TIẾNG MẸ (MOTHER TONGUE)

Rất nhiều nghiên cứu về nguồn gốc ngôn ngữ loài người đưa ra nhiều bằng chứng và nhiều giả thuyết. Trong đó giả thuyết dựa trên di truyền tính tức DNA được ưa chuộng nhất và đáng thuyết phục nhất. Vì thế, trong phạm vi bài này này, tôi chi xin nói sơ lược về thuyết di truyền học mà thôi.

Nhà di truyền học Lugui Cavalli-Sforza tại đại học Stanford và các cộng tác viên của ông gần đây đã nghiên cứu các dấu mốc di thể (genetic marker) từ 42 nhóm thổ dân khác nhau ở khắp nơi trên thế giới và đã kiến tạo nên một cây gia tộc cho nhân chủng. Cây này cho thấy sự “phát tán” (“diaspora”) của nhân loại trên khoảng thời gian 10.000 năm như là một tộc duy duy nhất tách ra làm nhiều nhóm và rồi thành nhiều bộ lạc nhỏ hơn còn tồn tại cho tới ngày nay.

Ông nói “Khá rõ rệt cho thấy tại sao có sự liên hệ giữa di thể và ngôn ngữ” và “khi con người bành trướng ra khắp nơi trên mặt đất vào khoảng 50.000 năm trước đây tạo ra sự tách biệt giữa những nhóm sau đó không bao giờ liên lạc lại với nhau nữa về cả di truyền cũng như ngôn ngữ. Khi di thể trở thành khác biệt thì ngôn ngữ cũng khác biệt”. Quan trọng hơn nữa là Cavalli Sforza tìm thấy sự qui tụ thành nhóm của các tộc con người dựa trên những chứng tích di truyền học phản chiếu rất mật thiết, gần cận với những nhóm ngôn ngữ được ‘dàn dựng’ (“laid out”) độc lập bởi các nhà ngôn ngữ sử học (historical linguistic). Sự tách rời cổ nhất xẩy ra giữa người Phi châu và các chủng tộc khác của thế giới, phản ánh sự di cư của Đười Khôn Homo sapiens ra khỏi châu Phi. Sự tách rời này cũng thấy phản ánh trong ngôn ngữ: ngôn ngữ Khoisan của châu Phi như chi tộc Kung San dùng tiếng “chắc lưỡi” (click) để nhấn mạnh cảm thán chỉ liên hệ xa với các ngôn ngữ khác trên thế giới. Một khám phá cổ nhân chủng học (paleoanthropological) ở Cận Đông về một địa khai cổ nhất cho biết ngày tháng phỏng chừng lúc tách chia này: tuổi của địa khai vào khoảng 92.000 năm. Một khảo sát tương tự khác về sự truy tìm dòng di truyền học của con người cho thấy tất cả ngôn ngữ có thể bắt gốc từ một dân số nhỏ sống cách đây 200.000 năm trước. Allan Wilson, Mark Stoneking và Rebecca Cann, đại học Berkerley, California, trong giả thuyết “Eve” nổi tiếng của họ đã truy tầm những dữ kiện di truyền học từ phái nữ ở khắp thế giới và kết luận rằng tất cả con người hiện nay là con cháu của một dân số nhỏ nhoi của Đười Khôn Homo sapiens đã sống ở châu Phi (William F. Allman).

Nếu chấp nhận con người cùng phát xuất từ một nhóm nhỏ đười này thì con người thoạt khởi đầu có cùng chung một ngôn ngữ. Phương pháp tái kiến tạo (nói tắt là tái tạo) các đại tộc ngôn ngữ cổ sẽ giúp truy tìm được Tiếng Mẹ nguyên thủy của loài người. Ví dụ từ Nostratic (“Ngôn ngữ của chúng ta”) “lá” là *lapa (lưu ý dấu ngôi sao hay hoa thị * biểu tượng gốc tái tạo ngôn ngữ), trong ngôn ngữ Dene-Caucasian là *tlapa và trong ngôn ngữ Amerind là *dap, trong Việt ngữ (Nam Á) là *lá. Từ Amerind chỉ đàn bà là kuni giống Nostratic kuni (u có hai chấm), từ này cho ra chữ “queen” trong Ang ngữ (tức Ấn-Âu ngữ), Việt ngữ có cô, cơ (Âu cơ), con. Kuni gần cận với cô nương, cô nàng, con (với nghĩa cái, gái). Từ tiền cổ (proto-word) chỉ con chó là kujan, Nostratic là kuyna, Ấn Âu ngữ là kuon, Anh, Đức là hound (h=k) và Việt, Nam Đảo ngữ là cún (Việt cũng còn có cầy, cai, khai).

Khảo sát các địa khai nhân chủng học cũng cho thấy một phần nào của thiết yếu cho sự tạo ra ngôn ngữ ở người tân tiến đã thấy có mặt ở đười dã nhân hàng triệu năm trước, cho thấy tổ tiên xa xưa của chúng ta có thể đã có ít nhất là những khả năng ngôn ngữ thô sơ.

Tóm lại ngôn ngữ loài người có thể có nguồn gốc từ một ngôn ngữ nguồn cội gọi là Tiếng Mẹ (Mother Tongue) của một loài đười được coi là thủy tổ của con người hiện nay. Nói một cách khác ngôn ngữ loài người phát xuất từ tiếng kêu, tiếng gọi (call) của một loài đười thủy tổ loài người. Ở một khía cạnh nào đó, tiếng kêu, tiếng gọi, tiếng hú của loài vật cũng có thể xem là một thứ ngôn ngữ của loài vật vì chúng cũng truyền thông với nhau được qua những tiếng đó.

NGÔN NGỮ LOÀI VẬT.

Tiếng kêu của loài thú phần nhiều là những thanh âm đơn giản, là những nguyên âm. Điều này thấy rõ trong ngôn ngữ Việt: con chó kêu “ăng ẳng”, con gà gáy “o o”, con ếch kêu “uôm uôm”:

Ếchh kêu uôm uôm,

Ao chuôm đầy nước.

Con lợn “ủn ỉn mua hành cho tôi”, nó kêu “eng éc”. . .

Về cơ thể học loài khỉ thường chỉ phát ra được nhiều nguyên âm vì thanh quản (larynx) con người tạo ra được phụ âm khác loài khỉ chỉ có phần thanh đạo ở thượng hầu giữ chức vụ biến âm(supralaryngeal vocal tract transfer function) (Lieberman, The Speech of Primate tr. 55). Khảo sát cơ thể học cho thấy cấu tạo yết hầu (pharynx), thanh hầu (larynx) của trẻ sơ sinh giống loài linh trưởng, khỉ thông thường (không phải loài khỉ-người, dã nhân) (the vocal tract of the newborn in some ways is more similar to the vocal tract of a non-human primate than it is to the adult human vocal tract (Philip Lieberman, tr 40-53). Do đó “tiếng kêu” của trẻ sơ sinh và ngôn ngữ của trẻ thơ thường là những âm vận đơn giản diễn tả bằng nguyên âm.

Phân tích âm học cho thấy sự phát âm của loài khỉ thường giới hạn vào những tiếng kêu giống như “schwa” một ví dụ của âm “schwa” là nguyên âm a đầu tiên của tù “about” (an example of the schwa is the first vowel in the word about (Philip Lieberman. 55). Ta có w= vv = uu = u, vậy schwa = schua = ua. Schua mang âm hưởng của tiếng khóc ban đầu chào đời của trẻ sơ sinh. Về mặt sinh lý học dựa trên cơ thể học (cả hai đều giống nhau) thì đây căn bản chỉ là hai tiếng kêu thoạt đầu vô nghĩa tức chưa phải là ngôn ngữ. Tiếng u, a, ua đầu tiên của trẻ sơ sinh chỉ là một tiếng kêu do không khí ùa vào và ùa ra đường hô hấp mà chúng ta cho nó cái nghĩa là tiếng “khóc chào đòi”, “Đã mang tiếng khóc ôm đầu mà ra” (Ôn Như Hầu, Cung Oán Ngân Khúc).

Ở loài khỉ thường thay đổi âm điệu của tiếng kêu để diễn tả “cảm giác” như đau đớn, tức giận, đói khát, ham muốn, muốn giao hợp… Đây chính là sự “nghĩa hóa” các tiếng kêu khởi sự cho sinh tạo ra ngôn ngữ loài khỉ.

Tiếng Dã Nhân Chimpanzee và Việt Ngữ.

Loài dã nhân cũng dùng những âm thanh để diễn đạt tình cảm và truyền thông như một thứ ngôn ngữ. Ngôn ngữ của chimpanzee phần nhiều cũng là nguyên âm.

Chỉ xin nói sơ qua một chút ít về ngôn ngữ loài dã nhân. Blanche W. Learned và Yerkes trong phầm II nói về “Voice” and “language” of Young Chimpanzees của cuốn Chimpanzee Intelligence and Its Vocal Expression cho thấy loài dã nhân này có 32 diễn tả âm thanh (vocal expression). Đây là một khảo cứu công phu và có giá trị. Hai người khảo cứu trên hai con dã nhân con (young chimpanzee), con đực tên là Chim (!), con cái tên là Panzee rồi sau đó so sánh với các con trưởng thành nuôi trong Sở Thú New York (New York Zoological Park) là Boma, Suzette và Fanny.

