Trong thời kì duy tân của Việt Nam và Trung Hoa, các bậc khai sáng của cả hai nước đều có bàn tới xung đột về bản chất của văn hóa Đông và Tây.

Những người Trung Hoa đã đưa ra khẩu hiệu “Đông học vi thể, Tây học vi dụng” với ngụ ý giữ lấy bản chất văn hóa tinh thần của Trung Hoa và chỉ học ở phương Tây các kĩ xảo khoa học và kĩ thuật. Ở Việt Nam ông Phạm Quỳnh có nhiều bàn luận tương tự. Xin đưa ra một trích dẫn tiêu biểu:

… Nay bất luận vì cớ gì mà người nước ta xô theo Tây học, đã theo cũng phải biết rõ tính cách sự học thế nào. Tính cách ấy, muốn phân tích ra cho tường thì phiền phức lắm, nhưng có thể tóm tắt bằng một câu như sau này: học thuật của Thái Tây là học thuật về sự vật, văn hóa của Thái Tây là văn hóa về sự vật, mà làm thế là chỉ có một mục đích lợi dụng cho người ta được phú cường… Các hiền triết phương Đông không thiết gì đến sự vật, chỉ dạy người ta sửa mình theo đạo đức, và ăn ở với nhau trong xã hội cho êm thấm. Ấy cái đặc sắc, cái giá trị của văn hóa phương Đông là thế.

Vì sao thời đó các vị theo duy tân ở ta và Trung Hoa lại hiểu văn hóa phương Tây thuần túy mang tính vật chất, duy lợi như vậy? Có thể có một số nguyên nhân như sau:

  • Thế kỉ 18-19 văn hóa phương Tây sau thời kì Khai Minh đã hầu như đoạn tuyệt với Kitô giáo và thay nó bằng chủ nghĩa nhân văn.
  • Các vị duy tân phương Đông bị ấn tượng rất mạnh trước tàu to súng lớn của phương Tây.
  • Cải cách Tây học trong giáo dục mới chỉ tạo ra thay đổi ấn tượng nhất là đưa vào dạy các môn khoa học tự nhiên.

Nước Nga thời kì này cũng đứng trước vấn đề xung đột văn hóa với phương Tây và xuất hiện hai trường phái: những người bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc Slave và những người theo phương Tây. Có một số khác biệt lịch sử khá thú vị trong so sánh với Việt Nam và Trung Hoa.

Xung đột văn hoá Đông Tây buổi ban đầu
Tranh về thời kỳ Khai Minh (hay còn gọi là Khai Sáng) tại phương Tây. (Tranh vẽ Nicolaus Copernicus, nguồn Wikipedia)

Đáng chú ý là đa số những người theo Tây học của Việt Nam, Trung Hoa và Nga đều đồng nhất văn hóa và văn minh phương Tây với thời kì Khai Minh, là thời kì có những thành tựu đầy ấn tượng của khoa học tự nhiên và kĩ thuật. Thời kì trung đại bị gán cho tên gọi “đêm trường trung thế kỉ”, mệnh danh cho thời kì tăm tối của lịch sử phương Tây không đáng biết đến.

“Đồng hồ Tây có bao giờ sai”- câu nói của Nghị Quế trong tiểu thuyết “Tắt đèn” của nhà văn Ngô Tất Tố trở thành một ví dụ điển hình cho thói học đòi Tây học đầu thế kỷ 20

