Joel Nsadha là nhiếp ảnh gia đoạt giải Nhất, hạng mục về Con người của tạp chí uy tín National Geography năm 2015. Ông sinh ra ở Jinja, Uganda, một thị trấn nhỏ bên bờ sông Nin. Ông dành 10 năm chụp ảnh tư liệu cho các dự án phi chính phủ và ảnh thương mại cho các công ty quảng cảo. Hiện tại ông sống ở New York, theo đuổi đam mê nhiếp ảnh du lịch, đường phố, lưu giữ lại khoảnh khắc của con người ở những nơi mà ông đến. Các tác phẩm của ông được chụp bằng cả máy số và máy ảnh phim, nhận được nhiều giải thưởng từ các tạp chí uy tín ở Châu Phi, Đức và đặc biệt là giải thưởng từ National Geography. Ông cũng có những triển lãm khắp nơi trên thế giới.

Đó là lí do IDesign muốn mang đến những chia sẻ của Joel về việc làm sao trở thành một chuyên gia nhiếp ảnh đường phố dành cho những bạn có niềm yêu thích thể loại này.

Joel Nsadha

Làm cách nào để tôi trở thành chuyên gia nhiếp ảnh đường phố?

Nhiếp ảnh đường phố đã tồn tại được một thời gian dài. Khi bạn nhìn vào những tác phẩm của các nhiếp ảnh gia đường phố huyền thoại như Henry Cartier-Bresson và Whittner Fabrice, bạn sẽ nhận ra rằng họ có những điểm chung phổ biến. Các nguyên tắc nghệ thuật họ dùng để chụp hình rất tương đồng nhau nhưng được sử dụng theo cách riêng của họ. Có một số bài học quan trọng trong nhiếp ảnh đường phố mà ta có thể học hỏi từ những nhiếp ảnh gia này khi xem tác phẩm của họ. Tôi sẽ nói về những yếu tố này, thứ sẽ giúp ích cho niềm đam mê nhiếp ảnh đường phố của bạn.

Làm cách nào để có thể mạnh dạn như một nhiếp ảnh gia thực thụ?

“Làm cách nào để bạn tiếp cận những người này để chụp hình họ?”, đây có lẽ là câu hỏi phổ biến tôi nhận được từ những người mới bắt đầu với nhiếp ảnh. Câu trả lời của tôi luôn là “Con người luôn thân thiện hơn những gì bạn nghĩ”. Đừng ngần ngại lưu giữ lại bất kì khoảnh khắc đáng giá nào xứng đáng được lưu lại. Khi bạn thấy điều gì đó, hãy chụp lại và rồi di chuyển lại gần và tiếp tục chụp cho đến khi bạn cảm thấy khoảng cách đã đủ cho bạn.

Thực hành nhiều sẽ giúp bạn hoàn hảo hơn.

Đây là điều quan trọng nhất trong bất kỳ lời khuyên nào tôi có thể đưa ra về nhiếp ảnh đường phố. Khi tôi bắt đầu với nhiếp ảnh đường phố, tôi có thể bắt đầu rời khỏi nhà lúc 7 giờ sáng và đi vòng vòng chụp hình bất cứ thứ gì tôi đi ngang qua. Cùng nhờ việc tôi không có cái máy ảnh riêng, nên mỗi khi tôi chạm được cái máy ảnh nào là tôi lại chụp như điên. Càng đi ra ngoài và chụp nhiều, bạn sẽ càng dễ tìm ra được phong cách của riêng mình.

Thực hành với nhiều đối tượng xung quanh như mái vòm hay cửa sổ để làm khung hình cho bức hình của bạn. Thử nghiệm các góc máy thấp, cao với những phối cảnh khác nhau, thậm chí có thể đặt máy ảnh của bạn xuống đường.

Làm sao để đặt ra một mục tiêu thực tế như nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp?

Là một nhiếp ảnh gia, bạn có thể tự đặt ra mục tiêu để theo đuổi trong một khoảng thời gian ngắn nào đó. Mục tiêu duy nhất của tôi là mỗi khi bước ra đường hằng ngày, tôi có thể về nhà với một bức ảnh ưng ý. Một khoảnh khắc hoàn hảo khiến tôi phải “wow”. Một bức ảnh khiến người xem thắc mắc “bạn đã chụp nó như thế nào?”, mục tiêu là chụp được một bức ảnh tuyệt vời. Càng thực hành nhiều, mỗi lần về nhà tôi lại có thêm nhiều bức ảnh tuyệt vời. Nếu bạn dở việc tính toán như tôi khi đó có thể suy nghĩ của bạn sẽ giống tôi, vào cuối năm, bạn sẽ có 1 gia tài ảnh đồ sộ.

Sử dụng cái yếu tố nghệ thuật trong nhiếp ảnh.

Đó là những yếu tố thị giác về màu sắc, hình dáng, đường, điểm, không gian, chất liệu và thông số. Chúng được áp dụng vào nhiếp ảnh hệt như cách dùng với hội họa. Những yếu tố này sẽ giúp cho bức ảnh của bạn trông nghệ thuật hơn. Nó có thể tìm thấy khắp nơi xung quanh khi bạn thực hành việc chụp hình, quan trọng là bạn phải thử nghiệm và tìm ra chúng.

Tôi sẽ viết riêng một bài khác để hướng dẫn cách sử dụng các yếu tố nghệ thuật vào nhiếp ảnh. (IDesign cũng sẽ dự kiến dịch bài này, hy vọng các bạn hứng thú)

Làm cách nào để tôi nắm bắt được khoảnh khắc?

