Đặng Thế Phong là một nghệ sĩ khá đặc biệt của làng tân nhạc Việt Nam vào khoảng giữa thế kỷ XX. Sự nghiệp âm nhạc của ông chỉ vỏn vẹn có ba nhạc phẩm nhưng cả ba đều rất nổi tiếng, được nhiều thế hệ hâm mộ. Đó là bản Đêm thu; ca khúc viết cho lửa trại của học sinh Hà Nội năm 1940; Con thuyền không bến được sáng tác tại Campuchia và  trình diễn lần đầu tại rạp Olympia, Hà Nội năm 1941, bản cuối cùng là Giọt mưa thu sáng tác năm 1942. Giọt mưa thu được Đặng Thế Phong viết vào những ngày cuối đời trên giường bệnh. Ban đầu, bản nhạc mang tên là Vạn cổ sầu, nhưng theo gợi ý một vài người bạn, nhạc sĩ đặt lại tựa là Giọt mưa thu. Cả ba ca khúc đều viết về mùa thu và hai trong số đó; Con thuyền không bến Giọt mưa thu được xếp vào những tác phẩm bất hủ của tân nhạc Việt Nam ở thập niên 40-50 của thế kỷ trước.

Đặng Thế Phong - sống và chết trước khi thời cơ đến (phần 2) - Quê hương ta nhớ

Đặng Thế Phong có một tiểu sử đầy gian nan, có lẽ vì thế mà khi xuất bản nhạc phẩm Con thuyền không bến (1964), nhà xuất bản Tinh Hoa Miền Nam đã giới thiệu:

Đặng Thế Phong sinh năm 1918, thứ nam của cụ Đặng Hiển Thể, Thông phán Sở Trước bạ thành phố Nam Định, là con thứ hai của một gia đình có sáu anh em, hai trai bốn gái. Cha mất sớm, gia đình thiếu thốn, anh phải bỏ dở học vấn khi đang học lớp 2ème année P.S. Anh có lên Hà Nội theo học trường Cao đẳng Mỹ thuật với tư cách bàng thính viên. Anh vẽ tranh cho báo Học Sinh (chủ bút là Phạm Cao Củng) như truyện bằng tranh Hoàng Tử Sọ Dừa, Giặc Cờ Đen để lấy tiền ăn học. Mùa xuân năm 1941 anh có đi Sài Gòn rồi Nam Vang. Ở Nam Vang anh có mở một lớp dạy nhạc. Đến mùa thu 1941 anh lại trở về Hà Nội. Lúc sinh thờ,i Đặng Thế Phong là một nhạc sĩ rất nghèo nên cuộc sống của anh thật là khổ cực, chật vật. Ngoài tài sáng tác, anh còn là một ca sĩ, tuy chưa hẳn được là ténor nhưng giọng hát khá cao, đã nhiều lần ra sân khấu mà lần đầu tiên anh hát bài Con thuyền không bến tại Rạp chiếu bóng Olympia, phố Hàng Da, Hà Nội năm 1940. Đến đầu 1942 thì anh từ giã cõi đời tại nhà, trên một căn gác hẹp ở phố Hàng Đồng vì bệnh lao, hưởng dương 24 tuổi.”

Theo nhạc sĩ  Phạm Duy, các sáng tác của Đặng Thế Phong là những bài hát khởi đầu cho dòng “nhạc thu” Việt Nam, được tiếp nối xuất sắc bởi Văn Cao và Đoàn Chuẩn. Theo nhạc sĩ Doãn Mẫn thì Đặng Thế Phong và Lê Thương là hai nhạc sĩ tiền chiến có sáng tác sâu đậm hồn dân tộc nhất: “Đặng Thế Phong là người hết sức tài hoa, anh chơi được rất nhiều nhạc cụ. Anh sáng tác Giọt mưa thu, Con thuyền không bến từ khi còn rất trẻ. Đáng tiếc, anh mất quá sớm. Có thể nói sự ra đi của anh là một tổn thất lớn đối với bạn bè và cho cả những người yêu mến âm nhạc Việt Nam.”