Để tiện so sánh và cho độc giả dễ thấy, tôi sẽ so sánh ngay tiếng dã nhân với Việt ngữ.

Sau đây là tóm tắt những điểm chính yếu của công cuộc khảo sát:

1-Tiếng ooh

Trong 303 tiếng ghi lại của các dã nhân con và trưởng thành của Learned, tôi ghi nhận thấy tiếng “ooh” nhiều nhất, gần một trăm lần, không kể những biến âm của tiếng này như “ho”, “huh”, “whoo”. . . Hầu như ở con trưởng thành Boma những tiếng ooh, oo, woo, uck, hoo. . . lúc nào cũng nghe thấy.

Theo Learned, Chim dùng ooh để

-Cầu xin năn nỉ (pleading).

Khi thấy Learned đứng lên, Chim chúm môi lại ooh-oohooh cầu xin ông đừng để nó lại một mình (tr.64) và “sau đó sợ người cuối cùng trong phòng rời nó, Chim cầu khẩn: “ooh ooh ooh“ (tr.73). Panzee dùng ooh để cầu xin, năn nỉ nhiều hơn Chim. Ta thấy Panzee là con cái nên thường kêu ooh-ooh-ooh hơn con đực Chim.

Chim không muốn đi bộ đòi bồng đã phát âm ra ooh, ooh.

So với từ U của Việt ngữ có nghĩa là Mẹ cũng hàm ý đòi mẹ, vòi vĩnh, nhất là đòi ãm bế. Một đứa trẻ gọi mẹ U, U đòi mẹ bồng cũng giống hệt như Chim phát âm ooh đòi được bồng. U và ooh là mẹ, là ãm bế, là che chở, là nương tựa, là ấp ủ. Việt ngữ ủ là ấp cho ấm, che phủ cho ấm (ủ cơm nếp làm tương), mẹ ấp ủ con và ôm sát con vào lòng là ôm ãm bồng bế con, che chở cho con, ấp cho con ấm.

Một đứa bé Việt Nam cũng đòi mẹ, gọi mẹ mỗi khi sợ hãi, bơ vơ hay sợ bị bỏ rơi cũng cầu cứu, van xin U, U, U.

-Chào mừng, mừng vui (greeting).

Một sáng thấy bữa ăn mang lại, panzee hài lòng, mừng rõ: ooh ooh ooh.

Việt ngữ U cũng là niềm hân hoan mừng rỡ. U là mẹ là sữa, là thức ăn. U là vú, là sữa, u là thức ăn, u là nguồn sống. Mường ngữ ủ là bú. Phương ngữ Huế bụ là vú.

Dã nhân thấy thức ăn reo lên ooh ooh ooh cũng như trẻ Việt Nam thấy mẹ là thấy u, thấy vú, thấy bú, thấy sữa. Tục ngữ cũng có câu “Mừng như mừng U về chợ”. U về chợ thường có quà, có thức ăn. Việt ngữ cũng có những biến âm trực tiếp với u diễn tả sự hân hoan chào mừng như “u chua choa”, “úi chà”, “mừng hú”, “mùng húm”. Với h câm hú = ú, ú là vú, là u; húm = úm đều là biến âm trực tiếp của u.

-Chấp thuận, ưng chịu (approval).

Một buổi sáng, Panzee im lặng mãi tới khi thấy món sữa, là món nó rất thích mang tới, lúc đó nó thầm thì ooh-ooh.

Khi cam mang đến, nó lại phát ra những âm thanh này nhưng mang nhiều nhạc tính hơn: ooh – – – ( #153, 154, tr. 100). Sau đó Panzee ăn nửa quả cam rồi phát ra những tiếng ooh ooh ooh ooh (# 157, tr. 101).

Ở đây ta thấy rõ khi thấy sữa, sữa là vú, là U cũng có nghĩa là ú, bú, úng, uống.

-Phản kháng, chống đối (protest).

Một ngày khác Panzee phải đi bộ, nó đòi bồng nhưng diễn đạt cảm giác bằng một âm điệu ngập ngừng vì đã biết là phải đi bộ: ooh ooh ooh ooh ooh (#193, tr. 113). Cuối cùng vẫn không được bồng lên nó phản đối: oo-oo – – oo- ooh (# 193, tr.114).

Ta nhận thấy cũng vẫn tiếng “u” nhưng “tone” đã khác đi. Đây là dạng biến âm thành từ mới với nghĩa mới như trong Việt ngữ U biến thành ứ, ừ. Một trẻ em Việt Nam bị bắt phải đi đòi bồng vòi mẹ U U U và khi không đòi được, phản đối không chịu đi nữa, bày tỏ sự bất bình, từ chối bằng ứ, ừ.

°°°

Ooh là âm thường thấy nhất trong 32 âm ở loài dã nhân. Như đã nói ở trên Panzee là con cái nên thường kêu ooh-ooh-ooh hơn con đực Chim.

Tổng quát hơn, Carpenter (1964) khi quan sát loài khỉ nhận thấy khi tiếp xúc với mẹ, khỉ con thường phát ra một chuỗi những tiếng ù ù (purr) kéo dài vài giây đồng hồ. Như thế âm u là âm thường nghe thấy ở loài khỉ và dã nhân.

2-Tiếng kê đau,

.ai (ie)! Panzee rú lên vì đau khi bị Chim cắn.

Việt ngữ ái! ái cũng là những tiếng kêu thốt ra vì đau.

.ue! Panzee rú lên vì đau khi bị Chim nắm lông kéo.

Việt ngữ úi! úi! úi chao! Cũng là tiếng thốt lên vì đau.

3. Tiếng hét vì thỏa mãn hay tức giận.

Chim phát ra ae, ae. Ae diễn tả sự thỏa mãn hay tức giận

Việt ngữ cũng vậy, những tiếng thốt lên thỏa mãn vui mừng ê, ê ê, được rồi. Đây là những tiếng diễn tả sự hả hê. Với h câm = hả hê = a e. Nhưng khi tức giận ê lại có nghĩa là đừng hàm nghĩa đe dọa như ê, ê, ê đừng có làm vậy.

4. Tiếng cười.

Tiếng cười của loài đười: ka-hah, kah-hah-hah.

Hiển nhiên tiếng cười của chúng ta cũng là khà khà, hà hà. Phân tích ta thấy đây đều là âm thỏa mãn há miệng rộng ra thả hơi trong phổi ra tức hà hơi ra thấy cả ở đười và người.

5. Tiếng đi ngủ.

Khi đi vào ổ ngủ, Panzee phát ra huh, huh. Theo h câm ta có huh = uh. Việt ngữ ủ là ngủ (ngủ với ng câm = ủ). Mường ngữ ú u là ru (ngủ).

U biến âm với ở, ổ. Panzee “nói” huh, uh khi đi vào ổ, đi ngủ là “nói” đi ổ, đi ủ.

6. Tiếng liên hệ với thức ăn.

Theo Learned thì tiếng gahk ack, uck là những tiếng dùng chỉ thức ăn ở loài dã nhân trưởng thành (#9, 10 tr.63, 149-151). Gahk có nhiều biến âm như gak, gah, gha, kha (khah), ngahk, nghak, nkak… Ông cho rằng ack và uck là biến âm của nhau. Biến âm này cũng có trong Việt ngữ như đặc = đực (tre đặc là tre đực). Cả hai đều phát âm bằng cách mở miệng rộng ra như há miệng đòi ăn, chờ ăn.

Trong Việt ngữ ta thấy có những từ gậm và các biến âm như cạp, ngoạm, nhá, nhai, nhấm nháp… Theo g = h như gồi = hồi, ta có gahk = hah = há. Ăn là Há miệng đón lấy thức ăn.

Âm ack có thể coi như là biến âm của gahk, gak… với các phụ g âm câm. Ack với Việt ngữ ăn cũng gần âm. Thật vậy, Việt ngữ ăn có gốc từ động từ Phạn ngữ ad là ăn. Theo d = n, ad = ăn, Anh ngữ eat cũng có cùng gốc Phạn. Phạn ngữ anna, thực phẩm; adya, ăn được; Latin edere, Gothic itan, an, cổ ngữ Anh etan là ăn. Từ Gothic ‘an’ y hệt Việt ngữ ăn. Tiếp vĩ ngữ –âça nghĩa là âç + a có nghĩa là ăn như prâtarâca là bữa ăn sáng, điểm tâm. Rõ như ban ngày âm ack là ăn của loài đười gần cận với Việt ngữ ăn và với Phạn ngữ, Ấn Âu ngữ…

Rõ hơn uck ruột thịt với Việt ngữ ực là nuốt. Ta cũng thấy rất rõ Việt ngữ ăn có Ă là do Há với h câm mà ra. Ăn chính là động tác HÁ miệng ra lấy thức ăn.