Cái ý tưởng đằng sau của nhiếp ảnh đường phố đó là những con phố là bức tranh của bạn. Cứ mỗi giây trôi qua, có hàng ngàn khoảnh khắc xảy ra cần được lưu giữ lại. Hãy nghĩ về mọi thứ đang xảy ra và tập cách nắm bắt chúng. Việc lưu giữ một khoảnh khắc ở đúng thời điểm nó tuyệt vời nhất là một việc bạn cần phải dự đoán trước, một kỹ năng bạn cần phải thử và nhận phải thất bại nhiều lần. Khi tôi thấy một người dừng lại và chào một người bạn, tôi sẽ bắt đầu chụp, có nghĩa là tôi sẽ chụp cho đến khi nào đạt được khoảnh khắc tốt nhất.

Tôi luôn chụp trước khi có gì đó gây được sự chú ý. Một cái dây đeo cổ tay là thứ tuyệt vời, nó sẽ giúp bạn giữ chiếc máy ảnh của mình mà ko cần phải quá chú tâm giữ nó. Những thứ trông có vẻ bình thường đều có thể trở thành một khoảnh khắc tuyệt diệu; ai đó đang cố gắng khỏi động chiếc xe máy của anh ta, người phục vụ đang hút thuốc bên ngoài vào giờ nghỉ,… Nếu bạn yêu thích việc chụp hình mọi người, thì không có nơi nào tuyệt vời hơn những con đường nơi mọi người đang làm công việc của họ. Những nơi công cộng như công viên, nơi mọi người mải mê với việc của họ cũng là một địa điểm lý tưởng.

Làm sao để sử dụng ánh sáng trong nhiếp ảnh đường phố?

Bất kể bạn có là nhiếp ảnh gia chân dung hay đường phố thì cách sử dụng ánh sáng đều tương tự nhau. Khi ánh sáng mạnh nó sẽ cho những vùng tối rõ nét và khi ánh sáng yếu thì bóng sẽ dịu hơn. Ánh sáng cũng có nhiệt độ màu thay đổi trong ngày. Sáng sớm hay chiều tà cho màu sắc ấm hơn, khiến cho làn da có tông ấm. Giữa ngày có ánh sáng xanh làm cho mọi thứ trông lạnh hơn. Tôi đặc biệt thích chụp vào buổi sáng hoặc lúc chiều tà vì lúc đó ánh sáng khiến mọi thứ trông ấm áp. Những ngày nhiều mây sẽ cho ánh sáng khuếch tán, và khoảng thời gian mà mặt trời đã lặn và đường phố lên đèn cũng khá thú vị.

Tới gần hơn

Nếu bạn không sợ việc bạn tiếp cận quá gần thì có lẽ bạn chưa đủ gần. Nó có nghĩa là hãy luôn zoom bằng chính đôi chân của bạn, trừ những trường hợp không thể thì mới dùng ống kính zoom. Tôi nghiệm ra rằng khi chụp con người, bức ảnh đẹp nhất là bức ảnh được chụp cận cảnh đến mức tôi có cảm giác tôi đã xâm chiếm không gian riêng tư của họ. Bạn có thể tiếp cận đủ gần mà không khiến người khác sợ hãi. Bất kể bạn chụp chân dung ở nhà hay bên ngoài, với một chiếc DSLR hay iphone 7, việc bạn luôn muốn đó là tiếp cận đối tượng càng gần càng tốt. Hãy thực hành chụp chân dung ở nhà càng nhiều càng tốt nếu bạn có ai đó làm mẫu cho mình.

Làm cách nào để hỏi chụp hình một người không quen biết?

Khi tương tác với những người trên phố, sẽ tốt hơn nếu bạn xin phép chụp hình họ khi bạn thấy được điều gì đó có thể tạo nên một bức ảnh đẹp. Khi tôi thấy những người vơi bộ đồ thú vị, hình xăm, kính mát hay nón, tôi luôn dừng lại hỏi xin được chụp ảnh họ. Phần lớn họ từ chối nhưng vẫn có những người đồng ý. Luôn nhớ rằng mọi người sẽ vui vẻ ủng hộ bạn hơn khi được hỏi xin chụp hình trước khi bạn chụp hình họ.

Thiết bị

Dù bạn có chụp bằng máy kỹ thuật số hay máy ảnh phim, thì chiếc máy ảnh của bạn vẫn sẽ làm tốt những gì bạn cần. Bạn sẽ lưu giữ khoảnh khắc đẹp với nó nếu bạn tập trung vào việc nắm bắt đúng thời điểm. Tôi sẽ không đi vào việc bạn nên chọn chiếc máy nào để chụp đường phố bởi vì đó là quan điểm cá nhân mỗi người. Tôi không cảm thấy phiền khi xuống phố cả ngày với chiếc máy ảnh to như Canon 5D mark III. Những người thích sự nhỏ gọn thường thích những chiếc Sony Alpha hay Fuji XT1, XT2.

Với nhiếp ảnh đường phố, những chiếc iPhone 7, iPhone X, Samsung Galaxy Note 8 hay S7 cũng có thể trở nên tuyệt vời. Có khá nhiều bức ảnh tôi chụp đăng trên instagram được chụp bằng iPhone.

Những chiếc máy ảnh phim cũng hết sức tuyệt vời. Tôi dùng Pentax K1000 một chiếc máy phim dễ tìm và có giá khá rẻ.

Với những người thích những chiếc máy medium format, thì Fuji GW690 III là một sự lựa chọn rất tốt. Chất lượng tuyệt hảo và dễ cầm vì có hình dáng giống những chiếc DSLR.

Tôi cũng thích những dây đeo cổ tay.

Tôi hy vọng bạn có thể tìm thấy những lời khuyên hữu ích và áp dụng chúng cho niềm đam mê nhiếp ảnh đường phố của bạn theo cách riêng của mình. Rất vui nếu nhận được những chia sẻ của các bạn.

Nguồn: Joel Nsadha Photography