Trong một bài viết đăng trên một đặc san văn nghẹ ở hải ngoại, một người con của nhà văn Nhất Linh; ông Nguyễn Tường Thiết cho biết: Đặng Thế Phong thuở nhỏ có gương mặt rất khả ái, môi đỏ như son, ngay từ tuổi niên thiếu đã nổi tiếng nhờ có một giọng hát khá hay và là tay chơi guitare có tiếng đàn đầy xúc cảm.               

Trong phần tiểu sử của ông, nhà xuất bản Tinh Hoa Miền Nam cho biết lúc đang học tại trường trung học Paul Doumer, vì hoàn cảnh khó khăn nên Đặng Thế Phong đã phải thôi học, lên Hà Nội vừa dạy học tự kiếm sống, vừa học thêm về âm nhạc. Nhạc sĩ còn ghi tên theo học dự thính ở Trường Mỹ thuật. Tháng 5 năm 1939, Đặng Thế Phong cộng tác với tờ báo Học Sinh; (một phụ trương của tờ Tiểu Thuyết Nhật Báo) dành cho thanh thiếu niên do nhà văn Phạm Cao Củng sáng lập. Tên của nhạc sĩ xuất hiện trong số báo đầu tiên trong mục quảng cáo với những dòng chữ: “Những bài hát của nhạc sĩ trẻ tuổi Đặng Thế Phong đặt ra riêng cho các em nhỏ học sinh.” Ông đã sáng tác để đăng trên báo vài ca khúc dành cho lứa tuổi học sinh như Sáng trăng, Sáng trong rừng.

Công việc chính của Đặng Thế Phong ở tòa soạn là vẽ tranh minh họa cho những truyện tranh nhiều kỳ, đồng thời phụ trách đội văn nghệ của tờ báo. Từ tháng 9/ 1939, các tranh vẽ của ông xuất hiện trên báo với nhiều bút danh khác nhau như Phg, Levent (tiếng Pháp là cơn gió – tức phong), thephong, Tổng Phệ, Khải Phong. Ông vẽ minh họa cho các truyện tranh nhiều kỳ như Giặc Cờ đen, Tấm Cám, và Cảnh Lâm- Hồ Sám (một chuyện mạo hiểm như Tarzan). Từ tháng 6 /1940  các truyện tranh được ông ký tên là Bình Phong.  Cũng trong thời gian này, ông sáng tác ca khúc Đêm thu và tự mình vừa hát vừa đệm trong một đêm biểu diễn tại rạp Olympia ở phố Hàng Da, Hà Nội. Bài hát được đông đảo người xem tán thưởng.

Nhưng rồi chỉ được một thời gian ngắn, đầu năm 1941, Đặng Thế Phong cùng với người chú là Đặng Trường Thọ lên đường vào Sài Gòn, trước để tìm kế mưu sinh, sau cũng phần nào để thỏachí tang bồng. Hai người đi sang tận Phnômpênh, Campuchia làm ăn. Trôi dạt tại xứ người, nhạc sĩ đã vẽ và dạy nhạc cật lực nhưng cũng chỉ đủ sống qua ngày. Ngày tháng lênh đênh và nỗi buồn đã thành nguồn cảm xúc để Đặng Thế Phong viết nhạc phẩm Con thuyền không bến; một ca khúc bất hủ với giai điệu thật buồn thương và cũng thật huyền diệu:

Đêm nay thu sang cùng heo may

Đêm nay sương lam mờ chân mây

Thuyền ai lờ lững trôi xuôi dòng

Như nhớ thương ai chùng tơ lòng…

Cuối năm 1941, gần như kiệt sức trong cuộc mưu sinh ở nơi xa xứ, hai chú cháu Đặng Thế Phong trở về quê nhà mà trong túi không còn một đồng. Đau thương hơn, nhạc sĩ đã nhuốm phải bệnh lao phổi; một căn bệnh nan y thời đó. Thời điểm này, ca khúc Con thuyền không bến đã được phổ biến khá rộng rãi, nhưng đến đầu năm 1942, khi bản nhạc được công diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội thì tên tuổi của ông mới thực sự nổi tiếng trong công chúng yêu mến tân nhạc. Đó là quảng thời gian  mà ở đâu người ta cũng nhắc tới bài hát mượt mà này.

