CON DẤU HOA LỘC DÙNG ĐỂ LÀM GÌ?

(khoảng từ 2000 trCN đến 1200 trCN)

Họa sĩ Đức Hòa

Đương thời với Phùng Nguyên còn có một Văn hóa khảo cổ ở nơi mà ngày nay người ta gọi là xứ Thanh: Văn hóa Hoa Lộc – lấy theo tên nơi có di chỉ: xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Phát hiện từ 1973, di chỉ Hoa Lộc đến nay đã được khai quật nhiều lần, đào được rất nhiều hiện vật đá, xương, gốm và vài mảnh đồng. Đáng chú ý là những con dấu bằng đất nung. Nhiều giả thiết đã được đưa ra về cách mà người xưa sử dụng chúng nhưng đến nay giả thiết vẫn chỉ là giả thiết… Tuy nhiên, xét về mỹ thuật thì các hoa văn con dấu ấy đầy mỹ cảm!

CON DẤU HOA LỘC DÙNG ĐỂ LÀM GÌ?
Một số con dấu Hoa Lộc hình vuông và chữ nhật. Những chỗ khác màu, rất nét, hơi bóng là “tút” lại thời hiện đại. Hoa văn hình học với cấu trúc rất chặt chẽ. (Nguồn: Chụp từ Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, sách “Khảo cổ học VN” tập II và trên mạng)

1 – Vài nét về Văn hóa Hoa Lộc

Đó là một văn hóa khảo cổ có niên đại tương đương Phùng Nguyên, nghĩa là khởi đầu khoảng 2.000 năm trCN và chấm dứt khoảng 1.200 trCN. Các nhà khảo cổ xác định Văn hóa Hoa Lộc kéo dài từ Hậu kỳ Đá mới đến Sơ kỳ Đồng thau. Chủ nhân của văn hóa này là cư dân cư trú trên các cồn cát cao ven bờ biển cổ, chuyên khai thác hải sản, có các nghề trồng trọt, chăn nuôi, làm gốm, dệt và bắt đầu luyện kim đồng. Nếu văn hóa Phùng Nguyên được coi như khởi đầu cho sự hình thành dân tộc và quốc gia của người Việt cổ ở lưu vực sông Hồng thì văn hóa Hoa Lộc được coi như sự khởi đầu ấy hiện diện ở vùng bắc Trung bộ Việt Nam. Các văn hóa Phùng Nguyên và Hoa Lộc có mối quan hệ rõ nét bởi những di vật ảnh hưởng qua lại với nhau.

2- Những di vật khai quật được đầy ấn tượng vì hoa văn giàu chất lượng nghệ thuật

Theo thống kê của tiến sĩ Phạm Văn Đấu (Luận án Phó tiến sĩ Khoa học lịch sử, chuyên ngành Khảo cổ học “Văn hóa Hoa Lộc và vị trí của nó trong thời đại đồng thau Bắc Việt Nam”, 1995, Thư viện Quốc gia Việt Nam) thì sau 4 lần khai quật vào các năm 1974, 1975, 1976 và 1983, các nhà khảo cổ đã đào được 3296 di vật đá, 7 di vật xương, 1.996.903 mảnh gốm, 3 di vật đồng, 90 đồ gốm gần như nguyên vẹn – đặc biệt trong đó có 53 con dấu gốm đúc hoa văn hình học.

Ảnh tác giả chụp 3 con dấu Hoa Lộc bày trong tủ kính của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại Hà Nội (Viện Bác Cổ) cùng với chú thích về gốm Hoa Lộc.

Gốm Hoa Lộc được làm bằng bàn xoay, nung nhiệt độ khá cao nên cứng chắc. Hoa văn trang trí trên gốm được vẽ nét lõm theo các motif hình bọ gậy, giọt nước, sóng nước, khuông nhạc, chữ S, răng sói, cánh chim… Kết cấu các đường nét, vạch và chấm phóng khoáng, khá nhiều biến thể, hấp dẫn. Nếu hoa văn gốm Phùng Nguyên có kết cấu hình học chặt chẽ thì hoa văn Hoa Lộc thoáng hơn, nhiều đường cong lượn hơn, nhất là rất phong phú các nét phẩy- được một số nhà khảo cổ coi là dạng giọt nước- gợi ra âm hưởng của nước và biển.