Còn một tiếng nữa do sự thèm ăn quả cây thúc đẩy (fruit motive) thấy ở con dã nhân trưởng thành Boma là “wah-woo”. Tiếng wah gần âm với Việt ngữ quả, Mã ngữ buah, Hoa ngữ wah.

Trong Mường ngữ có biến âm w = qu như wach = quả, wal = quá, wáng = quáng, quýnh (quýnh quáng) (vội vã cuống lên)… và w = h như wa = hoa, wà = hòa, wang = hoang (vu)… Hoa quả trong rừng là món ăn chính và ưa chuộng của loài thú và con người thái cổ. Âm quả, buah, wah… của con người có gần âm wah của loài dã nhân cũng là chuyện có thể có.

NGÔN NGỮ TRẺ SƠ SINH.

Như đã nói ở trên khảo sát cơ thể học đã cho thấy thanh đạo trẻ sơ sinh theo một chiều hướng nào đó giống loài khỉ hơn là giống thanh đạo của người trưởng thành (Philip Lieberman). Ngôn ngữ trẻ sơ sinh thoạt đầu giống loài thú đều là nguyên âm, đơn âm.

Tiếng khóc ban đầu chào đời của con người là u, a (oa, oa, oe oe) chỉ là một tiếng kêu đơn thuần. Từ Anh ngữ cry vừa có nghĩa là kêu và khóc áp dụng cho tiếng chào đời của trẻ sơ sinh chính xác hơn Việt ngữ khóc. Từ khóc (“sweep”) áp dụng cho tiếng kêu đã có nghĩa ngữ đặc biệt, đã là một từ ngữ thực sự của ngôn ngữ. Tiếng kêu u a này chỉ là một thứ âm thanh đơn thuần, vô nghĩa do gió đi qua đường thở thấy cả ở tĩnh vật cũng như động vật. Ví dụ gió thổi u, u, ù ù; gió thổi qua bụi lau sậy u, u (rồi biến âm thành vi vu); loài cá có phổi (lung fish) khi vũng nước, ao đầm bị cạn hết nước, nó tiết ra chất nhầy làm thành một cái bong bóng bao quanh người nằm dưới đất khô và thở bằng phổi sống chờ cho tới mùa mưa, có nước, lại sống như những loài cá khác. Vì có phổi nên loài cá này cũng phát ra những tiếng kêu. Hai âm đầu tiên của trẻ sơ sinh là u, a. Có khi nghe là o, e, oe oe, oa oa bởi vì hiện tượng biến âm trong Việt ngữ u=a= o = e như mụ = mạ = mợ = mẹ. . . Nhưng theo tôi âm u và a là âm gốc bởi vì dựa trên hiện tương sinh lý học về hô hấp. Tiếng khóc ban đầu chào đời của con người là u a, oa oa, oe oe, hậu quả của hiện tượng sinh học lúc còn nằm trong dạ con hai lá phổi của thai nhi còn xẹp lép, khi chui ra ngoài đời, không khí làm hai lá phổi bung ra thành hai lá phổi thật sự, thành con người sống. Lúc còn nằm trong bụng mẹ, phổi lép xẹp vì chưa có không khí, khi lọt lòng, không khí ùa vào, phổi nở bung ra. Không khí ùa vào tức là hít vào phát ra âm u. Khi phổi bóp lại không khí bị tống ra, mũi và miệng mở ra tạo ra âm a. U, a, oe, oe ở loài thú và loài người về căn bản âm học như nhau đều do động tác chúm môi miệng hít vào tạo ra âm u, o, rồi mở miệng thở ra thành âm a, à. Lúc đầu u, a chỉ là tiếng kêu do không khí lùa vào phổi thành u, u và tống ra thành a, à. Âm u là âm nín thở hay âm hít vào như thấy qua trò chơi “u mọi” và âm a là âm thở ra như thấy qua các từ à (sau khi uống nước hay ăn cay), hà hơi, hít hà. Trò chơi “ú à” đầu đời của trẻ thơ cũng dựa theo tiếng kêu “u, a” đầu đời với “u” che mặt nín thở và “à” buông tay “thở ra”. Về phương diện ngữ học thì âm u của Việt ngữ tương đương với âm oo Anh ngữ được cho là âm môi, phát âm do các động tác miệng (oral gesture), hai môi chúm lại đưa ra trước, là động tác như bú của trẻ sơ sinh, hút hơi vào tức hít vào, mút sữa vào. Âm môi (labial sound) là âm của trẻ thơ. Âm à là âm há miệng ra để thở ra. Động tác bú gồm chúm môi vào, hút vào là âm u và há miệng ra trả môi về vị trí cũ để lấy hơi thành âm a, à.

Ta có u biến âm với o và a với e, nên u, a còn được diễn tả là oa oa, oe oe.

Như đã biết tiếng kêu loài khỉ và chimpanzee hay ngôn ngữ của chúng có nhiều nguyên âm và trong đó âm ooh (u) nhiều nhất. U, a, oe ở người và vật chỉ khác nhau là trẻ sơ sinh sau đó biết biến hóa thay đổi tiếng kêu “vô nghĩa” ban đầu, thành ngôn ngữ trẻ sơ sinh. Sự khác biệt giữa tiếng kêu và ngôn ngữ là sự liên hệ giữa ý nghĩa và tiếng cố định trong tiếng kêu. Ngôn ngữ liên quan chính yếu đến hai quá trình nối tiếp của tiếng, âm và ý nghĩa của nó. Trẻ sơ sinh thay đổi âm điệu của tiếng khóc để diễn tả ý nghĩa những nhu cầu cần thiết căn bản và tình cảm như lúc đói khóc đòi ăn: “Không khóc sao được mẹ cho bú” “Cả vú lấp miệng em”, khóc vì lạnh đòi ấp ủ, khóc vì khó chịu, khó ở, khóc vì sợ hãi. . . Mỗi loại tiếng khóc có ý nghĩa khác nhau. Tiếng khóc lúc đói bụng xẹp lép khác với tiếng khóc khi bị bụng no hơi hay căng lớn hay vì táo bón; tiếng khóc lúc sợ hãi giống như một tiếng thét lớn (screaming) mà ta nói là “khóc thét lên”; khóc khó thở ta nói là “khóc ngằn ngặt” hay “khóc ngất”. . . Như thế dần đà tiếng khóc vô nghĩa ban đầu trở thành có ý nghĩa tức trở thành ngôn ngữ để truyền thông. Hai tiếng u, a, ua là tiếng kêu vô nghĩa rồi trở thành những tiếng nói đầu tiên của trẻ sơ sinh. Với thời gian, trẻ thơ gắn nghĩa vào tiếng này biến đổi thành ngôn ngữ. Cũng vì thế trong ngôn ngữ Việt những tiếng nói ban đầu của trẻ thơ gọi là những tiếng “u ơ”. Trẻ thơ “u ơ” học nói và khi người lớn không nói được ra lời gọi là “ú ớ”, nhất là vào lúc hấp hối. Từ tiếng nguyên thủy u, a, ua, u ơ này dần dần tạo ra ngôn ngữ của người trưởng thành của loài người.

Như thế trẻ sơ sinh cũng thay đổi âm điệu của tiếng kêu (khóc) ban đầu “vô nghĩa”, thành ngôn ngữ trẻ sơ sinh giống như loài khỉ biến đổi âm thành tiếng kêu trở thành thứ ngôn ngữ như loài khỉ. Ở con người dĩ nhiên khác hơn loài khỉ vì tiếng nói trẻ sơ sinh tiến hóa thành ngôn ngữ loài người một cách siêu đẳng hơn vì tiếng nói loài người hiện nay là ngôn ngữ của “loài đười siêu tinh khôn” (homo sapiens sapiens). Còn ở loài khỉ chỉ tiến hóa thành ngôn ngữ loài khỉ thô sơ thường cho là tiếng kêu.

TIẾNG VIỆT VÀ NGUỒN GỐC NGÔN NGỮ LOÀI NGƯỜI.

Từ U Việt Ngữ là Nguồn Gốc Ngôn Ngữ Loài Người.

Như đã thấy ngôn ngữ của một con người bắt đầu từ tiếng kêu u, a, ua lúc chào đời của trẻ sơ sinh. Tiếng kêu đó trở thành tiếng nói đầu tiên của một con người sống. Tiếng kêu này định đoạt vận mệnh của con người đó. Về phương diện ngôn ngữ, tiếng kêu này yếu ớt, bệnh hoạn thì đôi khi ngôn ngữ sau này của con người đó cũng bệnh hoạn (phần óc liên hệ tới tiếng nói ngôn ngữ bị tổn hại vì bị “ngạt” do tiếng khóc lúc chào đời không mang đủ dưỡng khí lên óc). Tiếng kêu u, a, ua lúc chào đời là nguồn gốc ngôn ngữ của một con người và nó cũng là nguồn gốc của ngôn ngữ loài người. Nói một cách khác từ u là nguồn gốc ngôn ngữ loài người. Từ tiếng kêu u vô nghĩa này tạo ra bởi hiện tượng sinh lý học là do gió lùa vào phổ tạo ra rồi biến hóa thành ngôn ngữ. U biến hóa thành những từ có nghĩa:

-U, ù: tiếng gió.

