Dù có nguồn gốc và ảnh hưởng từ Trung Quốc, thậm chí Hàn Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản…, nhưng truyện truyền kỳ Việt Nam cũng có một chặng đường, giai đoạn hình thành phát triển nội sinh. Bị chi phối và ảnh hưởng từ nhiều yếu tố, nhưng truyện truyền kỳ Việt Nam vẫn giữ được những đặc trưng riêng nhờ sức sáng tạo tuyệt vời của các tác giả và các yếu tố văn hóa truyền thống riêng biệt của dân tộc…

Dựa trên con đường phát triển văn học trung đại nói chung và tiến trình thể loại truyền kỳ nói riêng, ta có thể chia quá trình phát triển truyện truyền kỳ Việt Nam thành các giai đoạn sau:

Giai đoạn nguồn gốc (khoảng thế kỷ X-XIV): “Bên cạnh văn học dân gian và văn xuôi lịch sử, một trong những nguồn gốc trực tiếp của truyện ngắn truyền kỳ chính là truyện u linh, chí quái – thể loại xuất hiện ở giai đoạn đầu truyện ngắn trung đại”. Tức là ngoài sự ảnh hưởng của văn học dân gian, văn xuôi lịch sử, truyện truyền kỳ Việt Nam còn bị ảnh hưởng tác động bởi thể loại u linh, chí quái. Và đây có thể coi là sự khởi đầu của thể loại truyền kỳ Việt Nam.

Giai đoạn mở đầu: Vào nửa cuối thế kỷ XV, “Thánh Tông di thảo” ra đời đây được coi là tác phẩm mở đầu có bước đột phá, khi nó dần dần thoát khỏi sự lệ thuộc vào văn học dân gian và văn xuôi lịch sử. Các yếu tố kỳ ảo trong truyện dần dần được hiện thực hóa, dù các tích dân gian được ghi chép, hay không ghi chép thì nó đã được tác giả sáng tạo và mang dấu ấn nghệ thuật cá nhân nhiều hơn. Trong Thánh Tông di thảo, tác giả viết về những chuyện chính cá nhân mình tham gia, mình chứng kiến. Các vấn đề trong xã hội, trong cuộc sống bắt đầu đi vào tác phẩm, nên một số truyện mang tính thời sự rất cao. Dấu ấn nghệ thuật có bước đột phá mới, đặc biệt là cách khắc họa nhân vật và giọng điệu trong văn chương.  Nhân vật trong các câu chuyện là những con người bình thường như gia đình hàng chài, kẻ ăn mày, thậm chí là gái điếm…Giọng điệu lúc hài hước, châm biếm lúc lại tang thương, đau buồn. Có thể coi “Thánh Tông di thảo” là tác phẩm mở đầu, đánh dấu cho sự phát triển cho thể loại truyền kỳ sau này,

Giai đoạn phát triển rực rỡ – giai đoạn thế kỷ XVI. Đây có thể coi là kỷ nguyên của truyện truyền kỳ với sự xuất hiện của áng “Thiên cổ kỳ bút”: “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ. Tác phẩm ra đời đã đánh dấu bước phát triển vượt bậc của thể loại truyền kỳ. Nếu tác phẩm mở đầu “Thánh Tông di thảo” đã thể hiện được sự đổi mới, cách tân về cả nội dung lẫn nghệ thuật như thoát ly dần tính chất ghi chép tích truyện dân gian để mang tính hiện thực cao hơn và yếu tố kỳ ảo cũng trở thành công cụ đắc lực phản ánh hiện thực ấy thì đến “Truyền kỳ mạn lục”, đặc trưng của thể loại càng được biểu hiện đậm đặc hơn bao giờ hết. Yếu tố kỳ ảo trở thành công cụ để thể hiện nội dung, tư tưởng, thông điệp, ý nghĩa xã hội xâu sắc. Con người trở thành trung tâm tác phẩm, có cá thể độc lập, số phận riêng. Con người được đặt trong không gian mở rộng bốn cõi: thiên tào, địa ngục, trần thế và cả trong giấc mơ. Con người có thể tự do đi lại, tự do di chuyển từ không gian này đến không gian khác một cách dễ dàng. Cả một thế giới nhân vật hiện lên vô cùng phong phú, không thuần nhất mà lẫn lộn ảo và thực, ma quỷ sống cùng với thần tiên.