CON DẤU HOA LỘC DÙNG ĐỂ LÀM GÌ?
3 con dấu gốm Hoa Lộc có chuôi để cầm phía sau và 1 con dấu lăn có trục hai bên (Ảnh chụp từ Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và từ sách Khảo cổ học Việt Nam tập II – Thời đại Kim khí Việt Nam)

Cả Phùng Nguyên và Hoa Lộc đều xứng đáng được coi là kho hoa văn tiền sử đầy chất lượng của tổ tiên mà hậu thế thời hiện đại là giới họa sĩ hầu như chưa biết đến để sử dụng. Xét nguyên nhân sâu xa thì đây còn là vấn đề “đứt gãy văn hóa”. Các họa sĩ hiện đại Việt Nam quen với vốn cổ thời phong kiến Lý, Trần, Lê… hơn và hầu như chưa “cảm” được với kiểu cách hoa văn nguyên thủy – dù ở đó có những giá trị về mỹ thuật và tín hiệu tuyệt vời. Vì khuôn khổ bài báo nên xin hẹn bàn kỹ chuyện này vào một dịp khác.

3 – Những con dấu gốm và nghiên mực kỳ lạ

Nổi bật trong số 90 di vật gốm gần như nguyên vẹn là 53 con dấu (nay đã tìm thấy con dấu thứ 54) đươc nung cứng, chắc. Chúng đều có núm cầm phía sau, riêng một con lăn có 2 núm trục ở 2 đầu. Bề mặt con dấu khá phẳng- hơi phồng lên với các hoa văn hình học cấu trúc chặt chẽ. Chắc là khi chế tạo, người nghệ nhân Hoa Lộc đã kỳ công thiết kế hoa văn tinh xảo, khoét lõm cũng như đắp nổi cân xứng một cách đầy mỹ cảm. Nếu chỉ đánh giá về đường nét thì từng họa tiết hình học là các vạch thẳng, cong hay chấm, phẩy… chưa có gì gọi là gợi cảm cả. Nhưng khi được khuôn vào mặt con dấu với kết cấu chặt chẽ và độ nông sâu rõ nét thì chúng trở nên hấp dẫn với chất lượng hoa văn nghiêm chỉnh. Bản thân mỗi con dấu đã là một công trình mỹ nghệ mini, tinh tế.

Hình giải trình các con dấu gốm Hoa Lộc bằng cách đồ họa hóa mặt in và chu vi của mặt cắt (Nguồn: Sách “Văn hóa Hoa Lộc”)

Được nung già lửa, các con dấu 4000 năm vẫn còn giữ màu vàng ốc đậm hay nâu sậm ửng đỏ, khỏe khoắn thô mộc trong khi kết cấu hoa văn trong khuôn vuông, chữ nhật hay oval lại cho thấy tính toán đầy trí xảo của các nghệ nhân nghìn xưa vĩnh viễn vô danh…Dù sự tàn phá của thời gian 4 thiên niên kỷ đã khiến chúng không còn hoàn hảo nhưng vẫn xứng đáng được đánh giá rất cao trong buổi đầu sơ khởi của mỹ thuật Việt cổ. Đáng chú ý hơn nữa là đã khai quật được một “nghiên mực” Hoa Lộc cỡ khá to (hiện bày trong Bảo tàng Lịch sử Việt Nam), rất có thể người ta đã dùng để mài những cục khoáng chất (đá non hoặc thổ hoàng) màu nâu đỏ rồi trộn với một loại nhựa cây làm chất kết dính (hồi đó mực Tàu chưa ra đời).

4 – Những giả thiết về cách sử dụng con dấu của người Hoa Lộc xưa

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ khi phát hiện và khai quật di chỉ Hoa Lộc, những con dấu gốm kỳ lạ vẫn thách thức các nhà nghiên cứu. Chúng được chế tạo một cách rất kỳ công và quá đặc biệt nên khó có thể làm ngơ một khi ta đã nhìn thấy. Con dấu nguyên thủy này được chế tạo ra để làm gì nhỉ? Vẫn là một câu hỏi hóc búa. Một số giả thiết được đưa ra để lý giải: in hoa văn trên vải, trên đồ gốm, trên tường nhà, trên cơ thể, thậm chí trên giấy(!)…

CON DẤU HOA LỘC DÙNG ĐỂ LÀM GÌ?
“Nghiên mực” bằng gốm ở Hoa Lộc.