U là một tiếng kêu do không khí ùa vào đường thở. Việt ngữ cũng thấy rất rõ u, ù liên hệ với không khí, gió: gió thổi u, u hay ù ù.

-U là chỗ phồng, là vú.

Trẻ sơ sinh lúc chào đời coi như là một sinh vật giản dị như một loài động vật.

Theo bản năng thú tính tự tồn của một con vật thuộc loài có vú, trong đó có con người, lúc mới sinh ra, khi người mẹ áp miệng nó vào vú, qua cảm nhận của môi miệng, lưỡi, xúc giác, tay, mắt dần dần nó nhận ra chỗ u phồng lên ở ngực của con vật mẹ là nguồn sữa, nguồn sống. Rồi sau đó đứa trẻ sơ sinh theo bản năng, theo phản xạ mà không biết gì hết mò tìm đến chỗ u phồng ở ngực người mẹ đó để thỏa mãn những nhu cầu cần thiết. Ở loài vật cũng như trẻ sơ sinh còn có những ‘hướng động’ giúp chúng hướng về tìm chỗ u ở ngực mẹ giống như cành cây hướng tìm ánh sáng gọi là hướng động ánh sánh (quang hướng động), giống như những hạt máu trắng nhờ các chất hóa học tìm đến chỗ bị nhiễm trùng. Tôi gọi là ‘sữa hướng động’ hay ‘vú hướng động’. Nó tìm đến chỗ u đó để sống còn, phát triển và thích ứng, chống chọi lại với mọi trạng huống của ngoại cảnh. Về sau nó “học” và được dậy cho biết chỗ u đó có tên là cái vú. Việt ngữ u là vú (sau có thêm nghĩa mẹ), Anh ngữ breast là swelling. Trong truyện Nay Tôi Mai Ai? của tôi, nhân vật bác sĩ quân y Nguyễn, khi xe bị trúng mìn, ôm người con gái lăn xuống mương, khi hoàn hồn lại, nhận ra tay mình để lên ngực người con gái. Đây là một hành động theo phản xạ bắt nguồn từ lúc sơ sinh, con người ôm vú mẹ lúc thập tử nhất sinh.

Lúc này tiếng u trở thành từ u có nghĩa là vú. U về sau đẻ ra ngôn ngữ của lớn là u là sưng như u đầu, sưng u, u bướu; ụ là mô đất, ú là loại bánh chưng có hình cái ụ (tháp) hay hình cái ú (vú).. .

-U là mẹ.

Rồi đứa trẻ đồng hóa cái u, cái vú với người có cơ quan này và gọi người có cái u, cái vú là u là vú với nghĩa mới là mẹ.

-Vú là bú.

Theo phản xạ, khi tiếp xúc với núm vú, miệng đứa trẻ chúm lại mút cái u, cái vú, sau đó nó hiểu đó là bú. Ở những trẻ em bỏ trong lồng kính nghĩa là chưa được tiếp xúc với cái u của mẹ mà khi đói miệng cũng đã có động tác bú theo phản xạ. Ở các trẻ em không nuôi bằng sữa mẹ, cũng có động tác bú núm vú cao su, bú bình. Và người cho bú là bu (mẹ, vú em).

-U là ú, uống.

Lớn lên khi dứt bú biết uống thì từ u biến thành tứ ú (với b câm bú= ú), rồi sau thành uống. Pháp ngữ buvoir, uống có gốc bu-, bú.

Ta thấy rất rõ sự thành hình của các từ ngữ phát gốc từ cái u trên ngực của người mẹ: u cho ra vú, bú, bu (mẹ):

.u (phồng lên, sưng) cho ra ú (uống), cho ra u (mẹ). U là vú là nguồn sữa uống của người có u là mẹ.

.vù (phồng lên, sưng) cho ra vú (vú = uú, v = u, uống), cho ra vú (mẹ)

Về sau khi lớn lên, ngôn ngữ ‘trưởng thành’ theo, ta có :

.bu (gà) (vật đan bằng tre hình cái vú để úp gà). .bưu (bươu, biêu, bướu: u sưng) biến âm mẹ con với bú (uống) cho ra bu (mẹ).

.mu (mô, chỗ phồng lên) cho ra mú, mút (uống) cho ra mụ (mẹ).

Ở đây cũng xin nói thêm một chút là các từ u (mẹ) sau này ở ngôn ngữ người lớn thường khởi đầu bằng âm M như Việt ngữ Me, Mẹ, Má, Pháp ngữ Mère, Maman, Anh ngữ Mom, Mother, Tây Ban Nha ngữ Madre, Bồ ngữ mae… Âm M cũng là âm môi ruột thịt với âm u cũng là âm môi và như đã nói ở trên u biến âm với m như u (ụ đất, vú, mẹ) = mu, mô (ụ đất, mụ, mẹ). Ta cũng thấy u = v = m như u (chỗ phồng sưng lên, ụ đất) = vú (chỗ phồng u lên) = mu (chỗ phồng u lên như mu rùa) đều có nghĩa là u, vú, mụ, là mẹ.

. . . . . .

Hình ảnh ban đầu của mẹ đối với loài vật, trẻ sơ sinh là cái u cung cấp nguồn nước dinh dưỡng sữa.

Như thế với thời gian một trẻ sơ sinh biến âm tiếng kêu đầu đời dần dà phát triển thành ngôn ngữ của trẻ sơ sinh. Thứ ngôn ngữ sơ sinh này bát nguồn từ tiếng kêu u, a trở thành ngôn ngữ trẻ em và rồi thành ngôn ngữ người lớn theo sự tăng trưởng của thanh quản [Về cơ thể học thanh quản tăng trưởng, thay đổi theo tuổi tác từ lúc sơ sinh cho tới khi về già. Về già dây âm thanh cong, vênh, chùng xuống không còn thẳng như lúc trưởng thành gọi là thanh quản già (Bác sĩ Amy Nguyễn, chuyên gia Thanh Quản)].

Những Nhu Cầu Căn Bản Của Sự Sống Đầu Đời.

Ngôn ngữ ban đầu của trẻ sơ sinh trước hết giới hạn vào tiếng u diễn tả những nhu cầu căn bản của sự sống đầu đời về vật chất là ăn, ngủ, ấp ủ cho ấm, bài tiết, về tinh thần là che chở, tình thương. Rồi lớn lên, ngôn ngữ này phát triển thêm, diễn tả thêm thất tình là hỉ (vui), nộ (tức, bực), ai (buồn), cụ (giận hờn), ái (yêu), ố (ghét), dục (ham muốn) v.v… Con người trưởng thành có thêm như cầu làm tình mà người Trung Hoa thường cho là tứ khoái: ăn ngủ, đụ, iả.

Nhu Cầu Thể Chất:

.U diễn tả nhu cầu uống, ăn: ú, uống (và các từ liên hệ tới nước).

Nhu cầu uống ăn là nhu cần thiết nhất đối với một đứa trẻ sơ sinh. Ngay cả ở người lớn điểm này cũng thấy rõ là người Trung Hoa có tứ khoái mà ăn là đệ nhất khoái. Hình thức ăn đầu tiên của trẻ sơ sinh là uống. Tiếng khóc u u khi đói mang ý nghĩa ú để đòi bú rồi sau thành từ ún, úng, uống.

-Ú là dạng nguyên thể của uống. Ú là từ trẻ em nói (baby talk) của từ uống của người trưởng thành. Yucatec ngữ uk là uống.

-Ụm (ngụm) là một hớp nước.

-Ực: khi nuốt nước hay thức ăn như ‘nuốt đánh ực một cái ‘), mẹ thường với con “ực đi con”. Uống ừng ực.

-Ứ là no: ú, uống nhiều thành no ứ (tới cổ).

-Ú, Ù là mập: ú đẻ ra ngôn ngữ của người lớn có nghĩa là mập: mập ú. Trẻ sơ sinh mập ú là nhờ ú (bú) nhiều, uống sữa nhiều. Ú biến âm thành ù cũng có nghĩa là mập như mập ú mập ù, mập ú ù. Theo biến âm dạng u (vú) = bụ (phương ngữ Huế là vú) hay b câm ú = bụ. Bụ là mập ú nhờ sữa (bụ sữa). Tục ngữ có câu “Nhớn vụ bụ con”.

-Ú là tròn: rồi ú có thêm nghĩa là tròn như tròn ú mang hình ảnh mập ú. Ú biến âm mẹ con với Mường ngữ ủ là bú.

-Úc, Ục là mập: ú đẻ ra từ úc, ục cũng có nghĩa là mập như béo úc, béo ục, úc núc, ục nục, ục ịch.

-Ùng ục: tiếng nước kêu vì có hơi như bụng sôi ùng ục.

-Ụa, Ựa, Ứa: no quá muốn ụa, ựa, ứa ra. Ụa sữa = ọc sữa.

.U diễn tả nhu cầu ngủ.

-Ủ là ngủ.