Tuy nhiên, thật oái ăm, cũng thời gian đó, bệnh tình của ông ngày càng trở nặng hơn. Người vợ chưa cưới của ông đã đưa ông đến dưỡng bệnh ở Trại hoa Ngọc Hà. Với xúc cảm xuất thần, nhạc sĩ viết nên tác phẩm quan trọng của cuộc đời mình, đó là ca khúc Vạn cổ sầu, giai điệu sáng trong như nước mắt tuổi trẻ, đẹp mà thắt lòng:

Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi

Trời lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi

Nghe gió thoảng mơ hồ trong mưa thu

Ai khóc ai than hờ !

Theo gợi ý của một vài người bạn thân, Đặng Thế Phong đã đổi tên bài hát thành Giọt mưa thu. Cũng như Con thuyền không bến, Giọt mưa thu nhanh chóng được mọi người yêu mến, trân trọng. Trên nhiều miền đất nước, công chúng yêu thích âm nhạc đều ca tụng bài ca này. Một số báo chí bấy giờ đã viết về Đặng Thế Phong là một tài năng lớn. Báo Trung Bắc chủ nhật  gọi ông “là Mozart của Việt Nam”, và ghi nhận nhạc sĩ là hiện tượng vinh quang không đợi tuổi!

Đúng vào thời gian những “đứa con tinh thần” của mình được công chúng nồng nhiệt tán dương nhất thì cũng là lúc nhạc sĩ được đưa vào Nhà thương Cống Vọng để tiếp tục điều trị bệnh. Nhưng do bệnh tình ngày càng trầm trọng nên ông đã không qua khỏi. Khi tự biết mình sắp phải từ giã cõi đời, Đặng Thế Phong đã nói với Bạch Yến; người vợ chưa cưới của ông rằng, xin được gặp lại nàng ở kiếp sau! Lần cuối, Đặng Thế Phong gắng gượng chơi Khúc nhạc chiều của Franz Schubert, được mấy câu rồi loạng choạng buông rơi cây đàn, nằm vật xuống. Đó là ngày mùng 2 tháng Tám năm Nhâm Ngọ (1942), lúc đó, Đặng Thế Phong chỉ mới 25 tuổi !

Gần đây, trên trang thông tin điện tử British Broadcasting Corporation ngày 1//3/ 2017 có bài viết của ông Jason Gibbs; một giảng sư  âm nhạc người Anh, và là người chuyên nghiên cứu lịch sử âm nhạc Việt Nam, tác giả bài viết cho biết: Ngày mồng 3 tháng 9 năm 1946, vài tháng trước khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tổ chức một buổi nhạc “để tiếp đón thính giả ngoại quốc.” Buổi biểu diễn này có vai trò về mặt ngoại giao; các vị lãnh sự các nước  Anh, Mỹ, Trung Quốc và một số sĩ quan Pháp đều đến nghe. Mục đích của buổi biểu diễn này là trình bày nét tinh hoa của nền âm nhạc Việt Nam nhằm nâng cao vị thế của  đất nước. Chương trình của buổi biểu diễn được chia ra thành ba phần: Phần thứ nhất là nhạc truyền thống Việt Nam (Ca Huế). Trong phần thứ hai do một dàn nhạc biểu diễn nhạc cổ điển Tây phương, trình bày vài thể loại nhạc quen thuộc nước ngoài để chứng tỏ người Việt có khả năng chơi nhạc cổ điển và am hiểu các thể loại nhạc quốc tế mà bấy giờ, được coi như là đỉnh cao của âm nhạc nhân loại. Phần thứ ba là phần trình này ba ca khúc do tác giả người Việt sáng tác. Dưới sự điều khiển của Đinh Ngọc Liên, ban nhạc Vệ Quốc Đoàn và giọng hát của vợ ông là nghệ sĩ Bùi Thị Thái, khán giả  nước ngoài được thưởng thức ca khúc Thiên thai của Văn Cao và hai bài ca bất hủ của Đặng Thế Phong: Giọt mưa thu Con thuyền không bến…