Các nhà khoa học loại bỏ ngay giả thiết “giấy” vì thời đó làm gì đã có giấy ! In trên gốm cũng chưa chắc bởi chưa có bằng chứng: chả thấy mảnh gốm nào có dấu in từ các con dấu nọ. In trên vải cũng có thể nhưng sau 4 thiên niên kỷ đằng đẵng thì chẳng thể tồn tại loại vải sơ khai nào trong khí hậu nhiệt đới khắc nghiệt. In trên thân thể được lý giải như tiền đề của thuật xăm mình của tổ tiên ta – lý sự vậy thôi, bằng chứng chẳng còn. In trên tường nhà ư? Chưa ai khai quật được vết tích nhà cổ ở di chỉ Hoa Lộc!

Mới đây nhất, trong cuộc tọa đàm “Con dấu trong Văn hóa Hoa Lộc” ngày 27/02/2015 tại Hội trường Viện Khảo cổ học Việt Nam, nữ tiến sĩ Judith Cameron của Đại học quốc gia Úc đưa ra giả thiết mới: đó là vật dùng của các thương nhân để đóng thương hiệu vào hàng hóa! Wow! Cách đây 4000 năm mà thương nghiệp Việt cổ đã phát triển vậy ư? Tự hào quá! Nếu vậy thì văn minh Việt cổ thời ấy hẳn đã phải hùng mạnh lắm(!) Thật chưa thể tin nổi và cũng chả có gì để chứng minh…

5 – Gợi ý đầy hiệu quả của Bảo tàng Redpath thuộc Đại học McGill

Trên tầng 3 của Bảo tàng Redpath(1) có trưng bày những kết quả khảo sát dân tộc học đầy ấn tượng của các giáo sư và sinh viên thuộc đại học McGill(2) từng tỏa đi khắp thế giới. Chúng ta có thể thấy ở đây các xác ướp Ai Cập cổ đại (mumie), các bảng đất nung khắc chữ hình nêm của Lưỡng Hà cổ đại, những đôi giày tí hon bởi tục bó chân của Trung Hoa trung – cận đại, các ống nghiền trầu kỳ quặc của cư dân hải đảo thuộc châu Đại dương xa xôi… Và đập vào mắt tôi là những con dấu và con lăn gốm của các thổ dân Colombia Nam Mỹ. Họ in dấu trên cơ thể như một tín ngưỡng kỳ bí của các bộ tộc bán khai.

Con lăn của người da đỏ Quimbaya có núm ở 2 đầu. Khoảng từ năm 1.000 – 1.500 sau CN (trước khi Colombia bị thực dân Tây Ban Nha xâm chiếm). Bên dưới là hình mà thầy trò trường McGill vẽ mô phỏng hình in – họ không dám lăn mực, sợ hỏng con lăn (là cổ vật đặc biệt).
CON DẤU HOA LỘC DÙNG ĐỂ LÀM GÌ?
Các con lăn gốm của người da đỏ Colombia có lỗ tròn được đúc thông ngang để có thể xuyên que qua mà lăn khi lấy mực và in. Ảnh bên phải, từ trái sang là các con lăn Narino (không rõ niên đại), Tumaco (300 trCN – 200 sau CN), Quimbaya (1.000-1.500 sau CN) và Tumaco (300 trCN – 200 sau CN)
CON DẤU HOA LỘC DÙNG ĐỂ LÀM GÌ?
Các con dấu mặt phẳng của người da đỏ Colombia và giải trình hình in ra của chúng (hình vẽ mô phỏng chứ không phải là hình in thật). Cả 2 con dấu đều của văn hóa khảo cổ Tumaco (300 trCN – 200 sau CN). Ảnh bên trái là con dấu hình động vật (không có chú giải). Giữa là 2 ảnh chụp để thấy chuôi tay cầm của các con dấu này.
CON DẤU HOA LỘC DÙNG ĐỂ LÀM GÌ?
Bản đồ các văn hóa khảo cổ của thổ dân da đỏ ở ven biển và vùng núi nước Colombia (Nam Mỹ). Các con dấu được đặt theo những tên này: Narino (màu cỏ úa đậm), Quimbaya (tím hoa cà nhạt), Tumaco (xanh ngọc nhạt). Các tên Calima, Hạ Magdalena, Musica, Tairona để chú thích cho các hiện vật khác, ngoài phạm vi bài này.