Tiếng khóc u u khi buồn ngủ mang ý nghĩa ủ là đòi được ấp ủ (mẹ ôm con vào lòng ủ cho con ngủ), được ủ là ngủ (ng câm, ngủ =ủ), ủ ê là ngủ nghê. Lời ru ngủ khởi đầu bàng “ ù ơ, ầu ơ, à ơi” đều có nghĩa là ngủ (xem Từ Thuần Việt). Mường ngữ ú u là ru (ngủ).

Về sau ủ có thêm nghĩa của ngôn ngữ người lớn như ủ rũ nghĩa đen là rũ ra ngư ngủ; ủ là ấp cho ấm, như ấp ủ, ủ mốc làm tương.

-Úp là ấp, ủ.

.U diễn tả lạnh, nóng.

-Khi bị lạnh tiếng khóc u mang ý nghĩa đòi được ủ (ấm).

-Um là làm cho ấm. Ngày nay um là hầm như từ lươn um, cà um, rau khoai lang um.

-Un: đốt, nóng.

-Ung là nung:

Khen câu ngọc đúc vàng ung

(Nhị Độ Mai câu 781)

.U diễn tả nhu cầu bài tiết.

-U: ướt

Khi trẻ sơ sinh bài tiết, ướt, bẩn làm khó chịu chúng thường “truyền thông” bằng cách khóc. Dĩ nhiên tiếng khóc này mang ý nghĩa khó chịu, bứt rứt. Tiếng khóc u u này mang nghĩa ướt. Từ uớt chỉ trẻ sơ sinh, trẻ em đi tiểu tiện (hay đại tiện). Anh ngữ “wet” liên hệ với Việt ngữ, ướt: w=uu, wet = uuet = ướt.

-U: ùn, đùn hàm nghĩa bài thải, ùn, đùn chất bãi thải ra tức ỉa, ta cũng có từ ghép ỉa đùn. Un biến âm với ung (thối).

Nhu Cầu Tâm Cảm.

Trẻ sơ sinh dần dần nhớ hơi hướng của mẹ, cảm thấy cần được ấp ủ, bế ẵm, vỗ về, hát ru, che chở. . . khi thấy trơ trọi, sợ hãi. . .

Khi có nhu cầu về tâm thần và tình cảm nó cũng cất tiếng khóc u, u. Cái u, cái vú là nơi nương tựa tâm cảm tuyệt vời nhất của trẻ sơ sinh. Anh ngữ gọi cái núm vú là “pacifier” (vật trấn an, mang lại “hòa bình”). Tiếng khóc u loại này mang ý nghĩa mong được che chở ủ ấp, yêu thương, đùm bọc… Trẻ thơ bắt đầu học nói để diễn tả nhu cầu tâm cảm bằng những tiếng “u, ơ”.

Thất Tình.

Khi lớn thêm lên, một đứa trẻ đã phát triển có được thất tình: hỉ, nộ, ai, cụ, ái, ố dục thì tiếng khóc u biến âm diễn tả thất tình này.

1- Hỉ là vui, mừng, hân hoan

U: tiếng reo mừng.

Thấy u (vú), u (mẹ) là niềm vui lớn nhất của trẻ thơ: “mừng như thấy u về chợ”. Tiếng gọi u là tiếng cảm thán vui mừng. Từ này còn thấy ở tiếng cảm thán mừng vui thấy ở người lớn như u ! Anh ngữ ooh!

-Ui cha: đôi khi diễn tả vui mừng.

-Ủa: u a, ủa: từ ủa thường diễn tả kinh ngạc nhưng đôi khi cũng diễn tả vui mừng.

2. Nộ: giận hờn.

Tiếng khóc u mang nghĩa tức giận, hờn. Việt ngữ hờn cũng có nghĩa là khóc ăn vạ như hay hờn hay khóc.

-Ức: tức giận. U đẻ ra ngôn ngữ người lớn ức. Ức biến âm thành tức, bực.

-Ục: đánh, diễn tả sự tức giận của người lớn.

-Ương: tức, chống đối, cứng đầu như ương ngạnh, ương ương, dở ương dở khùng ra.

3. Ai: buồn, đau.

Buồn:

Tiếng khóc u mang nghĩa đau, buồn. Buồn như vắng u, mất u.

-U, U là tiếng khóc sau thành hu hu. Tiếng khóc hu hu của trẻ thơ là tiếng khóc (gọi) u, u.

-U: buồn như từ ghép điệp nghĩa u buồn, u sầu, u ẩn…

-Ủ: buồn, rầu như ủ dột, ủ rũ.

-Ui: là tiếng kêu than: ui chao, than ui, hỡi ui. . . Ui biến âm với ôi.

Đau:

-U, ú: khi đau trẻ thơ khóc gọi u, gọi mẹ: u, ú.

-Ui, Ui: tiếng kêu đau.

-Úi, Úi: tiếng than khi bị đau: úi, úi đau quá! Anh ngữ ouch! là au là đau.

-Ư ử: rên (vì đau).

-Ươn: bị khó ở hay khóc gọi là ươn người.

4. Cụ: sợ hãi.

Tiếng khóc u mang ý nghĩa sợ hãi.

-Ú biến âm với rú, hú diễn tả sự sợ hãi, kinh hoàng.

-Ủi: làm cho yên tâm, không còn sợ hãi: an ủi.

5. Ái: yêu

-U là mẹ, là yêu thương.

-U là âu là yêu, u yếm là âu yếm.

-Ưa là thích.

-Ừ, Ừa là bằng lòng.

6. Ố: ghét.

-Ù là trơ ra: ù li.

-Ủi là ẩy, đẩy ra bầy tỏ sự ghét

-Ứ Ừ là không bằng lòng, phản đối.

-Ứa là ghét như ứa gan, ứa ruột.

7. Dục: ham muốn.

Tiếng khóc u mang nghĩa đòi (vòi), muốn.

-Ưa: thích, muốn.

-Ước là muốn: ước muốn, ước mong, ao ước.

-Ưng: bằng lòng.

Ở người lớn dục có thêm sự ham muốn thể xác (tình dục). Ủ là ngủ có nghĩa là làm tình như con đó ngủ với nhiều đứa. Ủ là ấp ủ, là tủ, là phủ cũng có nghĩa là làm tình (xem Ý Nghĩa Những Từ Thô Tục).

Đi xa hơn nữa, sau này trong ngôn ngữ của người Việt trưởng thành u diễn tả được cả ý nghĩa trọn vẹn của Vũ trụ tạo sinh, của Dịch lý như:

-U, u là cõi hư không, thâm u ứng với hư vô.

-U là mẹ, âm. U là tối như âm u, um (tối um). Tối là âm ứng với cực âm.

-Ủ làm cho nóng, ung là nung nóng. Nóng là dương ứng với cực dương.

-Ú, uống, nước, thái âm.

-Ù: tiếng gió, giò thổi ù, ù, thiếu âm.

-Un, um: đốt, lửa, thái dương.

-Ụ: mô đất núi, thiếu dương

Như thế từ một tiếng kêu u, a (oa oa, oe, oe) vô nghĩa lúc lọt lòng do hiện tượng sinh lý học tạo ra, trẻ sơ sinh dần dần biến âm để ý nghĩa hóa biến tiếng kêu trở thành tiếng kêu có ý nghĩa, trở thành tiếng kêu-khóc, trở thành một thứ ngôn ngữ của trẻ sơ sinh diễn tả được hết những nhu cầu căn bản về thể chất và tâm cảm. Từ thứ ngôn ngữ trẻ sơ sinh gần cận với ngôn ngữ loài thú vật này phát triển thành ngôn ngữ của người lớn.

Sự Phát Triển Từ Ngôn Ngữ Trẻ Sơ Sinh Qua Ngôn Ngữ Người Lớn.

Ta đã thấy từ tiếng kêu vô nghĩa của trẻ sơ sinh trở thành ngôn ngữ trẻ thơ giống như tiếng kêu có ý nghĩa giới hạn của loài thú (có thể nói là ngôn ngữ thú vật) nhất là ngôn ngữ của loài dã nhân phát triển thành ngôn ngữ người lớn. Hiển nhiên ngôn ngữ của một trẻ sơ sinh phát triển thành ngôn ngữ trẻ thơ có nhiều nguyên âm như loài thú rồi thành ngôn ngữ của người trưởng thành phức tạp hơn có nhiều âm tiết, nhiều phụ âm hơn. Qua Việt ngữ ta đã thấy âm u biến thanh từ u rồi biến âm đẻ ra ngôn ngữ của trẻ sơ sinh và trẻ thơ. Như thế cũng từ âm u này phát triển thành ngôn ngữ người Việt trưởng thành.