Giai đoạn suy thoái: thế kỷ XVIII – XIX. Đây là thời kỳ lịch sử đầy bão táp và biến động, quan điểm sáng tác, tư tưởng, nghệ thuật các tác giả có sự thay đổi lớn. Các tác phẩm hướng về hiện thực, có tính thời sự cao. Điều này thể hiện ngay ở cách gọi tên tác phẩm. Một số tác giả muốn cách tân truyện truyền kỳ đã nói rõ điều đó ngay trong nhan đề, bằng cách thêm chữ “tân” vào như: Truyền kỳ tân phả (Đoàn Thị Điểm), Tân đính hiệu bình Việt điện u linh tập (Gia Cát), Tân truyền kỳ lục (Phạm Quý Thích).

Giai đoạn suy vong, từ cuối thế kỷ XIX, khi mà tư duy con người đã thay đổi sang cận hiện đại, truyện truyền kỳ bắt đầu chùng xuống, và không phát triển nữa. Yếu tố kỳ ảo vẫn được sử dụng trong các loại hình văn học khác, những nó khác hẳn với bản chất của truyện truyền kỳ.

Trong mười thế kỷ tồn tại, truyện truyền kỳ Trung đại Việt Nam đã trải qua rất nhiều biến cố lịch sử thăng trầm khác nhau và để lại dấu ấn rất lớn cho nền văn học nước nhà. Thể loại này đã đóng góp những thành tựu đáng kể, nội dung và nghệ thuật truyện truyền kỳ có sức ảnh hưởng rất lớn tới các thể loại văn học hiện đại.

Trong văn học Việt Nam trung đại, văn xuôi nghệ thuật xuất hiện muộn hơn so với phú và các thể loại văn học chức năng khác. Sự hình thành và phát triển của văn xuôi thể hiện sự trưởng thành tư duy nghệ thuật, là bước tiến lớn của văn học dân tộc. Truyện truyền kỳ chính là một trong những thể loại quan trọng nhất của văn xuôi trung đại, những thành tựu nghệ thuật của thể truyện này đã góp phần làm nên diện mạo cơ bản của bộ phân văn học này.

Truyện ngắn trung đại phát triển thành những tập truyện hoàn chỉnh vào thế kỷ XIV với thể loại u linh, chí quái, tiêu biểu là Việt điện u linh tập (Lí Tế Xuyên) và Lĩnh Nam chích quái lục (Trần Thế Pháp). Truyện truyền kỳ nằm trong giai đoạn phát triển tiếp theo, giai đoạn đỉnh cao của truyện ngắn trung đại, tạo nên những bước ngoặc mới về nghệ thuật so với loại truyện u linh, chí quái. Theo đánh giá của rất nhiều nhà như nghiên cứu như Nguyễn Đăng Na, Vũ Thanh… thì những thành tựu nghệ thuật của truyện ngắn trung đại chủ yếu tập trung ở truyện truyền kỳ.

Truyện truyền kỳ có vai trò, và ý nghĩa to lớn trong tâm thức người Việt. Đó là giá trị văn hóa và ý nghĩa lịch sử. Truyện truyền kỳ được công chúng đặc biệt yêu thích, vì nó gắn bó gần gũi với văn học dân gian. Đối với người Việt Nam, truyện truyền kỳ một mặt đóng vai trò lưu giữ ký ức cộng đồng … Các danh lam thắng cảnh, đền chùa, miếu đi vào cốt truyện hết sức bình dị thân thuộc. Ngoài ra giá trị tinh thần, giá trị nhân sinh cũng là những đề tài quen thuộc trong truyện truyền kỳ. Chính những giá trị văn hóa to lớn đó đã góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân, đồng thời duy trì nguồn mạch văn hóa, lưu giữ truyền thống tốt đẹp của dân tộc từ đời này sang đời khác một cách bền vững.

Ngoài ra tinh thần dân tộc, giá trị lịch sử đã góp phần tạo nên nét đặc trưng của truyện truyền kỳ Việt Nam. Điều này được thể hiện rõ nhất ở Việt điện u linh tập của Lý Tế Xuyên và Lĩnh Nam chích quái lục của Trần Thế Pháp. Dân tộc Việt Nam đã trải qua hàng nghìn năm sống dưới ách thống trị của các thế lực ngoại xâm từ phương Bắc. Trong cuộc đấu tranh lâu dài để bảo vệ và xây dựng đất nước của nhân dân ta, đã xuất hiện những nhân vật kiệt xuất, những bậc vĩ nhân, anh hùng cái thế. Những con người đó đã để lại dấu ấn sâu đậm trong truyện truyền kỳ như: tản viên hựu thư thánh khuông quốc hiển linh ứng đại vương (Sơn Tinh); Triệu Việt Vương, Lý Nam Đế; Nhị Trưng Phu Nhân… trong Việt điện u linh tập.; Liễu Hạnh, Bích Châu… trong Truyền kỳ Tân Phả.