cố gắng đi “đường tắt” hay thay đổi các chiến lược khác chỉ vì có nhiều khó khăn, thử thách lúc đầu. Với tư cách là người quản lý, bạn phải luôn kiên nhẫn và xem xét cẩn thận điều gì là tốt nhất cho salon của mình thì tiệm mới trụ vững và ngày càng phát triển được.

2. Sự tận tâm

Từ việc “rút” dần số tiền tiết kiệm được cho đến việc phải cắt các khoản bảo hiểm của chính mình, có lẽ các chủ tiệm nên chuẩn bị tinh thần là mình sẽ hy sinh rất nhiều để quản lý một salon nail, đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn ban đầu. Bạn sẽ phải đối mặt với rất nhiều khoản chi phí khác nhau nên không thể không chuẩn bị những phương án dự phòng để giữ vững tình hình tài chính của salon.

Bên cạnh đó, bạn cũng phải tạo dựng được hình ảnh “người đứng đầu” lý tưởng, thiết lập những nguyên tắc kinh doanh và cách làm việc phù hợp cũng như tuyệt đối tuân thủ chúng để làm gương cho các nhân viên khác.

3. Động lực

Điều gì có thể thúc đẩy các nhân viên của tiệm làm việc ngày một tốt hơn? Mỗi người nhân viên, thợ nail, thợ chăm sóc da, tất cả đều có động lực làm việc khác nhau. Để giúp họ có thể làm việc năng suất hơn, bạn nên tìm ra những cách khác nhau, cả về vật chất lẫn tinh thần để tạo động lực làm việc cho các nhân viên của mình. Những điều này có thể là tuyên dương hành động tốt, tặng thưởng khi đạt được thành tích tốt hay tri ân những nhân viên có đóng góp tích cực cho salon.

4. Ủy quyền

Ảnh: Strategic Coach

Ngay từ lúc mới bắt đầu kinh doanh, vì có quá nhiều thứ phải lo lắng nên bạn khó lòng từ bỏ quyền kiểm soát mọi thứ, tuy nhiên, việc đảm nhận quá nhiều vai trò cùng một lúc sẽ khiến bạn khó mà thành công. Thay vào đó, bạn có thể “phân quyền” hay lập thành một nhóm quản lý riêng gồm những người mà bạn tin tưởng, những người sẽ phụ trách từng bộ phận khác nhau. Với những kiến thức và kinh nghiệm của họ, công việc quản lý salon của bạn sẽ trở nên dễ dàng và suôn sẻ hơn.

5. Đào tạo

Mỗi người thợ đều có tính cách khác nhau, kỹ năng cũng có điểm mạnh yếu khác nhau và tất nhiên, cách họ giao tiếp và thiết lập mối quan hệ với khách hàng cũng khác nhau. Thay vì cố bắt họ đi theo một hướng chung, bạn nên tận dụng sự khác biệt này trong cách phân công công việc để mỗi cá nhân đều có cơ hội phát triển riêng của mình.

Dù là dựa trên cách cư xử mà bạn tự quan sát được hay từ các bình luận của khách hàng, các chủ salon thành công cần cung cấp đầy đủ các phản hồi cho toàn bộ nhân viên của mình cũng như đặt ra các mục tiêu cao hơn để mọi người cùng theo đuổi. Bạn có thể giúp đỡ các nhân viên để họ có thể phát triển các kỹ thuật mới, kiến thức mới để mang đến những dịch vụ chất lượng hơn cho khách hàng trong tương lai.

6. Giao tiếp

Ảnh: CQEAcademy

Để có thể quản lý các nhân viên một cách hiệu quả thì sự giao tiếp rõ ràng giữa các bên là rất quan trọng. Các chủ tiệm nên sắp xếp một khoảng thời gian cố định trong tuần, họp mặt tất cả nhân viên để truyền đạt các thông tin cần thiết hay các định hướng mới một cách trực tiếp. Đừng chỉ dựa vào các bản thông báo ở phòng nghỉ hay để nhân viên này truyền đạt thông tin cho nhân viên kia.

Khi đưa ra những thay đổi lớn và quan trọng đối với sự phát triển của salon, các chủ tiệm nên giải thích rõ ràng lý do mà mình đã đưa ra quyết định đó. Có thể không phải tất cả các nhân viên đều tán thành quyết định đó nhưng bạn vẫn phải giải thích cặn kẽ lý do của mình và thể hiện sự quan tâm, cân nhắc đến các ý kiến khác của nhân viên.

7. Tính tổ chức

Từ việc quản lý thời gian đến lưu trữ các dữ liệu của khách hàng, xem xét lượng hàng tồn kho thì kỹ năng tổ chức vẫn là chìa khóa quan trọng nhất để các chủ tiệm có thể quản lý salon thành công. Nó cho phép bạn đánh giá và sắp xếp các ưu tiên của mình cũng như giải quyết các nhiệm vụ mà không mất quá nhiều thời gian.

8. Tự nhận thức

Dù đã chuẩn bị nhiều đến đâu thì sự thật là khi bước chân vào con đường kinh doanh salon, vẫn có rất nhiều thứ mà bạn không biết. Chính vì vậy bạn phải biết chủ động tìm kiếm, cập nhật kiến thức và sẵn sàng nhờ hỗ trợ khi cần thiết. Bạn có thể tìm cho mình một nhà cố vấn, tìm thông tin trên các trang web, blog hay các nguồn khác – những nơi có thể giúp bạn trở thành một doanh nhân hoạt động thành công hơn trong ngành thẩm mỹ đầy cạnh tranh và thử thách này.