Ta đã biết trong Việt ngữ có hiện tượng biến âm lịch sử rất bao quát có thể hoán chuyển từ âm này qua âm nọ, từ nguyên âm qua phụ âm một cách dễ dàng. Ta cũng biết hiện tượng chữ câm rất hoàn hảo bao gồm chuyển hóa từ phụ âm sang nguyên âm. Những hiện tượng này giữ một vai trò quan trọng trong sự phát triển từ ngôn ngữ thú vật và trẻ sơ sinh qua ngôn ngữ người lớn. Trong bài Gốc Chữ Trong Ngôn Ngữ Việt ta cũng đã thấy từ một gốc cái có thể biến âm qua các gốc phụ. Tiếng Việt có bao nhiêu âm, bao nhiêu chữ cái (mẫu tự) thì sẽ có bấy nhiêu gốc phụ sinh ra từ gốc cái. Như thế từ gốc U tiếng gió lùa vào phổi, ta áp dụng những điều vừa nói, ta sẽ có được sự phát triển từ ngôn ngữ trẻ sơ sinh, trẻ thơ thành ngôn ngữ của người Việt trưởng thành.

Biến âm theo nguyên âm.

.U = a, ă, â.

Từ nguyên âm U qua:

-Ả: Việt ngữ ả chỉ nàng, phái nữ.

-Ạ: vâng, bằng lòng

.Ắp: đầy, no.

-Ấp: ủ

.U= e, ê

Từ nguyên âm U qua:

-E ấp: thẹn, sợ.

-Ép: áp

-Ẻ: là ị, ỉa.

-Ẹ: bẩn, do ị sinh ra.

.U = o, ơ, ô

Từ nguyên âm U qua:

– O là cô, mụ.

-Ỏ: không

-OO: ngáy, ngủ.

-Ồ, Ồ: tiếng nước chẩy, đi tè.

-Ô, dù, che chở

.U = Ư

Từ nguyên âm U qua:

-U: cái u, cái vú, chỗ phồng sưng như sưng u, cục u, u bướu.

-Ù: biến â của u như sưng ù; mập ù; ú, ù…

-Ú: mập; ú là vú: bánh ú có hình cái vú. Ú giản lược hay dạng nguyên khởi của uống.

-Ụ: mô đất cao. Ú ụ là vun lên cao như nay ú ụ.

-Ủ: ấp, tủ, phủ, dú.

-Ũ: tương đương với ú.

-Ư: đáp lời.

-Ừ, Ừa: bằng lòng.

-Ứ ừ: không, không chấp thuận

.. . . . .

Biến âm từ nguyên âm qua phụ âm.

Như trên đã biết hình ảnh ban đầu của người mẹ (U) đối với trẻ sơ sinh là cái u (vú) trên ngực mẹ đồng hóa với ngưồn nước dinh dưỡng là sữa. Vì thế ở đây tôi chỉ giới hạn sự biến âm của từ u qua ba nghĩa liên hệ tới vú, mẹ, nước.

.Theo U = B = P = Ph.

a. U = B : U (mẹ, vú) = Bụ (vú).

Từ nguyên âm U qua:

-Bu: với b câm bu= u. Bu là mẹ, cùng nghĩa với u, vú. Cái bu gà đan bằng tre để úp gà vịt có hình cái vú.

-Bụ: người Huế nói cái vú là cái bụ.

-Bú: nghĩa là vú, mút sữa.

-Bụ: bụ bẫm nhờ bú nhiều sữa.

-Bứ: no quá, ứ tận cổ (bú, ăn, uống nhiều).

.Theo U = C = G = H= K = Q.

Xem C = K = Kh ở dưới.

.Theo U = D.

U = V = D.

Từ nguyên âm U qua:

– U (vú) = dú: vú (người Nam nói vú là dú).

– Ủ (tiếng Bắc ủ làm cho ấm, lên men, chín) = dú (Trung Nam).

-Dũ: Hán Việt là mẹ như Từ Dũ, Mẹ Hiền. Theo d = nh, dũ = nhũ, vú.

.Theo U = G (xem U = C= G = H= K= Q):

U = G .

Từ nguyên âm U qua:

Gu = u: chỗ nổi phồng lên, nổi gu (Hùynh Tịnh Paulus Của, Đại Nam Quốc Âm Tự Vị); gù là có cục u trên lưng như Thằng Gù ở nhà thờ Đức Bà.

.Theo U = H.

Ta có H C = G = K = Q.

Theo Swadesh “vào một lúc nào đó trong thời tiền sử, trong Đức ngữ K biến thành H”. Trong Việt ngữ K = H như bệnh kèn = bệnh hen, bệnh nhân bị hen thở cò cử như thổi kèn (xem Tiếng Thuần Việt); kiêng, khem = hèm, kiệt, kẹt = hẹp, hẻm (đường); kết = hết; kiss = hít…

Xem H ở G, K, Kh.

.Theo U = K, Kh.

Theo Dolgoposky trong ngôn ngữ Bắc Á-Âu phụ âm C phát gốc từ *k, *g (note số 8). Trong các mẫu tự cổ Ai Cập không có phụ âm C và K dùng như C (xem Ngôn Ngữ Việt và Ngôn Ngữ Thế Giới). Việt ngữ cũng thấy rõ C do K, Kh như con chó là con cầy, theo Codès, người Quảng Trị, Quảng Bình gọi con cầy là con khai.

.Theo U = L.

Từ nguyên âm U qua:

Ủ (ngủ) = cổ ngữ Việt Lú là ngủ:

Gió mùa thu mẹ ru con lú

(câu hát cổ Miền Trung).

Lú hiện kim nghĩa u mê như lú lẫn như trong trạng thái mê ngủ.

.Theo U = M.

Từ nguyên âm U qua:

-U (phồng, sưng) = Mu: chỗ phồng lên như mù rùa.

-U (mẹ) = mụ: phái nữ có tuổi, mẹ: Thiên Mụ là Mẹ Trời [= mạ, má, mẹ, me, mệ (người nữ lớn tuổi, người nữ: mệ nàng), mị (người con gái đẹp), mợ (có vùng ở miền Bắc gọi cha mẹ là cậu mợ); em gái của mẹ].

.Theo U = N, NG, NGH, NH.

Từ nguyên âm U qua:

-U (mẹ) = Mường ngữ ngu là mẹ như Ngu Cơ = Âu Cơ = U Cơ.

-U (chỗ nhô lên, vú) = nhú: chỗ nhô ra như cái vú, Hán Việt nhũ là vú.

-Ú (uống, bú) = nút: bú, nút sữa, “nút lưỡi”.

= nuốt (ăn, uống) = nuốt: biến âm với nước,

con sứa thân toàn bằng nước nên có một tên là con nuốt = núc là nước như bếp núc.

.Theo U = P, ph xem B (Việt ngữ p=b).

.Theo U = Q

xem U = C= G = H= K= Q.

.Theo U = R, Th.

(Mường ngữ th = r Việt ngữ như thang = răng). Xem D

Từ nguyên âm U qua:

Ủ (ngủ) = Rũ. Rũ là ngủ thấy qua từ đôi ủ rũ. Theo r = l, rũ = lú (ngủ).

.Theo U = S, X.

Mường ngữ S, X = Việt ngữ th như sịt = thịt, sái = thái.

Từ nguyên âm U qua:

-U (sưng) = Sưng.

-U = Ưu = Sầu.

.Theo U = T, Th, Tr

Mường ngữ t, tl = Việt ngữ ch, tr như tí = chí, tlong = trong.

Từ nguyên âm U qua:

-Ú (uống) = Tu.

-U (vú) = tô (vú).

Mường ngữ tô là vú, Khả Lá Vàng tô cũng là vú (Bình Nguyên Lộc, NGMLCDTVN, tr. 640). Một vài tộc Tây nguyên có tô là vú như địa danh Dak To. Có Dak là đác là nát là nước, Tô là vú, Dak To là Nước Vú tức Sữa.

.Theo U = V.

Từ nguyên âm U qua:

-U (chỗ phồng sưng lên) = vú ( chỗ phồng, u lên ở ngực phái nữ).

-U (mẹ) = vú là mẹ, người nuôi con bằng sữa như bà vú, chị vú em.

– U (sưng) = vù là sưng như sưng vù cùng nghĩa với u.

-U (vú) = vụ: con quay có hình cái vú.

Như vậy ta thấy nguyên âm U sinh ra các phụ âm cùng nghĩa hay biến nghĩa. Và cứ như thế theo nhu cầu tiến hóa từ này đẻ ra từ kia, sinh sôi nẩy nở hoặc tự sinh sản hay vay mượn theo những dòng nghĩa qua biến âm, tạo ra ngôn ngữ Việt nói riêng và ngôn ngữ loài người nói chung. Ví dụ lúc còn là sơ sinh đứa trẻ được mẹ ủ ấm là nơi nương tựa trú thân, lớn thêm tách rời khỏi mẹ nhờ cái ổ (như ổ rơm) và về sau này là chỗ ở. Ủ, ổ, ở liên hệ với nhau qua biến âm.

Việt Ngữ U là một từ Tiền cổ-homosapiens

Theo Bùi Đức Tịnh “Việt ngữ có hầu hết tất cả âm vận của ngôn ngữ loài người” (tr. 188). Vậy ta hãy so sánh từ nguồn cội U của Việt ngữ và các ngôn ngữ khác xem sao. Nói một cách khác từ U của Việt ngữ là một từ trong nguồn cội của ngôn ngữ loài người, một từ tiền cổ homo sapiens.