Giải trình dân tộc học của Bảo tàng McGill rất mạch lạc và sáng tỏ. Xin đưa ra mấy tấm hình mà tôi chụp được và sau đó là bản vẽ thử nghiệm của tôi về hình ảnh cụ thể của người Hoa Lộc in dấu hoa văn như một tín ngưỡng cách đây 4 thiên niên kỷ.

CON DẤU HOA LỘC DÙNG ĐỂ LÀM GÌ?
Bản vẽ giải trình các vị trí trên cơ thể mà thổ dân da đỏ in và lăn mực. Số 1 là con dấu Tumaco (300 trCN – 200 sau CN); 2 – con lăn Narino; 3 – con lăn Tumaco (300 trCN – 200 sau CN); 4 và 5 – con lăn Quimbaya (1.000-1.500 sau CN); 6 – con lăn Narino.
Giả thiết của họa sĩ Đức Hòa vẽ người cổ Hoa Lộc in và lăn con dấu gốm lên cơ thể trong ngày lễ hội. Mực in được mài từ đá non màu nâu đỏ trộn nhựa cây.
Giả thiết của họa sĩ Đức Hòa vẽ cô gái Hoa Lộc in con dấu gốm lên lưng một chàng trai Hoa Lộc trong ngày lễ hội của bộ tộc.

Trong trình độ bán khai của người Hoa Lộc, ở buổi đầu sơ khởi của quá trình hình thành dân tộc và quốc gia sơ kỳ của người Việt, cộng với tục xăm mình tất yếu nhưng đã thất truyền của tổ tiên ta thì khả năng in và lăn con dấu hoa văn lên cơ thể cách đây 4000 năm là khả dĩ nhất. Họ chắc chắn có mê tín, viện đến tâm linh như một tất yếu thuở văn minh sơ khai, cũng là cách làm đẹp thời nguyên thủy khi mà vải vóc còn chật vật mới sản xuất ra được một cách ít ỏi. Cũng rất có thể đó là tiền đề của tục xăm mình của người Việt mà sử sách còn ghi lại rằng đến cả các vua nhà Trần cũng bắt buộc phải xăm cho đến tận vua Trần Anh Tông (trị vì 1293-1314) mới chấm dứt(3).

Chú thích:

(1) Bảo tàng Redpath (Redpath museum) trực thuộc Đại học McGill, trong khuôn viên của trường, gần trung tâm thành phố Montreal. Nơi đây trưng bày nhiều mẫu khoáng vật, hóa thạch cổ, thực- động vật thời tiền sử, đặc biệt là các công trình nghiên cứu khoáng vật học, cổ sinh học, khảo cổ học, dân tộc học… của trường.

(2) Trường Đại học McGill (McGill University) ở thành phố Montreal là một đại học loại lớn ở Canada và Bắc Mỹ, xếp hạng 21 thế giới (theo tổ chức QS World University Rankings 2014), xếp thứ 2 Canada sau Đại học Toronto, xếp nhất Canada về đào tạo y học, hiện có tới 300 ngành học. Về lịch sử, trường có 12 giải Nobel khoa học, là 1 trong những đại học có nhiều giải Nobel khoa học nhất thế giới (theo Wikipedia).

(3) Lịch sử cho biết các vua nhà Trần theo tục lệ đều bắt buộc phải xăm mình, nhất là hình rồng ở 2 đùi. Nhưng đến vua Trần Anh Tông thì vị vua này lúc đó mới lên ngôi, thấy đau quá, đạp thợ xăm ra, không cho xăm nữa – không ai dám bắt ép vua khi ngài đã lên ngôi. Trước đó các vua thường bị bắt buộc xăm mình khi còn là hoàng tử.