Một đặc điểm khác của nhiều người theo Tây học là thái độ sùng bái khoa học, xem khoa học như phương tiện thần kì sẽ đem lại những giải đáp cho mọi câu hỏi nhân sinh (cái gì còn chưa giải đáp được, thì rồi sẽ được giải đáp). Khoa học được đồng nhất với chân lí vì đã được chứng minh trong thực tiễn thường nghiệm thực chứng. Thái độ này có thể bắt nguồn từ người sáng lập thuyết thực chứng luận là Auguste Comte (1789-1857). Ông này khẳng định rằng tôn giáo là thời thơ ấu của loài người, còn khoa học là thời kì trưởng thành của loài người. Tiến hóa luận (được cho là học thuyết của Darwin) quan niệm rằng con người đơn giản chỉ là bộ phận của thế giới động vật, là hậu duệ của một thực thể giống như loài khỉ. Những quan điểm này rất phổ biến vào thế kỉ 18-19 và nhiều người thời đại hiện nay cũng vẫn còn quan niệm như vậy. Tôi cho rằng điều này góp phần vào việc nền văn minh phương Tây đoạn tuyệt với Kitô giáo: Kitô giáo vốn quan niệm con người vượt lên trên thế giới tự nhiên, con người được Thượng đế tạo ra theo hình tượng của Người, nên vì vậy có tính thiêng liêng. Phải chăng chính vì đoạn tuyệt với Kitô giáo nên những người vô thần ở thế kỉ 20 đã có thể thản nhiên giết người hàng loạt trong các lò thiêu của phát xít Đức hay hành hạ và làm nhục con người trong các trại tập trung?

Tôi cho rằng ông Phạm Quỳnh hiểu văn hóa và học thuật của phương Tây mang tính vật chất, nhằm lợi dụng cho người ta được phú cường, chính là dựa trên thực tế nêu trên của các nước phương Tây. Ông khẳng định đặc sắc của văn hóa phương Đông là văn hóa tinh thần, quan tâm đến quan hệ con người với nhau nhiều hơn. Thế nhưng liệu có phải nền văn minh phương Tây hoàn toàn mang tính duy vật như ông Phạm Quỳnh đã hiểu hay không? Tôi e rằng có lẽ không phải như vậy vì hai lí do sau:

  • Tuy hầu như đoạn tuyệt với Kitô giáo, nhưng chủ nghĩa vô thần không thống trị ở phương Tây giống như ở nước Nga sau 1917. Các giáo hội vẫn hoạt động bình thường dù cho không có được ảnh hưởng to lớn như thời kì trung đại trước đó. Chủ nghĩa nhân văn được đề cao trong văn hóa. Chủ nghĩa nhân văn vẫn giữ lại nhiều giá trị vốn có gốc rễ từ Kitô giáo và nền dân chủ phương Tây vẫn có nhiều ưu điểm hơn so với các hình thức nhà nước chuyên chế của phương Đông.
  • Nhiều triết gia phương Tây phát triển một số giá trị quan trọng của đạo đức Kitô giáo trong các học thuyết có hình thức thế tục. Các tác phẩm văn học lớn trong văn học cổ điển của phương Tây vẫn tràn đầy tình thương yêu con người, vốn là biểu tượng của Kitô giáo.

Tôi không hiểu nhiều về quá trình cải cách duy tân của nước Nhật, nhưng qua tác phẩm “Khuyến học” cũng đủ thấy rằng người Nhật tiếp thu rất nhiều giá trị tinh thần của phương Tây. Liệu có phải đây là khác biệt quan trọng trong so sánh với phong trào duy tân của Trung hoa và Việt Nam hay không?

Việc đoạn tuyệt với Kitô giáo của văn minh phương Tây ở thời kì Khai minh liệu có phải là một bước tiến bộ quan trọng như nhiều người theo Tây học và những trí thức dân túy Nga vẫn hiểu hay không? Liệu chủ nghĩa nhân văn kết hợp với tiến bộ khoa học có đủ chiều sâu tinh thần để thay cho Kitô giáo hay không? Những lo lắng của các triết gia phương Tây như E. Fromm (To Have or To Be) hay E.F. Schumacher (A Guide for the Perplexed) có cơ sở thực tiễn hay không?

Bài dẫn trong buổi cà phê Gặp gỡ và đối thoại tại Cà phê Thứ Bảy Sài Gòn, ngày 5/5/2017 với chủ đề : Xung đột văn hoá Đông Tây buổi ban đầu.

Nguyễn Văn Trọng