1. Ấn-Âu ngữ

-Anh ngữ udder: vú (ngày nay chỉ vú có nhiều núm vú như vú bò cái) phát gốc từ Anh ngữ Trung cổ uddyr. Anglosaxon ngữ ùder, họ hàng với Hòa Lan ngữ uijer, Đức ngữ euter, Old High German ngữ ùtar, ùtiro, Latin uber, Phạn ngữ ùdhar. Tất cả có gốc u là vú như Việt ngữ.

-uterus (Anh, Pháp); dạ con, có một nghĩa là mẹ như Mường ngữ dạ là người đàn bà có con. Uterus có u- là mẹ.

-Phạn ngữ: uras, ruras-ja, uroja: vú phụ nữ có u là vú. Uma là vị nữ thần đầy quyền năng của Ấn Độ, vợ của Shiva, con của thần núi Himalaya có u là Mẹ. Đại Hàn ngữ uma cũng là mẹ. Uma ruột thịt với Việt ngữ U là mẹ. Lưu ý U Việt ngữ U là nguyên âm đơn mang tính gốc, cội nguồn còn Uma đã là dạng đa âm phức tạp có muộn.

-Phạn ngữ vaksshoja, vú đàn bà liên hệ với vaksas, vú cho ra vaca, vú, Pháp ngữ vache, bò sữa có va- = vú.

2. Chi Mã Lai Ngữ.

-Mã-Nam Dương ibu là mẹ, susu: sữa, vú.

-Cổ ngữ Java babu là mẹ, vú già.

2. Miến-Tạng ngữ.

Burma ngữ bu là mẹ.

4. Đông Quốc ngữ (Tungusic)

a- Nhật ngữ

-Uba là vú em, bà già, vú già, u già có gốc u.

-Cổ ngữ Nhật um- (‘give birth’) đẻ.

-Okasan là mẹ (biến âm u=o).

b-Ngôn ngữ Trung và Bắc Á châu.

-Tộc Yakut: udogan là bà đồng, nữ thầy pháp (shamaness, medicine woman) có u là mẹ. Cũng xin nhắc lại từ đồng của Việt ngữ là mẹ, đồng bóng là bóng mẹ (trời). Hán Việt bà đồng gọi là vu, ông đồng là hích. Vu rõ ràng liên hệ với vú, u là mẹ.

-Mông Cổ: buga, boga hay buge chỉ shamaness. Có bu là u.

5. Ainu ngữ.

Có nhà ngữ học cho Ainu (Hà Di) ngữ là một ngôn ngữ độc lập nên tôi xếp riêng ra.

-Unu hay unubu: mẹ, có u, bu là mẹ.

-eu: bố mẹ, rõ ràng e là cha, u là mẹ.

-Buchi, Fuchi là Mẹ Tổ nữ thần lửa, thần mặt trời có biểu tượng là ngọn núi cao mà người Nhật phiên âm thành Phú Sĩ.

6. Á-Phi ngữ.

-um là mẹ.

-uzza (Ả Rập Tiền-Hồi giáo): nữ thần.

7. Ngôn ngữ thổ dân Mỹ châu (Amerind).

-Mễ, tộc Huastec: usum ‘woman, wife’, đàn bà, vợ. Người chồng Việt cũng gọi vợ là u mày, bu mày.

-Penutian, California, tộc Miwok: ?osa: đàn bà.

8. Ngôn ngữ Úc châu.

-Tộc Wadjuk: bibi, vú đàn bà.

-Tộc Bayungu: pipi, mẹ.

Như thế ta thấy u, vú, bu của Việt ngữ liên hệ với tất cả ngôn ngữ năm châu bốn biển. Từ U Việt ngữ là một từ Tiền cổ-homosapiens.

Tóm Lược.

Theo tôi từ U của Việt ngữ là một từ nguồn cội của ngôn ngữ loài người. Có nhiều bằng chứng thuyết phục chứng minh rằng U là từ gốc cội của ngôn ngữ loài người.

-U nguyên thủy là một âm thanh, một tiếng kêu của loài động vật có phổi.

Ngôn ngữ loài người bắt nguồn từ tiếng kêu của loài đười.Tiếng kêu của loài thú, loài đười thường là một âm thanh đơn giản, một nguyên âm và như đã thấy âm ooh nhiều nhất. Ngôn ngữ loài người chuyển từ ngôn ngữ loài đười vậy cũng phải bắt nguồn từ một nguyên âm, nói chính xác hơn là âm u. Tiếng kêu u (a) khi lọt lòng mẹ của người Việt là một âm thanh đơn giản, một tiếng kêu, một nguyên âm y hệt tiếng ooh ở loài dã nhân chimpanzee.

-U là tiếng kêu của sự sống.

U (đi với a trong tiếng kêu chào đời u a) nguyên thủy ở trẻ sơ sinh chỉ là một âm thanh đơn thuần do hiện tượng sinh lý hít hơi vào phổi hay động tác bú “không khí”. Vì thế u là nguồn gốc của sự sống của con người. Không có u phổi không bung ra, không có hơi thở, không thành người được. U là nguồn cội của sự sống và của ngôn ngữ con người.

-U tiếng kêu chung của loài động vật tức của loài đười và trẻ sơ sinh.

U là do hiện tương sinh lý chung cho tất cả loài vật có phổi có thể tạo ra tiếng kêu. Vì thế u là tiếng kêu chung của loài thú, trẻ sơ sinh. Nói một cách khác u là gốc cội của ngôn ngữ nghĩa là tiếng kêu có thêm ý nghĩa vào.

-Tiếng kêu u, ngôn ngữ loài vật trở thành ngôn ngữ trẻ sơ sinh, trẻ thơ.

U là tiếng kêu nguyên thủy vô nghĩa của trẻ sơ sinh sau có những nghĩa căn bản bao trùm cả những nhu cầu vật chất và tâm cảm của trẻ sơ sinh và trẻ thơ, trở thành ngôn ngữ trẻ sơ sinh và trẻ thơ và rồi phát triển thành ngôn ngữ của người lớn, của ngôn ngữ trọn vẹn.

-U nguyên khởi là một từ “vô ngôn”. Ở loài thú và trẻ sơ sinh, theo bản năng sinh tồn, nhờ phản xạ bú (để sống), bằng xúc giác, bằng khứu giác, bằng những hướng động khác như hướng động sữa, hướng động vú… nó đã tiếp cận được nguồn sữa ở nơi mẹ. Khi mở mắt, thị giác giúp chúng thêm. Ở loài vật và trẻ sơ sinh chắc chắn nguồn sữa trở thành một biểu tượng “không lời” nhưng có đầy ý nghĩa “vô ngôn” đối với chúng. Chúng biết chỗ nguồn sữa có những đặc thù khác những nơi khác không cần nhờ tới ngôn ngữ. Cái nguồn sữa đó có hình dạng, có cảm giác và có ý nghĩa “vô ngôn” đặc biệt đối với chúng. Cái nguồn sữa đó u phồng căng đầy chất nước dinh dưỡng. Ở loài vật và trẻ sơ sinh chỗ u đó vẫn là “vô ngôn” nhưng ở trẻ thơ tự nó nhận ra hay “học hỏi” được, chỗ u phồng căng sữa trên ngực mẹ có thêm nghĩa của ngôn ngữ là cái u, cái vù, cái vú và rồi cái vú là cái bú, người có cái vú là u, là bu, là vú (mẹ)… Chỗ u có sữa “vô ngôn” như một biểu tượng, một “hình ngữ” trở thành một từ u “hữu ngôn” có nghĩa của ngôn ngữ Việt. Hiển nhiên từ u là một từ nguồn cội của ngôn ngữ Việt.

-Tại sao không là những nguyên âm khác như a (ă, â), e (ê), i, o (ô, ơ) mà là âm u? Có người thắc mắc là tiếng kêu khóc u, a còn được cho là oa oa, oe oe. Tại sao âm u là nguồn cội của ngôn ngữ loài người mà không là âm o, a hay âm e? Như đã thấy ở trên âm a là âm sau âm u, khi không khí bị tống ra tức thở ra. Không khí ùa váo tức là hít vào phát ra âm u trước, sau đó không khí tống ra tạo ra âm a. Âm a có sau âm u. Trong Việt ngữ a không phải là tiếng gọi mẹ. A không diễn tả đủ hết nghĩa của các nhu cầu căn bản của con thú và con người là ăn ngủ, bài tiết, ấp ủ lúc mới chào đời và sau này là thất tình. A sau này mang dương tính như dùng gọi cha (áng) và được diễn ta bằng hình mũi mác trong chữ nòng nọc và hình đầu bò có hai sừng trong mẫu tự alphabet. Ta thấy rất rõ hai tiếng kêu u a nguyên thủy là hai tiếng kêu sinh lý học, rồi trở thành hai từ u, a và chia ngôn ngữ Việt cũng như ngôn ngữ loài người ra hai dòng u mẹ và a cha, hai dòng âm dương. Tiếng kêu u sinh ra dòng ngôn ngữ mẹ và tiếng kêu a ra dòng ngôn ngữ cha. Ngôn ngữ Việt là ngôn ngữ âm dương, ngôn ngữ dịch nòng nọc.

Còn từ o? O mang âm tính còn u là dạng chuyển động mở ra của O. O là cái miệng dạng tĩnh còn

U là dạng miệng môi chuyển động trong động tác bú. Việt ngữ hiện kim o là mụ, cô… nhưng không có trọn vẹn nghĩa như u là vú. Tại sao không là e, là i? Tương tự e, i cũng không phải là mẹ và không chuyển chở hết ý nghĩa của nhu cầu căn bản của con người.

Như đã biết a, o, e, i, không là âm do động tác bú của môi miệng nên không có tính chất sinh lý học chung giữa loài vật và người như từ u. Có thể trong một ngôn ngữ loài người nào đó có những từ đơn âm a, e, o, i, có nghĩa là vú, mẹ và có thể diễn tả được trọn vẹn ý nghĩa của nhu cầu căn bản của con người như từ u của Việt Nam. Tôi đã tìm đọc trong mớ tài liệu hạn hẹp có trong tay nhưng không thấy có trong một ngôn ngữ nào cả. Giả dụ có đi nữa thì những tộc này cùng chia xẻ nguồn gốc ngôn ngữ với chúng ta. Có thể đã muộn vì các nguyên âm a, e, i có thể biến âm của O, U. Họ và chúng ta cùng ở cái gốc cái của ngôn ngữ loài người rồi sau đó tách riêng ra. Chúng là ngôn ngữ chị em ruột thịt với chúng ta. Các ngôn ngữ này bắt buộc phải có các từ, a, e, o, i có nghĩa căn bản của tù u Việt ngữ như có nghĩa là tiếng kêu sinh lý học, chỗ u lên tức cái vú, mẹ, sữa, nước. . . diễn tả được tứ khoái và thất tình.

-Ngôn ngữ Việt khởi thủy gồm những ngữ tố đơn vận, giản dị. “Khi bắt đầu tiếp xúc với văn hóa Trung Hoa, tổ tiên ta đã có một ngôn ngữ đặt câu xuôi và gồm những ngữ tố đơn vận, có ít nhiều thinh trầm bổng. Vào thời cổ lỗ ấy, có lẽ mỗi ngữ tố đơn vận đều có thể có giá trị như một tự ngữ. Hồi ấy, Việt ngữ đúng là một thứ tiếng đơn vận vậy” (Bùi Đức Tịnh, tr. 177). Tác giả Bùi Đức Tịnh cũng trích dẫn “Trong Bách Khoa Tự Điển của Pháp (Grande Encyclpédie, Inventaire Raisonné des Sciences, des Lettres et des Aarts) có viết “ Những thứ tiếng ấy, thấy hiển nhiên là giản dị hơn cả, khiếm khuyết hơn cả, thô sơ hơn cả các thứ tiếng đã được mệnh danh là ngôn ngữ đơn tự hay đúng hơn đơn âm” (tr. 80).

Những từ Việt đơn vận có thể coi là những gốc cho những từ đa vận trong các ngôn ngữ khác. Sự tiết hợp (articulation) của ngôn ngữ là một tiến trình tân tiến hóa của sự sinh tạo ra ngôn ngữ. Trong các từ mẹ có gốc u, bu của các tộc ngôn ngữ thế giới nêu trên hầu hết đầu là đa vận nghĩa là đã phức tạp, đã hoàn thiện, đã tân tiến không phải là cổ sơ, gốc tổ.

Việt ngữ là ngôn ngữ có từ u (mẹ, vú) là một đơn tố đơn giản nhất. U là chữ mẹ đơn giản nhất của ngôn ngữ loài người. U là thanh âm của hơi thở (vào) khởi đầu của sự sống lúc chào đời.

Từ U là hóa thân của tiếng kêu u thấy chung ở loài dã nhân và trẻ sơ sinh.

-Ngôn ngữ Việt là một ngôn ngữ tối cổ liên hệ với Phạn ngữ, Maya ngữ Đông Á châu, Maya ngữ Trung Mỹ, Úc ngữ, Châu Phi ngữ… những ngôn ngữ này được cho là những ngôn ngữ cổ nhất của loài người. Lời nói cuối cùng của Đức chúa Jesus cũng là bằng tiếng Việt cổ.

-Tiếng Việt có hiện tượng chữ câm, bao trùm tất cả các thanh âm, các mẫu tự, chuyển hóa được từ nguyên âm là nền móng của âm thanh, là tiếng kêu loài thú và ngôn ngữ trẻ sơ sinh, trẻ thơ sang phụ âm mang tính phức tạp hơn của ngôn ngữ người lớn. Tiếng Việt là nhịp cầu nối tiếp giữa tiếng kêu, ngôn ngữ loài vật qua ngôn ngữ loài người.

-Tiếng Việt có hiện tượng biến âm lịch sử cũng bao trùm tất cả các thanh âm, các mẫu tự, chuyển hóa được từ này qua từ khác, từ ngôn ngữ này qua ngôn ngữ khác như một mạng lưới ngôn ngữ nối kết tất cả ngôn ngữ loài người.

-Tiếng Việt có gốc chữ. Từ một gốc chính đẻ ra những gốc phụ nhờ vào các đặc tính vừa kể trên. Tiếng Việt có bao nhiêu dấu giọng, bao nhiêu thanh âm, vần vận thì có bấy nhiêu gốc chữ. Từ một gốc cái, mẹ đẻ ra các gốc con. Áp dụng vào từ gốc u ta thấy u đẻ ra các từ chỉ mẹ (bu, dú, dũ, mụ, tu, tô, vú); đẻ ra các từ nước (ú, ướt, núc, nước. . .) v. v…

-Tiếng Việt có hiện tượng lấp láy mà thành tố láy là những từ có trong các ngôn ngữ khác của loài người.

-Cuối cùng nếu chấp nhận ngôn ngữ loài người có cùng một gốc đười gọi là Tiếng Mẹ thì ngôn ngữ Việt là nguồn gốc hay mang chứng tích của nguồn gốc ngôn ngữ loài người là điều hợp lý.

-Cách đây hơn một thế kỷ một đại tá pháo binh hải quân người Pháp tên là Frey cũng đã từng viết tác phẩm L’Annamite, Mère Des Langues (Tiếng An Nam, Tiếng Mẹ Của Ngôn Ngữ ‘Loài Người’) (Hacchette, Paris, 1892). Mặc dầu tác phẩm của ông có nhiều khiếm khuyết chẳng hạn như ông không phải là người Việt nên không phân biệt được những từ thuần Việt và Hán Việt; khi so sánh Việt ngữ với các ngôn ngữ khác ông đã “suy diễn” quá đáng nhiều chỗ… nên công việc làm của ông bị quên lãng. Tuy nhiên phải cho ông một điểm son là ông đã cảm nhận thấy một điều là Việt ngữ có thể là “Mère Des Langues” và ông chỉ chưa thuyết phục được mọi người mà thôi.

Kết Luận.

Tóm gọn lại từ U căn bản chỉ là một âm thanh thiên nhiên, tự nhiên vô nghĩa do khí, gió tạo ra như gió thổi u u, tiếng hít hơi vào thấy tiếng ở loài vật có phổi như tiếng gió ùa vào phổi, tiếng thở đầu tiên của một con người. Rồi từ u trở thành tiếng kêu, ngôn ngữ loài vật, trở thành tiếng kêu, tiếng khóc, tiếng kêu-khóc, ngôn ngữ của trẻ sơ sinh. Âm u, từ U là cầu nối giữa ngôn ngữ loài đười và loài người. Ngôn ngữ của trẻ sơ sinh khởi sự từ tiếng hơi thở chào đời u (a), từ cái chỗ u phồng nguồn sữa của mẹ, từ cái vú mẹ, từ vú, từ u (có nghĩa là me). Cuối cùng u trở thành ngôn ngữ trẻ thơ và người lớn. Ngôn ngữ loài người khỏi sự từ một tiếng U, một âm U, một từ U, một từ Mẹ trong ngôn ngữ Việt. U LÀ TIẾNG MẸ (MOTHER TONGUE) CỦA LOÀI NGƯỜI. Không một ngôn ngữ nào khác của loài người có một nguyên âm U, một từ U huyền diệu như âm U, từ U của Việt ngữ. Hiển nhiên qua từ U và những đặc tính khác như đã thấy, Việt ngữ có thể là nguồn gốc của ngôn ngữ loài người hay nói một cách nhún nhường, dè dặt hơn là Việt ngữ có những địa khai ngôn ngữ (“language fossil”) của nguồn gốc ngôn ngữ loài người.

Ôi! U, một thanh âm tuyệt vời, một tiếng kêu, một tiếng gọi, một từ huyền diệu. U là Mẹ, là Tiếng Mẹ Huyền Diệu của Ngôn Ngữ Loài Người, là Nguồn Gốc của Ngôn Ngữ Loài Người.